Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

Libya trở thành trung tâm chiến tranh quốc tế

Cuộc xung đột ở Libya kéo dài cả tháng qua đã trở thành một cuộc chiến quốc tế kể từ khi tàu chiến Anh và Mỹ bắt đầu bắn 110 tên lửa Tomahawk vào 20 mục tiêu quân sự ở nước này.
Hành động can thiệp quân sự ban đầu có vẻ như để ngăn chặn quân đội của Muammar Gaddafi không gây tổn thất thêm cho lực lương nổi dậy và dân thường Libya. Nhưng hậu quả của hành động ấy bắt đầu nổi lên khi rõ ràng nó là sự khởi động cho một chiến dịch “hất cẳng” Gaddafi ở đông Libya, và cuối cùng là xóa bỏ quyền lực của ông sau gần 42 năm. Nó cũng có thể trở thành một cuộc chiến kéo dài và hỗn loạn, làm phức tạp thêm những bất ổn hiện có ở Trung Đông.

Khi quan chức Mỹ, châu Âu và Ảrập gặp nhau tại Paris để bàn cách phối hợp chiến lược quân sự, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã nói với báo chí rằng, Gaddafi đã “hoàn toàn phớt lờ cảnh báo dừng cuộc chiến chống lại quân nổi dậy. Ở Libya, người dân yêu chuộng hòa bình không yêu cầu nào khác ngoài quyền tự chọn lựa vận mệnh của mình đang gặp nguy hiểm”, Sarkozy nói. “Và bổn phận của chúng ta là đáp lại lời khẩn khoản khốn khổ của họ”. Một giờ sau phát biểu của ông, các máy bay Pháp đã báo cáo khai hỏa nhằm vào bốn xe quân sự của Libya.
Kết thúc một ngày căng thẳng, Gaddafi xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia lúc nửa đêm, thề “mở kho vũ khí” trang bị cho tất cả dân thường để bảo vệ đất nước. Ông cũng cảnh báo “kể từ bây giờ, các lợi ích phương Tây sẽ là mục tiêu”. Ông không đề cập tới những lợi ích cụ thể. Có một số công ty dầu khí lớn nhất của phương Tây hoạt động ở Libya.
Sau cuộc họp với quan chức Ảrập và châu Âu tại Paris, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói với báo chí rằng, quân đội Mỹ sẽ không triển khai tới Libya nhưng sẽ đóng góp các tài sản quân sự cho liên minh. "Hành động gây hấn từ các lực lượng của Gaddafi vẫn tiếp tục diễn ra ở khắp nơi tại Libya”, bà nói. “Chúng ta không thấy nỗ lực thực sự nào bên phía Gaddafi để thực hiện lệnh ngừng bắn.
CNN thông tin rằng, các máy bay do thám AWACS của Mỹ đã sẵn sàng.
Một tháng kể từ khi lực lượng an ninh Libya bắn vào người biểu tình ở thành phố lớn thứ hai của nước này là Benghazi, giờ đây, Libya đã trở thành trung tâm của thứ có thể gọi là chiến tranh quốc tế. Đây là điều có vẻ không hợp lý kể từ khi cuộc nổi dậy xảy ra. Quân nổi dậy với trang thiết bị nghèo nàn, huấn luyện sơ sài tại Benghazi, đã nếm trải nhiều thất bại trong suốt hai tuần qua. Cho tới hôm thứ Năm, tình trạng vẫn tương tự. Sau đó, Hội đồng Bảo an LHQ đã quyết định áp đặt vùng cấm bay tại Libya và cho phép “mọi biện pháp cần thiết” để ngăn chặn quân đội của Gaddafi tấn công quân nổi dậy- nghĩa là các lực lượng quân sự phương Tây có thể thực hiện không kích nhằm vào xe tăng, quân đội Libya nếu Gaddafi ra lệnh cho họ áp sát căn cứ của quân nổi dậy tại Benghazi.
Dẫn đầu là Anh và Pháp, được Mỹ hỗ trợ, cuộc bỏ phiếu của LHQ diễn ra sau năm ngày khi Liên đoàn Ảrập bỏ phiếu tán thành vùng cấm bay. Động thái của Liên đoàn Ảrập “là sự thay đổi ngoại giao đáng kể”, bà Clinton hôm qua (19/3) nói với báo chí. Các quan chức từ Iraq, Jordan, Qatar và các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất đã tham dự cuộc họp tại Paris, cho dù chưa rõ là lực lượng của họ có tham gia sứ mệnh không kích hay do thám.
Tuy nhiên, Gaddfi đã bác bỏ sự ủng hộ của Ảrập về chiến dịch chống lại Libya. Trong tuần qua, ông liên tiếp cáo buộc phương Tây cố gắng chiếm giữ Libya, nhằm kiểm soát trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của nước này. "Ai cho các người quyền can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi?”, ông viết trong bức thư gửi tới Tổng thống Pháp Sarkozy, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thư ký LHQ Ban ki-Moon. “Các người sẽ hối hận vì việc này”.
Trên thực tế, trong khi quan điểm chung ở thế giới Ảrập hiện nay là ủng hộ vùng cấm bay, thì mọi sự lập tức có thể thay đổi nhanh chóng khi những người dân thường Libya đầu tiên thiệt mạng vì không quân phương Tây.
Hôm thứ Sáu, Gaddafi tuyên bố ngừng bắn lập tức. Đây dường như là nỗ lực ngăn chặn sự can thiệp quân sự quốc tế. Hôm qua, một máy bay chiến đấu – mà quân nổi dậy tuyên bố là của mình – đã nổ tung trên bầu trời gần Benghazi, khi bị tên lửa bắn hạ. Quân nổi dậy tin là do tên lửa của quân đội chính quyền. Rất nhiều người dân tại Benghazi đã tìm cách ra khỏi thành phố trong hôm qua khi bị thức dậy bởi vô số tiếng nổ và súng bắn tự động.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói với báo chí tại Thủ đô Brasilia của Brazil rằng “sử dụng vũ lực không phải là chọn lựa đầu tiên của chúng tôi” nhưng ông “không thể đứng yên” trong khi Gaddafi tấn công quân nổi dậy. Không lâu trước đó, ông Cameron tuyên bố trên BBC rằng, Gaddafi "tiếp tục tàn sát dân thường” và nhấn mạnh “chúng tôi phải ngăn ông ta lại”.
Tuy nhiên, đường tới vũng lầy thường được lát bằng những mục đích tốt. Khi mặt trời lặn tại Libya hôm qua, chưa rõ là liên quân mới có thể ngăn chặn nổi cuộc nội chiến ở nước này hay cuộc chiến ấy sẽ kéo dài bao lâu, phí tổn thế nào. Tướng Mỹ về hưu Wesley Clark – người giám sát chiến dịch Bosnia vào những năm 1990 khi đảm nhận chức vụ chỉ huy quân sự NATO, nói trên CNN rằng, một liên minh mới về Libya giờ đây “đang trượt trên sườn dốc của sự can thiệp”. Ông khẳng định: “Một khi bắt đầu việc này, bạn phải kết thúc nó”. Buổi chiều thứ Bảy là sự bắt đầu…
Thái An (Theo TIME)
Ảnh: Dailymail

Không có nhận xét nào: