Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Chiến tranh (Việt-TRung) vẫn có thể xảy ra

Tác giả: Hugh White

Sự kiên nhẫn của giới lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi các mục tiêu của họ - "không bao giờ đòi vai trò lãnh đạo" trong câu nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình - khiến các ý định của họ trở nên khó phán đoán.
>> Phần 1

Mỹ tránh đưa giải pháp đối phó với sự nổi lên của Trung Quốc
Chính sách của Mỹ với Trung Quốc đang tránh né vấn đề Mỹ sẽ làm gì để đối phó với sự nổi lên của Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách có xu hướng dựa vào cụm từ "cổ đông có trách nhiệm".
Được nhắc tới lần đầu tiên bởi Thứ trưởng Ngoại giao Robert Zoellick, cụm từ này đã được dùng để mô tả vai trò mà Washington tin rằng Trung Quốc cần phải làm khi trở nên hùng mạnh hơn. Đây được hoan nghênh là hình mẫu cho một chính sách thực dụng và hướng về tương lai, cho thấy sự cần thiết phải phản ứng tích cực với sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc, nhưng cụm từ này hoàn toàn không đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng địa vị của Trung Quốc đặt họ vào vị trí người lãnh đạo, đặc biệt là ở châu Á.
Cụm từ này có thể áp dụng công bằng với bất kỳ nước nào tham gia hệ thống quốc tế. Australia cũng là một cổ đông có trách nhiệm như Tonga vậy.
Yếu tố quan trọng thứ hai trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc là "bao vây": tức là Mỹ nên vừa cam kết với Trung Quốc nhằm hy vọng nước này sẽ hành xử như một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đồng thời tiến hành những bước để có thể chống lại Trung Quốc nếu nước này bắt đầu các hành vi thiếu trách nhiệm. Nhìn bề ngoài, một chính sách bao vây như vậy hoàn toàn có lý, nhưng mọi chuyện phụ thuộc vào việc coi hành vi nào sẽ dẫn tới sự thay đổi từ cam kết sang phản đối.
Một hành vi không thể chấp nhận là hành vi bị giới hạn trong cách ứng xử quốc tế, vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, hay có tiêu chuẩn nào khắt khe hơn? Hiện tại, dường như Mỹ đang chuẩn bị để chuyển từ cam kết sang ngăn chặn nếu Trung Quốc theo đuổi các chính sách thách thức vai trò bá chủ của Mỹ ở châu Á.
Nếu đúng như vậy, thì chính sách này đang né tránh câu hỏi quan trọng là phải chăng việc duy trì vai trò bá chủ của Mỹ là một cách sống còn để duy trì hòa bình và ổn định, và đạt được các mục tiêu dài hạn thực sự của Mỹ ở châu Á.
Sẽ khó thuyết phục Chính phủ Mỹ từ bỏ các chính sách này để tạo điều kiện cho các chính sách khác rõ ràng hơn, vì chính sách này nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng. Không ứng cử viên nào trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008 có ý định nghiêm túc đối phó với thách thức đặt ra bởi sự nổi lên của Trung Quốc, và dường như ít khả năng vấn đề này sẽ được đưa vào chương trình tranh cử trừ phi và cho đến khi không tránh khỏi một cuộc khủng hoảng trong quan hệ xuyên đại dương. Khi đó có thể đã là quá muộn để tổ chức một cuộc thảo luận nhạy cảm về sự cân bằng giữa các lợi ích, mục tiêu và sức mạnh của Mỹ.
Ảnh minh họa: pic.chinamil.com.cn
Khác với Mỹ, Trung Quốc đối mặt với những thách thức thực sự trong việc điều chỉnh các tham vọng liên quan đến vai trò của họ trong tương lai ở châu Á cho phù hợp với nhu cầu duy trì một trật tự quốc tế ổn định. Có thể chắc chắn rằng Trung Quốc muốn duy trì ổn định tại châu Á, và để được như vậy cần giữ nguyên trạng quyền lực, cố gắng duy trì trật tự mà nhờ đó họ đã phát triển thịnh vượng trong hơn 3 thập kỷ qua. Nhưng Trung Quốc cũng muốn gia tăng tối đa sức mạnh của mình trong trật tự đó, và quan điểm của họ về việc cái cần để duy trì quyền lực tại châu Á rất khác so với Mỹ. Washington coi vị trí bá chủ của Mỹ có vai trò quan trọng ở châu Á, trong khi Trung Quốc lại coi đây là yếu tố phụ và không cần thiết.
Không chỉ người nước ngoài mà dường như chính giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa rõ nước này muốn được hùng mạnh đến mức nào trong trật tự mới của châu Á. Sự kiên nhẫn của giới lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi các mục tiêu của họ - "không bao giờ đòi vai trò lãnh đạo" trong câu nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình - khiến các ý định của họ trở nên khó phán đoán. Không có lý do gì để nghĩ rằng Trung Quốc mong muốn bá chủ công khai thông qua sự hỗ trợ của quân đội, kiểu Stalin áp đặt với châu Âu. Nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng giới lãnh đạo Trung Quốc mong muốn kiểu bá chủ ở Tây Thái Bình Dương mà người Mỹ đang tận hưởng từ lâu, và sẽ đáng ngạc nhiên nếu người dân Trung Quốc, với tinh thần dân tộc được thúc đẩy bởi sức mạnh kinh tế, lại hài lòng với bất cứ vị trí nào thấp hơn thế.
Tuy nhiên, các mong muốn này bị hạn chế bởi thực tế là Trung Quốc hiện không và về lâu dài sẽ không, nếu không muốn nói là không bao giờ, được hưởng kiểu bá chủ về kinh tế ở châu Á mà Mỹ đã thể hiện ở châu Mỹ. Trung Quốc sẽ đủ mạnh để tranh giành vị trí bá chủ của Mỹ ở châu Á trong những thập kỷ tới, nhưng sẽ không đủ mạnh để thay thế Mỹ hoàn toàn. Vả lại, mọi việc không đơn giản chỉ là sức mạnh của Mỹ, mà còn của Nhật Bản.
Tại Bắc Kinh, người ta có thể hy vọng rằng khi quyền lực phai nhạt, Mỹ sẽ rút khỏi châu Á và "nhường ngôi" cho Trung Quốc. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng Nhật Bản không nghĩ vậy, và Tokyo sẽ không chấp nhận vai trò bá chủ của Trung Quốc chừng nào nền kinh tế Nhật Bản còn có thể "sánh vai" với Trung Quốc, ít nhất trong nhiều thập kỷ tới.
Trước sức mạnh của Nhật Bản, lựa chọn tốt nhất của Trung Quốc là giúp xây dựng một trật tự mới theo mô hình kết hợp sức mạnh ở châu Âu, trong đó ảnh hưởng của Trung Quốc có thể phát huy tối đa và cái giá cũng như nguy cơ của cuộc cạnh tranh chiến lược với Nhật Bản được giảm thiểu. Nhưng điều đó đồng nghĩa với hai việc không mong muốn mà Trung Quốc phải làm. Trước tiên là phải từ bỏ hy vọng có được quyền bá chủ kiểu Monroe ở khu vực Tây Thái Bình Dương, và chấp nhận cam kết chiến lược mạnh liên tục của Mỹ. Thứ hai là phải thừa nhận Nhật Bản như một cường quốc chính, hợp pháp ngang tầm với Trung Quốc. Đây sẽ là điều giới lãnh đạo Trung Quốc khó chấp nhận, và càng khó để thuyết phục người dân. Nhưng nếu họ không làm, sẽ càng khó khi chứng kiến Nhật Bản có thể tìm thấy một vị trí bền vững và được xác nhận trong trật tự mới của châu Á như thế nào, và sẽ khó mà chứng kiến trật tự này ổn định và hòa bình như thế nào.
Khi sức mạnh của Trung Quốc gia tăng, Nhật Bản thấy mình ở trong một vị trí không vững chãi: an ninh của họ phụ thuộc vào mức độ yên ả giữa hai đối tác thương mại chính, trong khi sự thịnh vượng của họ lại tùy thuộc vào việc hai đối tác này xây dựng và duy trì một quan hệ hợp tác thân mật, ổn định. Chừng nào Nhật Bản còn phụ thuộc vào Mỹ trong việc bảo vệ mình trước Trung Quốc, họ sẽ còn cảm thấy an ninh của mình bị đe dọa bởi sự cải thiện trong quan hệ Mỹ - Trung; nhưng nếu không có quan hệ tốt giữa Mỹ và Trung Quốc thì an ninh của chính Nhật Bản cũng khó có thể được đảm bảo. Điều này có nghĩa là Nhật Bản phải thôi phụ thuộc vào Mỹ về an ninh, để có thể thanh thản chứng kiến sự phát triển theo hướng thân mật hơn của quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Chừng nào Nhật Bản còn là khách hàng chiến lược của Mỹ, họ sẽ không thể xây dựng một trật tự kiểu kết hợp sức mạnh ở châu Á. Nhật Bản phải sẵn sàng thoát khỏi sự dàn xếp thời hậu chiến tranh thế giới II và tự tạo cho mình một vai trò có trách nhiệm, mang tính xây dựng và được xác nhận như một cường quốc chính ở châu Á.
Các nước khác sẽ làm theo Nhật. Mỹ, nếu chấp nhận sự nổi lên của Nhật Bản là một người chơi chiến lược độc lập, sẽ từ bỏ vị trí bá chủ mà họ nắm giữ ở châu Á, bởi liên minh Mỹ - Nhật chính là nền tảng của sự bá chủ này. Còn Trung Quốc, bằng cách chấp nhận sự hợp pháp của Nhật là một cường quốc chính ở châu Á, sẽ từ bỏ các tham vọng bá chủ của mình. Nhưng đối với Nhật Bản, tất nhiên đây sẽ là một bước đi cực kỳ khó khăn. Sau hai thập kỷ trì trệ kinh tế và thụ động về chính trị, Nhật Bản khó tìm thấy người lãnh đạo có thể đưa nước Nhật theo hướng đi mới này. Đáng lo ngại hơn là trong số những người ở Nhật ủng hộ mạnh mẽ nhất cho sự tái sinh của đất nước này thành một cường quốc chính trong khu vực, có thể có cả những người sẽ không sử dụng quyền lực này một cách có trách nhiệm.
Cuộc chiến tranh ở châu Á vẫn có thể xảy ra bởi trật tự quốc tế từng giúp duy trì nền hòa bình trong hơn 30 năm qua hiện đang bị chịu sức ép. Các nền tảng kinh tế mà châu Á hiện đại xây dựng trên đó đang thay đổi, và các rào cản đối với việc tạo lập một trật tự mới có thể duy trì hòa bình trong tương lai thì rất lớn. Tuy nhiên, trước những khó khăn khiến ai cũng nản lòng nói trên, liệu một trật tự mới có được tạo ra, hòa bình liệu có kéo dài thêm 30 năm nữa và hơn thế hay không? Có ba điều cần làm.
Thứ nhất là các điểm nóng cần phải được xử lý thận trọng. Nếu Mỹ và Trung Quốc rơi vào cuộc xung đột về Đài Loan - hoặc một vấn đề nào khác trong khu vực - sẽ là quá muộn để cố gắng xây dựng một kiểu trật tự khu vực mới có thể duy trì ổn định cho châu Á.
Thứ hai, phải tạo ra thói quen hợp tác ở châu Á, điều kiện cần để duy trì một trật tự kiểu kết hợp quyền lực. Các cuộc đàm phán sáu bên nhằm giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên là một mô hình tốt, nhưng cần làm nhiều hơn. Ví dụ, Mỹ và Trung Quốc nên thương lượng một thỏa thuận song phương nhằm kiểm soát vũ khí hạt nhân để ngăn chặn sự phát triển của yếu tố hạt nhân trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa họ.
Thứ ba, dư luận và nhóm những người ra quyết định tại tất cả ba cường quốc chính ở Đông Á phải được giáo dục về các lực lượng tạo thành trật tự quốc tế châu Á, nguy cơ có một trật tự không hợp lý, và các cam kết cần thiết để giữ cho trật tự ấy đúng đắn. Nhiệm vụ của châu Á là thừa nhận và hành động khôn ngoan để trong các vấn đề quốc tế, không gì quan trọng hơn phòng tránh các cuộc xâm lược và gìn giữ hòa bình giữa các cường quốc chính./.
  • Châu Giang dịch từ Eastasiaforum

Không có nhận xét nào: