Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

Trung Quốc : Âm thầm hạ thủy tàu sân bay cho một tham vọng lớn



Tàu Varyag/Thi Lang, ảnh chụp ngày 27/7/2011 tại cảng Đại Liên
Tàu Varyag/Thi Lang, ảnh chụp ngày 27/7/2011 tại cảng Đại Liên
REUTERS/CCTV via Reuters TV
Lê Phước
Sáng ngày 10/8 vừa qua, Trung Quốc đã cho hạ thủy hàng không mẫu hạm đầu tiên của mình. Sự kiện này gây quan ngại cho nhiều phía, bởi nó diễn ra trong một bối cảnh hết sức nhạy cảm. Nhật báo Le Monde số ra hôm nay có bài nhận định với hàng tựa : « Buổi khai trương âm thầm hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc ».



Thông tín viên Le Monde từ Bắc Kinh cho biết : sáng ngày 10/8/2011, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc đã rời cảng Đại Liên (miền đông bắc) một cách « không kèn không trống ». Đây là một tàu mà Trung Quốc đã mua lại của Ukraina vào những năm 1990 và đã tự cho sửa chữa và cải tiến.
Do không phải là cây kim sợi chỉ để có thể được che đậy một cách dễ dàng, chiếc tàu sân bay khổng lồ trên thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Tên gọi hiện tại là Varyag, tên sắp tới có thể sẽ là Thi Lang (là tướng nhà Minh, sau đầu hàng nhà Thanh và giúp nhà Thanh chiếm Đài Loan). Chuyến hải hành khai trương này có thể kéo dài đến tận chủ nhật.
Báo chí chính thức của Trung Quốc nhiều lần khẳng định, Thi Lang được dùng để nghiên cứu và huấn luyện. Le Monde cho rằng, lời giải thích này nhằm làm giảm tính nghiêm trọng của sự việc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa một bên là Trung Quốc, một bên là các nước láng giềng và Hoa Kỳ trong khu vực đông Thái Bình Dương.
Trong bài xã luận của mình, hãng tin Tân Hoa Xã nhắc đi nhắc lại : « Chính sách phòng vệ của Trung Quốc không thể được hiểu là một mối đe dọa ». Hãng này còn cho biết, nguyên nhân chính của sự ra đời của tàu Thi Lang, đó là Trung Quốc muốn « bảo vệ đường bờ biển rất dài và các lợi ích trên biển của mình ». Cuối cùng, Tân Hoa Xã nhắc mọi người rằng, đến hiện tại, trong năm ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an LHQ, chỉ có Trung Quốc là chưa có hàng không mẫu hạm. Hơn nữa, chỉ tính trong khu vực thôi, ngay cả Thái Lan và Ấn Độ cũng đã có hoặc đang dự tính sẽ sở hữu.
Thế nhưng, những lời trấn an dài dòng kia có lẽ chưa đủ để làm thế giới hết lo ngại, bởi việc hạ thủy Thi Lang diễn ra trong giai đoạn Trung Quốc tuyên bố xây dựng « một lực lượng hải quân xứng tầm ». Người phát ngôn bộ ngoại giao Mỹ đã lên tiếng cho biết đang chờ lời giải thích rõ ràng từ phía Trung Quốc. Ông này cũng phê phán sự thiếu minh bạch trong vụ việc có liên quan của Bắc Kinh.
Theo Le Monde, chính sách quốc phòng của Trung Quốc còn quá mập mờ, nhất là liên quan đến « quyền lợi cốt lỏi » mà Trung Quốc yêu sách trên vùng biển lân cận và nhiều vùng lãnh hải đang trong vòng tranh chấp.
Dù Bắc Kinh cố trấn an dư luận, nhưng thâm ý thật sự không vì thế mà không bị tiết lộ. Trên trang mạng jz.chinamil.com.cn thuộc nhật báo Quân đội nhân dân, một phóng viên cao cấp đã không ngại nêu quan điểm, một quan điểm góp phần hiểu đôi điều về cái thâm ý nêu trên. Nhà báo này cho rằng : Làm tàu sân bay để làm gì nếu Trung Quốc không có dũng khí và ý định sử dụng nó để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.
Liên quan đến tầm ảnh hưởng thật sự của Thi Lang, Le Monde nhận định, nó không phải hoàn toàn là sản phẩm của Trung Quốc, vì thế không có gì mà quân đội nhân dân Trung Hoa phải tự hào cho lắm. Các chuyên gia phương Tây đánh giá, còn phải mất nhiều năm nữa hải quân Trung Quốc mới có thể có được một đội hải-không quân hoàn thiện.
Thủ tướng Anh không dám nhìn thẳng váo sự thật bất ổn xã hội ?
Tình hình bạo loạn mấy ngày qua tại Anh đã thu hút mạnh mẽ báo chí thế giới với nhiều bài phân tích nguyên nhân xã hội của vụ việc. Phản ánh chủ đề này, đặc phái viên tại Luân Đôn của tờ Liberation có bài nhận định : « Anh : Cameron theo đường lối cứng rắn ».
Cũng giống như nhiều nước Âu Châu khác phải hứng chịu hậu quả tiêu cực của cuộc cuộc khủng hoảng kinh tế và với tâm lí thất vọng về mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa, Anh chưa có định hướng tương lai rõ ràng nào dành cho giới trẻ đang bị chao đảo trong xã hội. Các chính trị gia thì mắt lấp tay ngơ. Đối với các vụ nổi dậy vừa qua, họ chỉ cho là « bạo động, cướp phá », và « không thể chấp nhận được ».
Liberation nhận định, từ chối nguyên nhân xã hội giúp họ khỏi phải vương mang trách nhiệm. Những người theo trường phái bảo thủ đang có một lập trường cứng rắn và có cái nhìn có vẻ giản đơn đối với vụ việc. Đại diện cho cái nhìn cố tình giản đơn này là thủ tướng Anh ông David Cameron khi ông cho rằng : Vụ việc vừa qua « chỉ đơn thuần là hành vi tội phạm ».
Ông Cameron hình như đang né tránh nguyên nhân sâu xa về mặt xã hội. Tận dụng ngày thứ tư bình yên sau 4 ngày bất ổn trước đó, ông Cameron đã lên giọng thị uy : « Đó không phải là hành vi có động cơ chính trị hay phản kháng, mà chỉ là hành vi trộm cắp. Thủ phạm của một vụ phạm tội, dĩ nhiên là tên tội phạm ».
Phân tích nguyên nhân, thủ tướng Cameron lập luận : Nhiều trẻ em lớn lên mà không phân biệt được đâu là cái tốt đâu là cái xấu. Như vậy đây không phải là vấn đề nghèo khổ mà là một vấn đề văn hóa, một nền văn hóa kích thích bạo lực, không tôn trọng chính quyền, chỉ nói về quyền hạn, mà không nói về trách nhiệm. Tóm lại, chính sự xem thường lơ đễnh và sự thiếu đạo đức đã dẫn đến những lối hành xử không đúng. Như vậy, không có « bất ổn xã hội » mà chỉ có « khủng hoảng các giá trị ». Do đó mà ông Cameron đã tuyên chiến với « bọn trộm cướp » khi ông xem việc chống lại chúng là một ưu tiên quốc gia. Ông cũng cho cảnh sát thêm quyền là buộc những người bịt mặt ngoài đường phố phải tháo khăn mặt trong trường hợp nghi ngờ. Thêm vào đó, ông Cameron còn đang dự tính sẽ cấm vào trang mạng xã hội đối với những người có thể dùng nó để tổ chức các vụ bạo động, gây mất trật tự hay các hành vi tội phạm.
Về phần mình, bộ trưởng nội vụ Anh thừa nhận rằng « có những vấn đề xã hội nghiêm trọng » trong đó đáng chú ý là việc có 2 triệu trẻ em có bố mẹ thất nghiệp. Ông cho rằng : « Chúng ta không thế tiếp tục không biết điều đó nữa ». Thế nhưng ông vẫn theo đúng đường lối của thủ tướng và vẫn cho rằng các vụ trên là các hành vi tội phạm, chứ không dính gì đến bất bình đẳng xã hội hay thất nghiệp.
Để bảo vệ quan điểm của mình, ông Cameron còn viện dẫn lí do thể diện đất nước khi nhận định rằng, hình ảnh đất nước Anh đã bị hoen ố nghiêm trọng, trong khi chỉ còn cách Olympic một năm. Ông kêu gọi : « Chúng ta phải chứng tỏ cho thế giới thấy rằng Anh quốc không phải là một nước phá hủy mà là một nước xây dựng. Chúng ta sẽ không để mình bị thống trị bởi phần thiểu số bạo lực được ». Đối với những người ông cho là « tội phạm », là phần « thiểu số không lòng tin không luật lệ », ông tuyên chiến : « Chúng tôi sẽ truy đuổi và trừng trị các người. Các người sẽ phải trả giá ».
Liberation cho biết, đến hiện tại, đã có khoảng 1 500 người bị bắt giữ và sẽ còn tiếp diễn. Các tòa án thì đang tiếp tục ngày đêm chạy marathon để xử những người bị bắt.
Tóm lại, theo Liberation, ông Cameron có cái nhìn theo chủ nghĩa giản đơn, và cố tình tránh né cốt lõi của vấn đề, đó là thực trạng bất ổn trong xã hội.
Mặt khuất của các công ty thẩm định tài chính
Tầm ảnh hưởng của các công ty thậm định tài chính đối với thị trường thế giới thật to lớn. Họ là ai ? Họ làm việc như thế nào ? Liberation đặc biệt có bày góp phần giải đáp các « bí ẩn » này qua lời kể của các cựu thành viên thuộc ba công ty thẩm định tư nhân hàng đầu là S&P, Moody’s và Fitch, và một số chuyên gia phân tích.
Những chuyên gia phân tích các nước thường được đào tạo về kinh tế học và có kinh nghiệm làm việc ở một tổ chức quốc tế theo kiểu như IMF hay Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế Châu Âu. Như nhà phân tích David Beers, người trở nên nổi tiếng khi hạ thấp điểm tín nhiệm của Mỹ vừa rồi, ông này tốt nghiệp trường Kinh tế Luân Đôn (London School of Economic), và làm việc cho S&P từ năm 1990.
Một cựu nhân viên của Moody’s cho biết về cách làm việc của nhà phân tích tài chính: «nhà phân tích thích nhốt mình trong phòng suốt ngày để tính toán ».
Cụ thể về cách làm việc, một chuyên gia tiết lộ về quá trình hạ điểm tín nhiệm của Hy Lạp như sau : Ba nhà phân tích của S&P đến Athenes và ở đó vài ngày. Họ tiếp kiến với thống đốc ngân hàng trung ương Hy Lạp, họ đọc tờ Herald Tribune, họ uống rượu rồi trở về New York. Thế là sau đó, họ đã có nhận định chính thức về tình hình tài chính Hy Lạp.
Libération cho hay, thật ra công việc thẩm định của các nhà phân tích diễn ra rất nhanh. Số người tham gia nhóm đi điều tra thường được hạn chế đến mức thấp nhất vì lí do tiết kiệm. Việc soạn một đánh giá tài chính bước đầu chỉ mất vài tuần. Sau khi được chỉ định, một người được gọi là trưởng nhóm phân tích và một người trợ lí bắt đầu chiến dịch thu thập thông tin từ khắp các nguồn : báo cáo thường niên, các nghiên cứu kinh tế và các điều tra thực địa. Họ cũng gặp giám đốc tài chính các công ty hoặc thành viên chính phủ. Họ được tiếp cận với các thông tin mật. Và dĩ nhiên, họ không thoát khỏi bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ bạn bè. Theo một luận án tiến sỹ viết về các công ty thẩm định, Moody’s bị nghi ngờ là cố tình hạ thấp tín nhiệm của Hy Lạp để phục vụ cho lợi ích của Ngân hàng Châu Âu.
Sau giai đoạn tìm hiểu thông tin là giai đoạn cho ra đánh giá. Một nước được xếp là AAA phải có tăng trưởng tốt, có ít nợ và việc quản lí phải tốt. Thế nhưng, việc đánh giá lại bị ảnh hưởng bởi vấn đề ý thức hệ chính trị. Chẳng hạn như « việc quản lí tốt » thường có nghĩa là « một nước dân chủ », điều gây trở ngại lớn cho các nước mới nổi.
Trên thị trường, không ai biết trước được khi nào bị hạ mức tín nhiệm. Tất cả được thực hiện bởi một ủy ban thẩm định khép kín, được thành lập theo yêu cầu của trưởng nhóm phân tích. Sau đó ủy ban này tiến hành cuộc họp theo kiểu hội nghị điện thoại trực tuyến. Thành phần tham gia khoảng 12 người thuộc công ty, từ các nhà phân tích làm việc thực địa tại các nước đến giám đốc quản lí các vùng có liên quan. Đầu tiên, trưởng nhóm phân tích đưa ra yêu cầu là nâng hay hạ thấp điểm tín nhiệm, sau đó các thành viên tiến hành biểu quyết. Nếu đa số thông qua thì yêu cầu của trưởng nhóm chính thức có hiệu lực, nếu không thì trưởng nhóm sẽ triệu tập một ủy ban khác.
Khi đã có kết quả thẩm định chính thức, kết quả này sẽ được gửi ngay lập tức tới đối tượng phát hành trái phiếu nợ, tức con nợ. Nước này xem xét để biết có sai sót gì không và chuẩn bị đối phó với phản ứng của thị trường. Sau đó, điểm thẩm định trên sẽ được công khai. Tại Châu Âu hạn định cho việc này là sau 12 tiếng đồng hồ.
Về tiền thù lao, các công ty thẩm định được trả bởi những đối tác nhờ họ thẩm định. Các đối tượng được thẩm định hiểu rõ rằng, phải có chỉ số thẩm định tín nhiệm để có thể tìm được người mua trái phiếu của họ, vì thế họ buộc phải nhờ đến các công ty thẩm định.
Đối với các công ty thẩm định, những thương vụ này là những mỏ vàng, bởi tiền thù lao được tính theo qui mô công trái nợ : phát hành càng nhiều trái phiếu, thù lao càng nhiều. Việc nhắm mắt chạy theo lợi ích đã dẩn đến việc hạn chế số nhân viên phân tích. So với cách đây 10 năm, hiện tại công việc của các nhà phân tích đã tăng lên gấp 2 lần.
Thế là, các công ty thẩm định ngày càng kiếm được nhiều tiền, nhưng sai sót thì cũng ngày càng tăng lên.
Pháp : thị trường chứng khoán bị chao đảo vì tin đồn trên mạng
Mấy ngày qua ngân hàng Société Général (SocGen) phải điêu đứng vì tin đồn sắp bị phá sản. Thị trường tài chính phải bị ảnh hưởng nặng nề. Sự thật là đâu, trong khi hôm nay các báo Pháp tập trung giải mã cho rằng đó là kết quả của những tin đồn thất thiệt. Trong hướng đó, Le Figaro có bài chạy tựa : « Khi Twitter và các tin đồn thất thiệt định hướng thị trường ».
Tờ báo nhắc lại, chỉ trong vòng có hai tiếng đồng hồ, mà kịch bản phá sản của ngân hàng lớn thứ hai tại Pháp Société Général (SocGen) hầu như sắp trở thành hiện thực. Giao dịch chứng khoán của công ty này giảm đến 22% giá trị trong một buổi. Giới tài chính được cho là « nắm thông tin kỹ nhất » thì bảo nhau là tổng thống Nicolas Sarkozy đã vội vã bỏ nơi nghỉ hè trở về lên kế hoạch cứu SocGen, và người đứng đầu ngân hàng này đang chạy vạy đi tìm cổ đông tại các tiểu vương quốc Ả Rập.
Các nhà báo thì hoàn toàn mất định hướng bởi không biết tìm thông tin nơi đâu cho chính xác. Cuối cùng họ hướng về các trang mạng Twitter. Chỉ trong vài giờ các trang blog đã trở thành nơi đào bới thông tin. Hôm thứ tư trên mạng có tin rằng : « Tin đồn về một ngân hàng lớn của Pháp sắp bị sụp đổ và ông Sarkozy đang họp khẩn cấp. SocGen giảm 17% ». Rồi sau đó là « Sarkozy họp khẩn, kế hoạch cứu hộ ». Có khoảng 10 tin cho biết SocGen sắp bị sụp. Bên cạnh đó cũng có dân mạng cho rằng đó là một âm mưu tấn công SocGen, và nhiều trang mạng với những thông tin thất thiệt khác.
Đặc biệt là bài viết đề ngày 7/8 của tờ Daily Mail của Anh, theo đó SocGen đang lâm nguy và đang ở bên bờ vực. Hôm thứ tư, tờ báo này đã chính thức cải chính và xin lỗi SocGen.
Thế nhưng, việc rồi thì cũng đã rồi. Le Figaro nhận định, câu ngạn ngữ « không có lửa làm sau có khói » vẫn luôn có tác dụng, nhất là đối với các nhà đầu tư.
Để chống lại các tin đồn kiểu trên, cơ quan điều tiết tài chính Châu Âu hôm qua đã quyết định hạn chế việc bán khống (bán chứng khoán mà không thấy sở hữu) tại Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Bỉ kể từ hôm nay. Tại Pháp, các kiểu bán này cũng bị cấm trong vòng 15 ngày trên cổ phần của 11 ngân hàng và công ty bảo hiểm đăng ký chứng khoán tại Paris.

Không có nhận xét nào: