BBC
Dư luận trong nước tỏ ra lo lắng trước việc người phát ngôn Trung Quốc kêu gọi Việt Nam thực hiện 'đồng thuận đã đạt được giữa hai bên' về Biển Đông.
Cộng đồng mạng Việt Nam xôn xao về bản tin của Tân Hoa Xã phát đi từ Bắc Kinh hôm thứ Ba 28/06, trong đó hãng này dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói Bắc Kinh hy vọng Hà Nội sẽ thực hiện những gì hai bên đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn hồi tuần trước.
Ông Hồ Xuân Sơn, trong tư cách đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, đã có cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc về tình hình Biển Đông.
Trước đó ông Sơn cũng có hội đàm về chủ đề này với người đồng nhiệm Trung Quốc Trương Chí Quân.
Báo chí hai bên sau đó khi tường thuật về chuyến đi của ông thứ trưởng, không nói có bất cứ văn bản thỏa thuận nào đã được thống nhất.
Bản tin của Tân Hoa Xã hôm 28/06 trích lời ông Hồng Lỗi nói tại cuộc họp báo thường kỳ: "Chúng tôi đã thảo luận một cách kỹ lưỡng với phía Việt Nam về chủ đề Biển Đông trong chuyến thăm của ông đặc phái viên và hai bên thống nhất giải quyết các tranh chấp bất đồng thông qua hiệp thương hữu nghị và tránh có các hành động dẫn tới leo thang hay phức tạp hóa tình hình".
Ông Hồng nói: "Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam sẽ thực hiện đồng thuận chung và nỗ lực bảo vệ hòa bình và ổn định tại Nam Hải (Biển Đông)".
Thực ra phát biểu của người phát ngôn Trung Quốc không có gì khác so với các thông tin mà truyền thông hai nước đã đăng tải sau chuyến đi của ông Hồ Xuân Sơn, tuy nhiên cụm từ "đồng thuận chung" (tiếng Anh là consensus) cùng các tường thuật thiếu chi tiết trước đó, đã khiến nhiều người lo lắng về khả năng có thể hai bên đã đạt một "thỏa thuận ngầm" nào đó.
Thiếu minh bạch
Một chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề khu vực, Tiến sỹ Jonathan London từ Đại học Hong Kong, bình luận với BBC: "Tôi có thể hiểu được tại sao lại có quan ngại này".Quan hệ lịch sử Việt Nam - Trung Quốc trong 50 năm vừa qua hết sức nhạy cảm, và lãnh đạo Việt Nam trong quá khứ đã có hành vi có thể gọi là sai lầm trong xử lý vấn đề Biển Đông, bởi vậy mà người dân có thể lo ngại.
TS Jonathan London, ĐH Hong Kong
Theo TS Jonathan London, "điểm yếu của cả hai chế độ [ở Việt Nam và Trung Quốc] là thiếu minh bạch", nên chưa thể khẳng định trong các cuộc gặp tuần qua hai bên đã thống nhất những gì.
"Tôi cho là cần chờ đợi một vài tháng tới, để xem diễn biến sẽ như thế nào, cũng như hoạt động của các nước khác trong đó có Mỹ. Rồi thì chúng ta mới có khả năng đánh giá."
Báo Việt Nam hồi cuối tuần đồng loạt đăng bản tin mà Thông Tấn xã Việt Nam đưa ra, gọi là 'Thông tin báo chí chung Việt Nam - Trung Quốc' về chuyến thăm của ông Hồ Xuân Sơn.
Quan điểm chung là giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng và một cách hòa bình.
TTXVN nói hai bên thống nhất đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc".
Theo đánh giá của Tiến sỹ Jonathan London, nếu chỉ dựa vào các thông tin trên, khó có thể nói đã có đột phá gì trong vấn đề Biển Đông.
"Tất nhiên cuộc gặp là chỉ dấu tích cực, cho thấy hai bên đều lo ngại về khả năng xấu đi của tranh chấp và muốn ngăn chặn nó leo thang, thế nhưng chưa thấy cách giải quyết lâu dài."
Theo ông tiến sỹ, Trung Quốc "chưa có gì thay đổi về việc làm" và các hành vi của Trung Quốc vẫn tỏ ra "chưa tôn trọng chủ quyền của Việt Nam".
Cùng khai thác
Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, Người phát ngôn Hồng Lỗi tiếp tục khẳng định "Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo ở Nam Hải (Biển Đông) và các vùng biển phụ cận".Bản công hàm 1958 này hầu như không được Chính phủ Việt Nam nhắc tới.
Theo Tân Hoa Xã, cho tới tận những năm 1970 không có quốc gia nào trong khu vực tranh chấp lãnh thổ gì với Trung Quốc. Sau đó, Philippines và Việt Nam mới bắt đầu đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông.
"Sau nhiều cuộc thảo luận và tranh cãi, lãnh đạo TQ Đặng Tiểu Bình đã đưa ra đề xuất gác tranh chấp để cùng khai thác."
Hãng tin của nhà nước Trung Quốc nói tháng 3/2005, ba công ty dầu khí của Việt Nam, Trung Quốc và Philippines đã ký thỏa thuận cùng thăm dò dầu khí ở vùng Biển Đông, cho đó là hình mẫu của việc thực hiện đề xuất trên của ông Đặng Tiểu Bình.
Tuy nhiên, Tân Hoa Xã đã không nhắc tới thực tế là việc thăm dò chung ba bên này đã không mang lại được kết quả gì thực sự, một phần vì gặp phản đối của dư luận tại các nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét