Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Di tích, di chỉ văn hóa - lịch sử huyện Đại Lộc

PDF In E-mail



- Nguyễn Hải Triều – Phòng Văn hóa và Thông tin huyện -
           Với chiều dài thời gian hơn năm trăm năm, kể từ thuở lớp người Đại Việt đầu tiên dừng chân tại vùng đất Đại Lộc để khai hoang, lập nghiệp. Đi đôi với việc đối phó với thiên tai, địch họa, giữ gìn bờ cõi giang sơn, họ đã xây dựng nơi đây thành một vùng đất trù phú, đông vui và giàu đẹp.
 
Các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp nên những truyền thống quý báu về lịch sử đấu tranh, tinh thần bất khuất chống ngoại xâm; truyền thống văn hóa từ đời này sang đời khác bằng nhiều nét riêng độc đáo được thể hiện qua nhiều di tích, di chỉ lịch sử, văn hóa; tất cả đã tạo nên bản sắc của một vùng đất - con người Đại Lộc.  
  
           Với tinh thần tự chủ, tự lập đã tạo nên tính cách, nhân phẩm của vùng đất con người nơi đây, một thời từng là biên cương Tổ quốc. Những biến cố lịch sử đã tạo nên cho bao lớp người “đánh giặc không tiếc mình, xông vào chỗ vạn tử, lấy một địch muôn”(1), dân khí cương cường (2).  Tính cách ấy đã trở thành truyền thống quý báu hun đúc, khơi dậy những giá trị về đạo đức, về ý chí kiên trung của nhân dân Đại Lộc trong quá trình chống quân xâm lược, bảo vệ đất nước sau này. Đại Lộc còn là vùng đất vốn có truyền thống văn hóa lâu đời: Chiếc nôi của tuồng cổ  Đại Đồng, Đại Thạnh…); nhiều làn điệu dân ca như hò khoan, bả trạo, ru con, sắc bùa, bài chòi, ... đến bây giờ vẫn còn âm vang một dòng văn nghệ dân gian phong phú, đa dạng, giàu tính nghệ thuật. Chưa kể đến một kho tàng ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ, ... của vùng đất, con người ở đây đã đúc kết nên qua nhiều thế hệ; tất cả đã tạo nên một nét riêng văn hóa đặc trưng của Đại Lộc. Những nhà ái quốc, những thi nhân, nghệ sĩ, học giả nổi tiếng như: Đỗ Đăng Tuyển, Tú Quỳ, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Văn Bỗng, Võ Quảng, Nam Trân, Trinh Đường, ... cũng đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống này. Nhiều năm qua, nhân dân toàn huyện đã chung sức đồng lòng phấn đấu trong lao động xây dựng đạt nhiều thành quả xuất sắc, góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh, quê hương đổi mới. Đi đôi với việc phát triển về kinh tế, đời sống tinh thần của mọi người dân cũng luôn được chú trọng và có nhiều bước cải thiện đáng kể. Đặc biệt, công tác sưu tầm, bảo lưu giá trị các di tích, di chỉ lịch sử - văn hóa của địa phương thường được quan tâm nhằm phục vụ đời sống tinh thần, tâm linh và giáo dục truyền thống ở địa phương. Tính đến thời điểm này, huyện có 02 khu di tích được công nhận cấp quốc gia là Địa đạo Phú An – Phú Xuân (xã Đại Thắng) và Chiến thắng Thượng Đức (xã Đại Lãnh). Đang có kế hoạch trùng tu 02 di tích này để bảo tồn phục vụ nhân dân tham quan – du lịch, tìm hiểu lịch sử truyền thống địa phương. Các di chỉ, di tích lịch sử cách mạng, khảo cổ, văn hoá, thắng cảnh khác được UBND tỉnh công nhận đã được khoanh vùng, cắm bia bảo vệ và giao cho cơ quan chức năng có kế hoạch trùng tu, gìn giữ. Những di chỉ, di tích trên nằm rải đều trên các địa phương của huyện. Được thống kê xếp loại cụ thể như sau: 
1. Di tích khảo cổ Gò Đình (Đại Lãnh) 
2. Di tích lịch sử Động Hà Sống (Đại Đồng)
3. Di tích lịch sử Chùa Cổ Lâm (Đại Đồng)
4. Di tích nơi Thành lập Đảng bộ Huyện (Đại Quang) 
5. Di tích Miếu Thừa Bình (Đại Quang)
6. Di tích nơi họp bàn chống sưu thuế (Đại Nghĩa) 
7. Di tích Đình làng Ái Nghĩa (Thị trấn Ái Nghĩa) 
8. Di tích trại tạm giam Ái Nghĩa (Thị trấn Ái Nghĩa)
9. Di tích mộ chum Gò Ngoài (Thị trấn Ái Nghĩa)
10. Di tích Đình Không Chái (Đại An) 
11. Di tích Đồn Chợ Cá (Đại An) 
12. Di tích  Đình Chùa Ái Mỹ Đông (Đại An) 
13. Di tích Cây Da Lý (Đại Hòa) 
14. Di tích Cồn Văn Thánh (Đại Minh) 
15. Di tích Mộ Cụ Đỗ Đăng Tuyển (Đại Cường) 
16. Di tích chùa Hòa Yên (Đại Lãnh), 
Một số di tích, di chỉ đang được Phòng Văn Hóa và Thông tin huyện lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh xét công nhận gồm:         1. Di tích Bãi Suồi (Đại Hòa) 
2. Di tích Dinh Bà Chúa Ngọc (Đại Quang) 
3. Di tích Đình Quảng Đại (Đại Cường) 
4. Di tích Đình Thạch Bộ (Đại Hòa) 
5. Di tích Mộ Bà Phường Chào (Thị trấn Ái Nghĩa) 
6. Di tích Trại Lù (Đại Đồng) 
7. Di tích địa đạo Lâm Tây (Đại Đồng) 
8. Di tích Miếu Ba Vị (Đại Nghĩa).
Ngoài các di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ đã được các cấp công nhận hoặc đang đề nghị nêu trên, ngành Văn hóa huyện cũng đang phát hiện, tổng hợp gần 30 di tích khác trên địa bàn huyện, đang tiến hành hoàn tất hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Đi đôi với việc thống kê, khoanh vùng, cắm bia bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích, phục vụ công tác giáo dục truyền thống, tham quan du lịch, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân. Các ngành chức năng của huyện cũng thường xuyên duy trì công tác bảo tồn-bảo tàng, sưu tầm và lưu giữ hiện vật lịch sử, di chỉ, di vật khảo cổ, tổ chức các đợt trưng bày, triển lãm hằng năm trong các dịp trọng lễ để phục vụ giáo dục truyền thống cho các thế hệ.  
   (1) Lời Chiếu dụ tướng sĩ của vua Trần Nhân Tông năm 1444. 
   (2) Lời Chúa Trịnh Kiểm ( TK XV).
 

Không có nhận xét nào: