Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Kịch bản Biển Đông tại ARF 18

Tác giả: Hoàng Phương Loan

Có thể kịch bản ARF 18 tại Bali sẽ giống như tại ARF - Hà Nội về sự đồng thanh tương ứng của các quốc gia, nhưng dư luận trông đợi, kịch bản về sự phản ứng của Trung Quốc sẽ khác.
"Đồng thanh tương ứng"

Một năm trước đây, nhà báo Greg Torode của tờ South China Morning Post, Hong Kong từng nhận xét trong bài viết về ARF 17, Trung Quốc được xem là tác nhân gây chia rẽ ASEAN, khi từng thành viên trong Hiệp hội này đều đặt quan hệ của mình với Trung Quốc lên trên sự thống nhất trong ASEAN.
Nhưng hiện nay, có vẻ như, với chủ trương bẻ đũa từng chiếc, yêu sách đường lưỡi bò tham lam và những hành động gây hấn liên tục trên Biển Đông, thì chính Trung Quốc lại là yếu tố buộc ASEAN đoàn kết, đi đến một tiếng nói chung và thúc đẩy một giải pháp mang tính thực chất cho câu chuyện Biển Đông.
ARF 17 tại Hà Nội. Ảnh Lê Anh Dũng.
Nếu trước thềm hội nghị ARF 17, trong cuộc gặp thường niên giữa các bộ trưởng ngoại giao ASEAN với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, chỉ Philippines nêu vấn đề Biển Đông, thì lúc này, trước ARF 18, dư luận thế giới đã sẵn sàng cho một loạt những động thái ngoại giao dồn dập xung quanh tranh chấp Biển Đông. Mỹ, Nhật Bản, Australia và nhiều nước thành viên ASEAN dự kiến sẽ nêu vấn đề Biển Đông trong cuộc họp chính của ARF, giống như điều đã xảy ra tại Hà Nội tháng 7 năm ngoái.
Đưa ra quan điểm thống nhất trong cách tiếp cận giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông, dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển và DOC, giới quan sát nhìn thấy những tín hiệu về sự đồng lòng, quyết tâm và tích cực của ASEAN, để chứng tỏ mình "không chỉ giỏi viết nghị quyết" và "có thể giải quyết vấn đề của mình".
Và hơn ai hết, ASEAN hiểu rõ thế khó của mình. Đối mặt với những vấn đề hóc búa, có nguy cơ gây chia rẽ cao trong nội bộ ASEAN và Biển Đông, ASEAN đang ở vào thời điểm cam go để chứng minh sự hiệu quả của mình. Với vấn đề Biển Đông, vị trí chiếc ghế Chủ tịch ASEAN những năm tiếp theo cũng là một thử thách, khi nước chủ nhà hoặc vốn ít thể hiện vai trò lãnh đạo khu vực, hoặc chịu sức ép quá lớn của các vấn đề nội bộ, hoặc tranh chấp song phương nội khối. Nếu như ASEAN và Trung Quốc không đạt được một giải pháp cụ thể, hiện hữu trong năm 2011 này, hay chí ít, là một thỏa thuận khung, để đi đến kí kết chính thức vào năm 2012, khi kỉ niệm 10 năm Tuyên bố về ứng xử giữa các bên trên Biển Đông DOC, không ai dám chắc, điều gì sẽ chờ đợi khu vực này trong những năm tới.
"Lần này, những gì ASEAN đang cố gắng làm để thực thi DOC là thực chất hơn bao giờ hết, khi mà khu vực ngày càng thiếu ổn định và bị chia rẽ. Chính điều này khiến các quốc gia ASEAN và Trung Quốc thêm quyết tâm tìm kiếm tiến bộ tại các hội nghị đang diễn ra", Ngoại trưởng nước chủ nhà Indonesia, ông Marty Natalegawa cho hay.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN44 hôm qua, Tổng thống nước chủ tịch ASEAN năm nay, Susilo Bambang Yudhoyono đã khẳng định quyết tâm thúc đẩy tiến bộ trong giải quyết tranh chấp Biển Đông.
"Chúng ta phải phát đi thông điệp mạnh mẽ đến thế giới rằng tương lai của Biển Đông là có thể dự đoán, có thể kiểm soát và là một tương lai lạc quan", ông Yudhoyono tuyên bố.
Phản ứng của Trung Quốc liệu có khác?
Quyết tâm là thế, nhưng thỏa thuận không thể đạt được chỉ bằng ý chí chính trị của một phía. ASEAN chìa tay hợp tác, vấn đề còn lại là sự đáp lại của nước lớn đang lên Trung Quốc.
ASEAN và thế giới không quên một thực tế là sau 9 năm tồn tại, DOC vẫn chưa có được hệ thống các hướng dẫn thực hiện để có thể giải quyết hữu hiệu các tranh chấp Biển Đông. Mà lí do của nó đã được Giám đốc Ban an ninh chính trị thuộc ban thư ký ASEAN Termsak Chalermpalanupap nêu ra tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Mỹ,  rằng20 lần ASEAN đã đưa ra dự thảo để thúc đẩy thực hiện DOC và xây dựng COC, thì cả 20 lần, Trung Quốc đều bác bỏ. Văn bản hướng dẫn thực thi DOC mà ASEAN sẽ trao cho Trung Quốc nhân ARF 18 lần này đã là bản dự thảo thứ 21 mà ASEAN soạn ra.
Ngoại trưởng Dương Khiết Trì tại ARF 17, Hà Nội. Ảnh Lê Anh Dũng
Dư luận cũng chưa quên phản ứng của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì một năm trước đây tại Hà Nội, khi hơn chục nước đồng loạt lên tiếng về vấn đề Biển Đông và chỉ rõ Trung Quốc là nước chịu trách nhiệm cho căng thẳng gia tăng trên Biển Đông.
Trước thềm ARF 18 này, Ngoại trưởng nước chủ nhà Indonesia, ông Marty Natalegawa đã phải có thông điệp trấn an, rằng ASEAN sẽ tiếp cận vấn đề Biển Đông "theo hướng tích cực, thay vì chăm chăm tìm ra ai có lỗi".
"Indonesia muốn biến những vấn đề này thành cơ hội, bằng cách thay đổi phương pháp lập luận và tư duy, để đại dương trở thành yếu tố kết dính thay vì chia rẽ các quốc gia."
Thực ra, chuyện ai có lỗi trong tranh chấp Biển Đông đã là điều không còn phải bàn cãi. Ngay cả vị học giả vốn có cách nhìn khách quan, không thiên kiến về Biển Đông, TS Stein Tonneson cũng phải thừa nhận thực tế: "Trong vòng 2 năm qua, Trung Quốc đã có thái độ hiếu chiến hơn với các nước láng giềng. Tôi buộc lòng phải quy trách nhiệm cho Bắc Kinh... Chính quyền Trung Quốc nên xét kỹ lại chính sách sai lầm của mình, và cải thiện".
Nhưng dù sao, việc không chỉ mặt đặt tên người có lỗi sẽ giúp giữ thể diện phần nào cho nước lớn. Mặc bộ quần áo đẹp, người ta trông chờ sẽ chứng kiến hành động đẹp, theo nghĩa trách nhiệm và hợp tác từ nước lớn.
Và chắc chắn, dù các động thái ngoại giao có tới tấp cỡ nào tại ARF 18, cũng không khiến ai đó bất ngờ đến mức tức giận để rồi có hành động phi ngoại giao như tại ARF 17.
Có thể kịch bản ARF 18 tại Bali sẽ giống như tại ARF - Hà Nội về sự đồng thanh tương ứng của các quốc gia, nhưng dư luận trông đợi, kịch bản về sự phản ứng của Trung Quốc sẽ khác. Và một giải pháp thực chất cho tranh chấp Biển Đông sẽ được đưa ra, tiếp nối những nỗ lực minh bạch hóa vấn đề mà ARF 17 đã khởi đầu.

Không có nhận xét nào: