Những năm qua, phong trào vì người nghèo ở huyện Đại Lộc đã thực sự đi vào chiều sâu, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, các tổ chức đoàn thể xem là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên...
Huyện Đại Lộc có hơn 38.500 hộ, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn; hàng nghìn hộ nghèo phải ở nhà tạm bợ, dột nát.
Trước thực trạng đó, 10 năm qua, Đại Lộc đã huy động cả hệ thống chính trị đồng bộ thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm số hộ ở nhà dột nát, tạm bợ. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... giữ vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng chủ lực triển khai thực hiện phong trào. Với chức năng nhiệm vụ của mình, ngoài công tác vận động tuyên truyền đến từng địa bàn dân cư, mặt trận và các đoàn thể còn tranh thủ các nguồn vốn, phối hợp các cơ quan, ban ngành liên quan chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nhân dân sản xuất, học nghề, mở dịch vụ,... từ đó nâng dần mức sống cho hộ nghèo.
Anh Lương Hạnh góp Quỹ “Vì người nghèo” ở Đại Lộc. |
Ông Nguyễn Công Thanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đại Lộc cho biết: Bằng hình thức vận động tuyên truyền sâu rộng phong trào xóa nhà tạm, xây nhà đại đoàn kết đã lan rộng trong tầng lớp nhân dân ở các địa phương. Ví như xã Đại Cường, dù còn nhiều khó khăn nhưng từ năm 2004 đến nay đã làm được 116 nhà đại đoàn kết. Riêng năm 2010, xã đã hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 26 hộ nghèo. Phong trào trở nên thực tế hơn, khi ngoài các nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương, tỉnh và huyện, các địa phương còn vận động nhân dân trong thôn xóm góp công, góp của, tranh thủ kêu gọi sự quyên góp của con em làm ăn xa quê, sự ủng hộ của các tộc họ...
Ngoài phát động phong trào “Ngày vì người nghèo”, xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, huyện Đại Lộc cũng đã xác định phong trào xóa đói giảm nghèo là một trong những giải pháp đồng hành có tính chiều sâu, bền vững. Những năm qua, các tổ chức thành viên của mặt trận ở Đại Lộc còn tranh thủ các nguồn vốn, phối hợp với các ngành tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên sản xuất tăng thu nhập. Nổi bật như Hội Nông dân đã đứng ra tín chấp, thế chấp cho 213 nghìn lượt hội viên vay hơn 35 tỷ đồng sản xuất, làm dịch vụ. Đặc biệt, thông qua phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, nhiều hội viên nông dân trong huyện từ hộ nghèo đã vươn lên làm ăn khá giả.
Bà Trần Thị Kim Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đại Lộc cho biết: Hội Phụ nữ huyện cũng có nhiều hoạt động nhằm giúp chị em phụ nữ nghèo vươn lên. Mỗi năm, hội tiến hành khảo sát, phân tích nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hội viên hộ nghèo, từ đó có kế hoạch hỗ trợ bằng các hình thức như tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp đỡ xây dựng các mô hình kinh tế, tín chấp, góp vốn quay vòng, dạy nghề, xây dựng các câu lạc bộ phụ nữ phát triển kinh tế... Đến nay, tổng dư nợ của hội viên phụ nữ nghèo vay vốn làm kinh tế lên đến 59 tỷ đồng. Từ số vốn được hỗ trợ, nhiều chị em thoát nghèo và từng bước vươn lên làm ăn khá, từ đó quay lại giúp đỡ chị em khác còn khó khăn, đồng thời tích cực ủng hộ phong trào xóa nhà tạm trên địa bàn huyện.
Từ năm 2000 đến nay, Đại Lộc đã huy động xây mới 1.061 nhà đại đoàn kết với tổng số tiền hơn 15 tỷ đồng, hỗ trợ sửa chữa hàng trăm nhà khác. Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ vốn sản xuất gần 55 triệu đồng từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” cho 200 hộ nghèo, giúp đỡ người nghèo chữa bệnh với tổng số tiền hơn 45 triệu đồng, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó hơn 34,5 triệu đồng, trợ cấp đột xuất 77 triệu đồng... |
Ông Nguyễn Công Thanh cho biết thêm, phong trào xóa nhà tạm kết hợp với chủ trương xóa đói giảm nghèo là cách làm “2 trong 1”, vừa có tính bền vững vừa giải quyết được cái gốc của chủ trương. Song, để làm tốt việc này không hề dễ dàng, các địa phương phải triển khai trong sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Mỗi tổ chức thành viên và cá nhân khi tham gia chương trình cũng cần nhiệt tình với phong trào để dân tin, dân yêu và dân cùng làm.
Kinh nghiệm được rút ra từ phong trào xóa nhà tạm, giảm nghèo ở Đại Lộc là phải có đội ngũ cán bộ biết chăm lo cho nhân dân, vì dân. Ngoài việc phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị còn phải biết linh hoạt lồng ghép các phong trào, chương trình một cách hợp lý. Bên cạnh đó, công tác vận động phải có trọng tâm trọng điểm, đồng thời thường xuyên kiểm tra đôn đốc, công khai kết quả thực hiện... Với những cách làm đó, có thể nói, Đại Lộc đã thành công trên con đường giảm nghèo, nâng cao mức sống cho nhân dân.
HOÀNG TÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét