Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

'Thương chồng nên vợ mới chê'

Phiên thảo luận cuối cùng về tình hình kinh tế - xã hội tại QH chiều 26/3, Chính phủ đã nghe được khá nhiều lời chê từ những ĐB sẽ không còn góp mặt ở QH khoá tới.

Thông tin về điện hạt nhân để yên dân
Nhắc đến sự kiện thảm hoạ vừa xảy ra với Nhật Bản, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) chỉ ra 3 bài học lớn: dịch vụ công tốt có thể đảm bảo cuộc sống cho người dân lánh nạn đồng thời thể hiện sự quan tâm của Chính phủ với dân, văn hóa cao và quan trọng nhất là sự chuẩn bị kỹ lưỡng để sống chung với động đất, sóng thần.
Liên hệ với hoàn cảnh nước ta - thường xuyên có rét đậm, rét hại và bão lũ, lụt lội hàng năm, ông Thuyết thấy buồn vì "công tác chuẩn bị của ta vẫn chưa được nghiên cứu nghiêm túc".
Ông mong các cơ quan chức năng rút kinh nghiệm từ dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất mà tiến hành điều tra cẩn thận. Vì không thể lường hết được mức độ tàn phá của thiên nhiên, ông Thuyết lo "đến lúc hối không kịp".
ĐB Nguyễn Minh Thuyết: Nhiều cử tri đã gọi điện và đặt cho tôi "những câu hỏi khó trả lời". Ảnh: Lê Anh Dũng

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng chung những băn khoăn lo lắng đó: "Chính phủ đã rất năng động, kịp thời trong ứng biến với nhiều tình hình cấp bách, song trong một số trường hợp, tầm nhìn còn khá chủ quan".
Bằng chứng là khi có những sự cố xảy ra ở Nhật Bản liên quan đến độ an toàn của các nhà máy điện nguyên tử, phản ứng của nhiều nước có kinh nghiệm và tiềm lực hạt nhân đều rất thận trọng và khôn ngoan, thì phát biểu của các cán bộ có trách nhiệm về điện nguyên tử trong Chính phủ đều khá chủ quan. "Sự chủ quan đó không những không trấn an được dân mà còn khiến họ lo lắng thêm", ông Quốc nói.
ĐBQH của tỉnh Ninh Thuận, Đàm Thị Mỹ Hương, cũng phải chỉ ra: "Tôi là ĐB của tỉnh, sống ở đó, thế mà khi cử tri hỏi về tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh mình, tôi cũng không có đủ thông tin để trả lời".
Bà Hương yêu cầu đại diện Chính phủ trả lời ngay trong phiên họp về dự án này vì "cần có những thông tin chính thống từ Chính phủ để cả người dân và ĐBQH yên lòng". Song yêu cầu này đã không được thực hiện trong phiên họp chiều 26/3.
Vẫn muốn làm rõ trách nhiệm
Mở đầu phần phát biểu của mình, ĐB Nguyễn Minh Thuyết nói vui: "Ở đời có 2 đối tượng dễ bị chê một cách nghiêm khắc: chồng bị vợ chê và Chính phủ bị QH chê. Thương chồng, muốn chồng tốt nên vợ mới chê, QH cũng vì muốn Chính phủ tốt nên mới chê Chính phủ. Ở đời cũng có 2 đối tượng dễ bị khen một cách ngoại giao: phụ nữ và lãnh đạo. Những lời khen đó đều nên được sàng lọc".
Ông Thuyết cũng chân thành chia sẻ rằng sau bản báo cáo do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đọc, nhiều cử tri đã gọi điện và đặt cho ông "những câu hỏi khó trả lời": "Cử tri cũng muốn biết các cán bộ lãnh đạo trong Chính phủ có ưu điểm, hạn chế gì trong chỉ đạo, điều hành Vinashin, có đúng là không đến mức phải kỷ luật không".
ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) cũng băn khoăn về việc thông báo kết luận của Bộ Chính trị liên quan đến vụ việc Vinashin: "Về nguyên tắc, Đảng không làm thay Nhà nước, trong khi những vấn đề đặt ra với Vinashin thuộc về trách nhiệm quản lý nhà nước. Báo cáo của Chính phủ khiến nhiều đại biểu và cử tri cảm thấy tâm tư, thấy không ổn về mặt nguyên tắc".
ĐB Dương Trung Quốc: Phát biểu của các cán bộ có trách nhiệm về điện nguyên tử trong CP đều khá chủ quan. Ảnh: Lê Anh Dũng

ĐB Dương Trung Quốc thì nhận định, báo cáo của Chính phủ thông báo kết luận của Bộ Chính trị về vấn đề Vinashin đưa đến cho người dân hai tâm trạng: Thứ nhất là thở phào nhẹ nhõm vì chắc là thất thoát không đáng kể; thứ hai là có thất thoát nhưng chưa có cơ chế để xử lý trách nhiệm cá nhân.
Ông Thuyết thấy cách thông báo như vậy "khiến cử tri rất  phân vân, QH và Chính phủ đều chưa hoàn thành nhiệm vụ trước cử tri". Ông Quốc cũng thấy "rất cần thiết phải thông báo kết luận cuối cùng về mức độ thất thoát, trên cơ sở đó có được đánh giá chung, thấy được những hạn chế trong cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân để khắc phục".
Ông Đặng Như Lợi nhắc lại đề nghị thành lập một ủy ban lâm thời có năng lực chuyên môn để điều tra vấn đề Vinashin đến khi nào có kết quả thì báo cáo QH, vì nhiệm kỳ này còn kéo dài đến tháng 7 trước khi kỳ họp đầu tiên của QH khoá XIII diễn ra. Đồng tình với ông, ĐB Thuyết mong Thường vụ QH sớm có ý kiến về đề xuất này, vì theo ông, "đó cũng là một món nợ mà QH cần trả với cử tri".
Ngày 28/3, QH sẽ thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân tối caoViện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
"Đây là kỳ họp cuối cùng của QH khoá XII, những vấn đề tồn đọng của nhiệm kỳ qua cần phải có những thông báo cần thiết, những vấn đề chưa giải quyết được cũng đừng để bị bỏ qua khi QH bước sang một nhiệm kỳ mới" - ĐB Dương Trung Quốc.

Thủy Chung
Nhân đó, ông cũng đặt ra yêu cầu rà soát lại độ an toàn của các công trình thủy điện và đặc biệt là điện hạt nhân: "Nhiều chuyên gia nước ngoài đã chỉ ra một số nhược điểm về các địa điểm ta chọn xây nhà máy điện hạt nhân như có nơi nằm trong khu vực có nguy cơ địa chấn cao, có nơi nằm sát biển nguy cơ sóng thần cao..."

Không có nhận xét nào: