Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Biển Đông: ASEAN cần Mỹ, Mỹ cần can dự

Việt Long, RFA

Cuộc Hội thảo về An ninh ở Biển Đông diễn ra tại Washington trong 2 ngày vừa qua có sự tham dự của hằng trăm người thuộc giới ngoại giao, học giả, nhà báo, của Trung Quốc, Việt Nam, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước khác.
RFA graphic map
Bản đồ biển Đông với vùng "Lưỡi Bò" của Trung Quốc áp đặt
Tất cả những người tham dự hội thảo trong hai ngày thứ hai và thứ ba đều là những chuyên viên thông thạo về Trung Quốc, Việt Nam, mối quan hệ giữa hai nước, và biển Đông cùng mối tranh chấp quốc tế ở nơi đó.

Điểm đặc biệt của lần hội thảo này là hầu hết những thuyết trình viên, tất nhiên ngoại trừ Trung Quốc, đều có ý chỉ trích lập trường sai trái của Trung Quốc về vấn đề lãnh hải biển Đông. Đại diện của Trung Quốc tại buổi hội thảo là giáo sư Chu Hảo, hay Tô Hảo, Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu quốc tế thuộc trường đại học ngoại giao ở Bắc Kinh.

Vị giáo sư trẻ tuổi nêu quan điểm của Trung Quốc về lãnh hải biển Đông, cho là từ hằng trăm năm trước Trung Quốc đã có hạm đội tiến ra đại dương và đã lập đơn vị hành chánh ở trong vùng biển này, nghĩa là đã xác lập chủ quyền từ khi đó. Ông tỏ vẻ như ngạc nhiên, chẳng biêt có thật hay không, khi nói Việt Nam có phản ứng mạnh mẽ sau hành động của Trung Quốc khiến Bắc Kinh lo lắng.
Đại biểu Trung Quốc tại hội thảo Washington- RFA photo
Đại biểu Trung Quốc tại hội thảo Washington- RFA photo


“Ngạc nhiên và lo lắng”?

Vị giáo sư muốn nhắc đến những chuyến hải hành từ thời Minh Thành Tổ bên Tàu. Vị vua sáng lập nhà Minh là Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, truyền ngôi cho cháu nội là Chu Doãn Văn, làm vua đến 1402, niên hiệu là Kiến Văn. Nhưng người con thứ tư của Minh Thái tổ là Chu Lệ hay Chu Đệ đã cướp ngôi của cháu.

Đó là Minh Thành tổ, lập ra thời Vĩnh Lạc từ 1402 đến 1424, và là người quyết định tấn công Việt Nam, tiêu diệt nhà Hồ vào năm 1407 khiến Việt Nam bị 10 năm Minh thuộc.

Nhưng, khi cướp ngôi mà không chắc người cháu là vua Kiến Văn đã chết hay chưa, lại nghe đồn rằng Kiến Văn đã trốn xuống Đông Nam Á, Minh Thành tổ mới sai Tam Bảo Thái giám Trịnh Hoà làm Đô đốc giong thuyền ra biển để xuống Đông Nam Á nghe ngóng tình hình.

Đây là một trong nhiều lý do khiến vị Đô đốc người Hồi tên là Mã Tam Bảo đóng tầu ra khơi, lần đầu vào năm 1405.

Năm đó, Nguyễn Trãi của ta mới 25 tuổi và ông Đô đốc này 34 tuổi. Nhưng Trịnh Hòa không tìm ra Kiến Văn, bèn xin lệnh đi biển xa để thăm dò địa lý và giao hiếu đến tận gần Trung đông. Nhưng sau bảy chuyến hải hành thì đến lúc quân nhà Minh bị Bình Định Vương Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi của ta tiêu diệt tại Việt Nam sau khi chém rơi đầu Liễu Thăng.

Tổn thất quân sự và kinh tế quá lớn, triều thần nhà Minh đòi hủy bỏ chuyện đi biển, cấm luôn việc này. Mãi đến nay thế kỷ này Trung Quốc hiện đại mới thực hiện lại tham vọng đại dương vì kho dầu khí ở biển Đông.

Vì thế coi việc đưa hạm đội đi chu du khỏi lãnh thổ của mình như sự xác lập chủ quyền thì là điều vô lý, vì nếu như vậy thì toàn thể vùng biển trên thế giới phải thuộc về Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hòa Lan... là những cường quốc đại dương đã đem hạm đội đi chiếm thuộc địa khắp Á Phi và châu Mỹ hay sao?

Phóng viên của RFA dự hội thảo được biết, bên lề cuộc hội thảo, là Trung Quốc đã từng có hành động cắt dây cáp tàu Việt Nam từ hồi năm 2007, nhưng khi đó dân Việt trong và ngoài nước không ai biết đến, và cũng không thấy hành động ngoại giao nào của Việt Nam. Nhưng bây giờ khi cắt cáp tàu Bình Minh 02 và tàu Viking 02 lại bị người Việt cả trong lẫn ngoài nước phản đối dữ dội, cho nên ông giáo sư trẻ tuổi này mới tỏ ra ngạc nhiên.

Ông còn nói lãnh hải đó đã do Trung Quốc xác lập từ hằng trăm năm nay, và “có nước đã đồng ý xác nhận”, ý nói Việt Nam. Một phần nữa cũng do ngày nay mọi người Trung Hoa đều được giáo dục và tin rằng Trung Quốc có chủ quyền sở hữu tới 80% diện tích biển Đông, cho nên ông giáo sư mới có lý do để ra vẻ ngạc nhiên.

Một điểm khác được lưu ý: đây là lần đầu tiên một người thay mặt cho ngành ngoại giao Trung Quốc phát biểu rằng giải quyết đa phương cũng có thể là một giải pháp. Nhưng đó không phải là lời tuyên bố chính thức của Bắc Kinh.
Đại biểu Việt Nam tại Hội thảo Washington- RFA photo
Đại biểu Việt Nam tại Hội thảo Washington- RFA photo

Trung Quốc hiếu chiến

Đại diện của ASEAN tại hội thảo lần này là ông Termsak Chalermpalanupap, Giám đốc Ban an ninh chính trị thuộc ban thư ký ASEAN.

Ông Chalermpalanupap khẳng định quan điểm của ASEAN đối với vấn đề giải quyết tranh chấp trên biển Đông là qua hợp tác và theo luật quốc tế. Ông cũng nói đến những nỗ lực mà ASEAN đã làm nhằm đưa tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông, gọi là “COC”, thành một bản quy tắc có tính ràng buộc về mặt pháp lý hay thông lệ quốc tế, nhưng cả 20 lần đề nghị đều bị Trung Quốc từ chối. Hiện ASEAN đang đưa ra đề nghị thứ 21 liên quan đến vấn đề này.

Ông Chalermpalanupap nêu quan điểm khác với đại diện từ phía Trung Quốc đối với những hành động của Trung Quốc trên biển Đông trong thời gian qua, mà ông gọi là hiếu chiến.

Theo thông tin mới nhất từ ASEAN thì hiện khối này đã có kế hoạch tiếp tục bàn thảo về vấn đề này để có thể đưa COC lên một mức cao hơn.

Người đại diện của ASEAN cũng cho rằng có lẽ dể giải quyết vấn đề biển Đông, việc đổi tên biển từ biển Nam Trung Hoa thành biển Đông Nam Á hay biển hữu nghị có thể sẽ hợp lý hơn.

Các học giả đến từ Nhật bản và Ấn độ có mặt trong buổi hội thảo sáng 20 tháng 6 cũng bày tỏ sự quan ngại trước những hành động của Trung Quốc trên biển Đông vì cả hai nước này cũng có những tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc trên biển.

Học giả đến từ Ấn Độ, ông Amer Latif, thuộc Trung Tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho rằng những tranh chấp tại biển Đông cũng làm Ấn độ quan tâm, vì thái độ cách hành xử của Trung Quốc ở đây cũng giúp Ấn độ hiểu được thái độ và cách hành xử mà Trung Quốc có thể áp dụng với nước láng giềng Ấn độ và với vùng biển Ấn độ dương.

Đại biểu Việt Nam, Tiến Sĩ Trần Trường Thủy thuộc Học viện Quan hê Quốc tế của Việt Nam trình bày trước công luận quốc tế những hành vi mới đây của Trung Quốc, gọi đó là những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam, gây nên căng thẳng.

Ông cũng nói hải phận Lưỡi Bò do Trung Quốc vẽ ra đã làm cản trở giao thông trên biển Đông. Ông có ý muốn đề nghị Hoa Kỳ hãy can dự vào cuộc tranh chấp ở biển Đông, thì mới có thể tìm ra giải pháp công bằng cho các bên.

Sang ngày hôm nay, thứ tư, sau khi Đại biểu Việt Nam và nghị sĩ McCain của Hoa Kỳ phát biểu trong cuộc hội thảo hôm thứ ba, thì Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải đã khuyến cáo Hoa Kỳ nên đứng ngoài.

Nghị sĩ Mỹ: ASEAN phải đoàn kết

Phần thuyết trình của nghị sĩ McCain gây nhiều sự chú ý, và được các đại biểu cùng cánh nhà báo của Việt Nam hoan hô nhiệt liệt.

Nghị Sĩ McCain nói rằng hành vi xác định lãnh hải Lưỡi Bò mà ông gọi là “Chín Vạch’ của Trung Quốc là phi pháp, và tình hình căng thẳng là do thái độ hung hăng của Bắc Kinh. Ông nói Hoa Kỳ chủ trương giải quyết qua phương thức đàm phán đa phương.

Ông McCain cho rằng Hoa Kỳ cần nói rõ quan điểm của Mỹ, cho thấy Washington chuẩn bị hành động nào để yểm trợ các đối tác châu Á, nhất là Philippines là nước có hiệp ước an ninh chung với Mỹ. Hiệp ước này được ký kết từ 1951, đến nay vẫn còn hiệu lực mặc dù Manila đã buộc Washington phải dời căn cứ Clark của hải quân Hoa Kỳ ra khỏi lãnh thổ.

Thứ nhì, nghị sĩ McCain nói tiếp, là Hoa Kỳ nên giúp ASEAN giải quyết mâu thuẫn nội bộ về chủ quyền ở biển Đông, để khối này đoàn kết lại đấu tranh với Trung Quốc.

Thứ ba, Hoa Kỳ nên giúp ASEAN tăng cường phòng thủ, tăng cường khả năng cảnh báo từ xa về quốc phòng và an ninh, tăng cường lực lượng hải quân, kết hợp với nhau, và tập trận chung với Mỹ để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng biển, hay ít nhất cũng làm cho Trung Quốc phải e dè cân nhắc, một khi Bắc Kinh muốn có hành động quân sự.

Sau đó, nói về chính sách của nước Mỹ, ông McCain đề nghị Hoa Kỳ chú trọng đến chiến lược hải dương và biển Đông nhiều hơn nữa, đồng thời gia tăng khả năng quốc phòng của mình thay vì cắt xén ngân sách quá nặng.

Nghị sĩ McCain kết luận rằng lịch sử cho thấy chính nước Mỹ được hưởng lợi lớn nhất nhờ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, là hệ thống được duy trì bởi quyền lực và sự lãnh đạo của Mỹ. Ông nói, từ bỏ vai trò đó là gây nguy hiểm cho thế giới và cho chính Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào: