GS Nguyễn Tiến Dũng
Công hàm Phạm Văn Đồng (PVĐ) vào 9/1958 gửi cho Chu Ân Lai có ghi đại ý Chính phủ Việt Nam tán thành với bản tuyên bố của Trung Quốc về hải phận (trong đó có ghi Hoàng Sa & Trường Sa là của Trung Quốc). Hơn nữa, trong thời gian Việt Nam bị chia đôi (từ 1954 đến 1975) có nhiều lần có các quan chức Bắc Việt Nam nói rằng Hoàng Sa là của Trung Quốc. Chẳng hạn khi máy bay Mỹ bay qua Hoàng Sa vào năm 1969 thì Việt Nam “phản đối Mỹ vi phạm không phận Trung Quốc”.
Việt Nam, trong vấn đề tranh chấp Hoàng Sa & Trường Sa, phải tìm cách vô hiệu hóa, phủ nhận Công hàm của PVĐ, trên tòa án quốc tế, cũng như đối với dư luận của quốc tế và các nước trực tiếp liên quan. Câu hỏi là làm sao phủ nhận nó? Dưới đây là các giải pháp đã được chỉ ra, tôi muốn thử phân tích sự hay dở của từng giải pháp.
1) Trung Quốc lừa ta. Trung Quốc hứa là sẽ chỉ chiếm hộ Hoàng Sa, rồi sẽ trả lại khi thống nhất Việt Nam.
Câu giải thích trên của một số quan chức Việt Nam cho nhân dân Việt Nam không có ý nghĩa gì với dư luận thế giới hay Trung Quốc và cũng không có giá trị pháp lý. Nếu Trung Quốc đã hứa là sẽ chỉ “giữ hộ” Hoàng Sa thì chứng cớ đâu? Nếu chỉ có mấy lời nói miệng của ai đó, mà không ai có thể kiểm chứng là có thật hay không, thì có giá trị gì. Hơn nữa, việc “hứa” đó là không logic, nếu ta xét lịch sử tranh chấp đã có từ ít nhất là cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi nhà Thanh đã tranh chấp với Pháp ở Hoàng Sa & Trường Sa, rồi đến quân Tưởng Giới Thạch cũng ra chiếm một số đảo ở Hoàng Sa & Trường Sa, rồi đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng tuyên bố Hoàng Sa & Trường Sa là của mình, tức là trong suốt quá trình đó (từ trước khi có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến sau khi có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) phía Trung Quốc (dù là chế độ nào) cũng nhận Hoàng Sa & Trường Sa là của mình và có đem quân ra chiếm phần, nên không có cớ gì Mao lại “hứa trả” Hoàng Sa cho VN. Nếu tin vào “lời hứa” đó thì quả là “ngây thơ”. Bởi vậy, cách giải thích thứ nhất này hoàn toàn không ổn.
2) Công hàm của PVĐ chỉ là để công nhận chủ quyền 12 hải lý của Trung Quốc, chứ không hề công nhận Hoàng Sa & Trường Sa là của Trung Quốc vì không hề nhắc tới Hoàng Sa & Trường Sa S.
Nếu mang ra tòa án quốc tế mà giải thích như thế có thể sẽ bị cười cho thối mũi. Công hàm của Trung Quốc có ghi rõ Hoàng Sa & Trường Sa trong đó. Công hàm của PVĐ có ghi rõ là tán thành với công hàm của Trung Quốc, và không hề phản đối bất cứ điểm nào trong công hàm của Trung Quốc, thì có nghĩa là tán thành với mọi điểm của công hàm của Trung Quốc, trong đó có cả điểm “Hoàng Sa & Trường Sa là các đảo của Trung Quốc”.
3) Lúc đó chỉ có Trung Quốc là nguồn viện trợ chính, nên Việt Nam “đành chấp nhận” tuyên bố của Trung Quốc.
Bản thân ông Phạm Văn Đồng có giải thích đại ý như vậy về sau, và ông Nguyễn Mạnh Cầm cũng đã phát biểu đại ý như vậy vào năm 1992 (?). Giải thích như thế có lẽ là trung thực, câu trên không phải là giải pháp, mà mới chỉ là nhìn nhận vấn đề một cách trung thực: Bắc Việt Nam thừa biết Trung Quốc chẳng có ý định “giữ hộ” gì hết, nhưng lúc đó ở thế bí, cần viện trợ để đánh Nam Việt Nam (và sợ Mỹ sử dụng Hoàng Sa làm căn cứ quân sự?) nên làm vậy.
4) Lúc đó Hoàng Sa & Trường Sa là do Nam Việt Nam giữ theo hiệp định Geneve, và Bắc Việt Nam không có chủ quyền với các đảo đó, sự tranh chấp là giữa Trung Quốc và Nam Việt Nam chứ Bắc Việt Nam chỉ là bên thứ ba không liên quan, nên tuyên bố của PVĐ không có giá trị.
Cách lý luận trên làm nảy sinh vấn đề sau:
Bắc Việt Nam không công nhận Nam Việt Nam là chính phủ hợp pháp, mà chỉ coi là “bù nhìn”, cần bị đánh dẹp, và như thế có nghĩa là Bắc Việt Nam (trong con mắt của một số nước thân với Bắc Việt Nam, trong đó có Trung Quốc) là đại diện hợp pháp duy nhất cho Việt Nam thời đó. Sự tranh chấp là tranh chấp với toàn bộ Việt Nam, mà chính quyền Hà Nội làm đại diện. Nếu bây giờ nói “không lúc đó tôi không liên quan”, thì tức là Bắc Việt Nam phải công nhận sự hợp pháp của chính quyền Nam Việt Nam là một đại diện thực sự cho Việt Nam chứ không phải là “chính quyền ngụy” nữa, nhưng như thế thì lại mất ý nghĩa “giải phóng miền Nam” mà là thành “xâm lược Nam Việt Nam”. Nếu tiếp tục cách giải thích “lúc đó tôi không liên quan”, thì đến năm 1975 Hà Nội chỉ được “thừa kế” phần Trường Sa do Sài Gòn lúc đó để lại, chứ không có được Hoàng Sa để mà thừa kế nữa, tức là trong tranh chấp Hoàng Sa giữa Trung Quốc và Nam Việt Nam thì Trung Quốc đã xơi tái Hoàng Sa rồi, còn đâu mà thừa kế. Trước 75 không phải của mình vì “chuyện không liên quan”, đến 75 cũng không phải của mình vì có được ai giao cho đâu, thì bây giờ khó nhận thành của mình.
Nếu bỏ qua chuyện pháp lý, và chỉ tính chuyện thực tế, thì đúng là cho đến 1975 phía Hà Nội có muốn cũng không kiểm soát được Hoàng Sa & Trường Sa, nên đúng là “không liên quan” thật (về mặt khả năng tranh chấp hay kiểm soát). Và do đó, cũng trên thực tế, chỉ có Trường Sa là Việt Nam thống nhất còn giữ được, còn Hoàng Sa đã bị mất vào tay Trung Quốc trong giai đoạn chiến tranh Nam-Bắc.
5) Cả hai chính phủ Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam đều chỉ là chính phủ lâm thời để chờ tổng tuyển cử, theo hiệp định Geneve. Các chính phủ lâm thời thì không có quyền quyết định về chủ quyền, nên tuyên bố của PVĐ không có giá trị.
Có điều, hiệp định Geneve đã bị phá bỏ ít năm sau đó, không còn có lịch trình tổng tuyển cử nữa, và cả hai chính phủ Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam đều trở thành “permanent” chứ không còn lâm thời nữa, có đầy đủ các ban bộ, quốc hội, v.v. Bởi vậy lý do này không có sức thuyết phục.
6) Mọi tuyên bố của chính phủ về chủ quyền cần được Quốc hội thông qua thì mới có hiệu lực. Vì tuyên bố của Phạm Văn Đồng chưa bao giờ được quốc hội thông qua, nên không có hiệu lực.
Theo tôi, đây có lẽ chính là lý lẽ “hợp lý” nhất. Nói cách khác, tuy “Đảng” có nói là Hoàng Sa & Trường Sa là của Trung Quốc đi chăng nữa, mà “Dân” nói Hoàng Sa & Trường Sa là của Việt Nam, thì về mặt pháp lý, đối với nước Việt Nam, nó vẫn là của Việt Nam. Chúng ta cần chú ý điểm này: Quốc hội (đại diện cho Dân) quan trọng hơn là các quan chức chính phủ (do Đảng chỉ định), ít ra là trong các vấn đề vô cùng quan trọng như là vấn đề chủ quyền lãnh thổ.
Tuyên bố của Trung Quốc vào 9/1958 là tuyên bố được Quốc hội Trung Quốc thông qua. Nhưng tuyên bố của PVĐ chưa hề được Quốc hội Việt Nam thông qua. Quốc hội Việt Nam chưa bao giờ nói rằng Hoàng Sa & Trường Sa là của Trung Quốc.
Tại sao phía Việt Nam cho đến nay vẫn không dùng luận điểm này?
Luận điểm thứ 6 không phải do tôi nghĩ ra, mà ít ra đã được ông Cù Huy Hà Vũ viết ra trong một thư gửi ông Lê Đức Anh từ 12/2007 (và có thể đã được những người khác chỉ ra từ trước đó?). Rất tiếc, một người chính trực và khá sắc sảo như ông Cù Huy Hà Vũ thì lại ngồi tù.
N. T. D.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét