Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Cơn khát dầu khí và những hành động ngang ngược

Vụ tàu hải giám Trung Quốc ngày 26.5 ngang ngược cắt cáp và cản trở hoạt động thăm dò địa chất của tàu Bình Minh 02 trong vùng biển Việt Nam khiến dư luận quốc tế lo ngại.

Vụ tàu hải giám Trung Quốc cản trở và cắt cáp của tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của Việt Nam là hành vi ngang ngược. Ảnh:


Nhiều hãng tin quốc tế đã đưa tin, bình luận về sự kiện này. Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 27.5 đã chính thức gửi công hàm phản kháng đến phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời phải bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.

Ngày 28.5, trên website của bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Những việc có liên quan mà các cơ quan của Trung Quốc thực hiện là hoàn toàn tuân thủ theo tiêu chuẩn luật pháp trên biển và là các hoạt động giám sát trên vùng biển thuộc chủ quyền pháp lý của Trung Quốc” (?).
Tham vọng sở hữu dầu khí
Những vụ gây hấn của Trung Quốc thời gian gần đây ở khu vực biển Đông vừa nhằm gia tăng ảnh hưởng đối với khu vực, vừa thể hiện tham vọng muốn sở hữu toàn bộ tài nguyên thiên nhiên giàu có ở vùng biển Đông. Đường “lưỡi bò” mà phía Trung Quốc đưa ra lâu nay cũng nhằm mục đích này.
Theo ước tính, vùng biển Đông được xác định có trữ lượng dầu mỏ khoảng 7,7 tỷ thùng dầu (barrel), trữ lượng khí đốt khoảng 266 nghìn tỷ feet khối. Thời báo Hoàn cầu (TQ) mới đây khẳng định Biển Đông có trữ lượng 50 tỉ tấn dầu thô, hơn 20.000 tỉ mét khối khí đốt, gấp 25 lần trữ lượng dầu và tám lần trữ lượng khí đốt hiện có của Trung Quốc
Theo những nghiên cứu do Sở môi trường và các nguồn lợi tự nhiên Philippines, vùng biển này chiếm một phần ba toàn bộ đa dạng sinh học biển thế giới, vì vậy nó là vùng rất quan trọng đối với hệ sinh thái.
Cơn khát dầu khí để phục vụ phát triển nền kinh tế đang nóng của Trung Quốc là một trong những nguyên nhân khiến nước này ngày càng tìm cách gây ảnh hưởng ra bên ngoài, nhắm đến những nơi có nguồn tài nguyên này. Biển Đông không là ngoại lệ.
Báo động các điểm nóng khai thác dầu khí

Đoạn cáp của tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc phá hoại cắt đứt. Ảnh: TTXVN


Ngày 28.5, tạp chí Foreign Policy của Mỹ có bình luận “Báo động điểm nóng khai thác dầu mỏ ở biển Đông”. Bài viết cho rằng sự gia tăng thăm dò khai thác dầu khí trên biển Đông đang đi kèm các vụ việc gây hấn từ Trung Quốc. Bài báo cho biết, mùa thu năm ngoái (2010), Trung Quốc và Nhật Bản đã căng thẳng quanh vụ tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần dương Nhật Bản tại vùng biển đông bắc vốn giàu có về dầu mỏ. Trung Quốc đưa ra dấu hiệu một lần nữa về việc thể hiện quyền lực của mình tại vùng biển phía đông bắc và biển Đông.
Mọi chú ý bây giờ là Việt Nam và Philippines đang triển khai khoan thăm dò khai thác dầu khí ở biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ (?). Theo hãng tin Bloomberg, một đối tác làm ăn với Petro Việt Nam là tập đoàn Talisman Energy (Canada) có kế hoạch khoan thăm dò dầu khí vào năm tới ở biển Đông, và đối tác khác cũng của Petro Việt Nam là ExxonMobil (Mỹ) dự định sẽ khoan thăm dò dầu khí tại vùng biển Việt Nam vào cuối năm nay. Philippines, nước mà Hoa Kỳ có ký một hiệp ước phòng thủ, cũng có kế hoạch thăm dò tương tự ở biển Đông. Những địa điểm thăm dò dầu khí này rất gần với bờ biển của các nước nói trên hơn là với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đã thường xuyên cử tàu thuyền đến quấy rối làm gián đoạn các hoạt động này. Và bài báo kết luận: Các sự cố như vậy sẽ còn tái diễn trong những tháng tới.
Trước vụ tàu hải giám Trung Quốc cản phá hoạt động của tàu Bình Minh 02, Trung Quốc cũng đã cản trở hoạt động tương tự của Philippines. Tháng 3.2011, các tàu tuần tiễu của Trung Quốc đã gây cản trở một chiếc tàu khảo sát địa chấn của Philippines trên biển Đông tại khu vực Reed Bank (bãi Cỏ Rong) do Philippines tuyên bố chủ quyền.
Những hành động leo thang này của Trung Quốc khiến tổng thống Philippines Benigno Aquino cảnh báo có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực để bảo vệ lãnh hải.
H.S (tổng hợp)

Báo chí quốc tế: Trung Quốc lấn lướt các nước ở biển Đông
Tàu hải giám Trung Quốc tiến về phía tàu Bình Minh 02. Ảnh: do PTSC G&S cung cấp

Ngày 29.5, một số trang báo mạng quốc tế đã đưa tin phản ánh việc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 2, trong thềm lục địa của Việt Nam.
Trang Financial Times (FT) cho biết Việt Nam đã cáo buộc Trung Quốc leo thang các vụ tranh chấp kéo dài về quyền kiểm soát vùng biển Đông. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã kêu gọi Trung Quốc ngay lập tức chấm dứt hành vi vi phạm chủ quyền Việt Nam, yêu cầu Bắc Kinh phải trả bồi thường thiệt hại gây ra.
Carl Thayer, chuyên gia về biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc, nhận định: “Trung Quốc trơ trẽn khẳng định chủ quyền của mình bằng hành động như vậy và họ có những ưu thế về phương tiện để trấn áp nước khác".
Trung Quốc thường xuyên bắt giữ ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá trong vùng biển tranh chấp, nhưng đây là lần đầu tiên tàu tuần tra Trung Quốc đụng độ với một tàu thăm dò dầu khí Việt Nam. Vào tháng 3.11, một tàu tàu thăm dò dầu khí của Philippines cũng đã bị Trung Quốc trấn áp tương tự.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino cảnh báo một loạt vụ đụng độ tại khu vực tranh chấp có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực để bảo vệ lãnh hải. Thời gian qua, Philippines, Singapore, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan đã đặt hàng các tàu khu trục, máy bay chiến đấu và tàu ngầm.
Trong khi đó, Bangkok Post và Taipei Times dẫn nguồn AFP cho biết, việc tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Việt Nam "đi ngược lại tinh thần" của thỏa ước về biển Đông ký năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN.
Việt Nam đã báo cáo nhiều trường hợp tàu đánh cá bị phía Trung Quốc bắt giữ, đòi tiền chuộc từ năm 2009.
Việc chứng tỏ vị thế lấn áp của Trung Quốc tại biển Đông trong thời gian qua đã gây căng thẳng với các nước khác trong khu vực cũng như với Mỹ.
Bá Nha (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: