Lê Quỳnh
BBC, Manila
Tiến sĩ Mark Valencia cho rằng có tiến bộ trong các trao đổi về tranh chấp Biển Đông |
Một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về tranh chấp Biển Đông cho rằng gần đây đã có những trao đổi thẳng thắn hơn về cuộc tranh chấp chủ quyền.
Tiến sĩ Mark Valencia, hiện làm tại Văn phòng nghiên cứu Quốc gia về châu Á (National Bureau of Asian Research) ở Mỹ, trả lời BBC Việt ngữ bên lề hội thảo Biển Đông tại Manila hôm 16/10.
Trước việc dồn dập nhiều hội thảo gần đây bàn về chủ đề này, nhà nghiên cứu từng có khoảng 200 bài báo về chính sách biển đảo, nhận xét đã có tiến bộ trong cuộc tranh luận.
Tiến sĩ Mark Valencia: Một số hội thảo, như cuộc gặp lần này, tập hợp được những nhân vật “phù hợp”. Đó là những người tương đối cởi mở để khảo sát những ý tưởng và lựa chọn khác, cho dù họ ở đây thay mặt đất nước mình.
Trong nhiều năm, tại nhiều hội thảo, có những vấn đề chỉ là dịp để người tham dự nhắc lại quan điểm quốc gia mà thôi. Nay chúng ta bắt đầu chỉ ra các vấn đề. Một trong số đó là đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc. Liệu Trung Quốc sẽ tiếp tục khẳng định nó, hay nhượng bộ, hay sẽ giải thích rõ hơn?
Một số nước như Philippines và Việt Nam thì đã đề ra những đòi hỏi phù hợp hơn với Luật biển quốc tế. Đó là bước tiến lớn.
Nhìn thì có vẻ tốc độ rùa bò, nhưng thực ra có tiến bộ cụ thể.
"Nếu Trung Quốc bắt đầu can thiệp theo cách mà Mỹ xem là xâm phạm tự do đi lại, thì có thể Mỹ sẽ có hành động. Nhưng điều đó khác với việc ủng hộ đòi hỏi của một nước về một hòn đảo nào đó".
Ngoài ra, sự can dự của Mỹ cũng làm tình hình dịch chuyển. Dĩ nhiên không có nghĩa là sự can dự đó sẽ hoàn toàn tích cực.
BBC: Nói về vai trò của Mỹ, không ít người cho rằng nếu xảy ra xung đột thực sự, Mỹ sẽ chẳng làm gì cụ thể cả?
Tiến sĩ Mark Valencia: Ở đây có sự nhập nhằng. Nhiều người phàn nàn rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc là nhập nhằng. Khi nói về khả năng dùng vũ lực, Mỹ cũng nhập nhằng. Họ không muốn người ta biết vũ lực sẽ được sử dụng khi nào, tại sao và ở đâu. Nhưng cũng đừng hoàn toàn bác bỏ khả năng ấy. Các nước cũng cần nhớ rằng khi chuyện xảy ra, cũng có thể Mỹ sẽ làm đúng như những gì họ đe dọa.
BBC: Nhưng ngay tại Philippines, chính giới đã từng yêu cầu Mỹ nói rõ có bảo vệ Philippines hay không nếu có xung đột ở vùng đảo tranh chấp. Kết quả đến nay không có câu trả lời rõ rệt.
Tiến sĩ Mark Valencia: Đúng vậy. Mỹ nói là sẽ cung cấp thiết bị, bán vũ khí, có thể là tin tình báo, rồi đào tạo. Nhưng Mỹ không cam kết gửi quân đội.
Lý do là vì các tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau không thật sự có ý nghĩa với Mỹ. Điều có ý nghĩa với họ là cái gọi là “tự do đi lại”. Tôi dùng chữ “cái gọi là” với ý nghĩa rằng cái cụm từ “tự do đi lại” là theo cách diễn giải của Mỹ, một cách diễn giải gần như mang tính tuyệt đối.
Nếu Trung Quốc bắt đầu can thiệp theo cách mà Mỹ xem là xâm phạm tự do đi lại, thì có thể Mỹ sẽ có hành động. Nhưng điều đó khác với việc ủng hộ đòi hỏi của một nước về một hòn đảo nào đó.
BBC: Một số người ở Việt Nam đề cập mong muốn Việt Nam làm đồng minh của Mỹ hay Ấn Độ để đối chọi Trung Quốc ở Biển Đông. Ông nghĩ thế nào?
"Người ta cần nghĩ về lâu dài, Việt Nam sẽ vẫn phải sống với Trung Quốc. Vì thế, theo tôi, sẽ tốt hơn nếu Việt Nam giải quyết vấn đề trực tiếp với Trung Quốc, hơn là chơi “lá bài Mỹ”".
Tiến sĩ Mark Valencia: Đây là một câu hỏi khó. Sẽ tốt hơn nếu Việt Nam và Trung Quốc tự giải quyết với nhau. Nếu Việt Nam lại chơi “lá bài Mỹ”, Trung Quốc sẽ luôn nuôi cảm giác giận dữ.
Người ta cần nghĩ về lâu dài, Việt Nam sẽ vẫn phải sống với Trung Quốc. Vì thế, theo tôi, sẽ tốt hơn nếu Việt Nam giải quyết vấn đề trực tiếp với Trung Quốc, hơn là chơi “lá bài Mỹ”.
Mặt trận thống nhất?
BBC: Về căn bản, đề xuất mới nhất của chính phủ Philippines là muốn một “mặt trận thống nhất” của Asean để thương lượng với Trung Quốc? Ông có nghĩ đến một “liên minh” Philippines – Việt Nam trong việc này?
Tiến sĩ Mark Valencia: Có hai khía cạnh quan trọng để điều này có thể xảy ra. Một là phản đối đường 9 đoạn. Thứ hai, các đảo xa và nhỏ trong vùng tranh chấp không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Nếu hai nước đồng ý với nhau về hai điểm đó, nó sẽ gây khó cho Trung Quốc về mặt pháp lý.
Việc này cũng có rủi ro của nó. Trung Quốc có thể nói Luật biển LHQ hay luật quốc tế không áp dụng ở đây. Ta biết các cường quốc thường làm thế khi tình hình đi ngược lại quyền lợi của họ.
Và khi nói đến khả năng các nước có tranh chấp trong ASEAN đoàn kết, thì không hẳn dễ dàng. Malaysia và Philippines có vấn đề chung là tranh chấp đất Sabah. Thềm lục địa của Malaysia một phần dựa trên đường cơ sở tính từ Sabah. Philippines đã phản đối việc này lên LHQ vì Hiến pháp Philippines nói Sabah là của Philippines. Chừng nào việc này chưa giải quyết thì hai nước rất khó mà thống nhất với nhau.
BBC: Trung Quốc vẫn nói đến việc “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Ông nghĩ thế nào về tính khả thi của nó?
Tiến sĩ Mark Valencia: Tôi không nghĩ là khả thi. Khi nói về việc cùng khai thác, Trung Quốc luôn nói chúng tôi dĩ nhiên muốn cùng khai thác miễn là các bạn công nhận chủ quyền của chúng tôi. Họ vừa nói vậy trong phòng họp.
Và các nước khác nói: Không. Đây là thềm lục địa, là vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi. Chúng tôi sẽ cho phép công ty của anh vào khảo sát dầu nhưng là trên cơ sở thương mại chứ không phải là khai thác chung vì các anh không có quyền ở đó.
L.Q.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét