Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Hát Bội, Nghệ và Đời

 
Tứ Hỷ tổng hợp
Có nguồn gốc từ Trung Quốc, được chính thức công nhận bởi triều đình phong kiến vào thời Hán Vũ Đế (140-86 trước công nguyên). Hát bội đã truyền vào Việt Nam theo chân các đoàn quân xâm lược trong thời kỳ Bắc thuộc.

Trải qua hàng trăm năm, chịu tác động của bao nhân tố lịch sử, nghề hát vẫn tồn tại và phát triển, vẫn chiếm giữ một vị trí nhất định trong lòng khán giả. Người nghệ sỹ đeo đuổi và sống với nghề bằng cả tấm lòng …
 
Sơ lược nghệ thuật
Hát Bội thể hiện bằng một nghệ thuật tượng trưng. Dàn cảnh, dựng màn, phân hồi, ra bộ, cách diễn đều mang tính chất tượng trưng.
Hát Bội bố trí sân khấu rất đơn giản. Giữa sân khấu, đạo diễn cho trải một tấm chiếu. Phía trong, đặt một cái bàn, hai đầu bàn kê vài cái ghế ngồi. Phía sau treo một tấm màn nhung thêu, nghệ sĩ vén lên đi vào hay ra đều được. Sát tấm màn để cái rương lớn và trên rương chất thêm cái ghế đẩu dành cho vua hoặc vị tướng an tọa khi triều đình mở hội nghị. Hai phía bên hông của buồng ra vào có treo một tấm màn nhỏ. Hai bên cánh gà sân khấu, mỗi bên một cái hàng rào bằng gỗ sơn son để dựng gươm giáo, tàn lọng, cờ xí làm tăng thêm vẻ nghiêm trang.
Điệu bộ hát Bội diễn biến theo một khuôn khổ nhất định. Từ các động tác cầm thương cỡi ngựa đến cử chỉ vuốt râu đều diễn có tính cách tượng trưng. Có rất nhiều những tượng trưng được sử dụng, và người xem phần lớn đều hiểu những khái niệm đó. Chính vì vậy khán giả trong Hát Bội không chỉ là người nghe, người xem, mà chính họ sẽ tham gia, tùy theo theo sự am hiểu của mỗi người mà tạo nên cảm xúc cho vở tuồng.
Diễn viên đều phải trang điểm khuôn mặt rất kỹ và rất đậm. Nhân vật gian hay thiện, ác hay nhân, có thể nhân biết qua cách hóa trang: mặt đỏ, mắt phượng, râu dài thể hiện cho nhân vât chính diện, nghĩa khí, anh hùng. Ở Trung Quốc, mặt nạ thường được sử dụng thay cho lớp hóa trang, còn Việt Nam thi không.
Ngoài ra qua các động tác điệu bộ khác sẽ dần dần làm rõ lên tính cách trạng thái. Như cách vuốt râu, cách nào cũng vậy, phải trung thực với nội tâm của vai tuồng. Quan văn trung thần vuốt nhẹ, kéo phớt nhanh qua phía bên mặt hay bên trái. Quan võ trung thần cầm ngọn chòm râu hất mạnh qua một phía. Quan nịnh thần hai tay nâng bộ râu vuốt từ trên xuống dưới. Ông tướng nóng tính hai tay nắm chặt chòm râu và vuốt nhanh hàm râu rìa với điệu bộ dữ dằn. Người có nghĩa khí như Quan Công xòe ngón tay trỏ và ngón giữa vuốt nhẹ râu mép tay đồng thời nâng bộ râu đưa thẳng về phía trước
Không chỉ có vậy, người nghệ sĩ Hát Bội phải luôn tuân thủ các bộ như cách đưa tay, ngồi dựa lưng, mọi động tác di chuyển đều ăn rập theo nhịp đàn. Bước chân đi khoan thai, chậm rãi theo từng nhịp trống.
Trên khía cạnh tâm lý, dần dần đưa khán giả hội nhập vào những cảnh ngộ vui, buồn, giận, sợ… của nhân vật trong tuồng, diễn viên phải diễn lả lướt và tỏ ra “màu mè” cường điệu.
Khi vui, nét mặt biểu lộ sự hân hoan, đôi mắt sáng lên, giọng cười giòn giã. Khi bị quở trách, sợ sệt thì quỳ mọp người xuống đất, mắt láo liên, khuôn mặt biến sắc, bàn tay chắp lại, chân bước nhẹ, bộ tịch co rúm. Lúc giận dữ, nghệ sĩ cầm một miếng cây to cỡ lòng bàn tay quất mạnh xuống bàn hay ghế nghe bốp bốp, tay chỉ đối tượng, miệng hét lớn và gằn từng câu dạy bảo… Những động tác kể trên đều là những qui tắc qua hàng trăm năm không đổi thay.
Mặt khác, âm nhạc trong môn nghệ thuật này là những bài Hát nam, Hát khách, Nói lối, Xướng, Bạch, Thán, Ngâm, Oán, Quân bang, Quân bài… về dàn nhạc cũng có các bộ gõ (các loại trống), bộ hơi (các loại kèn). Tùy theo từng vùng địa lý thì sẽ có những biến tấu khác nhau để phù hợp với chất giọng của nghệ sĩ và thị hiếu khán giả.
Các giai đoạn thăng trầm
Vào giai đoạn đầu của lịch sử hát bội, người diễn viên bị khinh rẻ bởi các tầng lớp quý tộc. Vua Lê Thanh Tôn (1460-1490) đã ra chiếu cấm họ không được tham gia các kỳ thi để ra làm quan trong triều. Gần đây hơn, vua Tự Đức đã từng nói: ”Xướng ca vô loài” và những ai theo nghề luôn bị phê phán, đánh giá là nhân phẩm thấp hèn.
Cũng có thời kỳ Hát bội lên ngôi, sự lôi cuốn và hấp dẫn của hát bội mạnh đến độ làm cho người ta lo sợ:
‘‘Trồng trầu trồng lộn dây tiêu,
Con theo hát bội mẹ liều con hư!’’
 Quanh mỗi gánh hát trình diễn thường mọc thêm phiên chợ đêm. Các gánh hàng quà vặt như bún, cháo, chè, bánh trái… tranh nhau mua bán bên ngoài trong khi đoàn hát chuẩn bị và trình diễn bên trong. Tiếng trống dạo, trống chầu giục giã đánh thức nếp sống trầm lặng thường ngày. Mùi nem nướng, thức ăn bốc lên mời gọi. Già trẻ, lớn bé mê hát quên ăn, quên ngủ.
Những gánh hát bội đến từ nhiều miền khác nhau. Nhưng nổi bật nhất vẫn là các đoàn hát bội Bình Định và hát bội Huế. Các gánh hát bội Bình Định thường rất xuất sắc trong những tuồng cổ như Tam Quốc Chí, Hán Sở Tranh Hùng, Đông Châu Liệt Quốc. Các gánh hát Huế lại nổi tiếng với những tuồng xưa được các ông hoàng bà chúa soạn lại một cách ướt át và hợp thời hợp cảnh hơn như Tuyết Hồng Lệ Sử, Kim Bình Mai, Lầu Trai Hương Phấn…
Khán giả thuộc tuồng không thua gì nghệ sĩ. Họ nhớ nằm lòng từng câu nói, từng cử chỉ, từng sự cố trong cuộc đời của Tiết Đinh San, Hoàng Phủ Thiếu Hoa, Tạ Ôn Đình, Thoại Ba Công Chúa…
Ngày xưa, hát bội đã có sẵn một lượng khán giả khổng lồ ở khắp các làng quê, và cả thành phố, vì nơi đâu có đình là có hát bội, quanh năm không sợ ế. Do bước ngoặt chiến tranh, tất cả im ắng xuống. Rồi công nghệ giải trí hiện đại, phim ảnh… xuất hiện. Một lần nữa đánh bật môn nghệ thuật cổ truyền này. Nhiều gánh hát tan rã, diễn viên bỏ nghề tìm đường mưu sinh, số người tâm huyết thì về những địa phương xa nơi mà các phương tiện giải trí còn thiếu thốn, và vẫn còn những khán giả trung thành say mê.
Gần 10 năm nay, khi các lễ hội được phục hồi thì hát bội mới lại sống dậy mạnh mẽ. Bây giờ dân Nam Bộ có đến hai mùa chầu trong năm, chứ không chỉ là một mùa nữa, đó là thượng ngươn (*) vào tháng hai, tháng ba, và hạ ngươn (**) vào tháng mười, tháng mười một âm lịch, nên các đoàn, các gánh lại có thể nhớ về lúc vàng son đã qua. Hát bội hiện đại cũng có hẳn sân khấu nhà hát đàng hoàng, cũng lên chương trình truyền hình, cũng làm live show đi khắp nơi.
Cách tân thời nay
Tuy vậy, thực tế lượng khán giả ngày càng ít, nhất là khán giả trẻ. Người ta quan tâm phát triển Hát bội với vai trò gìn giữ một di sản văn hóa. Và cũng phải khó khăn lắm mới đào tạo và thu hút được một lớp diễn viên mới để kế thừa. Do những đặc thù trong xã hội hiện đại, Hát bội phải cải tiến, thay đổi để phù hợp. Những tuồng xưa của lịch sử Trung Quốc như Lưu Kim Đính, Trảm Trịnh Ân, San Hậu… thường kéo dài bốn đến sáu hoặc tám tiếng đồng hồ. Khi vào diễn tại rạp thành phố thì chỉ còn vỏn vẹn hai giờ, còn thu truyền hình chỉ còn có 1 tiếng rưỡi. Ngoài ra các gánh còn thử diễn các tuồng lịch sử Việt Nam như Trần Hưng Đạo, Trần Cao Vân, Nguyễn Huệ… Ngay cả kịch bản cũng bớt tiếng Hán, bớt ứ ư, mà sử dụng tiếng Việt dễ hiểu, lớp trẻ không ngán.
Đặc biệt, hướng phát triển mới rất hứa hẹn là liên kết với ngành du lịch để quảng bá rộng rãi thì vẫn chưa được đầu tư và để tâm đúng mức của các đoàn hát. Hơn nữa các phương tiện thông tin cũng có thể dành một sự ưu ái tương xứng góp phần vào việc gìn giữ bộ môn nghệ thuật độc đáo này.
____
(*) thượng ngươn, (**) hạ ngươn: là những khái niệm thường gặp trong Đạo giáo và các tôn giáo cổ. Thượng ngươn (thương nguyên) là thời kỳ tạo dựng vũ trụ. Hạ ngươn (hạ nguyên) là thời kỳ suy tàn chuẩn bị cho tái tạo lại.

Không có nhận xét nào: