Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

Nhân chứng Trường Sa

23 năm đã trôi qua kể từ sau cuộc chiến bi hùng ấy. Hôm nay, chúng tôi trở lại mảnh đất Hoà Cường năm xưa để tìm lại những người đã gia nhập hải quân năm 1987 và tham gia trận hải chiến Trường Sa năm 1988 nhưng không còn gặp được ai nữa. Họ cũng như các thân nhân liệt sĩ Trường Sa ngày đó, vì cuộc mưu sinh, đã tứ tán mỗi người mỗi nơi...

Anh Dương Văn Dũng kể lại diễn biến của trận hải chiến Trường Sa năm 1988. Ảnh: Minh Sơn

Khuất lấp giữa đời thường
Anh Dương Văn Dũng, sinh năm 1966, lính công binh hải quân Đại đội 9, Trung đoàn 83, có mặt trên tàu HQ 604 ở Gạc Ma kể lại, chiều 13.3.1988, HQ 604 đến được Gạc Ma chừng khoảng nửa tiếng đồng hồ thì tàu Trung Quốc đến. Sáng 14.3, sau khi giết hết số chiến sĩ giữ cờ trên đảo, pháo 100mm từ tàu chiến Trung Quốc bắt đầu nã vào HQ 604 cho tới khi tàu chìm. Không dừng ở đó, tàu chiến Trung Quốc tiếp tục truy sát những chiến sĩ còn sống sót. Một số chiến sĩ may mắn thoát được lúc đó sau cũng bị tàu Trung Quốc truy lùng, bắt làm tù binh đem về giam ở nhà tù Quảng Đông. Trong số này có anh Dũng.
Về Hoà Cường tìm kiếm mà không gặp được ai trong số các chiến sĩ hải quân tham gia trận hải chiến năm xưa, chúng tôi dò mãi, khó khăn lắm mới biết được tin về người cựu binh Trường Sa Dương Văn Dũng. Những bà mẹ liệt sĩ Trường Sa ở Hoà Cường đều nhắc tới tên anh, nhưng không có tin tức gì về anh. Họ chỉ biết rằng anh đã chuyển từ Hoà Cường vào xã Hoà Xuân sinh sống lâu rồi. Rất may, chú Thành, một cựu chiến binh của phường Hoà Cường (cũ) nhiệt tình bỏ ra hai ngày trời về Hoà Xuân hỏi thăm tin tức và đã tìm được anh.
Con trai liệt sĩ Trường Sa Nguyễn Mậu Phong – Nguyễn Tiến Xuân xung phong ra Trường Sa tiếp tục bảo vệ biển đảo như cha của mình 23 năm về trước. Ảnh: gia đình cung cấp

Năm 1992, Dương Văn Dũng và tám chiến sĩ bị bắt trong trận hải chiến Trường Sa 1988 được Trung Quốc trả về nước. Anh Dũng trở về phường Hoà Cường lập gia đình. Năm 1993, Dương Văn Dũng có đứa con đầu lòng, sau đó có thêm hai cháu nữa, đứa nhỏ nay học lớp 3. Vợ anh làm nghề bán trái cây ngoài chợ, anh làm nghề phụ hồ. Căn nhà cũ bị giải toả anh phải vào xã Hoà Xuân mua đất làm nhà mới, nay bị giải toả tiếp một lần nữa. Chúng tôi tìm gặp được anh lúc 12 giờ trưa nắng chói chang khi anh đang phụ hồ ở khu tái định cư E1 Hoà Xuân. Đứa con trai đầu lòng của anh vừa bị tai nạn qua đời cách đây mấy tháng. Khuôn mặt khắc khổ buồn ngơ ngác của người cựu binh năm xưa lấm lem vôi vữa. Ngồi mãi, rất lâu trong cái quán nước tạm bợ ở công trình, anh mới bắt đầu kể lại chuyện cũ.
Hình ảnh rời rạc của trận chiến ngày 14.3.1988 trên con tàu HQ 604 được chắp vá lại qua lời kể của anh bằng hình ảnh những lỗ thủng trên tàu do đạn pháo của Trung Quốc bắn, chỉ huy Trần Đức Thông ngã xuống, máu loang cả biển và những người sống sót bị truy sát đến phút cuối cùng…
Trong câu chuyện của mình, anh Dũng có nhắc tới một người bạn, chiến sĩ Trương Văn Hiền, quê Nghệ An. Khi tàu HQ 604 bị tàu Trung Quốc bắn chìm, Hiền bị thương nặng ở ngực, phải bám vào một thùng phuy trôi dạt trên biển và bị Trung Quốc bắt. Sau khi được thả, Hiền trở về quê, nghe nói anh Hiền vì cuộc sống khó khăn cũng phải bỏ quê vào Dăk Lăk làm rẫy sinh nhai.
Chúng tôi hỏi anh hồi đó có sợ không? Rít một hơi thuốc thật dài, anh Dũng trả lời: “Giờ lâu lâu sực nhớ lại thấy cũng ghê nhưng hồi đó không sợ. Với lại đi làm cả ngày mệt, tối về ngủ cũng quên hết rồi!” Trận chiến Trường Sa năm xưa trong đầu người cựu binh giờ chỉ như một cơn ác mộng bị chìm khuất dưới những nhọc nhằn của cuộc sống hiện tại. Tôi nhớ trước khi đi tìm anh Dũng, mẹ Hồ Thị Lai nhắn: “Nếu tìm được địa chỉ nó nhớ báo cho mẹ biết. Mấy năm nay không ai biết nó ở đâu, cuộc sống ra sao. Thật tội nghiệp, nó là đứa duy nhất ở Hoà Cường còn được trở về!”
Đơn xin tình nguyện nhập ngũ của Nguyễn Tiến Xuân. Ảnh: Quốc Nam

Con liệt sĩ Trường Sa tiếp tục bảo vệ Trường Sa
Bên con sông Kiến Giang, ở phía tả ngạn là làng Hiển Lộc (Duy Ninh, Quảng Ninh) xưa cũng có người lính hải quân tên Nguyễn Mậu Phong tình nguyện ra bảo vệ Trường Sa. Khi anh lên đường, hai đứa con trai Nguyễn Mậu Trường và Nguyễn Tiến Xuân của anh còn đỏ hỏn. Sau ngày anh hy sinh, chị Liễu, vợ anh, đã nuốt nước mắt vào lòng, một mình bươn chải nuôi hai con khôn lớn. Mỗi ngày, chị thường kể cho con về người cha anh hùng của chúng, kể từ nhà ra ngoài đồng, kể trong lời ru vào giấc ngủ. Hai đứa con của anh lớn lên, cũng tự nhiên nuôi trong lòng ý nghĩ phải ra Trường Sa tiếp tục bảo vệ bờ cõi như cha đã làm.
Hai anh em Trường, Xuân cùng viết đơn tình nguyện gửi vào đơn vị mà cha họ từng phục vụ, chiến đấu. Lá đơn gửi đi từ tháng 1.2007. Trong đơn, hai anh em viết: “Chúng cháu muốn trở thành người lính như ba cháu, được xung phong nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...” Cuối năm đó, Trường được gọi nhập ngũ theo đúng nguyện vọng và làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết. Nguyễn Tiến Xuân trở thành sinh viên học viện Hải quân đóng tại tỉnh Khánh Hoà. Ngày hai con lên đường, chị Liễu đi bộ cả mấy cây số tiễn chúng. Xe chuyển quân lăn bánh, chị quay mặt khóc không để hai đứa con biết. Sau nhiều năm học tập, Xuân đã lên đường ra Trường Sa thực tập. Em mang theo bó hoa huệ thả xuống biển, nói chuyện với cha như một người đồng đội và hứa sẽ đưa mẹ ra Trường Sa để “đoàn tụ” cùng cha, để giới thiệu với đồng đội của cha nay đã hoá thân vào sóng nước Biển Đông người mẹ đã nuôi mình khôn lớn để hôm nay lại ra bảo vệ Trường Sa.
Nguyễn Minh Sơn – Quốc Nam
Hải chiến Trường Sa 1988
Hải chiến Trường Sa là tên gọi cuộc chiến trên Biển Đông năm 1988. Trung Quốc đưa quân đội ra chiếm một số đảo, đảo chìm, bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam đưa lực lượng hải quân ra bảo vệ và xảy ra cuộc chiến ngày 14.3.1988.
Đầu năm 1988, khi hải quân Trung Quốc chiếm một số đảo Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Xu Bi… Việt Nam nhận định Trung Quốc có ý đồ chiếm thêm các đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma nên điều lực lượng hải quân ra giữ. Các tài liệu của quân đội nhân dân Việt Nam gọi chiến dịch này với cái tên CQ-88 (chủ quyền 88). Thời điểm đó Trung Quốc đã đưa 15 tàu đến khu vực Trường Sa bao gồm 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ và 3 tàu vận tải. Vào lúc 19 giờ ngày 11.3.1988 tàu HQ 604 rời Cam Ranh lên đường đến đảo Gạc Ma. Các tàu HQ 605, HQ 505 đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa cũng được điều đến cụm đảo Cô Lin – Len Đao.
Vào lúc 6 giờ sáng ngày 14.3.1988, Trung Quốc cho khoảng 40 lính tràn lên đảo Gạc Ma (một đảo chìm, khi thuỷ triều xuống nước vẫn ngập đến đầu gối). Lúc đó, các chiến sĩ trên tàu HQ 604 đã cắm cờ chủ quyền trên đảo. Lính Trung Quốc tiến tới cướp cờ và nổ súng giết chết các chiến sĩ trên đảo. Sau đó, Trung Quốc dùng pháo 100mm bắn chìm tàu HQ 604, truy sát các chiến sĩ trên tàu còn sống sót và chiếm đảo. Tại các đảo Cô Lin, Len Đao, chiến sĩ trên các tàu HQ 605 và HQ 505 kiên cường chiến đấu và bảo vệ được đảo. Phía Việt Nam có 3 tàu bị chìm và bị bắn cháy, 64 chiến sĩ hy sinh, 9 chiến sĩ khác bị bắt làm tù binh và được Trung Quốc trao trả năm 1992.
Trong cuộc hải chiến Trường Sa, bất chấp luật lệ chiến tranh, bất chấp nhân đạo, Trung Quốc ngăn cản không cho tàu của tổ chức Chữ Thập Đỏ đến cứu khi tàu Việt Nam bị đánh chìm. Đây là việc vi phạm điều cơ bản nhất của luật Chiến tranh. Trường Sa cách bờ biển Việt Nam khoảng 220 hải lý, cách Trung Quốc 750 hải lý và hoàn toàn không nằm trong thềm lục địa của nước này.

Không có nhận xét nào: