Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

André Menras, Một ngư dân bỏ biển: Việt Nam mất dần lãnh thổ

Ông André Menras, một nhà báo kỳ cựu người Pháp đã vì cuộc đấu tranh thống nhất của nhân dân Việt Nam mà từng phải ngồi tù trong khám lớn của chính quyền Sài Gòn; sau này vì yêu quý dân tộc ta mà xin nhập quốc tịch Việt Nam, và xin đổi sang họ Hồ của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới cái tên Hồ Cương Quyết.

Con người gắn bó với đấtViệt và người Việt đến cỡ ấy dễ hiểu đã xúc động đến chừng nào khi thân hành ra đảo Lý Sơn gặp người anh hùng Mai Phụng Lưu để tìm hiểu vì sao ông lại công khai từ bỏ nghề đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa mà trước đấy, dù bốn lần bị Hải quân Trung Quốc bắt giam cũng như tài sản đi biển bị cướp lột sạch sanh vẫn chưa bao giờ ông có ý định bỏ cuộc. Chúng tôi coi bài báo của ông André Menras trực tiếp gửi đến cho BVN là đại biểu cho một tiếng nói thứ hai, tiếng nói không hởi lòng mà không phải ai cũng trông đợi, nhưng thiết nghĩ, những ai còn giữ được sự chính trực, còn có lương tâm với nước với dân, đều cần được biết và nghiền ngẫm thật nghiêm túc. Nghĩ như vậy, chúng tôi mạnh dạn cho dịch và công bố bài báo đầy tâm huyết của người bạn da trắng mang họ Hồ và tự hào mình có dòng máu Việt trong huyết quản. Tin tức về việc chính quyền huyện đảo Lý Sơn vừa đề xuất lên cấp trên cho ông Mai Phụng Lưu được vay 300 triệu đồng với lãi suất rất thấp để đóng thuyền trở lại nghề đi biển càng thôi thúc chúng tôi sớm công bố bài báo này.
Bauxite Việt Nam
Thực sự, những ngày gần đây, tin tức từ Việt Nam không phải là thật tốt đẹp cho người Việt và bạn bè của họ trên thế giới. Tôi vừa đọc được từ tờ báo SGTT ngày 06 Tháng 01 năm 2011 rằng ông Mai Phụng Lưu, chủ sở hữu của một con tàu đánh cá ở Lý Sơn, đã phải ngừng hoạt động do thiếu tiền trả nợ, hậu quả trực tiếp của việc bọn cướp biển Trung Hoa hoành hành trên vùng biển thuộc khu vực Hoàng Sa. Đây không phải là, như người ta có thể nghĩ, một việc vặt vãnh trong số biết bao việc khác, mà là một tín hiệu báo động đèn đỏ mới và khủng khiếp, nó bật sáng lên khi sự vẹn toàn lãnh hải và lãnh thổ của Việt Nam ở vào tình thế hiểm nguy.
clip_image002
Con người không hề ngán vùng vẫy trên vùng biển Hoàng Sa giờ đang ngày ngày ra đồng giúp vợ trồng tỏi ở Lý Sơn. Ảnh: VT.
Người đàn ông dũng cảm và giàu kinh nghiệm này, giữa tuổi đang đầy sức vóc, đã bốn lần bị lực lượng Hải quân của "những láng giềng tốt" bắt giữ, đánh đập, giam cầm, đòi tiền chuộc, thế rồi cuối cùng đành phải khuất phục. Chữ "bất khuất" từng là biểu tượng cho đất nước này qua nhiều thế kỷ trong con mắt của thế giới, phải chăng đã từ từ biến mất trong ngôn ngữ Việt Nam?
clip_image004
Khát vọng Lý Sơn. Ảnh: André Menras.
Nhưng không phải thế, bốn mươi bốn ngày bị giam giữ mới đây cùng với đoạn kết 4 ngày đêm lang thang trong bão giông mà không có trong tay những dụng cụ đi biển, không có sự hỗ trợ thực sự nào của Hải quân Việt Nam: tất cả những điều đó vẫn không hề làm nhụt quyết tâm của ông Lưu. Khi thoát cảnh cầm tù trở về, sau nhiều lần mặt giáp mặt với cái chết, vậy mà ông vẫn tuyên bố sẽ quay trở lại biển Hoàng Sa, vì đây là khu vực đánh cá của tổ tiên mình. Bởi vì người đàn ông đáng mặt đàn ông ấy không phải là loại người chịu buông xuôi. Không như một số bạn chài ở Lý Sơn, từ bỏ đánh bắt trong các vùng biển tổ tiên để lại này mà nay Bắc Kinh muốn cướp đoạt. Không như họ, ông đã không quay về vùng biển Trường Sa, xa hơn nhưng tạm thời ít nguy hiểm hơn. Người đàn ông này là một thủy thủ của nhân dân. Với ông, lời nói có ý nghĩa và có giá trị dấn thân: làm mới nói và nói là làm. Vậy thì tại sao ông lại phải bỏ biển nếu không phải là vì sợ hiểm nguy? Có phải chỉ vì các khoản nợ vô cớ chất lên lưng ông và những khó khăn vật chất mà những khoản nợ ấy kéo tới cho gia đình ông? Tôi không nghĩ rằng sự thể lại như vậy.
Lý do thực sự để từ bỏ, ông Mai Phùng Lưu sẽ không nói, báo SGTT sẽ không thể viết ra, chẳng tờ báo Việt Nam nào khác dám viết để mà bị thu hồi ngay lập tức. Nhưng lý do ấy lại rất đơn giản, rất dễ hiểu và phải được nói ra: ông Lưu đã hoàn toàn mất lòng tin vào các bài diễn văn hay ho, các lời tuyên bố rắn rỏi cũng như điệu bộ khoa trương của các nhà lãnh đạo chính trị. Giờ đây ông thấy rõ mình bị họ bỏ rơi, bị buộc phải chấp nhận thất bại nhục nhã của cả một đời trung thành với biển. Thậm chí ông còn cảm thấy sự kiên trì chống chọi của mình có thể trở thành phiền nhiễu cho cái câu lạc bộ "4 tốt và 16 chữ vàng" của Việt Nam... - Tôi xin nói thêm và có cân nhắc kỹ, rằng ông Lưu có đủ lý do xác đáng để thấy mình bị phản bội bởi những người có nhiệm vụ bảo vệ cho ông.
Điều này thật đã hiển nhiên khi ta xét qua một số lời tuyên bố và hoạt động chính thức cần được nhắc lại ở đây:
Trong bốn ngành kinh tế biển chỉ có ngư dân là lực lượng đặc thù phải bám biển, hoạt động trên diện rộng trong toàn bộ các vùng biển có chủ quyền lãnh thổ. Vì bản chất của ngư dân là phải bám biển nên đây là lực lượng không thay thế được, ngay cả trong tổ chức chiến tranh nhân dân trên biển. Ngoài chuyện mưu sinh của ngư dân, sự có mặt của ngư dân trên biển còn góp phần khẳng định chủ quyềnhọ chính là lực lượng đang tham gia việc bảo vệ chủ quyền”. “Quỹ này sẽ hỗ trợ ngư dân gặp rủi ro khi đánh bắt xa bờ như: gặp bão tố, bị “tàu lạ” đâm chìm, bị người nước ngoài bắt và tịch thu tàu bè, ngư cụ…” (Ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo tuyên bố);
Cần có quĩ ủng hộ ngư dân đánh bắt cá ở Hoàng Sa”… “sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài” (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi).
Vẫn biết là các lời tuyên bố như thế không phải là từ những người có trách nhiệm rất cao trong Đảng và Nhà nước vốn rất kiệm lời trong việc phát biểu công khai những vấn đề này, ngoại trừ Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi lên tiếng tại đảo Bạch Long Vĩ. Rất có thể những lời trích dẫn kia là thành thực vào lúc chúng được phát ngôn. Nhưng với kinh nghiệm, thì cũng phải thấy cho hết nhẽ, rằng những lời nói đó đều gắn liền mật thiết với phương pháp “đánh trống bỏ dùi”.
Tôi sẽ tránh làm độc giả nhớ đến những lời tuyên bố lặp đi lặp lại của Bộ Ngoại giao Việt Nam, sau mỗi cuộc tấn công xâm lược của Trung Quốc, lại khẳng định như một điệp khúc nhàm chán về chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa với "người đồng chí tốt" của mình, kẻ vẫn làm đui làm điếc, và cứ tiếp tục lặng lẽ ra đòn thật tồi tệ chống lại tất cả những ông Luu người Việt vẫn còn dám ngẩng cao đầu kiếm sống trong nhân phẩm trên biển và trên các hòn đảo của tổ tiên họ.
clip_image006
Truyền thống giữ biển đảo Hoàng Sa lâu đời của người dân Lý Sơn. Ảnh: André Menras.
Cũng nên nhớ lại tình tiết bi thảm khi chúng ta bặt tin tức của ông Lưu và 9 bạn đồng hành của ông – ấy là lúc họ được người anh em “Mười sáu chữ vàng” rộng lòng trả cho họ được tự do vào ngay giữa trận bão. Nhân dịp này, các nhà chức trách Việt Nam còn có màn trình diễn hay ho hơn nữa: sau hơn 3 ngày chơi trò ú tim thảm hại, giới chức cấp trung ương đá quả bóng trách nhiệm về cho cấp vùng, rồi mấy ông này lại chỉ xuống cấp địa phương, và cấp này than van về sự bất lực của họ vì thiếu phương tiện, các nhà hoạch định chính sách quốc gia bí ẩn nhân đó liền tìm thấy không có cơ hội nào tốt hơn để mời gọi bọn cướp biển kiêm cai ngục Trung Quốc cùng tìm kiếm tìm những người mất tích.
Và cuối cùng, trong cuộc đua của hội giả trang này, Việt Nam đã dám – cả gan đến tuyệt đỉnh – tự mình phiêu lưu trên không gian hàng hải riêng của mình với giấy phép do Trung Quốc cấp; và rồi lại là người Trung Quốc có công tìm ra và cứu vớt những người mất tích. Cảm ơn, vô cùng cám ơn, các đồng chí! Vụ này thật đáng được dâng tặng một bó hoa đẹp giống như bó hoa tặng cho Thuyền trưởng Trung Quốc của chiếc tàu hộ vệ tên lửa XIANGFAN hồi sáng 3 /12 khi nó cập cảng Tiên Sa thăm «hữu nghị» thành phố Đà Nẵng.
Vinh dự thay Hải quân Trung Quốc, tội nghiệp thay những ngư dân Việt Nam. "Ông anh! Chào mừng ông anh đã xông vào nhà tôi qua cửa lớn chính anh đã phá toang! Cho phép tôi giới thiệu với ông anh đây là vợ tôi... ". Mong sao khi họ đụng nhau trong vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, hai bên "đối tác tốt" sẽ không quên ném một bó hoa khác xuống biển để tưởng nhớ các ngư dân và những thủy thủ của miền Trung Việt Nam đã chết chìm bởi tay những “con tàu hữu hảo” trong những đêm đen và những ngày đỏ máu. Những con người đầy bản lĩnh và dũng cảm như ông Lưu sao lại có thể tham gia được vào tấn hài kịch buồn thảm đó?
Tôi đã từng đau đớn trải nghiệm cảnh những người ngư dân bị bỏ rơi (1). Tôi đã biết thế nào là sức ỳ của một bộ máy hành chính và chính quyền tại Việt Nam, họ hành động trái ngược hẳn với những lời tuyên bố, họ kiểm soát và ngăn trở mọi giúp đỡ thực sự, họ để mặc cho ngư dân không có chút hy vọng ở ngày mai, phải đơn thương độc mã đối diện với lũ yêu tinh Trung Quốc. Tôi vẫn còn giữ y nguyên một vài trong số những lời của một ông già ở An Vinh âu sầu nói nhỏ vào tai tôi trước khi tôi rời Lý Sơn: «Mấy năm nay bọn Tàu đã hoàn toàn làm chủ cả đảo lẫn biển. Rồi đây đến lượt Trường Sa và không chừng cả… Lý Sơn».
Sao người ta có thể bán rẻ tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam cho những kẻ ngược đãi họ, trấn lột họ, và công nhiên làm nhục họ như vậy? Sao người ta có thể khom mình chiều theo một nền hòa bình kiểu Trung Hoa và để mặc cho chết dần từng chiến sĩ cuối cùng giữ gìn hòa bình vùng biển và đảo Việt Nam? Vì những mặc cả bí mật gì vậy? Cần phải chấm dứt ngay thứ ngôn ngữ nước đôi chỉ có lợi cho những kẻ xâm lược và cần phải chọn cách nói của sự thật và sự minh bạch. Phải chọn giữa một bên là những tàu chiến Trung Quốc và quân giết người đang xâm nhập vùng biển Việt Nam và một bên là an ninh của ngư dân miền Trung đang kiếm tìm phương tiện sinh sống chính đáng duy nhất của mình.
Khi ông Lưu phải từ bỏ việc đánh cá ở Hoàng Sa sau hơn ba mươi năm hoạt động trong vùng biển này, trong khi Chính phủ Việt Nam không cần tính đến hàng tỷ đồng để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long song lại không moi đâu ra 600 triệu đồng trả các khoản nợ cho con người yêu nước dũng cảm ấy và để ông ta chìm đắm lạnh lẽo vào cảnh đói nghèo nhục nhã, thì chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Ông Lưu liệu có bỏ cuộc nếu người ta trả các khoản nợ giúp ông? Ông Lưu liệu có bỏ cuộc nếu người ta cho phép đồng bào ông ở trong nước và nước ngoài trả các khoản nợ giúp ông và cho phép gửi đến ông những lá thư bày tỏ tấm lòng thông cảm? Cuối cùng, trách nhiệm về những hậu quả của việc bỏ cuộc này thuộc về ai? Ai đáng phải gánh lấy sự xấu hổ vì chuyện đó?
Khi nhà bị dột, đặt mấy cái chậu dưới từng máng nước vẫn không ngăn được tình trạng tồi tệ hơn. Chúng ta phải lợp lại mái nhà thôi.
Vào đêm trước Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, sau những vụ Bauxite, vụ [Huỳnh Ngọc Sĩ nhận hối lộ của] PCI, vụ Vedan, vụ InnoGreen, vụ Vinashin v.v., sự kiện Mai Phụng Lưu còn đặt ra một lần nữa hai câu hỏi vô cùng quan trọng:
1) Các nhà lãnh đạo Việt Nam có còn ý chí và dũng cảm nhận mang trên vai mình và mang trong danh dự cả vận mệnh của quốc gia và tài sản của nhân dân?
2) Nếu một số người trong họ còn có ý chí và lòng dũng cảm ấy, thì hệ thống chính trị-kinh tế hiện tại liệu có cho phép họ làm được điều đó?
Tôi đồ chừng rằng chẳng có ai trong những người tham dự đại hội dám đặt các câu hỏi này ra và có thể tự do trả lời những điều đó. Đối với tôi – một quan sát viên khiêm nhường, chỉ cần một câu trả lời thôi: Đã hoàn toàn đến lúc phải thay đổi. Phải thực sự thay đổi vì lợi ích của Việt Nam.
Để kết luận cho bài viết cay đắng này, xin bạn đọc cho phép tôi gửi đến ông Mai Phụng Lưu, đến gia đình ông và đến các bạn ngư dân của ông ở Lý Sơn và các nơi khác, đến tất cả những ai vẫn còn dám đi ra vùng biển Việt Nam ở Hoàng Sa, sự ngưỡng mộ của tôi trước lòng dũng cảm của họ. Trong tình hình bi thảm hiện tại, tôi coi họ là những đại diện xứng đáng cho nhân dân Việt Nam.
8-1-2011
HCQ
Nguyễn Huệ Chi dịch

Không có nhận xét nào: