Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Trung Quốc khẳng định chủ quyền, bị chống



Hội thảo An ninh biển Ðông (Kỳ 1)


Hà Giang/Người Việt

WASHINGTON (NV) - Tuy chỉ mang tên gọi của một buổi hội thảo, một cuộc họp quy tụ nhiều nhà nghiên cứu tầm cỡ quốc tế và sự có mặt của nhiều viên chức cao cấp đã diễn ra tại trụ sở Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế Hoa Kỳ (CSIS) với chủ đề “An ninh Hàng hải ở biển Ðông” sáng Thứ Hai ở Washington.

Diễn giả về lập trường của Trung Quốc, Giáo Sư Su Hao, phó giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế, trường Ðại Học Ngoại Giao, Bắc Kinh. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Sự kiện cuộc hội thảo này được tổ chức chỉ hai ngày sau cuộc đối thoại thường niên “Chiến lược Chính trị-An ninh-Quốc phòng Việt-Mỹ” lần thứ 4, cũng ở Hoa Thịnh Ðốn, cho thấy những tranh chấp ngày càng căng thẳng đang xảy ra ở vùng biển Ðông tiếp tục là mối quan tâm lớn lao không chỉ của Việt Nam và Hoa Kỳ, mà còn của nhiều quốc gia khác trong khối ASEAN.
Thượng Nghị Sĩ John McCain, cựu ứng cử viên tổng thống, tham gia buổi hội thảo với bài diễn văn chính (“keynote address”) được đọc trong buổi tối kết thúc ngày đầu.
Bài diễn văn chính cho buổi ăn trưa là của Dân Biểu Howard Berman, một nhân vật kỳ cựu trong chính trị đối ngoại tại Hạ Viện.
Vị đại sứ đương nhiệm của Singapore tại Washington cũng tham dự.
Tầm quan trọng của buổi hội thảo, nhất là đối với Việt Nam, được phản ảnh qua sự có mặt của những quan chức nước này.
Ðại sứ Việt Nam tại Washington Nguyễn Quốc Cường cũng đến tham dự suốt buổi sáng ngày đầu tiên. Ðông đảo nhân viên tòa đại sứ cũng đến dự buổi hội thảo.

Tranh giành tài nguyên

Từ Hà Nội, hai học giả tới tham dự trong tư cách diễn giả là Tiến Sĩ Trần Trường Thủy, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Biển Ðông, thuộc Học Viện Quan Hệ Quốc Tế, và Tiến Sĩ Ðặng Ðình Quý, giám đốc Học Viện Ngoại Giao.
Phía Trung Quốc cũng cử một học giả tầm cỡ tới dự, là Tiến Sĩ Su Hao, phó giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế, trường Ðại Học Ngoại Giao, Bắc Kinh.
Ba diễn giả cho đề tài “Quyền lợi và lập trường của các bên tại biển Ðông”. Từ trái qua: GS Su Hao đến từ Trung Quốc, ông Termsak Chalermpalanupap viên chức ASEAN, Tiến Sĩ Vijay Sakhuja của Ấn Ðộ. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Ngay trong bài phát biểu mở đầu buổi hội thảo, cựu thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, John Negroponte chỉ ra lý do biển Ðông là trung tâm tranh chấp chính là nguồn tài nguyên ở đó:
“Trong tình hình tranh giành nhiên liệu, nhiều quốc gia tìm đủ mọi cách để giành lấy tài nguyên cho mình. Họ sử dụng biện pháp ngoại giao, vận động chính trị, và trong nhiều trường hợp đáng tiếc họ dùng cả biện pháp quân sự.”
Tầm nghiêm trọng của vấn đề cũng được thể hiện qua không khí sôi nổi, nặng đầu, và căng thẳng của buổi họp, nhất là trong phần hồi đáp ngay sau khi vị học giả đầu tiên về tiêu đề thứ nhất vừa dứt lời.
Tiêu đề “Quyền lợi và lập trường của các bên tại biển Ðông” là chủ đề của buổi sáng ngày đầu tiên cuộc hội thảo. Mở đầu là trình bày từ phía học giả Trung Quốc.
Tiến Sĩ Su Hao trình bày trong một bài thuyết trình dài hơn một tiếng. Ông mào đầu rằng ông “chỉ trình bày vấn đề theo cái nhìn của một học giả”, không đưa ra quan điểm của Bắc Kinh hay ngay cả của trường Ðại Học Ngoại Giao Trung Quốc.

Quan điểm Trung Quốc

Những điểm chính trong bài diễn văn của Giáo Sư Su Hao có thể được tóm tắt như sau:
Thứ nhất, lịch sử chứng minh là Trung Quốc đã có mặt ở biển Ðông từ hơn 2000 năm nay, và vì lẽ đó chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc ở biển Ðông đã được nhiều quốc gia công nhận. Thế nhưng không hiểu tại sao một số các nước láng giềng (Việt Nam) tự nhiên lại lúc thế này lúc thế kia, làm vấn đề trở nên phức tạp.
Thứ hai, bảo vệ chủ quyền đất nước là một vấn đề vô cùng quan trọng, vì “không chính quyền nào mà nhượng bộ chủ quyền có thể tồn tại”.
Sau khi đã chứng minh chủ quyền hiển nhiên của Trung Quốc, Giáo Sư Su Hao đề nghị rằng vì muốn duy trì sự ổn định trong vùng, Trung Quốc sẵn sàng “tạm gác vấn đề chủ quyền” qua một bên và đề nghị giải pháp “khai thác chung”.
Phản ứng
Nhiều cử tọa cho rằng Giáo Sư Su Hao tỏ ra mâu thuẫn khi trong phần kết luận, ông một mặt kêu gọi sự ủng hộ của Hoa Kỳ trong giải pháp này, mặt khác lại nói rằng nhiều phần đề nghị “khai thác chung” của ông sẽ mang đến ổn định trong vùng, trừ trường hợp có sự “xen vào” của Hoa Kỳ.
Diễn giả đầu tiên phản pháo phần trình bày của Giáo Sư Su Hao là ông Termsak Chalermpalanupap, giám đốc Tổng Cục Chính Trị và An Ninh của Ban Thư Ký ASEAN.
Ông mở đầu phần trình bày của mình bằng câu nói đùa:
“Nghe phần trình bày của Giáo Sư Hao, tôi mới thấy rõ một điều là thật ra các nước ASEAN chúng tôi và Trung Quốc đều đồng ý với nhau, khác chăng là về phong cách.”
Ông dừng một chút rồi tấn công vào chủ trương của Trung Quốc:
“Các nước ASEAN thì nói và nói (talk and talk) còn Trung Quốc thì nói và lấy (talk and take).”
Ông cho rằng Trung Quốc đã gây khó khăn trong đàm phán về quy tắc ứng xử:
“Khi chúng tôi bàn thảo trong nhiều năm để soạn thảo bản tuyên bố quy tắc ứng xử của các bên, gọi tắt là DOC, Trung Quốc đã từ chối không ký tên tất cả là 21 phiên bản rồi cuối cùng mới chịu đồng ý!”
Phần trình bày của Tiến Sĩ Vijay Sakhuja, thuộc Hội đồng Thế Giới Vụ, đến từ Ấn Ðộ cũng phê bình Trung Quốc một cách gay gắt.
Ông nói:
“Ấn Ðộ quan tâm sâu xa về quyền tự do hàng hải trên biển Ðông, rất quan ngại về việc Trung Quốc ngày càng trở nên hung hãn.”
Phần trình bày của Giáo Sư Su Hao không chỉ gặp phản ứng từ hai học giả thuyết trình sau đó. Ông còn gặp sự phản ứng trong các câu hỏi từ khán giả, từ phía Việt Nam, Philippines, Nhật, Indonesia, và các học giả Mỹ, và cả Na Uy đặt ra.
Cuộc hội thảo còn tiếp tục với những đề tài đang gây chú ý trong giới chính trị, quân sự, kinh tế của thế giới.
Sau tiêu đề “Quyền lợi và lập trường của các bên tại biển Ðông,” buổi hội thảo tiếp diễn trong buổi chiều với chủ đề “Những biến cố mới đây tại biển Ðông”. Tiến Sĩ Thủy sẽ có bài thuyết trình trong chủ đề này.
Qua ngày hôm sau, buổi hội thảo sẽ tiếp tục với chủ đề “Ðánh giá hiệu quả của khuôn khổ an ninh hàng hải hiện nay tại biển Ðông”, và sau đó là chủ đề “Ðề nghị chính sách để tăng cường an ninh khu vực”. Bài thuyết trình của Tiến Sĩ Quý sẽ nằm trong phần này.
Trong những số báo tới, báo Người Việt sẽ tiếp tục tường trình cặn kẽ hơn một số câu hỏi tiêu biểu mà cử tọa đã đưa ra và tường trình tiếp về cuộc hội thảo về những tranh chấp trên biển Ðông hiện đang làm nóng tình hình chính trị trong vùng.
(Còn tiếp)
 

Không có nhận xét nào: