Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

Nhân vật của năm: chọn "kết nối" thay vì "phơi bày"


Chọn người đã kết nối hơn 500 triệu người với nhau, hay người phơi bày những bí mật chấn động và khiến các chính phủ phải một phen hoảng loạn? Cuối cùng Time đã lựa chọn "kết nối".
Mark Zuckerberg thay vì Julian Assange


Facebook đạt tới hơn nửa tỷ người sử dụng, còn bộ phim dựng về cuộc đời chủ nhân của trang mạng xã hội này thì làm mưa làm gió và đang đứng ở "ngưỡng cửa" của giải Oscar... Năm 2010 có lẽ thực sự là năm ghi dấu ấn của vị CEO trẻ trung nổi tiếng - Mark Zuckerberg.
Tuy nhiên, việc Zuckerberg "soán ngôi" Julian Assange - cha đẻ Wikileaks - vào phút chót vẫn là một bất ngờ lớn. Một tuần trước đây, vị trí này dường như đã được dành cho Assange, người sáng lập WikiLeaks và đang gây chấn động cả thế giới bằng việc tiết lộ những bí mật quân sự, ngoại giao trọng yếu của Mỹ và nhiều nước khác.
Phải chăng việc Julian Assange là nhân vật còn gây quá nhiều tranh cãi, chưa kể những cáo buộc liên quan đến lạm dụng tình dục và cưỡng hiếp 2 phụ nữ, đã khiến ông "trượt" ở vòng chung kết.
Tạp chí PC World của Mỹ lý giải bất ngờ này từ góc độ: tình thế khiến Time phải cân nhắc: Chọn người đã kết nối hơn 500 triệu người với nhau, hay người phơi bày những bí mật chấn động và khiến các chính phủ phải một phen hoảng loạn. Và Time đã chọn giải pháp "thân thiện và an toàn".
Còn theo Time: "Facebook đã hòa nhập vào cơ cấu xã hội Mỹ, và không chỉ có người Mỹ, mà cả nhân loại: gần một nửa số người Mỹ có tài khoản Facebook, nhưng 70% người sử dụng Facebook sống bên ngoài nước Mỹ. Đó là một thực tế vững chắc trong đời sống xã hội trên toàn cầu. Chúng ta đã bước vào thời đại của Facebook, và Mark Zuckerberg là người đưa chúng ta đến đó".
Cây bút kỳ cựu Lev Grossman của Time thì viết: "Trong chưa đầy 7 năm, Zuckerberg đã liên kết 1/12 nhân loại vào một mạng đơn nhất, và bằng cách đó, tạo ra một thực thể xã hội gần như lớn gấp đôi nước Mỹ. Nếu Facebook là một đất nước, nó sẽ lớn thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Facebook ra đời như một trò vui, nhưng nó đã biến thành một cái gì đó thực tế, làm thay đổi cách con người quan hệ với nhau trên một quy mô rộng khắp".
Lướt Facebook giờ đây dường như đã trở thành một trong những sinh hoạt hàng ngày không thể thiếu, cũng như các hoạt động thở, ăn, uống, ngủ của hàng trăm triệu người trên trái đất. Facebook không chỉ mang đến cách mới để làm những điều cũ mà mang đến cách mới cho mọi việc.
Khi tâm lý công chúng thay đổi cũng kéo theo những thay đổi trong trải nghiệm của chúng ta về thế giới, đặc biệt là chuyển biến về chính trị.
Đối với nhiều người, chính trị thay đổi cũng đồng nghĩa với thay đổi trong các diễn tiến toàn cầu. Trong khi đó, với những người khác, sự thay đổi này tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của họ.
WikiLeaks có thể thay đổi mọi thứ một cách liên tục, trang mạng này đưa ra cam kết sự minh bạch, cởi mở. Theo đó, WikiLeaks có thể thay đổi liên kết giữa các chính phủ, hay giữa chính phủ với công dân của họ.
Nếu đến cuối cùng, việc tiết lộ của WikiLeaks đồng nghĩa với công chúng được biết nhiều hơn, và bớt bị lừa dối hơn, thì Assange rõ ràng là người đã có công cải thiện thậm chí cứu sống nhiều người.
Trong khi đó, Facebook đã mang đến sự thay đổi về ý nghĩa và trải nghiệm mới trên nhiều phương diện đời sống.
Về điều này, Tổng biên tập Time nhận xét: "Ở khía cạnh nào đó, Zuckerberg và Assange có thể coi là hai mặt của một đồng xu. Trong khi Assange tìm cách tấn công các định chế lớn, các quan chức chính phủ thông qua sự minh bạch miễn cưỡng, thì Zuckerberg lại giúp người ta tự nguyện chia sẻ thông tin với những lập trường riêng".
Bản thân Facebook cũng sẽ phải trải qua những biến cố thăng trầm, nhưng những gì mà nó đem lại vẫn luôn là những phát hiện mới lạ về xã hội hậu công nghiệp.
Song cũng phải khẳng định một điều, có thể sẽ có những thay đổi khác xuất hiện, nhưng ảnh hưởng rộng rãi của Facebook vẫn không thể mất đi.
Với những so sánh đó, chúng ta có thể thấy Zuckerberg và Assange dường như là "kẻ tám lạng người nửa cân". Cả hai đều đã mang lại những bước ngoặt lớn lao ở tầm thế giới, tuy rằng theo cách thức khác nhau.
Nếu những gì WikiLeaks tạo ra là sự chấn động, tác động mạnh và ngay lập tức, thì Facebook lại là cái gì đó lan tỏa phi thường và mang một "quyền lực mềm" vững bền. Cuối cùng Time danh tiếng đã có sự lựa chọn của mình: Zuckerberg thay vì Assange. Nhưng đối với độc giả, câu hỏi vì sao lại vậy, và ai "xứng" hơn có lẽ sẽ lại là một cuộc tranh luận mới.
Mark Zuckerberg thay vì Julian Assange
Tạo ra những bước ngoặt trong thế giới của bước ngoặt
Là một CEO trong thế giới công nghệ và có mặt trong danh sách những tỷ phú giàu nhất, có thể nói Zuckerberg ở giữa đông đảo "quần hùng", những con người tạo nên bước ngoặt và là những cá tính không thể trộn lẫn. Trong "lãnh địa" của những con người này, không có sự dừng lại: thay đổi, chấp nhận mạo hiểm là phương tiện tồn tại.
Nhưng với những gì đã tạo ra, Zuckerberg vẫn là một gương mặt rất khác biệt: "Ở tuổi 26, Zuckerberg bằng tuổi Nữ hoàng Anh Elizabeth khi bà là gương mặt của năm 1952. Nhưng Zuckerberg không thừa hưởng một đế chế, cậu ấy tạo ra nó", tạp chí Time khẳng định. Có một điều thú vị là, trong năm nay, nữ hoàng Elizabeth cũng tạo một trang Facebook, tham gia "đế chế" của Zuckerberg.
Cùng nuôi khát vọng mạnh mẽ làm ra những điều khác thường, cũng bỏ học giữa chừng và vấp phải không ít khó khăn như một số tỷ phú danh tiếng, nhưng có vẻ như chặng đường thành công nhanh chóng của Zuckerberg từ một chàng sinh viên 19 tuổi là sự rút ngắn rất lớn so với những bậc "tiền bối" giỏi giang của anh.
Mark Zuckerberg là trường hợp hiếm hoi trong giới tỷ phú khi làm giàu nhờ công việc toàn thời gian đầu tiên của mình. Facebook là mạng xã hội do anh lập ra khi đang là sinh viên năm thứ hai của trường Đại học Harvard, và nó đã thành công rực rỡ cho đến tận bây giờ.
Tốc độ thành công của Zuckerberg hẳn cũng làm không ít bậc tiền bối phải nể. Thật vậy, ở Mỹ chưa có ai "phất" nhanh bằng Mark Zuckerberg. Anh chỉ mất có 6 năm để trở thành tỉ phú thứ 35 trên thế giới. Trong khi đó, Warren Buffett, nhà đầu tư huyền thoại của nước Mỹ, người từng đứng đầu danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2008 với khối tài sản lên đến 62 tỉ USD, mất đến 30 năm mới có 1 tỉ USD đầu tiên.
Từ 2 tỷ USD của năm 2009, đến tháng 9/2010, Zuckerberg đã có trong tay 6,9 tỷ USD. Hiện nay, Zuckerberg còn giàu hơn cả CEO của Apple, Steve Jobs.
Giờ đây cái tên Facbook và chủ nhân của nó đã trở thành đối thủ đáng gờm đối với ngay cả những "nhà khổng lồ" như Google, eBay... Không ngừng thể hiện tham vọng chinh phục cả những địa hạt mà đã có rất nhiều kẻ "bỏ mạng" vì đã mạo hiểm cạnh tranh, Facebook đã cho thấy "đứa trẻ" chưa đầy 7 tuổi này làm được những gì.
Mới đây, Mark Zuckerberg đã có những phát ngôn có tính thách thức các dịch vụ của Google, khi công bố dịch vụ thư điện tử của riêng mình.

Mark Zuckerberg cho rằng cách thức con người trao đổi thư điện tử ngày này là quá chậm chạp và cứng nhắc. Vì thế, với sự ra đời của dịch vụ Fmail mới, theo nhà sáng lập Facebook, hơn 500 triệu thành viên của mạng xã hội này sẽ có thể sử dụng dịch vụ thư điện tử mới.

"Chúng tôi không nghĩ rằng hệ thống thư tín tương lai sẽ giống như thư điện tử hiện nay và mong muốn mọi người đều có khả năng giao tiếp bằng phương tiện họ thích: thư điện tử, văn bản hoặc tin nhắn Facebook", Zuckerberg phát biểu với báo chí tại San Francisco. Thư điện tử và những lời phát biểu dự đoán thay đổi có tính "cách mạng" của thư điện tử khiến dư luận đặt biệt hiệu cho dịch vụ email mới của Facebook là "Gmail Killer" (Sát thủ của Gmail).

Không những vậy, theo tờ Businessweek, trong thế giới internet, Facebook hiện là hãng dịch vụ lớn thứ 3 tại Mỹ về giá trị, với khoảng 41 tỷ USD. Mỗi cổ phiếu của Facebook trên thị trường thứ cấp hiện có giá khoảng 16 USD.

Kết quả được tính trên giá trị cổ phiếu hiện tại của doanh nghiệp cho thấy, Facebook đã chính thức vượt qua đối thủ nặng ký là trang đấu giá trực tuyến Ebay (39,3 tỷ USD) được niêm yết trên sàn Nasdaq.

Như vậy, trong số các công ty web của Mỹ, hiện Facebook chỉ đứng sau Amazon với 74,4 tỷ USD và Google là 192,9 tỷ USD.

Không dừng chân ở thế giới mạng, Mark Zuckerberg còn đặt tham vọng sẽ thống lĩnh trên điện thoại di động giống như đã làm được với mạng xã hội. Mới đây, Facebook đã giới thiệu những kế hoạch vươn cánh tay sang lãnh địa di động.
Facebook cho biết, các doanh nghiệp có thể giới thiệu sản phẩm của mình thông qua điện thoại di động, trực tiếp đến người tiêu dùng. Hãng cũng tiết lộ kế hoạch đăng nhập một lần cho phép người dùng truy cập vào các ứng dụng khác trên điện thoại và sử dụng mật khẩu song song với Facebook.
Như nhiều người thường nói, tương lai còn ở phía trước, và với một chàng tỷ phú mới 26 tuổi, thì tương lai đó quả thật là rất dài và rộng mở, còn rất nhiều đỉnh cao chờ Zuckerberg chinh phục.
Làm từ thiện là không chờ đợi
"Người ta hay đợi về già mới cho từ thiện. Tại sao phải đợi lâu như vậy. Có rất nhiều thứ có thể làm ngay từ bây giờ"- Mark Zuckerber tuyên bố như vậy khi quyết định gia nhập câu lạc bộ tỷ phú làm từ thiện.
Tỷ phú trẻ tuổi của Facebook cho biết anh sẽ cho từ thiện phần lớn tài sản cá nhân của mình. Mark Zuckerberg cho biết: "Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người trẻ thành đạt trong kinh doanh, hiện đang có cơ hội lớn để chúng ta cho từ thiện khi còn trẻ, để theo dõi các cố gắng từ thiện này tiến triển ra sao".
Ở tuổi 26, Mark Zuckerberg đã được cả thế giới biết đến không chỉ với tư cách một trong những tỷ phú trẻ nhất, mà anh còn nổi tiếng bởi tấm lòng nhân ái. Đầu năm nay, Zuckerberg đã tặng số tiền 100 triệu USD, chia làm nhiều năm, cho hệ thống trường công Newark, New Jersey.
Nhiều người đánh giá, hành động đó là một biểu tượng đầy tính thuyết phục, khi một thanh niên 26 tuổi quyết định dành tặng tới 100 triệu đôla cho một trường học trong hạt mà anh ta ko có chút gắn bó, để chiến đấu, để đấu tranh vì nền giáo dục.
Còn bây giờ, chàng trai trẻ đang đứng ngang hàng với các cự phú lão làng của ngành truyền thông như Carl Icahn, 74 tuổi và Barry Diller, 68 tuổi, và những nhân vật có "máu mặt" khác trong "Giving Pledge" - tổ chức được sáng lập bởi hai nhà sáng lập nên Microsoft là Bill Gates và Warren Buffett, cũng được xem như nỗ lực muốn bắt những người giàu nhất nước Mỹ phải làm và đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng xung quanh họ.
Hội viên của "Giving Pledge" cần cam kết (tuy không hẳn là bắt buộc) đóng góp ít nhất một nửa gia sản của họ cho hoạt động từ thiện trong hoặc sau khi họ qua đời. Bằng việc giảm độ tuổi làm từ thiện xuống thấp, Zuckerberg cũng chính thức đặt ra một tiền lệ mới mang tính thử thách cho những triệu và tỷ phú trẻ phất lên nhờ công nghệ: khiến tầng lớp này phải nghĩ đến việc không chỉ làm thế nào để ngày một giàu thêm, mà còn là họ sẽ làm thế nào để dùng tài sản đó sao cho có ích với cộng đồng xung quanh.
Nói về hiện tượng này, Jason Franklin, một giáo sư tại đại học New York, kiêm chủ tịch của quỹ từ thiện phi lợi nhuận Border Giving, cho biết: "Những người ở độ tuổi trẻ làm từ thiện có xu hướng biết nhìn xa trông rộng. Nói một cách đơn giản, một người làm từ thiện khi về già vì ông ấy muốn con cháu mình có một thế giới mới tươi đẹp hơn, còn những người trẻ cho đi tài sản của họ để chính họ sẽ được hưởng một thế giới mới tươi đẹp hơn."

Không có nhận xét nào: