Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

Tàu TQ và Ấn Độ đụng nhau ngoài khơi VN

bbc Cập nhật: 08:38 GMT - thứ năm, 1 tháng 9, 2011
Chiến hạm INS Airavat của Ấn Độ
Việt Nam và Ấn Độ gần đây đang tăng cường hợp tác hải quân

Tin cho hay tàu chiến Trung Quốc đã chặn đường tàu hải quân Ấn Độ khi tàu này rời Việt Nam sau chuyến thăm hồi tháng Bảy.
Thời báo Tài chính (Financial Times) có trụ sở ở London, cho hay một tàu chiến không rõ số hiệu của Trung Quốc đã ra tín hiệu đòi chiến hạm INS Airavat của Ấn Độ phải trình báo danh tính và giải trình lý do có mặt trong vùng biển quốc tế, không lâu sau khi tàu này hoàn tất chuyến thăm Việt Nam.

Sự việc gợi nhớ vụ tàu Impeccable của Hoa Kỳ năm 2009, khi Washington cáo buộc Bắc Kinh đã gây hấn tàu thăm dò Mỹ cũng trong vùng Biển Đông.
Đây là lần đầu tiên hải quân Trung Quốc và Ấn Độ chạm trán nhau như vậy tại Biển Đông.
Thời báo Tài chính nói rằng sự việc vừa phát lộ đã khẳng định lại thái độ ngày càng mạnh bạo của hải quân Trung Quốc và đã khiến quan chức quốc phòng cả của Ấn Độ và Việt Nam tức giận.
Báo này dẫn lời một quan chức Ấn Độ nói: "Bất cứ nền hải quân nào trên thế giới cũng có toàn quyền được đi qua hải phận quốc tế. Nước nào tự nhận quyền sở hữu hoặc ngăn cản tàu bè của nước khác đi qua đều là không thể chấp nhận được".

Không phải biển riêng của Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận tàu INS Airavat đã thăm Việt Nam từ 19/7-22/7, nhưng nói không có tin về sự việc kể trên.
Tuy nhiên, giới ngoại giao ở Hà Nội nói với phóng viên của Thời báo Tài chính rằng Việt Nam bực tức vì hành động mà họ coi là "chủ ý khiêu khích" từ phía Trung Quốc.
Được biết tàu INS Airavat đã thăm Nha Trang và Hải Phòng, sau khi tham dự Triển lãm Quốc phòng Bridex 2011 ở Brunei hồi đầu tháng Bảy.
"Bất cứ nền hải quân nào trên thế giới cũng có toàn quyền được đi qua hải phận quốc tế. Nước nào tự nhận quyền sở hữu hoặc ngăn cản tàu bè của nước khác đi qua đều là không thể chấp nhận được"
Một quan chức Ấn Độ
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời một nguồn tin có hiểu biết về sự kiện nói rằng hiện vẫn chưa rõ nó xảy ra cách xa bờ biển của Việt Nam bao nhiêu.
Nguồn tin dấu tên này nói: "Đây là cách tiếp cận đặc trưng của Trung Quốc". Theo người này, việc chặn tàu nước ngoài là cử chỉ tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong vùng Biển Đông.
Tuy có tới sáu quốc gia cùng tham gia tranh chấp tại đây, Trung Quốc là nước có tuyên bố chủ quyền rộng lớn nhất, chiếm 80% diện tích Biển Đông.
Hoa Kỳ đã nhiều lần phản đối việc sách nhiễu và gây hấn đối với các tàu bè qua lại vùng biển giàu tài nguyên này, nói rằng bảo đảm tự do lưu thông hàng hải là "lợi ích quốc gia" của Mỹ.
Ngoài chỉ trích việc Việt Nam hợp tác với Hoa Kỳ, giới phân tích Trung Quốc cũng cho rằng Việt Nam đang tích cực lôi kéo Ấn Độ tham gia vào tranh chấp ở Biển Đông.
Một chương trình mới đây của truyền hình Trung Quốc CCTV nói Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh hải quân Việt Nam, từng mời Ấn Độ lập cơ sở thường xuyên tại Nha Trang.

Không có nhận xét nào: