15/08/2011
Nguyễn Huệ Chi
Phải nói, với tôi, việc dậy sớm là một cực hình. Tôi thường thức khuya quá. Vì thế bao giờ đi biểu tình Chủ nhật, đối với tôi, cũng phải có một tiếng điện thoại reo lên như một mệnh lệnh bắt buộc, mới làm tôi tăng quyết tâm lên được. Hôm nay, ngày 14-8-2011, thì đó là tiếng gọi của một người mà chỉ mới nghe đã phải bật ngay dậy: nhà văn Nguyên Ngọc. Cây xà nu ấy vừa từ Quảng Nam ra đây mà đã có mặt ở Hồ Gươm từ sáng sớm, thế thì mình còn cố ngủ nán là cả một cái tội lớn, lương tâm khó lòng tha thứ dù có biện minh bằng cách nào.
Những người có mặt sớm chờ nhóm họp biểu tình: Nguyễn Xuân Diện, Nguyên Ngọc, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Quang A và một bạn trẻ. Ảnh: NXD.
Chuẩn bị xuống đường. Thượng tá Nguyễn Văn Cung trong vai lính thuỷ đang giương nắm tay thề quyết giữ biển đảo. Ảnh: VC.
Nghệ sĩ Trí Hải bắt đầu dạo khúc quân hành bằng cây violon quen thuộc của mình. Ảnh: VC
Anh xe ôm quen thuộc nghe tôi gọi điện nói ngay: “Bác chờ em tí xíu, một phút thôi”. Và anh đến khi tôi chưa kịp xỏ xong giày. Anh không biết tôi đi đâu mà ra vẻ quan trọng. Nhưng khi biết tôi đi biểu tình thì anh phấn khởi hẳn. Anh bảo để anh chở đi bằng một lộ trình ngắn nhất, lại không kẹt xe. Anh vốn là lái xe của công an, nghỉ hưu theo chế độ “một cục” đã được mười lăm năm. Từng quen biết nhau, anh kể những năm 78, lái xe cho công an vào đột kích Fulro ở Lâm Đồng, gặp những chuyện sau này nghĩ lại còn rởn gáy. Đột kích bằng cách trà trộn làm người vượt biên cùng với họ để “tôm” họ. Bị họ phát hiện, bắt cả một xâu, kể cả lái xe, rồi dắt ra bên thác Prène lúc hoàng hôn để “hoá kiếp”. Bất đồ gặp cành cây gãy, một anh đá một phát, cành cây văng vào cậu cầm súng và thế là mạnh anh nào anh ấy nhảy tùm xuống suối. Chúng bắn xuống, máu chảy loang cả khúc suối. Riêng anh nấp vào một mỏm đá, ngập hẳn đầu, chỉ hở hai lỗ mũi. Thế mà thoát mới lạ. Men suối suốt đêm, đến gần sáng mới gặp dân. Sau đận ấy anh bỗng trở nên lầm lỳ, không còn cảm nhận được sự hứng thú của công việc cầm “vô lăng” của mình nữa. Nhận được cục tiền hưu anh chuyển sang nghề xe ôm và chủ yếu là chở xe cho khách quen. Anh bảo tôi: “Nó đang tập trận gần biên giới, xem chừng tình hình quá găng. Thằng Tàu làm gì cũng có chủ ý. Trong đất liền thì ở đâu cũng có người Trung Quốc, ai biết là người lao động hay loại người gì. Dân tình yên ắng thế nhưng ai cũng thót tim cả đấy. Chỉ là không nói ra thôi”. Khi đến Bờ Hồ, trả tiền để nhập vào đoàn biểu tình, tôi mới hiểu được lòng dân: anh chỉ lấy một khoản tiền gọi là có lấy, có lẽ dưới cả tiền mua xăng.
Đứng sau băng rôn xanh là nhà văn Vũ Ngọc Tiến. Ảnh: VC
Đúng lắm, thờ ơ vô cảm của người lương thiện cũng là một mục tiêu lớn mà Đoàn biểu tỉnh muốn thức tỉnh. Ảnh: VC
Khởi đầu mà đã đầy khí thế. Ảnh: VC
Nguyễn Xuân Diện vẫn là người xông xáo. Nhiệm vụ là đưa tin nhưng anh bao giờ cũng xuất hiện đầu cuộc cho bà con thấy mình có mặt để kích thích niềm tin của người khác rồi mới lẩn vào một góc quán nào đó để nhận các tấm ảnh gửi về. Còn Ba Sàm thì không lần nào xuất hiện. Nhiệm vụ trang mạng của anh nặng nề hơn nhiều nên anh tự bắt mình phải “ở trong bóng tối” để dồn hết cho việc đưa tin.
Tiến sang Hồ Gươm. Ảnh: VC.
Khi tôi đến thì Đoàn biểu tình đã đi được một quãng về phía tay phải Hồ Gươm tính từ Quảng trường Lý Thái Tổ. Tôi chạy theo để cho kịp đoàn. Hôm nay quả là một đoàn đông hơn mọi hôm, hàng đầu đã ở gần Quả địa cầu mà hàng cuối còn kéo mãi gần nơi tháp Hòa Phong. Đột nhiên tôi thấy đoàn biểu tình chững lại. Gì thế nhỉ? Thì ra cả đoàn lại quay ngoắt lại, xoay đầu làm đuôi, đi ngược về phía Hàng Khay. Những chiếc băng rôn to tướng lại phải chạy vội lên đầu để dẫn đầu cho cả đoàn.
Huệ Chi đã kịp nhập vào đoàn biểu tình khi đoàn quay ngoắt lại phía hàng Khay. Bên cạnh là Nguyên Ngọc và Vũ Ngọc Tiến. Ảnh: VC.
Đoàn biểu tình đã vượt qua tháp Hoà Phong. Ảnh: VC
Tôi đang ngơ ngác chưa hiểu vì sao lại phải quay ngược như thế thì một anh bạn không quen biết vỗ vào vai nói: “Anh cứ nhìn mấy chiếc xe cảnh sát mà xem. Họ nhỡ tàu rồi. Họ bám mình mà mình quay thì không khó nhưng họ quay lại là ngược đường, đâu có dễ dàng”. À ra thế. Tôi thầm phục sự nhanh trí lạ lùng của dân mình. Chẳng ai bảo ai cả thế mà sáng kiến bao giờ cũng nảy ra kịp thời để đối phó với mọi tình thế khó khăn trước mắt. Đây là một tín hiệu cho thấy rằng ý chí của dân quả là gang thép, chơi với ai chứ không đối phó được với dân đâu.
Nghe nói thoát được các xe cảnh sát ai mà không sung sướng. Ảnh: VC
Đã đến Ngã tư Hàng Khay. Giương biểu ngữ lên cho bà con qua đường đón coi. Ảnh: VC
Đứng sát vào vỉa hè để bà con xem thật rõ. Ảnh: VC.
Và hãy hô to khẩu hiệu cho bà con qua đường nghe thật vang. Ai có miệng dùng miệng, ai có loa dùng loa. Ảnh: VC.
Đả đảo TQ với tất cả lòng căm thù từ con tim ứa máu. Ảnh: NBG
Nhưng đang nghĩ thế thì hoá ra xe cảnh sát là loại xe dám chấp tất cả. Có luật nào không nằm trong tay họ. Họ có lúng túng một tí thôi rồi cứ quay xe lại, và khi chúng tôi mới đến góc ngoặt ra Hàng Khay, đứng dừng ở đó để giương cao biểu ngữ cho người qua Ngã tư Hàng Bài – Tràng Tiền – Đinh Tiên Hoàng – Hàng Khay nhìn thấy thì mấy chiếc xe có loa đã kịp đến áp sát gần bên để án ngữ, che khuất tầm mắt của chúng tôi. Tôi nhìn anh bạn đi bên vừa nói với mình câu nói đắc ý và cả hai cùng... cười: Chạy trời không khỏi nắng, đúng là một keo tưởng thắng mà thua trắng mắt, đương nhiên bất cần luật thì ai mà chả thua.
Lúng túng một tí thôi nhưng xe cảnh sát đã kịp quay ngược trở lại. Ngược đường thì ngược. Ảnh: VC.
Và họ đã kịp áp sát đoàn biểu tình ở ngã tư Hàng Khay. Ảnh VC.
Xe cảnh sát đang tiến lên trước mặt đoàn biểu tình. Ảnh: VC
Áp sát vào và cất tiếng về Nghị định 38 CP cho mọi người nghe. Ảnh: VC.
Ấy thế mà đâu có thua, hay là thua keo này ta có ngay keo khác. Khi những chiếc xe cảnh sát bắt đầu phát ra cái “Nghị định 38 CP” bằng một giọng rè rè nhằm át hết tiếng hô của người biểu tình thì nhanh như chớp, hai thanh niên ôm một cái máy phát to hơn, đến sát bên chiếc xe đang cất giọng, mở ngay bài “Dậy mà đi ơi đồng bào ơi”. Chao ôi, hiệu quả trông thấy ngay lập tức. Tiếng loa cảnh sát im hẳn nhường chỗ cho giọng hát cất lên và cả đoàn cùng hòa theo say sưa. Có thể cân nhắc xem trường hợp này là “tiếng hát át tiếng... bom” hay là “quân dân đồng tâm nhất trí” đây, bên nào đúng hơn nhỉ? Nói như câu sau thì nghe ra mới phải lẽ, vì chắc trong lòng các bạn làm công việc chức năng cũng có một “con người” chứ, họ vẫn tôn trọng người biểu tình. Kể cả bạn Trí Đức hôm nay rất hăng hái nhập cuộc chính là vì anh tin rằng sau mấy cú dép cậu Đại úy Minh tặng cho anh, cả anh và cậu Đại úy đều “lớn” lên – anh, Trí Đức từ một người chỉ muốn yên chuyện trở thành người dám phơi hết lòng mình lên trang mạng không kiêng dè gì nữa, còn cậu Đại úy, dễ thường một lần nào đó sau lần này, nghĩ đến nhiệm vụ phải đạp vào mặt một người khác cậu ta lại không ngừng lại vài giây đắn đo trước khi thực hiện “nhiệm vụ được giao” hay sao? Nếu không, cậu ta đã hoàn toàn là một sinh vật người chứ đâu còn là người nữa, mà cái lon Đại úy thì nào đã phải là một “cái ghế” để làm cho cậu ta mất “người”.
Một lần “nếm dép” Nguyễn Trí Đức lại thấy mình lớn hẳn lên, vững vàng thêm trên mỗi bước chân đi tới chân lý. Ảnh: NXD
Đây rồi, 2 thanh niên đã mạng chiếc loa to đến gần chiếc xe, cất lên bài “Dậy mà đi”, xe cảnh sát ngừng tiếng nhường cho lời ca thắm thiết hùng hồn lan tỏa. Ảnh: VC.
Một bạn thanh niên còn vịn tay vào cánh cửa xe cảnh sát trong khi bạn kia vặn loa cho lời hát bay bổng. Cảnh sát dù sao cũng là người bảo vệ dân, có lẽ nào lại phá rối tiếng hát thôi thúc này. Huống chi đất nước là của chung, mất nước là mất tất cả kia mà. Ảnh: VC.
Nghệ sĩ Trí Hải kéo violon hoà theo tiếng hát của cả đoàn. Văn Cung giơ hai ngón tay thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. ảnh: VC.
Nguyên Ngọc nhìn thấy tôi, chúng tôi xiết chặt tay nhau và ở cái tuổi trên 80 của anh tôi thấy tay anh vẫn rắn chắc lạ thường. Phạm Duy Hiển từng nói với tôi: Anh Ngọc phải trụ lại trong Quảng Nam làm một cây xà nu cho Trường đại học Phan Châu Trinh nên các cuộc gặp mặt rất cần có mặt anh thì anh vẫn phải kiếu. Nhưng nếu có những cuộc cần thiết, như cuộc gặp Bộ Ngoại giao chẳng hạn, trường hợp có giấy mời chính thức thì bằng cách nào anh cũng bay ra, anh bảo thế đấy”. Tôi cũng nghĩ, có những người bạn mà chỉ nguyên sự có mặt của họ đã tạo được một tâm lý vững vàng cho người khác, trường hợp Nguyên Ngọc là thế.
Có những người mà chỉ sự có mặt của họ không thôi đã tạo nên niềm tin tưởng cho người khác. Ảnh: VC.
Vũ Ngọc Tiến đi sát chúng tôi. Mái tóc anh bạc trắng mặc dù anh còn rất trẻ và văn chương thì thật trẻ trung. Thùy Linh cũng xông xáo hết mực, chạy đi chạy lại phía trước đoàn để chụp ảnh. Cô reo lên khi nhìn thấy Nguyên Ngọc: “Ôi, đây thầy của em đây rồi, đúng là thầy của em ở Trường viết văn Nguyễn Du”. Tôi thầm nhủ: mình cũng là người dạy ở Trường Nguyễn Du từ khóa đầu tiên cho đến sát trước khoá cuối cùng, lại đi sát bên Nguyên Ngọc mà sao cô ấy chỉ gọi riêng Nguyên Ngọc bằng thầy nhỉ? Chốc sau, Thùy Linh đã giải đáp cho tôi bằng một cái ôm thắm thiết: “Anh thì phải là anh của em thôi chứ không gọi thầy được, anh hiểu không?” Riêng LS Dương Hà, áo trắng muốt váy đỏ đi hàng đầu, mặt tươi tỉnh nhưng trầm ngâm không nói. Mỗi bước chân nằng nặng của chị tôi có cảm tưởng chị đang đi thay cho cả Hà Vũ và đang lắng nhìn ánh mắt của Hà Vũ từ trong trại giam theo dõi bước chân của mình.
Mỗi bước chân Dương Hà có ánh mắt của Hà Vũ trong tù đang nhìn theo. Ảnh: VC.
Hồ Chí Minh: “Không bao giờ lệ thuộc Trung Quốc”. Câu nói ấy hiện nay Cụ muốn nhắm ai đây? Ảnh: VC.
Đoàn người tiến bước trên đường Hàng Khay ngày một đông. Ảnh: VC
Nhiều khuôn mặt mới gia nhập đoàn biểu tình, đặc biệt là các bạn trẻ, tôi có cảm tưởng chưa từng biết mặt nhưng nhìn nhau đều như là người đã quen. Người đứng hai bên đường không thờ ơ như mọi hôm. Mặt họ rạng rỡ nhìn chăm chú vào đoàn, và khi các anh công an giơ dùi cui chỉ vào họ bảo họ đi đi không thì chật lối của người qua lại thì không ngần ngại, nhiều người đã mạnh dạn bước sang gia nhập vào đoàn. Giây phút ấy là giây phút quan trọng. Tác dụng của công việc biểu tình nhen nhóm bấy nay, nay đã trông thấy rõ rệt, chỉ qua một giây phút ấy. Sự thức tỉnh ở trong ánh mắt người qua đường, ở cả trong hành động quyết tâm của người qua đường không muốn làm những người thờ ơ nữa mà muốn là người trong cuộc. Sau 65 năm, một giấc ngủ dài, ít nhiều lòng dân đã thức tỉnh, đã thấy có quyền và có nghĩa vụ phải thức tỉnh. Nghĩ lại mới thấy anh PT nói đúng: “Không thể tưởng tượng được đâu nếu ta cứ hồi tưởng trong 65 năm qua ta là người như thế nào. Hôm nay ta không còn là cái ta cũ nữa nhưng đáng sợ nhất là xung quanh ta, nhiều bạn ta... vẫn đang trong cái bầu không khí cũ kỹ đó mà vẫn cứ tưởng mình là cá bơi giữa biển”. Nhưng Nguyễn Quang A thì diễn đạt với tôi theo một cách khác: “Mọi tiếng ồn vẫn thế nhưng khi ta thức giấc thì ta thấy xung quanh mình ồn quá không chịu được, thế thôi”.
Cô bé 13 – 14 tuổi bên phải bức ảnh này đang ra sức hô khẩu hiệu. Ảnh: VC.
Tôi gặp cô N. một người trong số nghiên cứu sinh cũ của Viện VH. Nghe nói lần nào biểu tình cô cũng đi, mặc dù cô đang có trong mình một mầm ủ của căn bệnh ác nghiệt, nhưng tôi mới gặp cô lần tuần hành này là lần đầu. Trường hợp của cô thì đúng là đi vì lẽ sống của dân tộc, những bức bối về đất nước bắt cô phải có mặt ở đây. Đang nhìn cô với một cảm giác vui mừng chen lẫn với cảm phục khó tả, tôi bỗng thấy như có một ánh mắt nào đang chiếu vào sau lưng mình. Ngoảnh mặt lại thì lạ thay... đúng là người ấy. Người mà mình không tin sẽ gặp mặt trong một hoàn cảnh như thế này, nhưng trong giấc mơ vẫn mường tượng thế nào cũng gặp. Người ấy phải ở trong một ghế giới khác kia chứ.
Trái đất tròn, những người quen biết lại gặp nhau. Con nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và con dâu nhà thơ Huy Cận hôm nay lại sống lại cái không khí rạo rực mà cách đây 65 năm các vị phụ thân của họ đã từng sống. Ảnh: VC.
Rất hồn nhiên, Thượng tá Văn Cung chen vào giữa những dòng... hồi tưởng. Ảnh: VC.
Thế là hôm nay cả Hà Nội đã ra hết đây để hưởng ứng tiếng gọi của non sông đất nước. Tít đầu kia là anh Nguyễn Quang A, bạn trẻ Nguyễn Anh Tuấn, người tình nguyện đi ở tù vì lưu giữ bài viết của Cù Huy Hà Vũ, bạn Lái Gió và Lê Dũng mỗi người một chiếc máy ảnh chạy đi chạy lại, Thượng tá Văn Cung với trang phục chiến sĩ Hải quân và chiếc máy ảnh xông xáo như một cảm tử quân trước trận chiến đấu, JP. Nguyễn Hữu Vinh trong tay cũng cầm máy ảnh, rồi gần hơn là Kỹ sư Khôi ở Lò Đúc, vợ chồng Đại tá Dũng, chen sau lưng tôi, ông Đại tá công an hưu trí Quang đang đi sát bên tôi tự giới thiệu về mình, nghệ sĩ kéo violon Trí Hải vẫn bộ đồ bà ba đen quen thuộc của miền Nam, một chàng cầm đàn ghi ta, chị mặc áo dài nâu hồng thêu kim tuyến có giọng hô lanh lảnh... Và nhiều người nữa, từ Hải Phòng, Phú Thọ, Nam Định... đổ về, các em trai và gái hồng hào, trẻ trung với những bộ đồng phục da cam hoặc đỏ – một thế giới mới kế tiếp thế giới già nua đã xuất hiện. Thực tại như khỏa lấp, một tình cảm phơi phới trong phút chốc tưởng chừng nâng bổng đôi chân của tôi.
JP. Nguyễn Hữu Vinh đứng giữa hai thiếu nữ đồng phục màu da cam. Ảnh: VC
Một thế hệ trẻ trung đang kế tiếp và thay thế thế hệ già nua, điều ấy quá rõ. Ảnh: NBG
Một thế hệ trẻ trung đang kế tiếp và thay thế thế hệ già nua, điều ấy quá rõ. Ảnh: NBG
Một thế hệ trẻ trung đang kế tiếp và thay thế thế hệ già nua, điều ấy quá rõ. Ảnh: NXD
Chúng em quyết không phụ lòng hy sinh của các bác nhưng sẽ thay thế các bác. Ảnh NXD
Bên cạnh thế hệ đồng phục áo vàng có thế hệ đồng phục áo đỏ. Ảnh: BS
Nhiều câu khẩu hiệu mới mẻ được hô lên xen lẫn với những câu quen thuộc trước đây, những câu khẩu hiệu mới bao giờ cũng có một sức kích thích như một âm hưởng lạ, nên được hưởng ứng bằng tiếng hô từ đầu đoàn đến cuối đoàn nghe âm vang rất mạnh: “Đả đảo Trung Quốc tập trận gần biên giới – Đả Đảo đả đảo”; “Đả đảo lao động Trung Quốc nhập cư không có giấy phép – Đả đảo đả đảo”; “Bảo vệ trí thức yêu nước – Bảo vệ bảo vệ”; “Không được chụp mũ các trí thức yêu nước – Không được không được”; “Không được quy kết các trang mạng yêu nước – Không được không được”.
Những câu khẩu hiệu mới không chỉ được hô mà còn được trưng lên để cho đám người Tàu lẫn lộn trong đoàn biểu tình nhìn thấy tận mắt. Ảnh: BS.
Những bích chương giương lên hôm nay cũng có không ít bích chương lạ mắt. Đặc biệt hơn cả làm tôi chú ý là bức tranh vẽ hình hai khuôn mặt đối xứng ngược nhau, thẳng lên là mặt ngài Mao béo phị hệt như bức ảnh treo ở Thiên An Môn, chúc xuống là khuôn mặt Hít Le với nhúm râu đen dưới mũi không lẫn vào đâu được, và ở trên và dưới là một dòng chữ lớn tướng: Chinazi. Tôi và các bạn tấm tắc mãi trước ý tưởng của người vẽ bức tranh này. Thì ra lâu nay người dân vẫn tự mình nhìn và ngẫm lấy về hiện thực xung quanh chứ không phải họ bùi tai trước bất kỳ một lời khen chê nào của những ai cố rót vào tai họ. Một hiện thực họ nhìn thấy và hiểu ngược với điều các quan vẫn nói. Giờ đây họ mạnh dạn làm cho hiện thực hiện hình lên giấy, chẳng ai hơi đâu lên tiếng cãi lại các quan, nhưng bức tranh là một bằng chứng đanh thép rằng: Đừng bịt mắt chúng tôi với những khẩu hiệu “4 tốt” và “16 chữ vàng”. Thời buổi này chẳng ai áp đặt được ai cả nếu người ta không thấy những lời áp đặt kia là chân lý. Cái tâm lý mẹ Tăng Sâm nghe người báo tin con giết người ba lần phải bỏ khung cửi chạy ra chưa hẳn đã đúng. Tôi thầm nghĩ, nếu để cho dân vẽ hết các ý tưởng cúa họ về nhiều gương mặt khác nữa mà báo chí vẫn tung hô rồi đem ra triển lãm nhỉ. Sẽ có những bức tranh chân dung vô cùng đắt giá.
Hai khuôn mặt lộn ngược nhau hay là cái xu thế Chinazi [ở nước láng giềng mà người dân ai cũng nhìn thấy. Trong đó có chứa đựng “4 tốt và 16 chữ vàng” hay không, xin các vị bảo cho dân rõ. Ảnh: VC.
Tôi và Nguyên Ngọc đang đứng dừng cùng với cả đoàn phía bên này đường nhìn sang tòa báo Hà Nội mới. Trong cái cảm hứng bất thần cả vui và không vui lẫn lộn tôi hỏi Nguyên Ngọc: “Anh thấy lòng người sôi sục ngang với năm 1945 chưa?” Nguyên Ngọc không nói gì chỉ lắc đầu. Tôi cũng không hiểu cái “sôi sục” mà mình hỏi là cái sôi sục gì, bởi nói tâm lý sục sôi ghét bọn Đại Hán ranh ma quỷ quyệt thì chắc là hơn hẳn năm 1945 gấp nhiều lần chứ. Tôi không tự mình giải thích cho mình được câu hỏi lờ mờ trong đầu mình và chắc Nguyên Ngọc cũng không lý giải rõ được cái lắc đầu của anh. Nhưng chúng tôi như ngầm hiểu nhau về một cái gì đó đang cố nén xuống mà vẫn trào lên, một nỗi xót buốt ở trong sâu thẳm tim gan, một sự bức bối khi thấy mình bất lực, khi nhìn về con đường phía trước. Thốt nhiên một giọng hô rất to lặp đi lặp lại dăm lần của một thanh niên làm tôi nghẹt thở: “Nguyễn Huệ Chi là người yêu nước – Yêu nước yêu nước”. Một bạn khác nói với tôi: “Đấy, trả lời VTV1 đấy, dân bây giờ họ không có chịu nếu tuyên truyền những điều không phải, dù là tuyên truyền bằng kiểu gì”. Tôi lặng người đi, không nói một câu, không ngờ cái cộng đồng toàn những người gặp nhau chốc lát này mà lại có một sức nâng đỡ đối với nhau lạ lùng như thế, y như những người ruột thịt của nhau.
Một anh khoảng tuổi trung niên đi trước tôi quay lại nói: “Anh có thấy thời đại “a còng” này lợi hại quá chừng hay không, nó gắn chúng ta thành một khối, hoạn nạn có nhau, cùng chung ý chí chống xâm lăng muôn người như một. Không có thời đại “a còng” này thì đành là chịu chết, mỗi anh là một cá thể làm gì mà dính kết lại được, làm gì có sức mạnh như hôm nay. Phải nói tinh thần quật cường thì dân tộc ta vốn có từ ngàn năm, nhưng mỗi lần muốn khơi dậy cái tinh thần quật cường ấy lại phải cần đến bộ máy nhà nước, mà nếu một nhà nước cúi đầu trước ngoại bang thì đành là chịu chết. Nhưng bây giờ thử xem, Nhà nước lúc đầu đâu có muốn chúng ta biểu tình, họ lo nhiều thứ chứ, mà lo là phải, nhưng “a còng” nhắc nhủ chúng ta hãy sớm đoàn kết lại và cuối cùng Nhà nước phải nghe chúng ta”. Tôi gật đầu với ông bạn nhưng không lạc quan được như ông bạn, vì trong lòng đang dấy lên một nỗi lo lắng mơ hồ. Đúng là những cuộc biểu tình này là một đốm lửa, đốm lửa đó ngày xưa gọi là phong hỏa đài, cháy lên như một con mắt không ngủ để canh cho toàn dân yên tâm làm việc kiếm ăn sinh sống, và cứ nhìn vào tín hiệu đốm lửa đó thì người dân hoặc có thể quên đi mọi nỗi băn khăn nhức nhối của mình, hoặc biết rằng đã đến lúc phải vùng dậy xả thân cứu nước rồi. Cái giá trị của đốm lửa là ở đấy. Nhưng ai sẽ là người tiếp dầu cho lửa không tắt? Và biết đâu có những kẻ nào đó đang chờ cơ hội để dập tắt ngọn lửa khi mọi người không đề phòng. Biết đâu đấy. Hãy cứ nhìn vào thực trạng ở Sài Gòn, nơi vốn có truyền thống biểu tình sôi sục dưới thời Việt Nam Cộng hòa, vậy mà vì sao giờ đây lại... im re đến thế? Trong đó với ngoài này lòng yêu nước nào có gì khác nhau.
Đã đi qua nhà Thủy tạ. Ảnh: VC
Lời cảnh báo hôm nay của Thăng Long Hà Nội. Ảnh: VC
Trước khi giải tán: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ảnh: VC.
Cho đến khi cuộc biểu tình giải tán, lững thững cùng với Kỹ sư Khôi đi tìm một chiếc xe ôm và cũng lại gặp một chiếc xe của một thanh niên tình nguyện chở “vị Giáo sư đi biểu tình trở về” với giá rẻ – do một người bạn không quen trả tiền trước cho – tôi còn cứ bận tâm với câu hỏi có thể nói là vấn nạn, không sao dứt đi được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét