Nhiều ý kiến tâm huyết đã được nêu tại buổi góp ý kiến văn kiện do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức sáng nay (6/10).
Dẫu có người tâm tư "góp ý xong rồi, liệu những người có trách nhiệm lắng nghe được bao nhiêu", nhưng hầu hết các nhân sĩ tham gia đều phân tích đến từng câu chữ cho đến những quan điểm chung.
Khước từ những hướng mở để phát triển
Từng tham gia góp ý kiến cho văn kiện nhiều kỳ Đại hội, nên nhiều người trong số họ dễ dàng nhận ra một số thiếu sót như "văn kiện còn chung chung, thậm chí lạc hậu". Nhiều tư tưởng, quan điểm mới manh nha nêu trong các văn kiện cũ lại bị văn kiện mới "bỏ qua", thậm chí, né tránh những hiện trạng nhức nhối.
Chia sẻ về việc đã dành cả đêm đọc lại văn kiện các kỳ ĐH trước, ông Lê Văn Cương lắc đầu: "toàn bộ văn kiện lần này không có hơi thở thời đại nên không gắn với thời đại". Đây là thế kỷ của kinh tế tri thức, sử dụng nhân tài, của khoa học giáo dục... nhưng văn kiện hoàn toàn không làm nổi bật được ý nghĩa này.
Cầm trên tay văn kiện, Thiếu tướng Lê Văn Cương chỉ ra nhiều điểm chẳng những "tụt hậu" so với thời đại mà còn bị thiếu hụt so với các văn kiện trước đó.
Chẳng hạn, riêng vấn đề người dân giám sát Đảng, nhà nước vốn đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội X, kêu gọi xây dựng cơ chế, nhưng đến bây giờ không hề được không đánh giá lại cũng như không được làm rõ và phát triển thêm.
Năm 2001, văn kiện đề ra ba đột phá, đến Đại hội X, ba đột phá trên tiếp tục được nhắc lại, nhưng "bây giờ, sau 10 năm ta lại tiếp tục lặp lại ba đột phá mà không hề có thêm chút tiến bộ nào", ông Cương phân tích.
Về chuyện chống tham nhũng (mà các ông như Hoàng Tụy đã nêu rất tha thiết), Thiếu tướng Cương phân tích, ĐH Đảng VI đã đề ra mục tiêu chống tham nhũng, nhìn thẳng sự thật, với quyết tâm cao nhất. Nhưng rồi vấn đề cứ mờ dần qua các kỳ ĐH.
Theo ông Cương, một mặt, văn kiện không dựa trên đánh giá các chiến lược cũ, mặt khác "đang né tránh thực tiễn, không nhìn thẳng vào sự thật".
Chủ tịch Hội KHKT An toàn và vệ sinh lao động Nguyễn An Lương bổ sung, nhà nước vẫn nói phải phát huy quyền tham gia của các tầng lớp nhân dân, song phần nhận định về vai trò giám sát, phản biện xã hội thậm chí không được mạnh mẽ như văn kiện Đại hội X.
"Phải chăng sau Đại hội X, Mặt trận Tổ quốc được giao xây dựng quy chế phản biện nhưng rồi vẫn không ban hành được, nên lần này mới rút đi? Như vậy, so với văn kiện các ĐH trước thậm chí còn lạc hậu hơn", ông Lương thẳng thắn.
Theo GS Nguyễn Quang Thái, cần tránh lối mòn là các ý kiến đánh giá tình hình từ Đại hội trước đến Đại hội sau thường rất chủ quan, chỉ để tô đẹp câu chữ. Nên mới có chuyện văn kiện ĐH Đảng lần thứ bảy khẳng định, tiến lên XHCN là xu hướng toàn cầu, thì ngay sau đó, Liên Xô sụp đổ. Nhiều ĐH sau đó cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Rất nhiều ý kiến cũng tỏ ra phiền lòng bởi các văn kiện được tiếng là "chuẩn bị công phu" song chưa phản ánh đúng nguyện vọng nhân dân, tiếng nói thời đại.
Nói như GS Hoàng Tụy, "Cương lĩnh không thể hiện tinh thần đổi mới, vẫn toát lên như tinh thần cũ, không có gì thay đổi, khước từ những hướng mở để phát triển đất nước".
Nhiều mục tiêu kinh tế chưa phù hợp
Thảo luận sâu về kinh tế, nhiều ý kiến đã tập trung bàn về chuyện công hữu hoá tư liệu sản xuất.
Dự thảo Cương lĩnh ghi rõ, một trong những đặc trưng của CNXH là “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng phải xác định rõ vấn đề tư liệu sản xuất chính thuộc sở hữu toàn dân và tính chủ đạo của kinh tế nhà nước. Theo ông, công hữu hóa tư liệu sản xuất là một trong những nguồn tham nhũng lớn nhất hiện nay.
Ông Nguyễn Quang Thái góp ý, nên bỏ quan điểm "công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu". Thực tế, kinh tế tư nhân là một trong những động lực phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Đảng dường như đang có những quan điểm không nhất quán về kinh tế tư nhân khiến lòng dân bất an.
Từ góc độ chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Mại trích dẫn các số liệu thống kê để chứng minh nhiều mục tiêu kinh tế đặt ra cho giai đoạn 2020 chưa hợp lý.
Chẳng hạn, mục tiêu đến năm 2020, GDP sẽ cao gấp ba lần hiện nay (tăng lên khoảng 300 - 320 tỷ USD). Trong khi đó, theo tính toán của Ủy ban đầu tư, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì đến 2020, tổng sản phẩm quốc nội chỉ ở vào khoảng 230 - 240 tỷ USD.
Cầm trên tay bảng thống kê nhiều số liệu khác, ông Mại cho hay, 5 năm vừa qua cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Vì vậy, những dự báo cho bức tranh kinh tế sắp tới không dựa trên những số liệu chuẩn xác.
Các nhà khoa học, theo chuyên môn của mình cũng góp nhiều ý kiến theo lĩnh vực hẹp. GS Hoàng Tụy nói, Đại hội cần kiểm điểm về nghị quyết giáo dục, đây là vấn đề lớn nhất, vấn đề sống còn của đất nước: Ai không thực hiện, ai cản trở nghị quyết này? Cần phải kiểm điểm cho rõ. GS Trần Đình Long đề nghị phát huy dân chủ trực tiếp, thay đổi từ Hiến pháp, thí điểm Tổng Bí thư thì kiêm Chủ tịch nước. Ông Nguyễn Hữu Ninh đề nghị Cương lĩnh phải đưa vào khái niệm giai cấp trí thức. Nhưng có một điểm chung là các nhà khoa học mong trong nhiệm kỳ tới, phải xem chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm số 1 |
Mời bạn đọc gửi góp ý cho các dự thảo văn kiện của Đảng về địa chỉ banchinhtri@vietnamnet.vn |
Ông Trần Đình Long tâm tư: "Con cháu cứ nói với tôi, Đại hội sắp tới liệu có gì mới không?". Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét