Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Đừng để “nỗi sợ” Trung Quốc dẫn dắt

ResizedImage440250-14203-made-in-china (VEF) – Việt Nam cần nhìn lại mình, học tập các tấm gương và mô hình thành công của các quốc gia khác để xây dựng cho mình sự “khác biệt hóa” trong các sản phẩm và dịch vụ của mình trên thương trường. Đừng để “nỗi sợ” Trung Quốc dẫn dắt…

(Bài trên trang Vef.vn, chỉ sau vài mươi phút đã thay tít và cắt chỉnh. Nhưng tôi vẫn thích cái tít cũ post lên lúc đầu: Đừng để “nỗi sợ” Trung Quốc dẫn dắt).

Bài học từ tận dụng chất xám
Singapore: Đảo quốc châu Á sát bên Malaysia với chỉ hơn 600km2 và vài triệu dân (khoảng 5 triệu) nhưng sở hữu GDP đầu người cao tầm cỡ thế giới và một đội ngũ nguồn nhân lực chuyên nghiệp và thông tuệ hàng đầu.
Nền kinh tế khuyến khích, động viên và thu hút mọi nguồn lực chất xám để cạnh tranh toàn cầu này nổi tiếng nhờ quản lý giỏi, làm dịch vụ giỏi, đầu tư và hợp tác chuyên nghiệp. Thành phố xanh, sạch và môi trường kinh doanh tốt thu hút rất nhiều các công ty đa quốc gia lựa chọn làm bản doanh trước khi đi vào khu vực châu Á.
Hồng Kông – Trung Quốc: Tương tự Singapore, hòn đảo mang hình dáng “túi đựng tiền” may mắn với diện tích 1.104Km2 và dân số khoảng gấp rưởi Singapore, dân số nói tiếng Hoa và Anh ngữ tốt mang phong cách châu Á và cả Âu nhờ tiếp thu hệ thống quản trị kiểu Anh trong hơn 100 năm.
Thành công của Hồng Kông là sự kết hợp phong cách kinh doanh Á – Âu, cả truyền thống và hiện đại. Hồng Kông vẫn tiếp tục phát triển tốt sau khi Anh trao trả thuộc địa này lại cho Trung Quốc.
Cả Singapore và Hồng Kông là minh chứng cho việc một quốc gia có diện tích đất nhỏ bé, không có tài nguyên, không có lịch sử phát triển lâu đời, không có nền quốc phòng hùng mạnh hay kinh nghiệm chiến tranh, vẫn giữ được chủ quyền và phát triển kinh tế vững mạnh, sánh vai các cường quốc năm châu về mặt GDP đầu người và chất lượng cuộc sống của người dân thật sự phồn vinh.
Thụy Sĩ: Quốc gia nhỏ bé ở châu Âu với dân số dưới 8 triệu người, bên cạnh những nước lớn vốn là cường quốc vang bóng một thời như Ý, Pháp, Đức nhưng vẫn giữ bản sắc riêng với tôn chỉ “trung lập“, không bị đe dọa bởi chiến tranh ngay cả trong các thời kỳ chiến tranh!
Dân số ít ỏi nhưng sở hữu rất nhiều những công ty đa quốc gia và ngân hàng và công ty tài chính tầm cở thế giới. Các nhãn hiệu sữa, dược phẩm, đồng hồ, máy móc thiết bị và hàng tiêu dùng.v.v. như Nestle, Rolex, Roche, Norvatis…v.v. vang danh và được sử dụng khắp nơi trên hành tinh này.

Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc từ đôi đũa đến cái tăm, củ hành, củ tỏi,  khoai tây, cà rốt…
Sự phát triển cao độ các sản phẩm công nghệ cao, các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, có bí quyết sản xuất kinh doanh, thể hiện một thực tiễn sinh động rằng biên giới của một quốc gia không phải ở diện tích đất rộng lớn mà quốc gia đó sở hữu mà là độ lớn của “hàm lượng chất xám” mà quốc gia đó có được!
Thụy Sĩ không thể “mở mang” bờ cõi bằng cách “lấn đất” các quốc gia láng giềng được mà chỉ có thể mang các sản phẩm “chất xám” của mình chinh phục các thị trường thế giới. Sức mạnh “mềm” này có quyền uy không kém bất cứ loại vũ khí hiện đại nào!
Ngược lại, hầu như không có “láng giềng” nào của Thụy Sĩ lại có ý muốn sử dụng sức mạnh quân sự để xâm chiếm quốc gia “trung lập” này!
Israel: Quốc gia nhỏ bé ở Trung Đông, diện tích chưa tới 1/15 so với Việt Nam và dân số gần 8 triệu người, nằm lọt thỏm giữa các nước Ả Rập có ý thức hệ và tôn giáo khác biệt. Mang trong mình cuộc chiến suốt mấy ngàn năm và hận thù chất chứa leo thang luôn chực chờ bùng nổ như một thùng thuốc súng khổng lồ, Israel phải luôn đối phó với chiến tranh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Đây là điển hình của một dân tộc luôn phải “đối phó“, luôn phải “sẵn sàng“, luôn phải suy nghĩ và vận động nếu không sẽ bị tiêu diệt. Ngày nay, có hơn 5 triệu người Mỹ gốc Do Thái rất thành đạt tại Hoa Kỳ, và có lẽ điều này khiến cho tiếng nói của Hoa Kỳ – cường quốc số 1 thế giới – luôn là tiếng nói ủng hộ Israel trên trường quốc tế.
Họ thành công trên khắp thế giới trong hầu hết các lĩnh vực từ kinh doanh, mua bán tới sáng tạo nghệ thuật và khoa học kỹ thuật công nghệ lẫn tham gia chính trường.
Từ một dân tộc bị “săn đuổi” và “diệt chủng” trong thế chiến thứ II bởi Đức Quốc Xã, họ đã tình nguyện tái lập quốc gia sau hàng ngàn năm bị xua đuổi khỏi mảnh đất lâu đời Jerusalem và xây dựng được một nền khoa học kỹ thuật hiện đại bậc nhất thế giới.
Có lẽ, bí quyết của họ nằm ở lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, khả năng hợp tác kế thừa giúp đỡ lẫn nhau, tinh thần say mê khoa học sáng tạo, phương pháp quản lý sản xuất kinh doanh truyền thống và hiện đại hài hòa đã khiến Israel trở thành một quốc gia nhỏ bé nhưng hùng mạnh trong hầu hết các lĩnh vực.
Hàn Quốc và Đài Loan – Trung Quốc: đều chịu tình trạng căng thẳng chính trị và quân sự liên tục, chịu ảnh hưởng của các cường quốc lên năng lực phát triển quốc gia. Hấp thu tốt dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Mỹ và các nước khác. Xây dựng được nền công nghiệp cho riêng mình hướng tới sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao với giá cả hợp lý hơn để cạnh tranh xuất khẩu.
Hàn Quốc với các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Samsung, LG, Huyndai, Daewoo, .v.v. từng bước chiếm lĩnh thị trường và cạnh tranh được với các sản phẩm hàng đầu khác trên thế giới.
Đài Loan với rất nhiều hãng sản xuất vi mạch điện tử, máy tính và công nghiệp nặng như Foxcon, Formosa… đang là một trong những nhà sản xuất bán dẫn và hàng công nghiệp lớn nhất thế giới.
Người Hàn Quốc và Đài Loan đều tự hào là mình rất siêng năng lao động, họ luôn có tinh thần cạnh tranh cao độ từ việc học hành trong trường lớp cho tới môi trường làm ăn kinh doanh ngoài xã hội! Họ nói, nếu người Nhật có thể làm việc 10 giờ/ngày thì họ sẳn sàng làm việc 12 giờ/ngày. Nếu người Nhật làm việc 12 giờ/ngày thì họ sẽ làm việc 14 giờ/ngày!
Nhật Bản và Đức: Họ đã vươn lên trở lại thành các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Các sản phẩm “Made in Japan” hay “Made in Germany” luôn là các sản phẩm tốt nhất, uy tín nhất thế giới! Đây là hai trong số các nhà xuất khẩu lớn trên toàn cầu!
Kỷ luật lao động nghiêm khắc, tính siêng năng cần cù, tinh thần hiếu học và nghiên cứu khoa học là các đức tính mà người dân ở hai quốc gia một Á, một Âu này sở hữu.
Lòng kiêu hãnh, tự trọng, tự hào dân tộc luôn là động lực góp phần đưa họ lên vị trí cao nhất trong các cuộc đua tranh trong mọi lĩnh vực.
Việt Nam và sự lớn mạnh của Trung Quốc
Giáo sư Michael Porter trở lại Hà Nội với Báo cáo năng lực cạnh tranh của Việt Nam với một số tư tưởng chủ đạo như “khác biệt hóa” và “độc đáo” để cạnh tranh, lấy năng lực cạnh tranh quốc gia làm trung tâm, chú trọng vai trò kinh tế tư nhân – tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh, nhà nước phải đóng vai trò người thiết kế và kiến tạo sức cạnh tranh cho quốc gia .v.v. là các ý tưởng mà các sách vở từ lý thuyết đến thực tế cũng đã nêu cùng với ý kiến của rất nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà doanh nghiệp.
Vấn đề của chúng ta dường như là “thực thi ra làm sao“. Để triển khai thực hiện có dễ dàng không?
Vấn đề đôi khi bị dẫn dắt bởi nỗi lo lắng, sợ hãi với sự lớn mạnh không ngừng của nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Đó là nỗi sợ hàng giá rẻ “Made in China” tràn ngập thị trường… mà doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh nổi.
Trung Quốc phát triển nhanh trong suốt hơn ba thập kỷ mang lại sự phồn vinh cho các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, .v.v… song, bản thân Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào cũng tồn tại các khó khăn thách thức lớn.
Dân số đông nhất thế giới – phải lo cho nhiều miệng ăn và chính sách an ninh lương thực, phòng chống thiên tai luôn trong tình trạng khẩn trương , chính sách một con nhằm hạn chế dân số có thể làm mất cân bằng giới tính và ảnh hưởng đến đời sống tâm lý con người, phân hóa cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn, khoảng cách lớn trong lối sống và đời sống thành thị và nông thôn, nạn ô nhiễm môi trường nặng khiến nhiều chuyên gia cảnh báo Trung Quốc sẽ phải tốn rất nhiều tiền của để xử lý các hậu quả do ô nhiễm môi trường về sau ..v.v…
Mặc khác, nền kinh tế Trung Quốc trong những năm qua còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài từ Mỹ, Nhật, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore … nên hoàn toàn có khả năng phụ thuộc vào nguồn vốn và công nghệ của các quốc gia này.
Hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nóng dựa vào xuất khẩu hàng giá rẻ, nhân công rẻ, hàng chất lượng thấp còn gặp trở ngại nhiều khi chuyển mình nâng cấp lên “hàng chất lượng cao” xuất khẩu, điều này mất nhiều năm để cải thiện tình hình, vì còn ràng buộc với nhiều yếu tố như công nghệ, bí quyết, con người .v.v… mà không thể nói và làm trong ngày một ngày hai.
Điều này giống như việc Trung Quốc không thể dễ dàng tìm được giải Nobel nhanh chóng trong những năm tới và đuổi kịp các quốc gia tiên tiến khác về khoa học công nghệ.
Việt Nam cần nhìn lại mình, học tập các tấm gương và mô hình thành công của các quốc gia khác như đã nói trên, để xây dựng cho mình sự “khác biệt hóa” trong các sản phẩm và dịch vụ của mình trên thương trường.
Ví dụ: Cafe Việt Nam với ánh nắng phương Nam mang lại chất lượng hàng đầu thế giới (Trung Quốc chắc không có nhiều ánh nắng phương Nam này!). Gạo Việt với chất lượng cao nhờ dòng phù sa ngọt ngào cuối nguồn của sông Mêkông! Hay “Ẩm thực Việt” với bí quyết ngàn năm, ít dầu mỡ và nhiều gia vị, rau xanh tuyệt vời nhất! Công nhân Việt khéo tay nhất thế giới! Hoặc nhấn mạnh các đặc điểm chất lượng sản phẩm hay dịch vụ nhờ khâu kiểm định “ngặt nghèo” đạt đẳng cấp quốc tế ..v.v..
Trên hết vẫn là yếu tố “con người“. Phải đặt con người ở vị trí trung tâm, phải giải phóng các cơ chế trì trệ đang níu kéo cỗ máy phát triển của đất nước và giải phóng sức dân. Như vậy, phải thẳng thắn nhìn nhận, đâu là điểm yếu, đâu là “nút thắt” cần phải tháo gỡ nhanh chóng.
Nếu không thể phát hiện được các điểm yếu hay nút thắt của hệ thống chính trị – kinh tế – xã hội – con người thì việc thực thi chính sách và chiến lược cạnh tranh thật khó mà thành công. Tránh nguy cơ tụt hậu phụ thuộc vào việc tháo gỡ các nút thắt ở bên trong và ở chính chúng ta chứ chưa chắc đã do yếu tố từ bên ngoài nào!

_______________
CẢNH THÁI
(Nguồn: Vef.vn )

Không có nhận xét nào: