Ngọc Trân, thông tín viên RFA
Căng thẳng trên biển Đông trong mấy tuần qua đã làm cho nhiều người quan ngại.
EyePress News
Hải quân Việt Nam tập trận trên quần đảo Trường Sa hôm 14-06-2011.
Các hoạt động trên biển Đông như: Việt Nam tập trận có bắn đạn thật ngoài khơi tỉnh Quảng Nam, Trung Quốc chuẩn bị tập trận ở Tây Thái Bình Dương cuối tháng này, cũng như thủ tướng chính phủ Việt Nam vừa ban hành nghị định, quy định về các trường hợp được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến, cho thấy, dường như có vẻ chiến tranh đang lấp ló đâu đây.
Việt Nam có thể làm gì để ngăn chặn cuộc chiến tranh mà không để Trung Quốc vi phạm chủ quyền? Thông tín viên Ngọc Trân đã phỏng vấn ông David Brown, cựu viên chức ngoại giao Mỹ, đã từng làm việc ở Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn trước năm 1975, trở lại Việt Nam làm dự án giáo dục bảo tồn môi trường năm năm cuối thập kỷ trước, và là người có các bài viết về tình hình biển Đông trên báo Asia Times Online. Mời quý vị lắng nghe.
Cần cất lên tiếng nói mạnh mẽ
Vùng màu đỏ trên bản đồ là vùng biển hình “lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ để giành chủ quyền vùng biển Đông. Source UNC.
Ngọc Trân: Hành động của Trung Quốc trong thời gian gần đây trên biển Đông như, tấn công các tàu khảo sát Việt Nam và quấy nhiễu tàu thăm dò dầu khí Philippines, cho thấy sự hiếu chiến của họ. Những sự cố đó đã diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines. Hành động của Trung Quốc không dựa trên sự hiểu biết chung về luật pháp quốc tế, mà Trung Quốc hành xử theo luật pháp riêng của họ, đó là thực hiện bản đồ “đường lưỡi bò”.
Trung Quốc cũng đã cảnh cáo các nước Đông Nam Á ngưng các hoạt động thăm dò dầu khí gần quần đảo Trường Sa. Cùng lúc, Trung Quốc thông báo rằng giàn khoan thăm dò dầu khí khổng lồ của họ chuẩn bị hoạt động trên biển Đông. Trung Quốc dường như lên kế hoạch cho các hoạt động nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các nước khác, do đó, đe dọa trực tiếp đến chủ quyền của Việt Nam và các nước trong khu vực. Các hành động này của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh sẽ hành động đơn phương ở biển Đông. Việt Nam, Philippines và các nước có liên quan, có thể làm gì để ngăn chặn các hành động này của Trung Quốc, thưa ông?
Ông David Brown: Việt Nam là đối thủ mạnh nhất và kiên quyết nhất trong vấn đề Trung Quốc đòi chủ quyền trên toàn bộ khu vực biển Đông. Chiến lược của Trung Quốc dường như nhằm mục đích bẻ gãy ý chí kháng cự lại của Việt Nam, một phần bằng những hành động khiêu khích và một phần bằng cách chứng minh rằng, những hoạt động trong khối ASEAN, cũng như thành lập "mối quan hệ chiến lược" với Hoa Kỳ, không có ích lợi cho Việt Nam.
Trong bối cảnh này, sự đoàn kết giữa Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam, được Indonesia và Singapore hỗ trợ, là điều cần thiết. Tất cả sáu nước nầy nên cùng cất lên tiếng nói hùng hồn, lên án các nỗ lực của Bắc Kinh muốn đạt được bằng vũ lực, những điều mà họ không thể đạt được bằng cách đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế.
Tất cả sáu nước nầy nên cùng cất lên tiếng nói hùng hồn, lên án các nỗ lực của Bắc Kinh muốn đạt được bằng vũ lực, những điều mà họ không thể đạt được bằng cách đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế.Ô. David Brown
Ngọc Trân: Lãnh đạo Trung Quốc luôn nói rằng họ yêu chuộng hoà bình và rằng họ muốn phát triển một cách hòa bình. Gần hai tuần trước, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã cam kết sẽ duy trì hòa bình trên biển Đông. Ông ta đã nhắc tới hai chữ “hoà bình” vài chục lần trong một bài phát biểu. Tuy nhiên, chỉ bốn ngày sau, một chiếc tàu của Trung Quốc, một lần nữa đã cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, bên trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Vì sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo? Một số nhà phân tích cho rằng đó là vì chính sách ngoại giao của Trung Quốc không rõ ràng, để gây nhầm lẫn cho các nước khác. Tuy nhiên, những người khác lập luận rằng lãnh đạo Trung Quốc rất yếu, nên các lãnh đạo hàng đầu bị chia rẽ về chính sách biển Đông. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông David Brown: Tất cả các nước đều có tội nói một đường, làm một nẻo, lúc này hay lúc khác. Có thể đúng là ý kiến của lãnh đạo Trung Quốc không nhất quán. Các lãnh đạo Việt Nam đã có quan hệ tốt với một số người đồng nhiệm Trung Quốc trong một thời gian dài. Tôi hy vọng họ đang tiếp xúc riêng với những người này.
Phía Việt Nam có thể cảnh báo rằng, hành động của Trung Quốc có thể dẫn đến một cuộc chiến, mà tất cả đều thua, và nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ tỏ thái độ hợp lý nếu Trung Quốc tham gia đàm phán đa phương về việc khai thác các nguồn tài nguyên trên biển Đông.
Hãy để truyền thông Việt Nam được phép lên tiếng
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội sáng 12-06-2011. Photo courtesy of AnhBaSamBlog.
Ngọc Trân: Chính sách của Mỹ về biển Đông là Mỹ có "lợi ích quốc gia về tự do hàng hải, phát triển kinh tế và thương mại không bị cản trở, và tôn trọng luật pháp quốc tế", nhưng Hoa Kỳ không đứng về phía bên nào trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông. Điều này, có người cho rằng, miễn là Trung Quốc không cản trở quyền tự do và an toàn hàng hải trên biển Đông, thì lợi ích của Mỹ không bị đe dọa trực tiếp, và trong trường hợp đó, Washington không phản ứng cứng rắn đối với Trung Quốc, về các xung đột trên biển Đông.
Ngoài ra, mỗi nước hành động dựa trên lợi ích quốc gia của mình. Mỹ, Trung Quốc hay Việt Nam cũng thế. Có vẻ như lợi ích trong quan hệ Trung - Mỹ lớn hơn lợi ích trong quan hệ Mỹ - Việt. Có nhiều khả năng để Washington và Bắc Kinh thỏa thuận với nhau trong vấn đề Việt Nam nếu Mỹ không thấy có lợi trong quan hệ với Việt Nam so với Trung Quốc. Ông nghĩ sao về vấn đề này? Việt Nam có thể làm gì để gia tăng sự quan tâm của Mỹ?
Nếu chính phủ [Việt Nam] không cho phép các phương tiện truyền thông đóng vai trò lớn hơn trong việc đưa tin về Biển Đông, điều này sẽ làm cho tin đồn và tin tức nước ngoài định hình ý kiến công luận thế giới.Chuyên gia Carl Thayer
Ông David Brown: Hãy nhớ, người Mỹ tin rằng công bằng và hợp lý là những quy tắc nên áp dụng trong quan hệ giữa các quốc gia cũng như giữa các cá nhân. Chúng tôi không thích hành động bắt nạt. Vì vậy, ngoài mối đe dọa nguyên tắc tự do hàng hải do những hành động của Trung Quốc, còn có một mối đe dọa đối với điều mà chúng ta có thể gọi là một trật tự thế giới công bằng.
Chúng tôi muốn Trung Quốc là một đối tác trong việc xây dựng một thế giới công bằng hơn, an toàn và thịnh vượng hơn, vì vậy chúng tôi - tức là Chính phủ Mỹ - đã mời Trung Quốc hợp tác với chúng tôi những cách cụ thể trong phạm vi quốc tế, và họ cho thấy sự sẵn sàng làm việc với chúng tôi về điều này. Tuy nhiên, bây giờ trên Biển Đông, họ lại hành động theo cách hoàn toàn không phù hợp với tinh thần hợp tác, và tôi chắc chắn rằng điều đó làm nhiều người ở Washington thất vọng và đau đầu.
Vào những lúc như thế này, rất quan trọng để Việt Nam nói với thế giới về câu chuyện riêng của mình, hãy nói ngay lập tức, một cách chính xác và đầy thuyết phục. Như chuyên gia Carl Thayer đã nói với các phóng viên báo Tuần Việt Nam gần đây, “Chỉ Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo” là chưa đủ. “Nếu chính phủ [Việt Nam] không cho phép các phương tiện truyền thông đóng vai trò lớn hơn trong việc đưa tin về Biển Đông, điều này sẽ làm cho tin đồn và tin tức nước ngoài định hình ý kiến công luận thế giới.”
Thay đổi cách cư xử với người dân
Một người đàn ông bị công an mặc thường phục bắt trong lúc đang tuần hành phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Photo by Quang Dư
Ngọc Trân: Như ông đã nói trong một bài viết gần đây đăng trên báo Asia Times Online, "Đánh hay không đánh trên biển Đông", người Việt Nam cuối cùng sẽ chiến đấu chứ không đầu hàng. Nhưng như ông đã biết, về sức mạnh quân sự, hải quân Trung Quốc mạnh hơn rất nhiều so với Việt Nam, do đó, Trung Quốc có khả năng sẽ giành chiến thắng trong bất kỳ trận đánh nào có sự tham gia của hải quân. Những gì Việt Nam có thể làm để tránh một cuộc chiến mà không để cho Trung Quốc vi phạm chủ quyền của mình?
Một số người nghĩ rằng nếu Hà Nội trở thành bạn hay đồng minh của Washington, thì Hoa Kỳ có thể giúp bảo vệ Việt Nam khỏi bị Trung Quốc xâm lược, như Hoa Kỳ luôn khẳng định cam kết đối với các đồng minh. Ông có nghĩ rằng Việt Nam nên cố gắng trở thành đồng minh của Mỹ? Nếu VN nên làm đồng minh của Mỹ, thì Hà Nội cần làm gì để đạt được điều này?
Yếu tố duy nhất hạn chế việc hai nước thân thiết hơn, theo quan điểm của Mỹ, đó là, Chính phủ Việt Nam đối xử khắc nghiệt với những công dân bày tỏ sự bất mãn đối với hệ thống chính trị hiện hành.Ô. David Brown
Ông David Brown: Đa số người Mỹ cho rằng đất nước chúng ta nên trở thành bạn bè tốt với các mối quan hệ chiến lược và kinh tế vững mạnh. Yếu tố duy nhất hạn chế việc hai nước thân thiết hơn, theo quan điểm của Mỹ, đó là, Chính phủ Việt Nam đối xử khắc nghiệt với những công dân bày tỏ sự bất mãn đối với hệ thống chính trị hiện hành. Mặc dù đó là vấn đề nội bộ của Việt Nam, nhưng chắc chắn có một số hậu quả không như ý.
Người Mỹ tin rằng, tự do bày tỏ ý kiến là quyền cơ bản của con người, nên người Mỹ xem cách xử lý vấn đề bất đồng quan điểm chính trị của Việt Nam là một trở ngại, ngăn chặn mối quan hệ gần gũi hơn. Đó là điều cản trở cho mối quan hệ đồng minh quốc phòng chính thức hoặc sẽ làm giảm sự hỗ trợ trong Quốc hội chúng tôi đi đến mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Việt Nam.
Ngọc Trân: Xin cám ơn ông đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này.
(Nguồn: The Diplomat)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét