Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

'Hãy bỏ cái hình Ðường Lưỡi Bò'

Một viên chức đại sứ Trung Quốc đặt câu hỏi cho bên Việt Nam: “Nếu Hoa Kỳ không đứng đằng sau lưng, thì các anh có phản ứng mạnh như thế không? Tôi muốn hỏi thẳng là Việt Nam kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò gì trong tranh chấp này?”

Luật Sư Nguyễn Duy Chiến, Học Viện Ngoại Giao, trả lời: “Hoa Kỳ là một cường quốc, và vai trò của một cường quốc là bảo vệ hòa bình thế giới, trong đó có hòa bình ở Ðông Nam Á.”



Hà Giang/Người Việt (từ Washington D.C.)

 WASHINGTON D.C. - Trong buổi hội thảo thứ nhì mang tên “An Ninh Hàng Hải Biển Ðông” - do Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế Hoa Kỳ (CSIS) tổ chức, không khí buổi họp chuyển từ căng thẳng đến nặng trĩu cảm xúc, nhất là trong phần trình bày của diễn giả các nước liên quan đến cuộc tranh chấp đang ngày càng gay gắt tại Biển Ðông.


Tiến Sĩ Ðặng Ðình Quý (giữa) và ông Henry Bensurto, tổng thư ký của Bộ Hàng Hải và Bộ Ngoại Vụ Biển Philippines trong buổi hội thảo. (Hình: Hà Giang/Người Việt)


Trong khi chờ đợi diễn giả đầu tiên trong ngày 21 tháng 6, những người tham gia bàn tán về bài diễn văn dài 5 trang, được Thượng Nghị Sĩ John McCain, cựu ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ, đọc vào lúc kết thúc buổi hội thảo ngày đầu. Qua bài diễn văn này, TNS McCain lên án “bản đồ chín đoạn” của Trung Quốc là “làm xói mòn các nguyên tắc lâu dài về tự do hàng hải” và kêu gọi Hoa Kỳ “đóng một vai trò quan trọng hơn” trong việc giúp giải quyết tranh chấp Biển Ðông, cụ thể là “phê chuẩn Hiệp Ước Luật Biển.”

Sở dĩ chiếc bản đồ chín đoạn, còn được gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc được nhắc đến là vì trong suốt buổi hội thảo hôm trước, nhiều học giả và chuyên viên, chẳng hạn Tiến Sĩ James Clad, thuộc CNA, một cơ quan nghiên cứu và cố vấn chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, cho rằng “không thể chấp nhận được.”

Tiến Sĩ Clad nói: “Khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp nằm ở chỗ, đối với Trung Quốc, toàn thể Biển Ðông là của một mình họ, và bất cứ ai muốn khẳng định chủ quyền ở bất cứ phần nào trên vùng biển này thì phải đối phó với quốc gia này.”

Hai tiêu đề được thảo luận kế tiếp là “Ðánh Giá Hiệu Quả Khuôn Khổ An Ninh Hàng Hải Tại Biển Ðông” và “Ðề Nghị Chính Sách Tăng Cường An Ninh Khu Vực,” các học giả Hoa Kỳ đưa ra nhiều nhận định thẳng thắn và ý kiến xây dựng.

Tiến Sĩ Peter Dutton, giáo sư Học Viện Nghiên Cứu Hàng Hải Trung Quốc, và Ðại Học Hải Quân Hoa Kỳ, cũng là một chuyên viên nghiên cứu chiến lược, nhận định rằng “luật quốc tế hiện hành không giúp giải quyết được những tranh chấp,” vì trước tình trạng có một bên hành động đơn phương để giành độc quyền sử dụng Biển Ðông, Hoa Kỳ phải “nhận ra rằng nếu muốn bảo vệ quyền tự do hàng hải của mình, Hoa Kỳ phải lập tức phê chuẩn Hiệp Ước Luật Biển.”

”Ðây là một thiếu sót của lãnh đạo Hoa Kỳ từ cách đây 30 năm, khi Hiệp Ước Luật Biển (UNCLOS) ra đời vào năm 1982.” Tiến Sĩ Dutton nói.

Tiến Sĩ Marvin Ott, giáo sư kiêm học giả nghiên cứu của Paul H. Nitze School of Advanced International Studies và The John Hopkins University thì cho rằng Trung Quốc “từng xem như Biển Ðông là ao sau nhà của mình từ năm 1949,” và giờ đây trách nhiệm lớn nhất của Hoa Kỳ là tìm cách để tránh chiến tranh, duy trì ổn định thế giới.

Ông nói: “Khi một Trung Quốc hung hãn đang phải đối diện với một quốc gia (Việt Nam) duy nhất có thể lên tiếng mạnh nhất để chống lại tham vọng của họ, mà Hoa Kỳ không khuyên được Trung Quốc, thì tôi nghĩ chúng ta có một vấn đề lớn, và tương lai thật u ám.”

Tại sao?

Tiến Sĩ Marvin Ott đặt câu hỏi, rồi tự trả lời: “Vì không một quốc gia nào trên thế giới có thể chấp nhận việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên toàn Biển Ðông là của mình.”

Trong phần trình bày của mình, Tiến Sĩ Stein Tonneson, học giả thuộc Học Viện Hòa Bình Hoa Kỳ (United Institute or Peace) nhắn nhủ thẳng với Giáo Sư Su Hao, đến từ Bắc Kinh: “Trong vòng 2 năm qua, Trung Quốc đã có thái độ hiếu chiến hơn với các nước láng giềng. Tôi buộc lòng phải quy trách nhiệm cho Bắc Kinh, và hy vọng là khi về nước, ông sẽ khuyên chính quyền ông nên xét kỹ lại chính sách sai lầm của mình, và cải thiện trong kỳ đại hội đảng lần tới.”

Ngoài ra, Tiến Sĩ Tonneson cũng cố vấn các cơ quan truyền thông đại chúng là “không nên tiếp tục phổ biến chiếc bản đồ lưỡi bò,” và khởi sự dùng một bản đồ khác, “miêu tả phỏng chừng lãnh hải của các nước” theo đúng UNCLOS và “không dùng hình dáng lưỡi bò.”

“Chúng ta phải bắt đầu phổ biến loại bản đồ này càng sớm càng tốt!” Tiến sĩ Tonneson nói.

Một phần phát biểu của Luật Sư Nguyễn Duy Chiến - Trung Tâm Nghiên Cứu Biển Ðông thuộc Học Viện Ngoại Giao Việt Nam - được dùng để phản bác lập luận của Giáo Sư Su Hao (Bắc Kinh) là từ trước đến giờ Biển Ðông vẫn là của Trung Quốc, và cho đến nay, Việt Nam vẫn “mặc nhiên công nhận” chủ quyền này của Trung Quốc nhưng “giờ đây lại đổi ý.”


Tiến Sĩ Stein Tonnesson (trái) và Luật Sư Nguyễn Duy Chiến trong buổi hội thảo tại Washington D.C, do CSIS tổ chức. (Hình: Hà Giang/Người Việt)


Phần trình bày của Luật Sư Chiến được cử tọa vỗ tay khi ông giải thích lý do tại sao từ trước đến giờ Trung Quốc và Việt Nam không tranh chấp chủ quyền trên biển, vì luật cũ của quốc tế phân định lãnh hải của các quốc gia là 3 hải lý từ bờ, cho nên ‘ngư dân hai nước từ ngàn xưa vẫn cùng đánh cá trên Biển Ðông.”

Ông nói: “Hiệp Ước Luật Biển (UNCLOS) ra đời năm 1982 quy định chủ quyền của mỗi quốc gia là 200 hải lý từ bờ. Việt Nam và Trung Quốc cùng phê chuẩn UNCLOS, và ngay sau đó cũng chưa có tranh chấp, cho đến khi Trung Quốc âm thầm cho ra đời bản đồ lưỡi bò, và đơn phương thiết lập luật cấm đánh cá trên vùng biển này, cũng như đánh bắt ngư dân và phá thuyền của ngư dân Việt Nam.”

”Việt Nam vẫn luôn luôn tôn trọng luật biển mà mình đã ký, còn Trung Quốc thì liên tục vi phạm UNCLOS, và vi phạm lãnh hải Việt Nam.”

Tiến Sĩ Ðặng Ðình Quý, giám đốc Ðại Học Ngoại Giao, thuộc Bộ Ngoại Giao Việt Nam, khẳng định rằng Việt Nam sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi “trên vùng đặc quyền kinh tế của mình,” và nếu Trung Quốc cứ tiếp tục những hành động lấn át, thì tình hình Ðông Nam Á sẽ rất bất ổn, vì “bất cứ một động thái nhỏ nào cũng có thể biến thành chuyện lớn.”

“Tôi rất bi quan về tình hình Biển Ðông trong những ngày tới.” Tiến Sĩ Quý nói.

Ông Henry Bensurto, tổng thư ký Bộ Hàng Hải và Bộ Ngoại Vụ Biển (Secretary General, Commission on Maritime and Ocean Affairs secretariat) của Philippines trình bày rõ về một giải pháp có thể dùng để giải quyết những tranh chấp trong vùng. Ông phát biểu: “Giải pháp thì không thiếu, vấn đề là các bên có ý chí chính trị để cùng nhau giải quyết xung đột hay không.”

Sau phần trình bày của các diễn giả Việt Nam và Philippines, cuộc thảo luận trở nên nặng về xúc cảm, khi một viên chức tòa Ðại Sứ Trung Quốc đặt câu hỏi cho bên Việt Nam: “Nếu Hoa Kỳ không đứng đằng sau lưng, thì các anh có phản ứng mạnh như thế không? Tôi muốn hỏi thẳng là Việt Nam kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò gì trong tranh chấp này?”

Luật Sư Chiến trả lời: “Hoa Kỳ là một cường quốc, và vai trò của một cường quốc là bảo vệ hòa bình thế giới, trong đó có hòa bình ở Ðông Nam Á.”

Không có nhận xét nào: