Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

Tục lệ xưa ở Ngũ Hành Sơn

 
* Tôi nghe đồn rằng có một số người hiếm muộn đi “cầu tự” ở các chùa trên núi Non Nước. Xin cho biết chuyện này thực hư thế nào? Ở Non Nước còn có những lễ, lệ nào nữa không? (Nguyễn Thị Mỹ, Liên Chiểu, Đà Nẵng).
- Cuối thế kỷ XIX, Bác sĩ Albert Sallet có đề cập đến một số tục lệ ở Non Nước - Ngũ Hành Sơn trong cuốn “Les Montagnes Marble” (Những ngọn núi cẩm thạch). Thiên biên khảo đầy công phu này đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy chuyển dịch và bổ chú qua bản Việt ngữ có tựa là “Ngũ Hành Sơn” (NXB Đà Nẵng, 1996). Trang 19 của bản dịch có chép về lễ cầu tự như sau:

“Trong chùa Tam Thai, trước tượng Phật Như Lai, nhiều cuộc lễ cầu xin thiên ân do những người đàn bà tuyệt vọng vì sự hiếm con, dâng cúng. Các bà cũng dâng hương đèn và đặc biệt là không quên vào động Huyền Không để uống nước thiêng từ “thạch nhũ” mà họ tin rằng hạnh đức thi ân của vú đá sẽ giúp cho họ mang thai.

Với lễ này, người ta cũng chọn một ngày tốt; nhưng phải xem cho được ngày hợp sinh con trai, các bà ăn chay tiết dục, nghĩa là mộng tưởng loại bỏ tất cả ý nghĩ kém trong sạch hay ăn nói thô tục bất kính.

Lễ này gọi là “cầu tự”, và, dĩ nhiên, người ta cũng không quên vời đến các nhà sư”.

Cũng trong cuốn sách này, A.Sallet còn nói đến lệ “cắt huyết gà để thề” ở Ngũ Hành Sơn, như đoạn trích dưới đây:

“Lời thề cắt huyết gà làm chứng” còn dùng cho những người cùng hội cùng thuyền với nhau và nó được tin giữ một cách vĩnh viễn, không hề nuốt lời thề. Nhiều vụ tranh chấp trong gia đình, làng xã, lời thề tại núi Ngũ Hành Sơn, hoan hỷ thay đã chấm dứt và quyết đoán nhiều lời cung khai phát sinh một cách rầy rà.

Chính trong động Huyền Không, trước pho tượng Thiên Y A-na Chúa Ngọc, Bà Ngọc Phi, các bên đối địch tranh chấp nhau theo sau một nhà sư mặc lễ phục, đến để tuyên thệ theo ý họ muốn. Con gà trống để tế lễ, cổ đã được nhổ sạch lông, cái bát đựng huyết gà đặt trước pho tượng. Rồi nguyên cáo và bị cáo kêu gọi sự làm chứng của Thánh Mẫu, thốt lên lời thề: “Nếu những lời này vừa thốt ra là xấu xa và không đúng, thì bát máu này là chén thuốc độc mạnh sẽ giết mày đi tức thì”. Kẻ đối thủ thì khẳng định: “Xin Thánh Mẫu chứng tri lời thề của nó đã xa lìa công lý, không đúng sự thật”. Sau đó, người ta lạy tạ Bà Ngọc tham dự cuộc lễ thề một cách thanh bình im lặng trước hương đèn; nhà sư chứng kiến thì nhận một quà biếu nào đó cho tăng chúng dùng chung”.

Ngày nay, có lẽ xuất phát từ điều “cấm sát sanh” của đạo Phật mà lệ “cắt huyết gà để thề” không còn ở động Huyền Không trên ngọn Thủy Sơn nữa.

ĐNCT

Không có nhận xét nào: