“Nếu không có những nghiên cứu thật sự bài bản, chúng ta sẽ không thật sự biết Biển Đông có những gì, vì vậy, không biết được sẽ mất những mỏ tài nguyên gì trong tham vọng “đường lưỡi bò” của Trung Quốc” – TS Nguyễn Thế Tiệp, nguyên Viện trưởng Viện Địa chất và Địa lý Biển, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam nói.
Chưa đánh giá được tài nguyên Biển Đông
PV: - Thời gian gần đây, nhiều nhà nghiên cứu về Trung Quốc lý giải, những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông nằm trong tham vọng “độc chiếm tài nguyên” khu vực này. Là một nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu về tài nguyên Biển Đông, ông nhận xét thế nào về quan điểm trên?
TS Nguyễn Thế Tiệp: - Tôi thường theo dõi thông tin về vấn đề này nhưng chỉ dưới khía cạnh độc giả. Trước đây, khi đi khảo sát trên khu vực Biển Đông, thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp tàu của Trung Quốc, có khi một tàu của mình gặp 3 tàu của họ đi cùng nhau.
Đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông sẽ bao trọn các vùng chứa tài nguyên của khu vực này. Đó là dầu khí đáy biển, băng cháy và một số loại khoáng sản kim loại… Nước chịu thiệt hại nhiều nhất đương nhiên là Việt Nam vì khu vực dự báo tiềm năng băng cháy đều thuộc vùng biển của Việt Nam.
Thêm nữa, thông thường, băng cháy liên quan tới dầu khí. Dầu khí là nguồn vật liệu hữu cơ cung cấp cho băng cháy, nghĩa là ở đâu có dầu thì ở xung quanh khu vực dễ có băng cháy và ngược lại. Đó là tiềm năng về dầu khí đáy biển mà rất nhiều nước đang quan tâm.
Nếu không có những nghiên cứu thật sự bài bản, chúng ta sẽ không thật sự biết Biển Đông có những gì, vì vậy, không biết chúng ta sẽ mất những mỏ tài nguyên gì trong tham vọng “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
TS Nguyễn Thế Tiệp chỉ dẫn địa mạo khu vực quần đảo Trường Sa. Ảnh ĐV |
PV: - Vậy việc nghiên cứu tài nguyên Biển Đông của Việt Nam đang ở mức độ nào rồi, thưa ông?
TS Nguyễn Thế Tiệp:- Việt Nam mới đang dừng lại ở mức biết được những loại tài nguyên nào nhiều khả năng có ở khu vực Biển Đông. Ví dụ như băng cháy, dù đã khoanh vùng được khu vực nhiều tiềm năng nhưng chúng ta vẫn chưa lấy mẫu, chưa đánh giá trữ lượng, chưa khoan thăm dò… Vì điều kiện nghiên cứu biển của chúng ta khó khăn quá.
Bạn thử tưởng tượng, chúng ta chưa có được một con tàu nghiên cứu biển và đại dương được trang bị máy móc đo đạc hoàn chỉnh. Mỗi khi đi nghiên cứu, phải thuê tàu 70 triệu đồng/ngày, rồi mang máy móc lên tàu hàn hàn buộc buộc. Như vậy độ chính xác làm sao cao được?
Được biết, Bộ Tài nguyên Môi trường đang đầu tư một chiếc tàu nghiên cứu biển, không biết kết quả tới đâu rồi. So với các nước trong khu vực (có lẽ chỉ trừ Campuchia và Lào), Việt Nam đều thua kém, chưa nói gì tới Trung Quốc hay các nước Âu, Mỹ.
Tôi đã từng lên tàu khảo sát cùng với các nước Nga, Đức trên khu vực Biển Đông của Việt Nam, như chúng tôi gọi vui là “đi xe ôm” nghiên cứu. Kết quả thu về tốt hơn những lần mình tự đi khảo sát.
Tôi đã từng lên tàu khảo sát cùng với các nước Nga, Đức trên khu vực Biển Đông của Việt Nam, như chúng tôi gọi vui là “đi xe ôm” nghiên cứu. Kết quả thu về tốt hơn những lần mình tự đi khảo sát.
Chọn đúng đối tác để giữ vững chủ quyền tài nguyên
PV: - Trung Quốc chủ động gây chuyện ở những vùng vốn không thuộc khu vực tranh chấp, rồi đề nghị thương thảo, cùng khai thác trong khi những nước này chưa đủ công nghệ để đánh giá tài nguyên, chưa đủ phương tiện để làm chủ công nghệ khai thác… Điều này có thể gây ra những khó khăn thế nào, theo ông?
TS Nguyễn Thế Tiệp: - Trước hết phải nói rằng, không chỉ với Việt Nam, đối với các nước xung quanh, Trung Quốc đều ứng xử theo cách như vậy. Tôi tham gia các hội nghị quốc tế thấy đại diện các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Phillipines bày tỏ sự phản ứng rất dữ dội.
Trở lại với nguồn tài nguyên băng cháy, người ta đã điều tra được rằng, trữ lượng của nó gấp 3 lần dầu khí bây giờ. Hiện tại, chưa có nước nào làm chủ được công nghệ khai thác. Đặc điểm của băng cháy là tồn tại ở điều kiện nhiệt độ thấp và áp suất cao (dưới đáy biển), nếu đưa lên có thể nổ hoặc bùng cháy.
Nhưng tôi tin rằng, chỉ vài năm nữa sẽ có công nghệ khai thác. Tới lúc đó, câu chuyện Biển Đông có lẽ sẽ còn phức tạp hơn bởi làm chủ được băng cháy là làm chủ được một dạng năng lượng quan trọng và giá trị trong tương lai.
PV: - Có nghĩa là Việt Nam phải làm chủ hoặc ít ra là hiểu biết về nguồn tài nguyên trên vùng biển của mình. Tuy nhiên, như TS vừa nói, điều kiện nghiên cứu của chúng ta rất khó khăn, đương nhiên lựa chọn hợp lý nhất là hợp tác với các nước có điều kiện công nghệ cao. Giả sử được mời tư vấn, theo ông, nên chọn nước nào để mời hợp tác?
TS Nguyễn Thế Tiệp: - Trong một chuyến công tác ở Nga, tôi được biết, Việt Nam cũng đã vấn đề hợp tác điều tra thăm dò băng cháy. Theo đó, phía bạn sẽ sang đo lại địa chấn và thực hiện một số mũi khoan thăm dò. Tính tới thời điểm này, tôi chưa có thêm thông tin về dự định hợp tác trên.
Chúng ta cũng đã từng hợp tác nghiên cứu với các nước châu Âu như Pháp, Đức. Mỹ cũng từng đề nghị hợp tác với Việt Nam điều tra thăm dò băng cháy ở khu vực Biển Đông của Việt Nam.
Lựa chọn đối tác nào để hợp tác không thuần túy là khoa học, kinh tế mà còn liên quan tới vấn đề chính trị và an ninh quốc phòng. Ở cương vị một nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu tài nguyên Biển Đông, tôi chỉ muốn nhấn mạnh lại rằng, Việt Nam cần phải biết Biển Đông đang chứa đựng những tài nguyên nào, trữ lượng dự kiến ra sao để thực hiện chủ quyền về tài nguyên của mình ở khu vực Biển Đông.
- Hoàng Hạnh (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét