Người Quan Sát
Phần 1
Một tiền lệ chưa từng có đã được hình thành
Trải qua 10 cuộc biểu tình của giới nhân sĩ, trí thức Hà Nội phản đối việc Trung Quốc gây hấn ở biển Đông (tạm gọi tắt là “phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc”), hiện thời nhà cầm quyền Việt Nam đang đứng trước một tình thế khá nan giải: hoặc ủng hộ, hoặc bất hợp tác với phong trào biểu tình.
Bất hợp tác với phong trào biểu tình xem ra là việc dễ nhất, bởi xuyên suốt trong quan điểm từ trước đến nay của mình, chính quyền không hề mong muốn bầu không khí dân chủ được đẩy lên đến mức có thể bị “Diễn biến hòa bình” lợi dụng.
Tinh thần tự tôn của chính quyền cũng được thúc đẩy bởi lòng tự ái độc tôn, không muốn bất cứ một lực lượng nào trong xã hội chia sẻ quyền lực với mình, dù đó chỉ là một thứ quyền lực tượng trưng hoặc quyền lực tưởng tượng. Bởi thế, nếu lấy mốc là thời mở cửa, từ hai mươi năm qua, khái niệm biểu tình gần như không tồn tại ở Việt Nam. Ý tưởng về Luật Biểu tình, sau một số lần nhen nhóm trong Quốc hội, cũng đã bị gác lại vô thời hạn.
Tuy vậy, vụ việc biểu tình phản đối Trung Quốc dường như đã vượt qua giới hạn ban đầu của nỗi sợ hãi bị kềm nén trong hai mươi năm qua. Giờ đây khi nhìn lại, hẳn phần lớn, nếu không nói là tuyệt đại đa số lãnh đạo trong chính quyền đã ngạc nhiên một cách chua chát về diễn tiến hầu như liên tiếp của các cuộc biểu tình mà vào thời điểm đầu tháng 6/2011 họ đã không lường trước được. Một tiền lệ chưa từng có đã được hình thành.
Thoạt đầu, phổ biến trong giới lãnh đạo là đánh giá về tính nhất thời, bức xúc đột biến của vụ việc mà khó có thể diễn ra một cách có hệ thống như chuỗi thời gian mười Chủ nhật. Đánh giá này được củng cố bởi bản thông báo tự phát đến mức ngây thơ của trang mạng xã hội Nhật ký yêu nước – kẻ tiền thân của phong trào biểu tình. Thế nhưng các Chủ nhật tiếp sau dần mang lại một cảm giác khó tả đối với giới chức chính quyền. Nhóm biểu tình dần được nhân rộng với thành phần nhân sĩ có, trí thức có, sinh viên có, kể cả người dân thường…, và dù số lượng người biểu tình lên xuống thất thường do những tác động khách quan, phong trào biểu tình vẫn được duy trì đều đặn, tỷ lệ thuận với xu thế gây hấn bài bản của Trung Quốc ở khu vực biển Đông.
Chữ ký nào và trách nhiệm nào?
Đã không hề có động thái dứt khoát nào từ phía nhà cầm quyền về việc “xử lý” phong trào biểu tình. Phương án phòng chống bạo động, bạo loạn của ngành công an vẫn còn đó, vẫn còn nguyên giá trị trên… giấy, nhưng để áp dụng vào thực tiễn thì thật là một thử thách. Nếu là lần biểu tình đầu tiên hoặc cùng lắm đến lần thứ hai, một đòn phủ đầu mạnh mẽ từ lực lượng an ninh và cảnh sát có thể đã làm lắng dịu đáng kể phong trào biểu tình. Nhưng cái lợi thế của chủ nghĩa tập thể trong sáng đã từng giúp người cộng sản thành công trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nay lại trở thành yếu điểm của một số người kế thừa đã nhúng quá sâu vào tham nhũng: vì chủ nghĩa tư lợi, không ai dám đưa ra quyết định cá nhân mang tính thay đổi cục diện.
Trong các cuộc họp bàn về chuyện xử lý biểu tình, như thường lệ, vẫn xuất hiện những ý kiến mạnh mẽ từ những người tỏ ra có trách nhiệm với Đảng, lo lắng trước nguy cơ vai trò cầm quyền duy nhất của Đảng có thể bị ảnh hưởng từ cái “xã hội dân sự” nhỏ nhoi kia. Nhưng ý kiến vẫn chỉ là ý kiến, còn khi cần phải triển khai thành một văn bản nào đó nhằm xác quyết, dứt điểm vấn đề thì người ta bắt đầu suy nghĩ: Ai là người ký?
Rất khó cho người ký nếu phải lồng vào văn bản những biện pháp trấn áp trong các tình huống chống biểu tình, bạo loạn đã được xây dựng. Một động tác quá cứng rắn của chính quyền sẽ khiến người dân nghĩ sao đây? Dân chủ là nền tảng của xã hội, còn nhân dân thì đang quá nhiều bức xúc, phẫn nộ đối với nhiều hành vi thừa hành sai trái của các cấp thi hành, tại nhiều địa phương và ngay tại trung ương. Khác hẳn với quá khứ đối phó với kẻ thù ngoại xâm, hiện tại nhà cầm quyền đang phải đối mặt với chính nhân dân của mình.
Sự e ngại những vấn đề quá nhạy cảm cũng len sâu vào não trạng của những người e ngại cả trách nhiệm của họ trong việc đề ra biện pháp đối phó với phong trào biểu tình. Hơn nữa, nghĩ đi nghĩ lại thì cũng phải thừa nhận, dù chỉ trong thâm tâm, phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc cũng có cái lý của nó – lòng yêu nước và tinh thần quật cường hiếm thấy trong thời buổi tranh sáng tranh tối này. Vậy nên cách tốt nhất là hành động một cách ôn hòa – vận động và thuyết phục, vừa tránh khoét sâu thêm hố phẫn nộ trong lòng dân chúng, vừa khỏi phải trở thành đối tượng mà đến một lúc nào đó trong tương lai có thể bị quy là kẻ ra lệnh đàn áp người yêu nước. Tinh thần nghị quyết hay một văn bản giống như nghị quyết đại khái là như thế. Cuộc họp kết thúc.
Đó cũng chính là cái kẽ hở mà phong trào biểu tình vô hình trung đã lách qua được trong mười Chủ nhật qua, chứ không phải do áp lực của 500 đại biểu Quốc hội vốn chỉ có truyền thống gật đầu với những gì đã được quán triệt từ trước.
Bình mới rượu cũ
Cho đến khi xảy ra “cú đạp triết học” (như cách gọi của một bài viết trên boxitvn). Đến lúc đó, phong trào biểu tình đã diễn tương đối thuận buồm xuôi gió được mấy Chủ nhật, còn các cơ quan chức năng mới giật mình với sự suôn sẻ không ngờ như thế. Tới lúc đó, vẫn không có chỉ thị đặc biệt nào bằng văn bản của chính quyền về việc cần phải trấn áp hay đàn áp, nhưng một phép thử đã được tung ra đối với người biểu tình.
Hành động côn đồ của một nhân viên công lực tuy chỉ mang tính cá nhân, nhưng lại nên được xem là một cái mốc có tính quyết định về xu thế: nếu người biểu tình chịu thỏa hiệp với chính quyền sau cú đạp của Đại úy Minh, những cú đạp khác sẽ được bồi tiếp; còn nếu phong trào biểu tình vẫn không lắng dịu, nhà nước phải xem xét lại cách hành xử của mình.
Kịch bản thứ hai đã xảy ra với lời thanh minh của Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh – Giám đốc Công an Hà Nội – trong một cuộc họp báo được coi là bất ngờ.
Lần đầu tiên, một người có trách nhiệm tuy không tuyên bố đại diện cho giới có trách nhiệm cao nhất của chính quyền trung ương, đã xác nhận tính chất yêu nước của phong trào biểu tình, công bố tình hình biểu tình và qua đó phần nào thừa nhận hoạt động biểu tình. Nói cách khác, lần đầu tiên chuyện biểu tình ở Việt Nam được hợp thức hóa dưới một hình thức không trực tiếp, không văn bản pháp lý. Điều đó cho thấy với một số nguyên do vừa dễ hiểu vừa sâu xa, nhà nước cần phải biểu hiện sự thỏa hiệp với nhóm biểu tình. Tuy nhiên sự thỏa hiệp này sẽ thể hiện đến mức độ nào thì còn tùy tình hình thực tế, mà phán đoán về thực tế tình hình lại là một nhược điểm cố hữu của công tác dự báo của chính quyền – người ta đã quá quen với cách nhìn các vấn đề chính trị như cung cách điều hành nền kinh tế ngồn ngộn mâu thuẫn giữa lạm phát và giảm phát, giữa cắt giảm đầu tư công và nạn tham nhũng lan tràn khắp nơi…
Do vậy, không có gì khó hiểu khi Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, trong khi gián tiếp thừa nhận hoạt động biểu tình thì lại trực tiếp phủ nhận cái thực tế về hành vi đáng xấu hổ đối với toàn ngành công an của Đại úy Minh. Sự bất cập trong ứng xử của Tướng Nhanh cũng biểu hiện qua việc ông đã buộc phải trở thành một nhà ngoại giao bất đắc dĩ, không hề chuyên nghiệp với phát ngôn “biểu tình chống Trung Quốc là yêu nước” – mà nếu người dân Trung Quốc biết được lời phát ngôn này thì đó là một sự xúc phạm nặng nề từ tư duy vơ đũa cả nắm của một ông tướng Việt Nam.
Tuy nhiên ông Nhanh cũng đã hoàn thành được một nửa vai trò được giao phó. Nửa còn lại thuộc về cấp trên của ông Nhanh – những người chưa hoàn chỉnh một đối sách đối với phong trào biểu tình và vì thế cho tới nay chỉ có thể ngầm tuyên bố ủng hộ nhóm biểu tình một cách nửa vời – theo cái cách mà dân gian vẫn gọi là thói xấu của người Việt. Dân chủ trong khuôn khổ, hoặc có thể hiểu giới hạn của dân chủ trong trường hợp này là hoạt động biểu tình cần và phải được “khoanh vùng” chỉ với khách thể là Trung Quốc, mà không thể để lây lan sang những vấn đề nhạy cảm khác. Việc Cù Huy Hà Vũ bị xử y án chỉ vài ngày sau cuộc họp báo của Nguyễn Đức Nhanh là một minh chứng rõ ràng. Bình mới rượu cũ.
Phần 2
Những nan giải còn lại
Như vậy, nhà cầm quyền mới chỉ giải quyết được một phần nhỏ trong bài toán nan giải – gián tiếp thừa nhận hành động biểu tình phản đối Trung Quốc. Sự nan giải còn lại mà những người có trách nhiệm của chính quyền phải đối mặt là làm sao không làm dân chúng bị tổn thương thêm, nhưng cũng không khiến cho Trung Quốc có cớ nổi giận mà có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường về kinh tế.
Đã khá muộn để chính quyền thực hiện một chiến dịch tuyên truyền theo môtip “phản tuyên truyền”, tức nêu quan điểm chính thống của chính quyền về vấn đề biểu tình, trong đó đương nhiên có nội dung đề cập đến việc hoạt động biểu tình có thể bị “các thế lực thù địch” lợi dụng. Hơn hai tháng qua, dù chỉ ba bốn trăm người tuần hành biểu tình ở Hà Nội nhưng thông tin này đã được phần lớn người dân Việt Nam biết đến với rất nhiều ý kiến biểu thị thái độ đồng tình với hành động biểu tình. Trong khi đó chính quyền lại hạn chế thông tin trên cơ quan truyền thông đại chúng đến mức khó hiểu mặc dù các báo đài nước ngoài đã tìm cách đưa tin chi tiết. Điều nầy liệu có trở thành phản tuyên truyền hay “bưng bít” thông tin không?
Giả như một văn bản thông tin của Ban Tuyên giáo trung ương về vấn đề biển Đông và việc biểu tình sẽ giải quyết được mục tiêu gì? Nếu văn bản này, dù có đề cập một cách toàn diện các nội dung cần biết, nhưng chỉ được phổ biến nội bộ như vẫn thường làm trước đây, lại thêm dấu “mật”, thì sẽ chẳng thể có tác động nhiều đến tư tưởng của người dân – đối tượng chính mà công tác tuyên truyền coi là ưu tiên tác động hàng đầu – đôi khi còn được diễn giải với cách lý giải chủ quan một cách méo mó!
Còn nếu văn bản được công khai thì đó rất có thể là con dao hai lưỡi. Một mặt, việc thông tin công khai về “khoanh vùng biểu tình”, hoặc đưa ra chủ trương như “không khuyến khích hoạt động biểu tình” sẽ là cái cớ cho hành động trấn áp cứng rắn của ngành công an đối với những người biểu tình trong các cuộc tuần hành sắp tới. Nhưng ở một thái cực ngược lại, sự công khai hóa thực trạng biểu tình cũng khiến cho đại đa số người dân nắm được thông tin theo kênh chính thống và do đó – như đã đề cập ở trên – có thể dẫn tới suy nghĩ của một số người cho rằng nhà nước đã hợp thức hóa việc biểu tình… Và bất cứ ai cũng có thể đi biểu tình mà không cần xin phép.
Cả hai trường hợp trên đều có thể xảy ra. Nhưng theo truyền thống thiên về né tránh trách nhiệm cá nhân trong các cơ quan nhà nước, không có nhiều khả năng sẽ có một văn bản công khai được phổ biến đến tận người dân. Thay vào đó, có thể một chiến dịch phản tuyên truyền sẽ được tổ chức trên một số tờ báo – vốn trước nay vẫn được sử dụng trong những trường hợp cần thiết để định hướng dư luận, dù chỉ là sự định hướng một cách khiên cưỡng với thủ pháp khá đơn giản mà mỗi người dân có trình độ nhận thức trung bình đều có thể hiểu ngay đằng sau của vấn đề là gì.
Ngay cả trong trường hợp giới lãnh đạo thống nhất cao về chủ trương xử lý biểu tình với phần hành xử cứng rắn thuộc về trách nhiệm của ngành công an, tức phương án phòng chống biểu tình, bạo loạn được đưa vào vận dụng trong thực tiễn và trở thành đất dụng võ của những sĩ quan võ biền, thì tình trạng đùn đẩy trách nhiệm ngay trong nội bộ ngành công an vẫn có thể ngấm ngầm diễn ra. Không có gì bảo đảm là trong hành xử với người biểu tình, nhân viên công lực sẽ giữ được thái độ kềm chế đúng mực. Nếu xảy ra trường hợp người biểu tình bị nhân viên công lực làm bị thương hoặc bị chết thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho hậu quả tức thời và sau đó?
Nếu ngành công an quyết định biểu dương quyền lực và lực lượng của mình, chính quyền tại các địa phương - nơi có hoạt động biểu tình - sẽ thở phào mà dồn hết cả trách nhiệm cho giới kiêu binh công an, còn bản thân họ thì bắt đầu tính đến việc phải xử lý khối tài sản cá nhân như thế nào cho êm gọn trước xu hướng biến động khó lường của tình hình chính trị.
Những động thái của quan chức chính quyền cũng là tâm trạng của giới đại gia Việt Nam. Những đại gia này, về thực chất còn phức tạp hơn nhiều so với quan chức khi đã quen thuộc với vai trò tác động vào hệ thống chính quyền và tạo nên những chính sách làm lợi cho họ, sẽ không có cảm giác an toàn khi ngay cả quan chức bạn bè của họ đã cảm thấy bất an. Vì thế, giới đại gia sẽ tìm cách can thiệp cả vào chính sách chính trị theo hướng làm êm dịu tình hình để mặt trận kinh tế của họ không bị đổ vỡ. Sự can thiệp này là có khả năng và có tác dụng ở một mức độ nhất định.
“Xã hội dân sự mặc nhận”?
Hoạt động biểu tình phản đối Trung Quốc vẫn chưa có lý do để ngừng lại khi những nguyên nhân trực tiếp vẫn là những tín hiệu gây hấn căng thẳng luôn xuất hiện ở vùng biên giới, biển khơi hoặc ngay trên bàn đàm phán ngoại giao giữa hai nước Việt-Trung. Còn nguyên nhân gián tiếp lại là việc người biểu tình và những người thiện cảm với phong trào biểu tình càng cảm thấy bị xúc phạm hơn khi luồng thông tin của chính quyền về họ ngày càng trở nên xám xịt một cách đầy khó hiểu, mà nếu không cẩn thận thì lòng yêu nước rất có thể bị biến thành một thứ tình cảm tội phạm!
Thiết tưởng cần phải nhanh chóng ban hành một qui chế về hành động biểu thị thái độ (gọi chung là biểu tình) của người dân, hạn chế vi phạm an ninh trật tự công cộng đến mức thấp nhất và một qui phạm về cách ứng xử của ngành an ninh trước những hành vi gây rối hoặc bạo động.
Trước khi phong trào biểu tình nổ ra, đã ít có mối liên hệ chính thức giữa các nhóm trí thức, cũng như giữa trí thức với tôn giáo. Nhưng cho đến nay, không hiểu sao những mối dây liên hệ rời rạc lại đang có chiều hướng khắng khít với nhau. Sự khắng khít đó lại thêm bền chặt chính bởi cây cầu biện chứng lịch sử - các cựu chiến binh và lão thành cách mạng. Chỉ có thể giải thích rằng mọi người tìm được sự an ủi và đôi chút niềm tin khi dựa vào nhau. Đó cũng là tâm cảm của giới sinh viên, những người trước đó còn bị nhà trường ngăn cảm biểu tình, nhưng bản thân họ cũng đang được hỗ trợ bởi sự chia sẻ của những tiểu thương và cả nông dân. Một tiền lệ đã được bắt đầu như thế.
Một xã hội dân sự thu nhỏ cũng đang dần thành hình và có thể sẽ thành khối một cách mặc nhận, không phải qua những cuộc hội thảo luôn luôn và chắc chắn chẳng dẫn đến kết quả nào. Mà ngẫm ra có vẻ khôi hài và trớ trêu là cái xã hội dân sự mặc nhận này được bắt đầu từ lề trái của con đường.
Ai đó có thể cho rằng một người mới tập tành việc đi đứng lại bắt đầu không phải từ phần đường bên phải theo luật giao thông Việt Nam, rằng đó là biểu hiện của cách mạng sắc màu hay cách mạng hoa nhài.
Nhưng thực ra sự hình thành ấy chẳng qua chỉ phản ánh quy luật phản ứng với bất công xã hội trong bối cảnh hiện nay mà thôi.
Ai đã đẩy người đi đường sang lề trái vậy?
N.Q.S.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét