Trích Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại mít tinh quốc gia hưởng ứng ngày Đại dương thế giới 8.6 và Tuần lễ biển - hải đảo VN 2011
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi mít tinh Tuần lễ biển - hải đảo VN 2011. Ảnh: Triệu Gio Cam |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Đây chính là dịp để một lần nữa chúng ta khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; hưởng ứng các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, gìn giữ môi trường biển vì sự phát triển bền vững của hành tinh chúng ta.
Nhân sự kiện trọng đại này, chúng
ta cần tiếp tục khẳng định và tổ chức tốt các nhiệm vụ quan trọng sau đây:
"VN có đủ ý chí, quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
- Một là, tiếp tục khẳng định mạnh mẽ và thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc. Từ bao đời nay, tiếp nối liên tục qua rất nhiều thế hệ, ông cha ta đã đổ biết bao công sức và cả máu xương để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày nay, chúng ta cần vận dụng sáng tạo những bài học của lịch sử, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao chính nghĩa, lẽ phải; phát huy nội lực đi đôi với tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và các hoạt động kinh tế biển; tiếp tục khẳng định chủ quyền lãnh hải của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của VN đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc. Nhân dân VN, đất nước VN có đủ ý chí, quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình. Chúng ta kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ và kiên quyết đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền và lợi ích chính đáng trên biển của chúng ta. Trong khi kiên trì phấn đấu tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài, VN yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông; tuân thủ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc và luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và 5 nguyên tắc chung sống hòa bình; tăng cường nỗ lực xây dựng lòng tin, hợp tác đa phương về an toàn biển; nghiên cứu khoa học, chống tội phạm; cùng nhau nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa một bên là Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và một bên là Trung Quốc; hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), để biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển vì lợi ích của tất cả các nước trong khu vực, vì an ninh chung của khu vực và trên toàn thế giới. Chủ quyền lãnh thổ và giữ vững hòa bình ở biển Đông là những vấn đề mang tính toàn cục. Việc xử lý các vấn đề nảy sinh ở biển Đông cần đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế, xã hội đất nước và trong chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế; không để các thế lực phản động tìm cách lợi dụng công kích, chống phá sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, chia rẽ quan hệ quốc tế giữa nước ta và các nước hữu quan.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt của tuổi trẻ chào mừng Tuần lễ biển - hải đảo Việt Nam 2011. Ảnh: TTXVN |
- Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển đảo, quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo; hình thành cơ sở pháp lý đồng bộ và tổ chức thực hiện có hiệu quả, để quản lý chặt chẽ, giữ gìn và khai thác có hiệu quả các nguồn lợi từ biển đảo cho sự phát triển của đất nước, vì lợi ích của nhân dân.
Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển gắn với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển... |
- Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường; kết hợp giữa phát triển các vùng biển, ven biển và hải đảo với phát triển các vùng đồng bằng, đô thị theo định hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; có chính sách thích hợp để hình thành các doanh nghiệp mạnh, đồng thời huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để khai thác có hiệu quả tiềm năng các vùng biển và hải đảo, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước, tăng nhanh tỉ trọng của kinh tế biển vào tăng trưởng của cả nền kinh tế; tăng cường và thực thi có hiệu quả các biện pháp đồng bộ để bảo vệ ngư dân, các lực lượng làm kinh tế và các hoạt động hợp pháp trên các vùng biển đảo của Tổ quốc. Trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển kinh tế biển nói riêng, phải gắn với bảo vệ môi trường, phải lấy phòng ngừa ô nhiễm làm phương châm hành động; khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích trước mắt mà coi nhẹ duy trì, bảo vệ và tái tạo môi trường; phải huy động tối đa và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên biển và hải đảo.
- Bốn là, phải nghiên cứu khoa học, công nghệ, quản lý về kinh tế biển nhằm khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên biển và hải đảo; đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái biển.
- Năm là, tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác hữu nghị với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, với các tổ chức quốc tế trong các vấn đề có liên quan đến biển đảo, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích quốc gia và pháp luật quốc tế; bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải quốc tế; cùng nhau xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Tăng cường phát triển kinh tế biển - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
- Sáu là, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và chính quyền các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về biển đảo của Tổ quốc. Về ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, cần biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và mỗi người VN chúng ta...”.
(*) Đầu đề do Thanh Niên đặt
Khẳng định chủ quyền thực tế “Thực lực hiện diện của VN trên các vùng biển và đại dương đã được xác lập và khẳng định, song chưa đủ mạnh. Chúng ta không dừng lại ở “chủ quyền lãnh hải” tại biển Đông mà cần đặc biệt chú ý đến việc khẳng định sự hiện diện đại dương (trên các vùng biển quốc tế). Đây là cách chứng tỏ năng lực khẳng định chủ quyền thực tế, năng lực chinh phục, vươn xa thực sự của VN” - (ý kiến của PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN tại Diễn đàn Kinh tế biển VN 2011 tổ chức ngày 8.6, tại TP Nha Trang, Khánh Hòa) - “Đối với biển, chúng ta cần nghiên cứu và đưa ra một đường lối hợp tác hiệu quả với các quốc gia nhằm phục vụ cho việc khai thác các tiềm năng biển, phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Đây thực sự là những vấn đề quan trọng để các ngành, các cấp và cộng đồng phải chung tay vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn và mang tính đột phá hơn” - (ý kiến của Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Văn Đức tại diễn đàn trên) Thiện Nhân |
Thiện Nhân - Lê Xuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét