Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Không lùi bước ở Hoàng Sa

Vũ Trung



clip_image002
Bạn đọc báo VietNamNet giúp đỡ “sói biển” Mai Phụng Lưu dàn máy ICM và tiền mặt để giúp ông thực hiện mơ ước trở lại Hoàng Sa.
Sau bao sóng gió, sau bao nhọc nhằn mưu sinh, bao kinh hoàng khi bị những kẻ bất lương bắt giữ thu tàu, đánh đập tàn bạo tại đảo Hoàng Sa, giờ đây, hùng binh Mai Phụng Lưu mới thở phào nhẹ nhõm khi được cộng đồng và những doanh nghiệp giúp đỡ đóng tàu mới trở lại Hoàng Sa…
Con tàu mơ ước

Chúng tôi trở lại Lý Sơn tìm gặp Hùng binh Mai Phụng Lưu. Hay nói đúng hơn là tìm gặp cho bằng được người mà những ngư dân nơi vùng đất đảo này gọi là “sói biển”. Nhưng giữa những ngày này, “sói biển” Mai Phụng Lưu vào ra đất liền để hoàn tất thủ tục vay tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Đông Á, để đóng tàu mới ra lại Hoàng Sa.
“Mấy ngày ni vợ chồng tui mất ăn, mất ngủ không phải vì lo, mà vì mừng rơi nước mắt khi những tấm lòng sẻ chia của đồng bào cả nước và các doanh nghiệp giúp để đóng lại tàu mới ra lại Hoàng Sa…” - hùng binh Mai Phụng Lưu tâm sự trong nước mắt hạnh phúc.
Số tiền 300 triệu đồng từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Đông Á sẽ là điểm tựa để hùng binh Mai Phụng Lưu thực hiện ước mơ và khát vọng trở lại Hoàng Sa sau 4 lần bị Trung Quốc bắt giữ thu tàu.
Lần thứ 4 vào cuối năm ngoái, chiếc tàu - kế sinh nhai của hàng trăm con người trên bờ và phương tiện ra Hoàng Sa cuối cùng của ông Lưu đã bị bắt giữ tại Hoàng Sa.

clip_image003
Niềm vui đoàn tụ ngày trở về của “sói biển” Mai Phụng Lưu


Trở về trong tay trắng. Nhưng không chịu đầu hàng, hùng binh mai Phụng Lưu cùng hai con trai mỗi người chia mỗi ngả xuống tàu bạn làm thuê trở lại Hoàng Sa mang theo nỗi khát vọng một ngày sẽ tích góp chút tiền và đóng lại tàu mới để đạp sóng ra khơi, nguyện làm cột mốc sống khẳng định chủ quyền nơi biển đảo.
Những gì 'sói biển' nói, giống như lời ông từng tâm sự trong những đêm trắng cùng tôi, rằng Hoàng Sa đối với ông và những bạn nơi đất đảo này là máu thịt, là một phần không thể thiếu của một cơ thể.
Năm 16 tuổi, ông cùng bạn chài đã lên tàu ra Hoàng Sa trên những con tàu nhỏ bé, thiếu trang thiết bị. Ngày đó, nỗi lo với ông chỉ là bão tố. Nhưng, những đôi khi, những cơn bão kinh hoàng như Chan Chu vẫn không làm ông sợ bằng việc bị Trung Quốc bắt giữ, thu tàu.
Bởi, con tàu với những ngư dân như ông là sự sống còn của miếng cơm manh áo cho vợ con trên bờ và hơn thế nữa là chủ quyền của tổ quốc mà ông cũng như hàng vạn ngư dân khắc cốt ghi xương.

clip_image004
Cờ Tổ quốc vẫn tung bay giữa biển Hoàng Sa


Nhớ lại lần ông cùng những bạn chài khác bị Trung Quốc bắt giữ trở về nơi cảng Dung Quất, nhìn gương mặt hốc hác sau những tháng ngày bị cầm giữ, hỏi ông có trở lại Hoàng Sa hay không? Một chút suy nghĩ, ông bảo: “Có chết tui cũng chết ở Hoàng Sa…”. Một câu trả lời mộc mạc nhưng kiên định sau bao biến cố nơi đảo Hoàng Sa mà ông gánh chịu...
Và bây giờ, ước mơ của ông sau hơn 1 năm đã thành hiện thực. Ông đã có đủ số tiền cần thiết để đóng lại con tàu mơ ước từ tấm lòng của những doanh nhân và đồng bào cả nước chung tay góp sức.
Không lùi bước
Khao khát của hàng triệu ngư dân vùng ven biển luôn mơ ước đóng được những con tàu to, được đánh bắt trên vùng biển đảo của Tổ quốc. Một ước mơ, một khao khát cháy bỏng đã và đang được tiếp sức bởi triệu triệu trái tim đất Việt đang hòa nhịp đập cùng Hoàng Sa - Trường Sa.

clip_image005
Khát vọng về những con tàu to vươn ra biển của con em ngư dân đất đảo Lý Sơn


Con số 20 tỷ đồng từ chương trình đồng hành cùng ngư dân đã được Ngân hàng Đông Á ưu tiên giành cho ngư dân vay ưu đãi đóng tàu mới và mua sắm trang thiết bị để ra khơi đã được khởi động. Hùng binh Mai Phụng Lưu là người đầu tiên nhận nguồn vốn 300 triệu đồng để biến ước mơ thành hiện thực: Một con tàu mới để trở lại Hoàng Sa.
Một Quỹ hỗ trợ ngư dân cũng đang được tỉnh Quảng Ngãi thành lập. Và nhiều lắm những tấm lòng của đồng bào cả nước đang hướng về Hoàng Sa - Trường Sa, hướng về những ngư dân nghèo khó, về những cột mốc sống chủ quyền của Tổ quốc trên biển đông.
Chỉ tính riêng từ câu chuyện tường trình từ Hoàng Sa của VietNamNet đầu năm ngoái đã kết nối độc giả với những ngư dân Hoàng Sa. Đã có 4 dàn máy ICOM, cùng hàng trăm triệu đồng của đồng bào cả nước gửi về khởi đầu cho chương trình đồng hành cùng ngư dân Hoàng Sa.

clip_image006
Khát vọng con tàu lớn để không còn lo sợ bão tố của “sói biển” Mai Phụng Lưu đã sắp thành hiện thực


Tôi vẫn còn nhớ như in hôm thuyền trưởng Mai Phụng Lưu nhận nguồn vốn ưu đãi để chuẩn bị đóng con tàu mới. Nhìn gương mặt ông vừa mừng, vừa lo. Rồi nước mắt lăn dài nơi gương mặt sạm đen vì nắng gió.
Ông bảo: "Với con tàu nghĩa tình này từ nguồn vốn ưu đãi, tui sẽ đạp sóng trở lại Hoàng Sa, sẵn sàng đương đầu với những tai ương. Dù có chết tui cũng chết ở Hoàng Sa, quyết không lùi bước…”.
Đã từng trắng đêm với những hùng binh Hoàng Sa giữa biển khơi xa, tôi thấu hiểu những khát vọng, những ước mơ cháy bỏng của họ...
V.T.

Không có nhận xét nào: