Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Giải 'án tình' Ngọc Hân - Gia Long


Vĩnh Khang
 Trong lịch sử cận đại Việt Nam, hễ nói đến công chúa con vua mà lại lấy hai chồng làm vua là người ta nghĩ ngay đến công chúa Lê Ngọc Hân, con vua Lê Hiển tông, gả làm vợ vua Quang Trung. Nhưng sau khi nhà Tây Sơn mất ngôi, Ngọc Hân được hoàng đế Gia Long lập làm Ðệ Tam cung...

Số đâu có số lạ đời
Con vua mà lại hai đời chồng vua.

Thực hư chuyện này là thế nào? Mặc dù có người đã giải thích nhân vật ám chỉ trong câu ca dao trên là Lê Ngọc Bình, em ruột của công chúa Ngọc Hân. Nhưng tội nghiệp, điều này vẫn không giải được án tình cho Ngọc Hân trong dư luận của người dân xứ Huế một thời.


Công chúa Ngọc Hân phải chịu án tình oan với vua Gia Long. Ảnh minh họa

Trang tình sử bi hùng...




Lê Ngọc Hân (1770-1799) còn gọi Ngọc Hân công chúa hay Bắc Cung Hoàng hậu ; là công chúa nhà Hậu Lê và hoàng hậu nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam, vợ của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ). Dân gian còn lưu truyền tên gọi bà là Bà Chúa Tiên khi bà ở Phú Xuân vì dinh phủ lập ở chùa Kim Tiên.
Dưới thời Tây Sơn, có hai phụ nữ nổi danh làm rạng rỡ cho truyền thống phụ nữ Việt Nam là nữ tướng Bùi Thị Xuân và nữ sĩ tài hoa Lê Ngọc Hân. Nhưng cuối cùng, cả hai bà và gia đình đều phải chịu cảnh đắng cay thê thảm hiếm có trong lịch sử.



Có thuyết cho rằng, vào năm Nhâm Tuất (1802), triều Tây Sơn bị diệt, Gia Long bắt được Ngọc Hân công chúa, thấy nàng có nhan sắc kiều diễm, có sức quyến rũ các bậc tu mi, đã không kìm được xúc động trong buổi sơ ngộ tại Phú Xuân. Gia Long đưa truyền nộp công chúa vào cung. Tả quân Lê Văn Duyệt can “không nên lấy vợ thừa của giặc” nhưng nhà vua không chịu nghe, lại đáp: "Tất cả giang sơn này, cái gì không lấy từ trong tay giặc, cứ gì một người đàn bà?"

Vào cung, Ngọc Hân sinh cho vua Gia Long hai con là Hoàng tử Thường Tín và Quảng Oai.

Như vậy, đây có thể xem là một trang tình sử bi hùng giữa công chúa Ngọc Hân và vua Gia Long - đã được thi vị hoá và hiện thực hoá - nên được nhiều người kể, nhiều người ưa nghe và có nhiều sách vở biên chép. Năm 1941, trong tập san B.A.V.H . (Đô thành hiếu cổ) xuất bản ở Huế có bài viết của Phạm Thường Việt, với nhan đề Les caprices du génie des Mariages ou extraordinaire destinée de la princesse Ngọc Hân (Sự trớ trêu của ông tơ, bà Nguyệt hay duyên số kỳ lạ của Công chúa Ngọc Hân). Ở đây, ông Thường lần nữa lại cho rằng người lấy vua Gia Long là công chúa Lê Ngọc Hân. Tiếp đến, năm 1961, nhà sử học Nguyễn Thiệu Lâu vẫn cho rằng, Ngọc Hân công chúa đã lấy Gia Long là chuyện có thật.

... Hoàn toàn không phù hợp với sự thật lịch sử

Tất cả những câu chuyện về chung cục bi thương huyền hoặc của công chúa Lê Ngọc Hân là hoàn toàn không phù hợp với sự thật lịch sử.





Mộ Ngọc Hân Công Chúa hiện ở xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) .

Sau ngày đại thắng, Quang Trung về Phú Xuân tiến phong Ngọc Hân làm Bắc Cung Hoàng hậu. Ngọc Hân được hưởng những năm tháng tràn đầy hạnh phúc bên người chồng anh hùng. Bà sinh được hai người con, một gái là Nguyễn Thị Ngọc Bảo (SN 1788) và một trai là Nguyễn Quang Đức (SN 1790). Tuy nhiên, hạnh phúc đó không được bao lâu.



Tháng 9/1792, vua Quang Trung đột ngột từ trần. Mới 22 tuổi đầu, với hai đứa con thơ một lên 4 và một lên 2, Ngọc Hân trở thành goá bụa. Bà sống cô quạnh trong nỗi nhớ thương chồng. Tình cảm đau xót triền miên dần hút hết sinh lực của bà. Và thế là 7 năm sau (năm 1799), Ngọc Hân từ trần khi mới 29 tuổi đời. Hai năm sau (1801), Nguyễn Ánh tấn công vào Phú Xuân, vua tôi Quang Toản bỏ kinh thành chạy ra Bắc Hà. Hai con của Ngọc Hân còn thơ ấu đều bị bắt.

Rõ là, công chúa Lê Ngọc Hân đã mất dưới triều vua Cảnh Thịnh, nghĩa là trước khi kinh thành Phú Xuân thất thủ 16 tháng thì làm gì có câu chuyện bà phải lâm cảnh bôn ba lưu lạc sau khi nhà Tây Sơn mất ngôi, để rồi phải làm vợ của hoàng đế Gia Long. Bà đã được truy tặng là Như Ý Trang Thuận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu; được ma chay tống táng tại kinh thành theo đúng nghi thức vương giả dành cho một bậc mẫu nghi thiên hạ. Bằng chứng hùng hồn là bài văn tế Vũ Hoàng Hậu tìm thấy trong Dụ Am Văn Tập của Phan Huy Ích, mà Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm đã công bố trên tạp chí Tri Tân vào năm 1943 tại Hà Nội.

Một sĩ quan Pháp là Barizy theo chân Gia Long Nguyễn Ánh vào Phú Xuân, có đến nhà tù giam những người con của vua Quang Trung, đã mô tả lại trong thư của ông viết vào ngày 16/7/1801: "... Họ ở trong một căn phòng hơi tối, có tất cả 5 công chúa, một cô 16 tuổi, theo tôi là một cô gái đẹp, một em bé 12 tuổi là con gái bà công chúa Bắc Kỳ (tức Ngọc Hân), em này cũng coi được... Ngoài ra, còn có 3 con trai, có một em độ 16 tuổi da nâu nhưng nét mặt tầm thường. Còn em trai kia độ 12 tuổi là con bà công chúa Bắc Kỳ thì diện mạo rất đáng yêu và có những cử chỉ rất dễ thương".

Sách Đại Nam thực lục chính biên chép, cả con trai và con gái của Ngọc Hân đều bị bắt khi Nguyễn Ánh tấn công chiếm Phú Xuân vào tháng 5/1801 và sau đó, bị giết vào tháng 11/1801.

Tại sao Lê Ngọc Bình bị "biến" thành Ngọc Hân công chúa?

Lê Ngọc Bình (sinh năm 1783), công chúa con vua Hiển tông nhà Hậu Lê, em ruột công chúa Lê Ngọc Hân, là Chính cung Hoàng hậu vua Cảnh Thịnh (Quang Toản) nhà Nguyễn Tây Sơn và Ðệ Tam cung của vua Gia Long.

Theo Kể chuyện các vua Nguyễn, cuộc tình duyên của bà Lê thị Ngọc Bình với vua Gia Long khá lạ kỳ. Tháng 5/1801, khi Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân, vua Quang Toản bỏ chạy ra Bắc Hà, Ngọc Bình và một số cung nữ bị kẹt lại Phú Xuân. Thấy nàng là một người con gái trẻ đẹp, ăn nói dịu dàng, dáng điệu thướt tha, Gia Long rất ưng ý. Mặc cho các cận thần nhà Nguyễn kịch liệt phản đối, Gia Long bỏ ngoài tai tất cả. Ngọc Bình được nạp làm phi và sau đó được phong làm Đệ tam cung Đức Phi (đứng thứ ba sau hai bà hoàng hậu là Thừa Thiên, mẹ hoàng tử Cảnh và Thuận Thiên, mẹ vua Minh Mạng).

Bà Ngọc Bình sinh được bốn người con. Hai hoàng tử là Quảng Oai công Nguyễn Phúc Quân (1809) và Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự (1810). Hai công chúa là Mỹ Khê Ngọc Khuê và An Nghĩa Ngọc Ngôn. Đức phi Ngọc Bình mất vào năm 1810, sau khi sinh hoàng tử Phúc Cự. Năm ấy bà mới 27 tuổi.

Sách Quốc sử di biên và một số tư liệu khác cho hay, chị em Ngọc Hân và Ngọc Bình có nhiều điểm tương đồng rất căn bản. Hai bà đều là công chúa con vua Hiển Tông nhà Hậu Lê, sinh trưởng ở ngoài Bắc; lớn lên hai bà đều lấy chồng là hoàng đế nhà Tây Sơn, nghĩa là cả hai bà đều là hoàng hậu Phú Xuân. Do đó, những câu chuyện truyền tụng về cuộc đời hai bà cứ đan kết vào nhau, theo không gian và thời gian mà dần dà thay đổi, để rồi lẫn lộn và cuối cùng, chuyện có thật về người này trở thành huyền thoại của người kia. Nói rõ hơn, công chúa Lê Ngọc Bình chính là người phụ nữ lạ thường "con vua lại lấy hai đời chồng vua".

Không có nhận xét nào: