Nguyễn Hoàng Hà
Dư luận Việt Nam và quốc tế rất quan tâm đến tình hình nóng bỏng vừa qua tại biển Đông, luồng gió nóng đó đã thổi vào hội nghị an ninh về biển tại Shangri-La. Người ta chú ý đến hai bài phát biểu của hai quốc gia đang là nạn nhân của chính sách bành trướng bá quyền của Trung Quốc là Philippines và Việt Nam.
Nếu như bài phát biểu của trưởng phái đoàn Philippines nảy lửa khi tố cáo Trung Quốc cho tàu hải giám tấn công các tàu thăm dò biển và tàu của ngư dân Philippines, ngang nhiên xây dựng các căn cứ quân sự và thăm dò dầu khí tại vùng lãnh hải Philippines, thì bài diễn văn của Đại tướng Phùng Quang Thanh nghe tưởng nhẹ nhàng nhưng lại như những lưỡi dao vạch mặt để thế giới nhận diện rõ kẻ cướp biển Trung Quốc trong thời đại mới. Trong bài diễn văn đó, Đại tướng Thanh đã cho rằng vụ việc tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam bị cắt cáp hôm 26/5 gây ra lo ngại về việc duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông, trong khu vực cũng như toàn thế giới.
Ông nói: "Vụ việc mới đây nhất diễn ra hôm 26/5, khi Bình Minh 02 - một tàu khảo sát của Việt Nam - đang tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam thì bị cản trở bởi cáp của tàu bị cắt".
Tướng Thanh khẳng định, Việt Nam đã kiên nhẫn xử lý tình huống này bằng giải pháp hòa bình, theo đúng luật pháp quốc tế và nguyên tắc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong khi vẫn giữ gìn hòa bình và ổn định ở biển Đông cũng như duy trì quan hệ thân thiện với các nước láng giềng, và hy vọng sự việc tương tự như vậy không tái diễn.
Người ta cũng chú ý đến các cuộc gặp bên lề hội nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt với các đoàn Hoa kỳ, Việt Nam, Philippines và nhiều phái đoàn khác nhằm đánh lạc hướng và xoa dịu sự phẫn nộ của các nước này trước việc Trung Quốc đưa tàu đến đe dọa uy hiếp tàu của nước họ đang hoạt động tại vùng biển của nước họ.
Thế nhưng Trung Quốc đã không đạt được ý muốn bịt miệng các nạn nhân. Tại hội nghị, Trung Quốc đã bị lên án và chỉ mặt như những kẻ cướp biển thời hiện đại, mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã dùng hết lời lẽ ngôn từ để xoa dịu dập tắt ngọn lửa đang bùng lên phản kháng những việc làm sai trái của họ. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã khăng khăng khẳng định Bắc Kinh sẽ nỗ lực vì "hòa bình, ổn định" ở biển Đông và không có tham vọng bá quyền. "Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông", AFP dẫn lời ông Lương phát biểu trong diễn đàn an ninh Shangri-La ở Singapore hôm nay. "Tình hình ở biển Đông vẫn ổn định. Vấn đề tự do hàng hải trong khu vực không hề bị cản trở".
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc phát biểu tại hội nghị an ninh Shangri-La. Ảnh: AFP |
Tướng Lương khẳng định Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với hòa bình ở châu Á, quân đội Trung Quốc đang phát triển các loại vũ khí mới song mục đích chủ yếu là để bảo vệ chủ quyền của đất nước và chối cãi việc uy hiếp ngư dân Việt Nam. Trong bài phát biểu mang tính phân bua và trấn an này, người ta nghe thấy từ “hòa bình” được nhắc đi nhắc lại 27 lần.
Trong diễn đàn quốc tế thì như vậy, nhưng ngay sau đó họ vẫn cho tàu tới tấn công và bắn bị thương ngư dân Việt Nam và cả ngư dân Philippines. Ngay sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam và cả Bộ Ngoại giao Philippines đã có văn bản phản đối việc hải quân Trung Quốc dùng súng uy hiếp ngư dân Việt Nam và ngư dân Philipppines khi họ đang đánh bắt cá bình thường ở khu vực chủ quyền biển của mình thì phía Trung Quốc lại một lần nữa chối bỏ các hành động mà họ đã gây ra. Tuyên bố phát ngôn viên Hồng Lỗi đưa ra chối bỏ các thông tin về việc ba tàu Trung Quốc nổ súng, và rằng "Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định" ở Biển Đông. Nhưng những lời tuyên bố nghe có trách nhiệm đó của Trung Quốc đã trở thành nhàm chán và người Việt Nam nay không còn chấp nhận được mà càng phải cảnh giác hơn.
Người ta tự hỏi vậy tàu ngư chính đi dài ngày trên biển, bắn và đâm tàu của ngư dân Việt Nam và tàu hải giám đi cắt cáp thăm dò biển là của ai cử đi, và lý do gì khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc và ông Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã phải thanh minh phân trần?
Có thể nói trên diễn đàn quốc tế thì Việt Nam luôn luôn thắng Trung Quốc, nhưng diễn đàn song phương giữa hai nước Trung-Việt thì lại diễn ra ỳ ạch khác hẳn, nó không đem lại kết quả như Việt Nam đã mong muốn, mà như là Trung Quốc muốn lợi dụng nó để câu giờ chuẩn bị mọi mặt cho hợp thức hóa chủ quyền từ không đến có của họ, việc cho tàu cắt cáp, uy hiếp tàu Bình Minh 02 chỉ là cuộc thử nghiệm thứ hai sau vụ quây tàu thăm dò của một công ty Hoa kỳ trước đó tại biển Đông.
Nhiều người ta đã lấy hình ảnh sau đây để tỷ dụ cho các cuộc đàm phán song phương Việt Trung về chủ quyền biển, đó là: một kẻ nói nhỏ giọng run run không thành tiếng, với một kẻ vừa tự bịt tai mình vừa nói oang oang đến vỡ màng nhĩ. Hoàn cảnh đó có khác nào như đem nước mà đổ lên đầu con vịt Bắc kinh?
Liệu kéo dài đàm phán song phương thêm nữa có tác dụng và đạt kết quả hay không, hay là đã đến lúc Việt Nam phải đưa tất cả lên bàn hội nghị quốc tế và khu vực để giải quyết dứt khoát vấn đề trọng đại này? Rõ ràng Việt Nam ngoài việc tăng cường mạnh mẽ khả năng phòng thủ quốc phòng của mình, còn phải đồng thời dựa vào sức mạnh lòng yêu nước của toàn dân, trong đó có cả kiều bào Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.
Một liên minh giữa các nước như Nga, Ấn Độ, Nhật, Hàn, Việt Nam là rất cần thiết cho việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ không chỉ của các quốc gia này mà cho cả an ninh hòa bình của thế giới trước sự đe dọa của một Trung Quốc hung hăng và hiếu chiến như hiện nay.
Dư luận quốc tế và trong nước rất hoan nghênh bài phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh và cho rằng Trung Quốc đã bị bẽ mặt, bị chỉ tên điểm mặt tại diễn đàn này. Cho dù các lời phát biểu rất nhẹ nhàng, nhưng lưỡi sắc đòn ngoại giao của Việt Nam cũng đã cùng với bài phát biểu mạnh mẽ của phái đoàn Philippines cứa hai vết dao lên bộ mặt của Trung Quốc. Nó chắc chắn sẽ để lại trên bộ mặt Trung Quốc vết sẹo dài như là dấu vết điển hình của những tên cướp biển thời hiện đại.
Người ta cũng thấy dư luận hoan nghênh sự hiện diện của phái đoàn quân sự Hoa kỳ tại đây, thể hiện ý thức trách nhiệm lớn của Mỹ về vấn đề an ninh hàng hải và khu vực biển Đông. Rất tiếc là Hoa Kỳ chưa có phản ứng thực mạnh mẽ như ở các diễn đàn trước đây để Trung Quốc hiểu họ không thể làm mưa làm gió ở khu vực này.
Quan hệ Trung - Việt diễn ra tốt lên hay tồi tệ hơn?
Có người cho rằng quan hệ Trung - Việt đang diễn ra tốt đẹp lên và Việt Nam không cần thiết phải tham gia các liên minh quân sự ở khu vực và quốc tế để bảo vệ chủ quyền đất nước và biển đảo của mình. Vậy cần phải đánh giá vấn đề này thế nào? Muốn vậy chúng ta phải nhìn vào các diễn biến về tình hình thực tế đang diễn ra trên biển Đông để đánh giá một cách khách quan.
Tình hình biển Đông đang diễn ra ngày càng tồi tệ đi chứ không tốt lên như nhận định trên đây. Bằng chứng là người hàng xóm Trung Quốc ra vào vùng biển của Việt Nam như ao nhà họ, đã thế lại cho tàu đâm làm đắm tàu của ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển Việt Nam, bắn bị thương ngư dân, quây tàu thăm dò, cắt cáp, đe dọa tính mạng thủy thủy đoàn của Việt Nam, sao có thể nói là quan hệ rất tốt được? Đây là những sự việc rất nghiêm trọng. Hành xử của Trung Quốc còn tệ hại hơn cả cướp biển Somali hiện nay.
Hơn nữa, trong thời đại ngày nay ngay không một quốc gia nào có thể tồn tại đơn phương một mình, ngay cả với các cường quốc số một là Mỹ hay Trung Quốc hoặc Nga, Ấn Độ, v.v. Với Việt Nam lại càng phải cần thiết tăng cường các mối quan hệ quốc tế với nhiều quốc gia, nhiều tổ chức để tranh thủ sự đồng tình của các nước này càng nhiều càng tốt. Nếu nói đến khả năng quốc phòng của Việt Nam so với Trung Quốc thì dù nhà nước ta có đầu tư nhiều đến mấy cũng không thể sánh bằng kinh phí khổng lồ mà Trung Quốc đã tung ra để mua sắm và tân trang sức mạnh quân đội. Nguy cơ về tranh chấp chủ quyền về biển với Trung Quốc không chỉ trên khu vực biển quốc tế đang có tranh chấp mà ngay cả trên chính 200 hải lý vùng biển được quốc tế quy định thuộc lãnh hải của Việt Nam cũng đang bị đe dọa chiếm đóng. Vì thế, Việt Nam dù có trang bị bao nhiêu, sức mạnh thế nào nhưng không nên tự phụ cho rằng mình thừa sức chống sự xâm lược từ bên ngoài mà phải cần khẳng định cần có sự liên minh với các nước trên thế giới một khi nền an ninh quốc gia bị đe dọa. Đó mới là chiến lược khôn ngoan. Nhận định cho rằng quan hệ Trung - Việt đang diễn ra tốt đẹp lên và Việt Nam không cần thiết phải tham gia các liên minh quân sự ở khu vực và quốc tế vô tình tạo thuận lợi để cho Trung Quốc gỡ thế bí bị quốc tế cô lập về những hành vi ngạo mạn coi thường các công ước quốc tế vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các nước trong khu vực, một mặt nữa nếu cuộc chiến trên biển hay trên đất liền với Trung Quốc xảy ra thì Việt Nam khó có thể kêu gọi sự ủng hộ của các cường quốc khác và các nước bầu bạn truyền thống của mình. Chuyện đó chẳng khác nào một người bị hàng xóm ngạo mạn hung hăng bắt nạt, cướp ao, cướp đất, nhưng lại cứ nói với mọi người xung quanh rằng tôi thừa sức chống lại anh ta, tôi không cần liên minh hay nhờ các quý vị giúp đỡ. Thế là mặc cho người đó bị hàng xóm lấy ao, cướp đất, đánh cho sưng mặt hàng xóm sẽ chẳng hề đến giúp, vì nghĩ rằng anh ta đủ sức đánh trả, đâu cần mình can thiệp. Quan điểm như thế thật cần phải xem xét lại. Việt Nam phải dựa sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của chính mình là chính, nhưng phải có sự phối hợp với các sức mạnh tổng hợp khác từ bên ngoài, cần phải tận dụng triệt để khai thác nó cho dù ở khía cạnh nào, vào thời điểm nào là quyền của chính mình. Ngay cả với Hoa Kỳ hay Nga, Ấn Độ… mỗi quốc gia quan tâm về biển Đông với các mục đích khác nhau, nhưng tự chung lại vẫn là cần thiết trước một Trung Quốc đầy tham vọng tự cho mình cái quyền thống lĩnh toàn bộ khu vực biển Đông với đường lưỡi bò nuốt hết 80% biển ở khu vực này và nuốt cả lãnh hải và đảo biển của Việt Nam và một số nước khác trong khu vực.
Tinh thần yêu nước vốn đã bị lãng phí nay được nhen nhúm lại dù chỉ mới là tự phát
Người ta đặc biệt hồ hởi khi thấy các cuộc biểu tình tự phát diễn ra ở Hà nội và ở thành phố Hồ Chí Minh trước đại sứ quán và lãnh sự quán của Trung Quốc vừa qua diễn ra trong ôn hòa, trật tự dù không có người tổ chức, nhưng đã chứng tỏ tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ lãnh thổ lãnh hải của người Việt Nam. Người ta lại thấy xuất hiện những người lãnh đạo phong trào sinh viên chống Mỹ năm nào đứng bên cạnh các nhà lãnh đạo lão thành của Việt Nam, các sinh viên và người dân lao động với những khẩu hiệu thật là sống động vạch mặt chỉ tên người khổng lồ phương Bắc tham lam, ngạo mạn. Nhiều người dân ở xa đã tiếc nuối là không biết có các cuộc biểu tình như vậy nên không đến kịp để tham dự. Đây cũng là lần đầu tiên Nhà nước Việt Nam không khuyến khích nhưng cũng không ngăn cản để người dân bày tỏ thái độ của mình trước hành động ngang tàng của Trung Quốc bành trướng. Chắc chắn những ngày tới đây, nếu Trung Quốc còn giở những trò bỉ ổi kẻ cướp như vừa qua thì phong trào chống Trung Quốc sẽ lên cao hơn hiện nay gấp trăm ngàn lần.
Tóm lại, hội nghị quốc tế diễn ra ở Singapore vừa qua đã cho thấy hình ảnh của Trung Quốc bị cô lập thảm hại ở khu vực này và trên thế giới. Phái đoàn Trung Quốc bị đẩy vào thế không còn biết làm gì hơn khi các phái đoàn Việt Nam, Philippines và Hoa Kỳ cùng nhiều quốc gia đưa ra những bằng chứng chẳng thể chối cãi về hành động ngang ngược vi phạm lãnh hải và chủ quyền của các nước trong khu vực này. Họ chỉ có thể ngồi mà phân trần, thanh minh, trấn an một cách yếu ớt thảm hại.Qua đây người ta có thể nói rằng: Trung Quốc đánh mất chính danh của mình khi ngang nhiên xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và các quốc gia khác như một tên hải tặc quốc tế.
Người Việt Nam bốn ngàn năm qua ở cạnh một ông bạn láng giềng khổng lồ, niềm vui thì ít khổ đau thì nhiều, chiến tranh mà họ gây ra cho chúng ta gối nhau như sóng vỗ bờ hết đợt này đến đợt khác, vì thế có thể cắt nghĩa được vì sao người Việt Nam rất yêu quý hòa bình. Nhưng vì ở gần kẻ cướp nên dân tộc Việt Nam có nhiều kinh nghiệm hơn, càng cảnh giác cao hơn. Bạch Đằng giang mấy trăm năm nhìn màu nước đỏ máu giặc dù đã phai màu nhưng máu tanh hôi vẫn chưa thể hết, nay chắc dòng sông đó cùng biển kia sẽ mở ra đón chờ những tên cướp biển để vùi thây chúng. Trung Quốc cần phải nhớ những trang sử ấy, dòng sông đây và biển Đông kia sóng giờ đã dâng lên rất cao.
Trong khi tôi viết bài này thì tin mới nhất người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận việc tàu cá Trung Quốc lại cắt cáp tàu địa chấn Việt Nam sáng nay (9/6). Điều này đã chứng minh nhận định đàm phán song phương Việt - Trung đã chết và chỉ có đàm phán đa phương mới hy vọng giải quyết vấn đề biển Đông.
Ngày 9 tháng 6 năm 2011
N. H. H.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét