Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Chúng ta có thể thọ đến bao nhiêu tuổi?

Theo những gì đang diễn ra thì rõ ràng tuổi thọ của con người đang ngày một tăng lên. Trong điều kiện đời sống phát triển, đường đồ thị tuổi thọ dường như ngày càng lên cao. Vậy liệu chúng ta có thể sống 100, 150 hay 200 tuổi?

Người thọ nhất thế giới

Tháng 1/2009, Kỷ lục thế giới Guinness đã chính thức công nhận bà Maria de Jesus là người già nhất thế giới còn sống và được phong tặng danh hiệu cụ già thọ nhất với tuổi còn sống là 114 tuổi. Bà là một công dân người Pháp, sinh ra và mất đi cũng ở Pháp. Vào ngày mà người ta công nhận bà là cụ già nhất thế giới năm 2009, bà có 11 người cháu và 16 người chắt. Năm 2010, bà mất và thọ được 115 tuổi. Nhưng đó cũng mới chỉ là danh hiệu Á quân. Vì rằng, người thọ nhất đã vượt tuổi thọ của bà, chỉ có điều người này đã chết - bà Jeanne Calment.

Cho đến nay, nhiều người thọ qua 100 tuổi, nhiều người vượt được qua ngưỡng 110 tuổi. Nhưng người ta chưa thấy ai vượt qua được mốc 115 tuổi của bà Maria de Jesus và đặc biệt hơn là mốc 122 tuổi 164 ngày của bà Jeanne Calment.

Bà Jeanne cũng là một công dân người Pháp (sinh 1875 và mất 1997). Đến năm 1997, bà tổ chức sinh nhật lần thứ 122 và qua đời sau đó ít lâu. Cũng chẳng có gì là lạ bởi bà có một lối sống vận động khá tốt. Đến khi bà 100 tuổi mà vẫn đạp xe phăng phăng.

Sự kiện sống đến 122 tuổi đã là một sự kiện thọ “khủng” vào hàng nhất thế giới. Nhưng điều đáng nói hơn là nếu so với trước kia, tuổi thọ của con người đã có sự khác biệt đến kinh ngạc.



Luyện tập và sống lành mạnh để kéo dài tuổi thọ.


Sự gia tăng tuổi thọ

Chúng ta quay về quá khứ và nhìn lại chặng đường mà loài người đã đi qua. Vào thời kỳ đồ đá, đồ đồng, tuổi thọ của con người chỉ vào khoảng 25 tuổi. Đến 35 tuổi thì đã được gọi là già lắm rồi, trong khi bây giờ 25 tuổi thì chúng ta mới được coi là trưởng thành, kết hôn và sinh đẻ.

Đến thời kỳ trung cổ, tuổi thọ trung bình của con người được cộng thêm 10 tuổi nữa.

Bước sang thời kỳ đầu hiện đại, vào thế kỷ thứ 17, 18, tuổi thọ trung bình của con người đã thêm được 10 tuổi nữa, chạm ngưỡng 45 tuổi. Vào đầu thế kỷ thứ 20, tức là những năm 1900, tuổi thọ của con người đạt 50 - 60 tuổi. Hiện nay, theo thống kê, tuổi thọ của con người đạt vào khoảng 75 - 80 tuổi.

Vào đầu thế kỷ 20, khi bệnh tật theo chiều hướng ổn định và y học tìm ra những phương thức chữa bệnh hiệu quả, người ta tính toán rằng, cứ sau mỗi một thập kỷ thì trung bình tuổi thọ của con người tăng được 2 tuổi. Và thế là hiện nay tuổi thọ của chúng ta đã gấp đôi so với 200 năm trước. Các quốc gia có tuổi thọ cao nhất là Nhật Bản, Thụy Sỹ, Úc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Pháp, Canada, Nauy, Anh, Mỹ và có cả Việt Nam. Tuổi thọ trung bình người Việt Nam là 74 tuổi.

Vậy con người thọ được đến bao nhiêu tuổi?

Câu hỏi này đã được đặt ra và thực sự có nhiều tranh cãi. Đứng về phương diện sinh học thì các nhà khoa học cho rằng, con người không thể sống vô cùng tận. Đó là bởi lẽ con người luôn có bộ gen quy định trong cơ thể. Bộ gen này có nhiệm vụ điều phối hoạt động sống và nó đã quy định tuổi thọ của chúng ta là bao nhiêu. Vì thế mà đến một lúc nào đó chúng ta sẽ chết. Điều này được các nhà sinh học dẫn ra một ví dụ là dù có tạo điều kiện tối thuận đến đâu, các tế bào vẫn bị chết và bị thay thế bởi các tế bào khác. Do đó mà cơ thể chúng ta sẽ không thể mãi sinh tồn.

Về phương diện bệnh học và môi trường, các nhà y học lý luận rằng, con người chúng ta cũng không thể tồn tại vĩnh hằng được. Một sự thật là chúng ta đang sống và tồn tại trong môi trường đầy những thuận lợi và cũng đầy những rủi ro. Chúng ta sinh ra là phải đối mặt với những nguy cơ bên ngoài. Đó là mầm bệnh, những độc tố, những thành phần gây hại... Những yếu tố hại này sẽ bị tích luỹ và đến một thời điểm nào đó nó sẽ phá vỡ cơ thể. Nó sẽ làm cho cơ thể lão hoá dần và tuổi già sẽ đến. Chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn những độc tố này ra khỏi cơ thể. Chuyện chúng ta chết nhanh hay chóng là do chúng ta loại bỏ được chất thải, chất độc nhiều hay ít mà thôi chứ không thể có chuyện cơ thể vô cùng sạch sẽ và hoàn hảo.

Điều quan trọng nhất không phải là cố ngồi tính toán xem chúng ta sống lâu đến thế nào. Thay vào đó, chúng ta hãy thực hiện một lối sống trong lành, giảm bệnh tật, giảm thừa thãi dinh dưỡng, giảm ăn thực phẩm động vật thì chúng ta sẽ kéo dài được tuổi thọ của mình. Bởi có một quy luật luôn đúng: người sống thọ nhất là người sống trong lành nhất.

BS.Hưng Phong

Không có nhận xét nào: