Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Quan chức an ninh Trung Quốc nêu quan điểm không giống ai

Tác giả: Rory Medcalf, Raoul Heinrichs và Justin Jones


Phần này sẽ phân tích các quan điểm khác nhau của các quan chức an ninh quốc gia Trung Quốc, dựa trên các nghiên cứu của nhiều tác giả ở Bắc Kinh.
Quan điểm về các biện pháp xây dựng lòng tin an ninh biển ở Ấn Độ - Thái Bình Dương khác biệt rõ rệt giữa các nước, nhưng bất đồng lớn nhất có lẽ là giữa quan điểm của Trung Quốc với các cường quốc khác. Đáng chú ý là Mỹ cho rằng CBMs có thể và nên được đặt lên trên sự tín nhiệm và thỏa thuận về các vấn đề chiến lược cơ bản, ngược lại hoàn toàn với khuynh hướng đang thịnh hành trong chính sách của Trung Quốc.


Các cường quốc khác nghĩ gì
Đầu tiên để so sánh, chúng ta sẽ nói về các quan điểm đang thịnh hành về CBMs trên biển của Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ - các cường quốc quan trọng khác bên cạnh Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Mỹ: Quan điểm rộng rãi của Mỹ - được chia sẻ ở nhiều cấp trong giới hoạch định chính sách quốc phòng và an ninh - là CBMs trên biển với Trung Quốc có thể và nên được theo đuổi nhằm duy trì ổn định. Nhưng các biện pháp này không thể bất chấp khả năng Mỹ ngăn cản Trung Quốc thực hiện các hành động cưỡng ép với Đài Loan, các đồng minh của Mỹ hoặc các lợi ích khác của Mỹ trong khu vực, như quyền tự do hàng hải. Vì vậy Washington là quán quân về CBMs.
Như đã nêu trong phần I, các nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì vai trò bá chủ về quân sự trước Trung Quốc có thể có một loạt các tác động giữ bình ổn (răn đe cũng như đảm bảo cho các đồng minh) và các tác động gây bất ổn (mở rộng các bối cảnh dẫn tới xảy ra các sự cố trên biển). Sự căng thẳng về chính sách này có thể sẽ gia tăng.
Nhưng Washington sẽ vẫn duy trì cam kết theo đuổi quan hệ hợp tác ở cấp độ cao hơn, một điểm mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã nhắc đến hồi giữa năm 2011. Điều này bao gồm thúc đẩy CBMs trực tiếp như các cuộc đối thoại liên tục giữa lực lượng hải quân hai nước nhằm giảm nguy cơ xảy ra sự cố biển.
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc gửi Quốc hội Mỹ năm 2010: Tính phức tạp của môi trường an ninh, cả ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới, đòi hỏi một cuộc đối thoại liên tục giữa các lực lượng vũ trang Mỹ và Trung Quốc ở mọi cấp, nhằm mở rộng hợp tác thực tế trong khu vực mà lợi ích quốc gia của hai nước tương đồng, và thảo luận thẳng thắn về các khu vực có bất đồng. Hơn nữa, vì Trung Quốc có lợi thế về năng lực quân sự và các chiến dịch quân sự mở rộng, một cuộc đối thoại liên tục giữa quân đội với quân đội của Mỹ và Trung Quốc càng đặc biệt quan trọng trong thời kỳ xảy ra va chạm và hỗn loạn.
Biện pháp Hiệp định Tư vấn Hàng hải Quân sự (MMCA) năm 1998 hiện vẫn tồn tại, dù cốt yếu của nó là thỏa thuận tổ chức các cuộc hội đàm về các vấn đề hàng hải, chứ không phải là một thỏa thuận về quy tắc ứng xử trên biển. Và hiệp định trên đã bị vô hiệu hóa khi Trung Quốc ngừng tiến hành đối thoại quân sự trong suốt năm 2010.
Trên thực tế, MMCA không nhiều hơn một thỏa thuận sơ bộ về việc tổ chức họp định kỳ, chứ không phải là một thỏa thuận về cách thức giải quyết sự cố. Hơn nữa, nó mới chỉ tổ chức được 8 cuộc họp thường niên từ năm 1998, một phần vì liên tiếp ngừng đối thoại quân sự. Tất nhiên như vậy còn tốt hơn là chẳng có gì, và có thể đây là một nền tảng cho một cuộc đối thoại hoặc các thỏa thuận bền vững hơn, nhưng nó chẳng giúp phòng hay quản lý các vụ đối đầu như sự cố EP-3 hay Impeccable.
Ảnh minh họa: china-defense-mashup.com
Một đường dây nóng quốc phòng Mỹ- Trung đã được thông báo năm 2007 dù nó chưa bao giờ được sử dụng trong một cuộc khủng hoảng và vẫn còn chưa chắc chắn về các nghị định thư hướng dẫn việc sử dụng đường dây này. Trong khi đó, sau các xáo trộn trong năm 2010, một số tiến bộ đã đạt được nhằm khởi động lại các cuộc thăm viếng và hội đàm quốc phòng cấp cao.
Dù các chuyên gia thường nói lý tưởng là một thỏa thuận INCSEA giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng văn bản này dường như vẫn chưa nằm trong tay Mỹ. Trong số các lập luận thuyết phục chống lại cách tiếp cận này có lập luận cho rằng một thỏa thuận giữa hai lực lượng hải quân không nên kiểm soát các hành vi mạo hiểm của các tàu dân sự. Hơn nữa, người ta cho rằng một thỏa thuận INCSEA kiểu chiến tranh Lạnh sẽ cho thấy rằng Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào một quan hệ thù địch giữa những người ngang hàng, những dấu hiệu mà một chính quyền của Mỹ miễn cưỡng phải gửi đi. Như vậy, cuộc thảo luận về sự xứng đáng của một thỏa thuận INCSEA có thể lại nổi lên ở Washington sau một loạt sự cố mới.
Nhật Bản: Các quan điểm nhìn chung là ủng hộ của Tokyo đối với CBMs trên biển với Bắc Kinh đã thay đổi một chút trong năm 2010, chứng tỏ một sự mất tín nhiệm ngày càng nhiều sau các sự cố biển trong năm này.
Lo ngại cũng gia tăng liên quan đến chất lượng của các quá trình phối hợp chính sách, cũng như xử lý khủng hoảng của Nhật Bản, có nghĩa là các quá trình này cần phải được cải thiện để Tokyo có thể đưa ra những chính sách đáp trả đúng lúc, bền vững và thích hợp để bảo về lợi ích của Nhật Bản trong khi vẫn đảm bảo rằng các sự cố biển với Trung Quốc không vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Cơ quan an ninh của Nhật Bản ủng hộ cam kết với Trung Quốc - Mỹ cũng ủng hộ. Nhưng cũng có một số giới hạn, mà nếu vượt qua chúng thì các lợi ích như khả năng tiên đoán và sự minh bạch có thể bị lu mờ bởi các tác động tiêu cực hơn, trong đó có lợi thế về tình báo mà Trung Quốc có thể thu được khi ở gần các năng lực của Mỹ hay Nhật Bản.
Nhưng Nhật Bản vẫn tiếp tục cởi mở với một số CBMs song phương với Trung Quốc: Nhật Bản đã đề xuất đối thoại về một quy tắc ứng xử trên biển hoặc thậm chí một thỏa thuận INCSEA, nhưng họ (Trung Quốc) đã không đáp lại. Sau các sự cố máy bay trực thăng hồi tháng 4/2010, chúng tôi đã cố gắng mở đối thoại về các vấn đề an toàn. Sự cố Senkaku đã làm chậm lại mọi khả năng này... Tháng 11/2009, các bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí xem xét các vấn đề như tổ chức huấn luyện chung về tìm kiếm và cứu hộ, hợp tác hỗ trợ nhân đạo và đối phó thiên tai, và thiết lập sớm nhất một cơ chế thông tin trên biển giữa hai cơ quan quốc phòng. Và tháng 7/2010, chúng tôi đã tổ chức vòng đàm phán cấp chuyên viên đầu tiên về thông tin trên biển. Nhìn chung, Nhật Bản không cố làm chậm lại tiến độ này.
Các nguồn tin Nhật Bản cho biết mức độ thất bại ngày càng tăng của việc thực thi các CBMs với Trung Quốc, đặc biệt là một đường dây nóng được công bố tháng 5/2010. Một vấn đề được cho là do Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) khăng khăng rằng các thông điệp gửi tới và đi từ Nhật Bản được chuyển qua kênh của "văn phòng đối ngoài" thuộc Bộ Quốc phòng nước này, trong khi nó lẽ ra phải được thông qua các đơn vị quân sự.
Trong mọi trường hợp, cuộc khủng hoảng ngoại giao về sự cố quần đảo Senkaku/Điếu Ngư liên quan đến sự trì hoãn các cuộc đối thoại nhằm đưa một CBM như vậy vào hoạt động. Đồng thời, sự mất tín nhiệm ngày càng tăng của Trung Quốc khiến Nhật Bản có lợi ích mới khi tham vấn Mỹ và các nước thân thiện hơn - như Australia - trước khi tiếp tục nỗ lực cam kết phòng thủ với Trung Quốc.
Ấn Độ: Như đã nói trong phần I, cơ quan an ninh Ấn Độ nhìn vào các động thái và hành vi của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương với một sự bất tín sâu sắc, và lấy các năng lực hải quân Trung Quốc làm mốc cho tham vọng của hải quân mình. Dù một số nhân vật ôn hòa thực dụng trong số các chiến lược gia Ấn Độ coi mục tiêu chính của hải quân nước này là khả năng răn đe Trung Quốc. Nhưng vấn có các giới hạn cố hữu của việc Ấn Độ có thể sẵn sàng áp dụng các CBMs trên biển với Trung Quốc đến mức nào - bằng chứng là sự đáp trả khá chậm chạp của New Delhi trong việc tham gia một cách xây dựng cùng các lực lượng chống hải tặc của Trung Quốc.
Tuy nhiên nhìn chung, New Delhi có một quan điểm tích cực về CBMs, bằng chứng là các nỗ lực của họ trên đất liền và trong lĩnh vực tên lửa và hạt nhân. Năm 2009, Ấn Độ và Trung Quốc đã nhất trí về nguyên tắc thiết lập một đường dây nóng cấp lãnh đạo, được thông báo là đã "đi vào hoạt động" từ tháng 12/2010. Ấn Độ chấp nhận logic là CBMs có thể và nên được đề cao hơn uy tín chiến lược.
Hơn nữa, Ấn Độ đang tiên phong hơn về các dạng cam kết gián tiếp trên biển với Trung Quốc, ví dụ như các chuyến viếng thăm của các tàu Trung Quốc và đề nghị bảo vệ tàu thương mại Trung Quốc khỏi hải tặc trên các hải trình qua Ấn Độ Dương. Về nguyên tắc, Ấn Độ sẽ không phản đối lý tưởng về một thỏa thuận INCSEA: trong một thời gian tan băng ngắn trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan, đã có những cuộc đàm phán về một thỏa thuận như thế giữa hai cường quốc Nam Á này. Tuy nhiên, cuối cùng New Delhi muốn xem và chờ đợi trước khi quyết định liệu có nên áp dụng CBMs trực tiếp trên biển với Trung Quốc hay không.
Còn tiếp
  • Châu Giang theo Lowy Institute

Không có nhận xét nào: