Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

TNS Jim Webb gặp chuyên gia Biển Đông của Việt Nam


Thượng nghị sĩ Jim Webb, chủ tịch tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngọai Thượng Viện Hoa Kỳ hiện đang có mặt tại Việt Nam trong chuyến công du một số nước trong khu vực.
RFA
Thượng nghị sĩ Jim Webb trình bày quan điểm của ông về thái độ của Hoa Kỳ đối với tình hình tranh chấp tại biển Đông (Hoa Thịnh Đốn tháng 6, 2011)
Hôm qua, ông có cuộc gặp với một trong những người Việt Nam chuyên nghiên cứu về Biển Đông là thạc sĩ luật Hòang Việt tại thành phố Hồ Chí Minh.
Vậy nội dung cuộc gặp đó có những điểm chính nào?

Quan điểm của Hoa Kỳ

Gia Minh nói chuyện với thạc sĩ Hòang Việt và trước hết ông cho biết:

Thạc sĩ Hòang Việt: Tôi gặp ông Jim Webb vào ngày hôm qua, 22 tháng 8, tại khách sạn New World trong vòng khỏang chừng 20 phút, theo lời mời từ phía ông ta.

Trong 20 phút tôi trao đổi một số vấn đề, đặc biệt là tình hình tranh chấp Biển Đông đối với an ninh khu vực và thế giới thế nào. Trong đó Việt Nam và Hoa Kỳ có điểm chung về mặt lợi ích khi vùng Biển Đông ở trong tình trạng gọi là ‘an tòan’; ví nếu an ninh trên Biển Đông không tốt sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam cũng như một số lợi ích liên quan của Hoa Kỳ.
Tôi chỉ nêu ra một số vấn đề như vậy và tỏ quan ngại khi mà Trung Quốc có những hành động mang tính chất gây căng thẳng trong khu vực, càng ngày càng leo thang không phải chỉ đối với Việt Nam mà với nhiều nước khác, thậm chí với Nhật bản, Hàn Quốc, đến cả Philippines.

Ông thượng nghị sĩ Jim Webb cũng lắng nghe và chia sẻ với tôi về những vấn đề này. Ông thượng nghị sĩ cho biết gần đây vào khỏang tháng sáu Thượng viện Hoa Kỳ đã ra một bản nghị quyết về Biển Đông; trong đó có lên án những hành động gây căng thẳng từ phía Trung Quốc.

Ông cho tôi biết 100% các thượng nghị sĩ tán thành nghị quyết đó. Đó là thái độ rõ ràng của ông Jim Webb và các thượng nghị sĩ quốc hội Mỹ về vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Gia Minh: Đánh giá của ông sau cuộc gặp về thái độ của thượng nghị sĩ Jim Webb đối với một người nghiên cứu về Biển Đông như ông?

Thạc sĩ Hòang Việt: Tôi nghĩ ông thượng nghị sĩ Jim Webb có nhiều điều chia xẻ với tôi về lợi ích của Hoa Kỳ. Ông có nhắc với tôi ông luôn muốn tình trạng ổn định được duy trì trên vùng Biển Đông. Đó là điều không gây ảnh hưởng lớn đối với các nước và cả Việt Nam tham gia trong vấn đề tranh chấp này.

Tôi có đặt vấn đề với ông: có lẽ Hoa Kỳ nên giúp đỡ Việt Nam một số việc như giúp chuyên gia, luật sư giỏi, có kinh nghiệm về tranh chấp lãnh thổ tư vấn cho Việt Nam trong vấn đề đó. Ngòai ra cũng giúp nâng cao trình độ cho đội ngũ luật sư, những nhà nghiên cứu liên quan trực tiếp trong cuộc tranh chấp này. Ông thượng nghị sĩ tỏ vẻ đồng ý với những sự đề nghị giúp đỡ đó.

Gia Minh: Và ông ta có đưa ra những cách giúp cụ thể ra sao không?

Thạc sĩ Hòang Việt: Không, ông chỉ nói tìm cách giúp thôi, cụ thể thế nào ông không nói.

Gia Minh: Là một người tham gia nghiên cứu Biển Đông, ông có dịp gặp những người từ phía Hoa Kỳ như ông Jim Webb và những người từ phía Trung Quốc, ông có so sánh về mặt thái độ của họ thế nào không trong vấn đề trao đổi?
Để giải quyết được tranh chấp, chúng ta cần phải ngồi lại với nhau, xem thực sự muốn gì. Từ đó mới có lòng tin để có thể giải quyết vấn đề. Suy cho cùng, để giải quyết theo cách gì đi nữa các bên trực tiếp tham gia phải cùng có tiếng nói chung mới có thể giải quyết được.
Thạc sĩ Hòang Việt: Ngay cả học giả Trung Quốc cũng có nhiều ngừơi khác nhau lắm. Có một số người trao đổi có vẻ nhẹ nhàng, nhưng cũng có một số người mang tính chất ‘căng thẳng’, khó trao đổi. Cũng tùy từng học giả.

Gia Minh: Người ta cho rằng đối thọai là quan trọng. Vậy ông đặt tin tưởng và mong muốn nơi các quan chức và giới nghiên cứu trong việc đối thọai ra sao?

Thạc sĩ Hòang Việt: Tôi tán thành việc đối thọai. Gần đây một giáo sư Việt Kiều Nhật là ông Trần Văn Thọ có nhắc đến việc nên chăng có những cuộc nói chuyện, trao đổi giữa các trí thức Việt Nam và Trung Quốc để hiểu nhau hơn.

Dĩ nhiên về mặt quan chức càng cần thiết. Tôi nghĩ đó là điều cần thiết, vì để giải quyết được tranh chấp, chúng ta cần phải ngồi lại với nhau, xem thực sự muốn gì.

Từ đó mới có lòng tin để có thể giải quyết vấn đề. Suy cho cùng, để giải quyết theo cách gì đi nữa các bên trực tiếp tham gia phải cùng có tiếng nói chung mới có thể giải quyết được.

Tôi đánh giá cao việc đối thọai.

Gia Minh: Tiếng nói chung đó phải dựa trên các cơ sở khoa học, thực tế, phải không, thưa ông?

Thạc sĩ Hòang Việt: Đương nhiên; chẳng hạn tiếng nói chung của các quan chức Hoa Kỳ cũng như các học giả trong việc tranh chấp Biển Đông quan trọng nhất phải dựa trên luật pháp quốc tế, chứ không thể dựa trên cái gì khác.

 Trong đó những công ước quan trọng như Công ước Luật biển năm 1982 luôn luôn là chuẩn mực được đặt ra để giải quyết cho tranh chấp này.

Gia Minh: Cám ơn thạc sĩ Hòang Việt.

Không có nhận xét nào: