Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

Tướng Trần Văn Thanh được kháng nghị vô tội

Tướng Trần Văn Thanh từng phải hầu toà trên băng ca giữa lúc bị bệnh nặng, 7.2009

Thiếu tướng Trần Văn Thanh
được kháng nghị vô tội


PHAN ANH-CTV

    NVTPHCM- Ngày 29.12.2010, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, cơ quan này vừa ra bản kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Trần Văn Thanh, Thiếu tướng, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Công an phạm tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Bản kháng nghị giám đốc thẩm của cơ quan công tố cho rằng: Bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm kết luận ông Trần Văn Thanh cùng các bị cáo khác có hành vi phát tán Công văn số 73 và 77 của Viện KSND TP Đà Nẵng ở nhiều địa điểm ngay trước bầu cử Quốc hội khóa XII; viết nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo sai sự thật đến các cơ quan, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, báo chí tập trung vào một số vụ án tại TP Đà Nẵng có liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo địa phương này, nhưng chưa được giải quyết. Viện KSND tối cao xét thấy tất cả các hành vi này đều do Đinh Công Sắt và Dương Tiến thực hiện. Theo lời khai của Đinh Công Sắt, Nguyễn Phi Duy Linh thì ông Trần Văn Thanh có gặp trực tiếp hoặc gặp qua điện thoại 2 bị cáo này, thể hiện họ có quan hệ với nhau, nhưng nội dung các cuộc gặp đó có liên quan đến việc ông Trần Văn Thanh chỉ đạo, gợi ý hướng dẫn 2 bị cáo này làm đơn, gửi đơn tố cáo hay không thì không có tài liệu nào chứng minh. Do đó, không có căn cứ kết luận ông Trần Văn Thanh chỉ đạo hay xúi giục các bị cáo thực hiện các hành vi phạm tội.
    Về việc “Trần Văn Thanh xúi giục Đinh Công Sắt bỏ trốn”, việc đưa các Bà mẹ Việt Nam anh hùng ra Hà Nội khiếu kiện, việc gặp gỡ Đinh Công Sắt ở TP Hồ Chí Minh… tuy có lời khai của Đinh Công Sắt, nhưng đều xảy ra khi tội phạm của Đinh Công Sắt và Dương Tiến đã hoàn thành. Vì vậy, Viện KSND tối cao nhận thấy không có cơ sở để xác định vai trò đồng phạm của ông Trần Văn  Thanh.
    Đối với các đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo lãnh đạo TP Đà Nẵng do Đinh Công Sắt gửi các cơ quan Trung ương và báo chí liên quan đến một số vụ việc như: Vụ xảy ra tại Công ty dệt Hữu Nghị, vụ Đồng Nô, vụ án Phạm Minh Thông… tòa phúc thẩm cho rằng, đây là những tố cáo sai sự thật vì vụ án Phạm Minh Thông đã xét xử phúc thẩm năm 2001, các vụ việc khác đã được báo cáo kết luận của Thanh tra Chính phủ và thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định lãnh đạo TP Đà Nẵng không có liên quan. Tuy nhiên, một số văn bản của các cơ quan Trung ương, địa phương như: Báo cáo số 38 ngày 15-1-2001 của đoàn công tác kiểm tra liên ngành; Báo cáo số 268 ngày 13-5-2007 của Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Đà Nẵng gửi Bộ Công an; Công văn 868 ngày 3-9-2008 của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về chống tham nhũng… thể hiện một số nội dung tố cáo liên quan đến lãnh đạo TP Đà Nẵng là có cơ sở và cần phải được xem xét, xử lý.
    Bản án hình sự phúc thẩm căn cứ vào lời khai của Đinh Công Sắt và Nguyễn Phi Duy Linh trong quá trình điều tra để kết luận ông Trần Văn Thanh có hành vi nêu trên. Tuy nhiên, từ khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Linh đã bác bỏ lời khai trong quá trình điều tra về việc ông Trần Văn Thanh là người chỉ đạo làm đơn khiếu nại tố cáo. Còn Đinh Công Sắt khai tại tòa cũng như trong quá trình điều tra là Sắt “tự nghĩ” Trần Văn Thanh là người chỉ đạo; Trần Văn Thanh không đưa cho Sắt tài liệu, đơn thư nào để Sắt làm đơn tố cáo. Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng cũng thu được các tài liệu có bút tích của ông Trần Văn Thanh vào các đơn thư kiến nghị và để người khác tàng trữ các tài liệu đó, nhưng chưa có căn cứ để xác định Nguyễn Phi Duy Linh sử dụng các tài liệu này để làm đơn tố cáo sai sự thật hoặc phát tán tài liệu gây hậu quả xấu.
    Viện KSND tối cao cũng cho rằng, Trần Văn Thanh có quan hệ với một số đối tượng tội phạm, biết Đinh Công Sắt là đối tượng phạm tội đang bị truy nã mà không động viên giáo dục đối tượng ra đầu thú, không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, việc ghi ý kiến của mình vào các đơn thư kiến nghị tố cáo để các phần tử xấu tàng trữ các tài liệu. Đó là những sai phạm cần được kiểm điểm, xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của Điều lệ Đảng và ngành Công an.
    Với những lý lẽ và căn cứ nêu trên, Viện KSND tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 78/2009/HSPT ngày 7.12.2009 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao và bản án sơ thẩm số 16/2009/HSST ngày 7.8.2009 của TAND TP Đà Nẵng đối với Trần Văn Thanh. Cơ quan công tố đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tuyên hủy phần quyết định của bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm nêu trên đối với Trần Văn Thanh, tuyên bị cáo Thanh không phạm tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” và đình chỉ vụ án đối với ông Trần Văn Thanh.
    Từ tháng 8.2009, TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt Trần Văn Thanh 18 tháng tù cho hưởng án treo, Dương Tiến (nguyên Trưởng đại diện Báo Công An TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội) bị phạt 17 tháng 5 ngày - đúng bằng thời gian tạm giam, được trả tự do tại tòa; Đinh Công Sắt (nguyên cán bộ Công an Đà Nẵng) bị phạt 12 tháng tù cho hưởng án treo và Nguyễn Phi Duy Linh bị phạt 36 tháng tù. Sau đó 1 tháng, Tòa phúc thẩm TAND tối cao Trần Văn Thanh 12 tháng tù cho hưởng án treo, các bị cáo khác bị giữ nguyên hình phạt.

Nguồn: Quân Đội Nhân Dân

Không có nhận xét nào: