Kính gửi Giáo sư Gegina,
“Thách thức” và “cơ hội” là hai danh từ chỉ hai vị thế nhưng bao hàm khá nhiều biến thế. Một cách ngắn gọn, trong tinh thần tích cực, thách thức hàm chứa cơ hội tốt hơn như một cuộc thi tuyển cần nhiều cố gắng vì thành quả là những tưởng thưởng, những thu hoạch. Ngược lại, dưới viễn tượng tiêu cực, thách thức lại mang ý nghĩa chống đối và cơ hội là những tai ương tàn phá hủy diệt
Bà là một giáo sư kinh tế, tất nhiên cách suy nghĩ và hành động có lẽ đang xoay quanh mấy chữ cạnh tranh, hợp tác thương mại, và có lẽ cũng đã quên rằng Việt Nam đã từng bị Trung Quốc đô hộ, cũng đã từng “thách thức” những đạo quân đến từ phương Bắc và cũng đã từng “hợp tác” qua những tên Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc, và có lẽ bà cũng không biết rằng cha ông chúng tôi tuy nhiều lần đánh bại phương Bắc nhưng cũng đã cố gắng triều cống để được “cơ hội” cho dân tộc được yên thân.
Vì sao chúng tôi khi đọc hai từ thách thức và cơ hội lại không có cái cảm giác yên tâm kiểu cùng làm ăn thành đạt theo công thức “win-win” cho dù cái phần “win” về phía chúng tôi có ít hơn đi nữa (con số mấy mươi tỷ đô la nhập siêu). Không cần phải đi sâu giải thích, giáo sư có lẽ cũng đã biết (nhưng không có những cảm nhận, đánh giá như chúng tôi là người trong cuộc) chuyện gì đã, đang và sẽ xảy ra ở Biển Đông, chiến tranh biên giới Việt-Hoa năm 1979 và hàng chục năm tiếp theo, chỉ vì Việt Nam không nắm cơ hội hợp tác với Trung Quốc ủng hộ Khmer Đỏ diệt chủng và “cáp duồn” dân Việt dọc biên giới với Campuchia… Chưa nói đến việc Trung Quốc xây hàng chục đập thủy điện lớn trên thượng nguồn sông Mekong gây tác hại cho các nước ở hạ nguồn. Đâu? Mấy chữ “hợp tác” kia đâu? Trung Quốc còn chưa chịu đưa những thông tin thủy văn để bước đầu “hợp tác” với các nước Việt, Campuchia, Lào, Thái Lan nhằm giảm thiểu tác động xấu của những con đập nói trên chứ đừng nói đến chuyện gì khác… Chính Trung Quốc đã tung lên mạng những hình ảnh quay lại cảnh bắn giết 64 chiến sĩ Việt Nam trong vụ chiếm đảo Gạc Ma năm 1988. Viết tới đây mới thấm hai chữ thách thức, nó tàn bạo như thế nào.
Hai chữ cơ hội nếu hiểu như bà thì đường lưỡi bò Biển Đông sẽ tức khắc là đường biên giới biển của Trung Quốc cướp trắng vùng Biển Đông, biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc, cắt đứt con đường sinh lộ của Việt Nam đã bao đời sinh sống với Hoàng Sa, Trường Sa…
Thưa giáo sư Gegina,
Tôi nghĩ dân tộc Việt Nam chúng tôi quá hiểu thế nào là tàn phá mất mát thương đau của chiến tranh và chỉ mong hoà bình. Có thể nói từ 1975 đến nay, chỉ có 25 năm là thời gian hoà bình lâu nhất mà chúng tôi hưởng được với Trung Quốc, mười năm kia là chiến tranh biên giới 1979 và lai rai 10 năm sau đó. Điều đó chúng tôi, người Việt Nam, hơn ai hết rất không mong thách thức Trung Quốc một chút nào hết, chỉ mong hợp tác trên tinh thần kiểu “partnership” hai bên cùng có lợi và nhất là không “đánh phe” với ai để “thách thức” người khác, nhưng nếu bị ép thì đúng là Trung Quốc đang đẩy Việt Nam vào thế phải chống đỡ, bất hợp tác, đánh phe để tồn tại.
Rất mong bà để hai chữ thách thức và hợp tác vào cái khung (context) lịch sử Việt Nam và Trung Quốc, nhất là cái ý nguyện hoà bình của lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam. Việt Nam dĩ nhiên cũng như bao dân tộc hoà bình khác là không muốn chiến tranh, nhưng có lẽ bà đã biết, dân tộc Việt Nam qua lịch sử mấy ngàn năm hoàn toàn không sợ chiến tranh nếu khi Tổ Quốc bị lâm nguy, bị xâm lăng. Có lẽ điều này cũng là chân lý cho bất cứ dân tộc nào kể cả Trung Quốc. Trong thế giới mở rộng và hội nhập ngày nay, chỉ có hợp tác theo kiểu chia sẻ, “win-win”, “anh sống tôi sống” thì nhân loại mới hưởng thái bình hạnh phúc, chiến tranh nếu có thì chỉ là thứ chiến tranh với đói, nghèo, thất học, bệnh tật mà thôi.
Kính chào bà.
Trần Bích Đăng
(VEF) - “Việt Nam coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức thì nó sẽ là thách thức, coi nó là cơ hội thì nó sẽ là cơ hội.” GS Gegina, ĐH Harvard nhận định trong cuộc bàn tròn trực tuyến trên VEF chiều 31/12/2010.
LTS: Vào buổi chiều cuối cùng của năm 2010, GS Regina Abrami của Trường Kinh doanh Harvard đã có mặt tại studio của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, sẵn sàng cho buổi giao lưu trực tuyến cùng quý độc giả. Mời bạn đọc theo dõi phần 2 cuộc trực tuyến.Giáo sư Regina Abrami có bằng Tiến sĩ về Khoa học chính trị tại Đại học California, Berkely, và hiện là giảng viên của chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại trường Đại học Harvard của Hoa Kỳ.Bà chuyên nghiên cứu về kinh tế chính trị so sánh, đặc biệt tập trung vào Việt Nam và Trung Quốc. Đã có thời gian sống và nghiên cứu tại Việt Nam và Trung Quốc, GS. Regina được biết đến như một nữ Giáo sư Harvard rất am hiểu hai đất nước này - từ văn hóa đến chính trị, kinh tế.
Nhà báo Lan Hương: Hiện nay, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đang mở tranh luận là Việt Nam phải làm thế nào để cùng phồn vinh với sự trỗi dậy của người láng giềng khổng lồ Trung Quốc (TQ). Bà có thể chia sẻ nước Mỹ nhìn nhận thế nào về sự trỗi dậy của Trung Quốc?
GS Regina: Ở nước Mỹ, cách nhìn nhận và đánh giá về sự phát triển của TQ cũng rất phức tạp và đa dạng. Một mặt, nước Mỹ và người Mỹ cần Trung Quốc. Không nghi ngờ gì là hai nền kinh tế này đang ngày càng hội nhập sâu sắc và phụ thuộc lẫn nhau.
Mặt khác, lúc này lúc khác, vẫn có những khác biệt và mâu thuẫn trong cách nhìn nhận của hai nước về các giá trị chính trị và niềm tin, ví dụ như những vấn đề về nhân quyền và tự do ngôn luận.
Người Trung Quốc có câu thành ngữ để miêu tả tình trạng này: "Đồng sàng dị mộng". Tôi nghĩ câu này rất đúng.
Nhưng tôi cũng nghĩ là người Mỹ rất quan tâm đến sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc. Về lâu dài, sự thành công về kinh tế của TQ cũng là thành công về kinh tế của Mỹ, nếu như chúng ta có lòng tin vào kinh tế và thị trường tự do.
Chính vì thế mà vẫn còn có nhiều tranh cãi và bất đồng về việc liệu kinh tế và thị trường thế giới đã thực sự mở chưa. Nếu điều này chưa đạt được thì sự phát triển song song giữa hai nước vẫn là một thách thức lớn. Sự cởi mở phải đến từ cả hai phía và từ nền kinh tế của cả thế giới thì mới đảm bảo cho sự phát triển bền vững cho cả hai nền kinh tế. Nếu vẫn còn một bên dè dặt trong việc mở cửa và giữ tư duy bảo hộ, thì chẳng bên nào có thể được lợi cả.
Nhà báo Lan Hương: Vậy theo bà hiện nay thế giới có đánh giá quá cao sự phát triển của Trung Quốc?
GS Regina Abrami: Tôi không nghĩ dùng từ "đánh giá quá cao" là đúng trong trường hợp này. Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã phát triển một cách thực sự nổi bật và đáng ghi nhận. Hãy nhìn vào số lượng người Trung Quốc đã thoát nghèo, số người từ nông thôn ra thành thị làm việc và sự cải thiện đầy ấn tượng về cơ sở hạ tầng, sự thay đổi trong giáo dục và phát triển xã hội... Những điều đó, dù xét theo bất cứ tiêu chuẩn đánh giá nào, cũng không thể phủ nhận là rất đáng ghi nhận.
Tôi cho rằng không phải Trung Quốc đang được đánh giá quá cao, những điều họ làm được đáng được gọi là một cuộc cách mạng.
Tôi đã đến TQ cách đây 22 năm và thành phố Quảng Châu khi tôi mới đến chỉ là một thành phố quê mùa, thế mà giờ thành phố này đã đô thị hóa mạnh mẽ, cả vùng nội đô và vùng ngoại ô vốn là nông thôn xung quanh, đường xá nhà cửa tất cả đều rất hiện đại.
Tóm lại, thế giới không phải đang đánh giá quá cao sự phát triển của Trung Quốc, sự vươn lên của họ thực sự là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, họ cũng đang phải hứng chịu nhiều hậu quả và những thách thức của sự phát triển này. Chính những "nỗi đau" này đang khiến họ phải tư duy lại về đường đi nước bước tiếp theo của nền kinh tế Trung Quốc.
Nhà báo Lan Hương: Vâng, rõ ràng là không thể phủ nhận được sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Nhưng theo bà, sự trỗi dậy của Trung Quốc này mang lại nhiều thách thức hơn hay là nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam? Và Việt Nam nên chung sống như thế nào với Trung Quốc?
GS Regina Abrami: Câu hỏi này đặt ra không hề mới mẻ và lạ lẫm gì, bản thân người Việt Nam đã băn khoăn về điều này hàng thế kỷ nay. Nhưng trong bối cảnh mới hiện nay, câu trả lời không nằm ở Trung Quốc mà nằm ở chính Việt Nam. Việt Nam coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức thì nó sẽ là thách thức, coi nó là cơ hội thì nó sẽ là cơ hội.
Điều này phụ thuộc vào việc Việt Nam có chính sách như thế nào với những dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, các doanh nhân Việt Nam nhìn nhận thế nào về cơ hội hợp tác làm ăn với người Trung Quốc... Nếu như các doanh nhân Việt Nam nhìn nhận đó là cơ hội để phát triển thì nó sẽ là cơ hội. Bản thân tôi cũng hy vọng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ là cơ hội chứ không phải de dọa đối với Việt Nam.
Cũng nên nhìn nhận công bằng là Trung Quốc cũng không khác gì các nhà đầu tư nước ngoài khác khi đến với Việt Nam. Việt Nam có các luật và quy định như thế nào về vốn đầu tư nước ngoài thì cũng nên áp dụng một cách bình đẳng với Trung Quốc, cũng như với các nhà đầu tư nước ngoài khác.
Nhà báo Lan Hương: Trước đây thì có 1 tờ báo của Nhật có một nhận định "Không có một quốc gia nào ở Đông Nam Á mà phụ thuộc vào Trung Quốc như Việt Nam". Vậy thì theo bà, vị trí địa lý cũng như quan hệ lịch sử của 2 quốc gia này khiến cho mỗi quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc có những sự ràng buộc như thế nào? Và nó sẽ tác động như thế nào đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?
Tôi hơi ngạc nhiên một chút bởi nhận định đó của nhà báo Nhật. Sự phụ thuộc đó, có hay không có, thì cũng là do chính sánh của chính quyền hai bên, chứ không phải tự dưng xảy ra. Có những điểm giữa hai nước hầu như không có mối quan hệ kinh tế nào, và cũng có những thời điểm kinh tế hai nước xích lại gần nhau, bối cảnh hiện nay chính là một trong những giai đoạn mà kinh tế hai nước xích lại gần nhau.
Tôi nhấn mạnh lại vai trò của các chính sách, quan hệ giữa hai nước như thế nào hoàn toàn là kết quả của các chính sách được đưa ra.
Nhà báo Lan Hương: Tôi được biết bà cũng nghiên cứu về kinh tế châu Á và tinh thần doanh nhân của người Việt. Chúng ta đều thấy vai trò rất rõ của tinh thần doanh nhân, người Ấn Độ có câu nói "Tinh thần doanh nhân chính là điểm tựa cho kinh tế Ấn Độ phát triển". Còn Trung Quốc, tinh thần doanh nhân được truyền đời từ đời này sang đời khác. Trong khi ở Việt Nam trước cách mạng tháng 8, chúng tôi chỉ có một số ít các nhà kinh doanh lớn.
Thời mở cửa thì có ý kiến cho rằng, các doanh nhân lớn của Việt Nam thương thành công nhờ buôn bán đất đai, buôn bán bất động sản, buôn bán chứng khoán chính vì vậy mà họ không xác định được cốt cách cũng như tinh thần doanh nhân của người Việt. Bà đánh giá như thế nào về nhận định này? Theo bà, vai trò của tinh thần doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là gì?
GS Regina Abrami: Tinh thần kinh doanh thì ở đâu cũng quan trọng. Và cũng không phải cứ kinh doanh lớn mới mới có vai trò, mà kinh doanh nhỏ cũng rất quan trọng.
Ngay cả ở Mỹ, hầu hết công việc kinh doanh cũng là vừa và nhỏ. Không chỉ ở Mỹ mà ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi họ là nguồn tạo công ăn việc làm, cũng là nguồn phát sinh các ý tưởng sáng tạo và các hoạt động đổi mới đáng kể đóng góp cho nền kinh tế.
Với Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam, tinh thần kinh doanh cũng rất quan trọng. Có sự khác biệt nào không giữa tinh thần kinh doanh ở các nước này, tôi có thể trả lời là có. Với người Trung Quốc, chúng ta có thể cảm nhận tinh thần kinh doanh của họ ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Đó chính là điều kiện giúp cho người Trung Quốc ở bất cứ đâu đều có thể dựa vào sự hỗ trợ và giúp đỡ từ cộng đồng mình.
Nhưng nếu nói điều này không thể có được ở người Việt Nam thì tôi không đồng ý. Nhìn vào lượng kiều hối đổ về nước, đặc biệt vào các lĩnh vực mới và hiện đại như công nghệ thông tin, có thể thấy nhận định của tôi là đúng. Vốn đầu tư của Việt kiều về nước đang tạo ra nhiều công ăn việc làm, nhiều cơ hội học hành cho các bạn trẻ.
Tôi cũng không đồng ý với nhận định rằng ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp không hề có các doanh nghiệp tư nhân. Vào thời điểm đó, là một nước đang nằm dưới ách thực dân, Việt Nam không thể nào có doanh nghiệp lớn, nhưng chắc chắn đã có các doanh nhân, người Việt và người Hoa.
Bằng chứng là ngay từ những năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắn nhủ đến các nhà công nghiệp dân tộc rằng muốn cứu nước thì phải gây dựng kinh tế vững mạnh.
Ngay ở thủ đô Hà Nội lúc đó đã có rất nhiều người kinh doanh, buôn bán nhỏ, bán buôn và chợ đen. Rất nhiều người trong số họ, có cả phụ nữ, đã xuống đường tham gia cuộc biểu tình và tuần hành chống thực dân.
Vì thế, tôi có thể khẳng định truyền thống kinh doanh đã có ở người Việt Nam từ lâu rồi, và vẫn đang không ngừng phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, với ngày càng nhiều các chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện, tinh thần kinh doanh của người Việt càng có cơ hội nở rộ.
Nhà báo Lan Hương: Tôi rất chia sẻ những ý kiến này với bà, khi đi trên các con đường của Việt Nam, chúng ta đều nhìn thấy rất nhiều các hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở hai bên đường. Theo bà, làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng đội ngũ những nhà kinh doanh vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh cá thể này để có thể kích thích nền kinh tế?
GS Regina Abrami: Điều quan trọng nhất vẫn là tạo điều kiện cho họ tiếp cận các nguồn vốn và tạo ra những chính sách khuyến khích, hỗ trợ họ. Có thể thấy Luật kinh doanh được thông qua lần đầu tiên năm 1999 và sau đó được tiếp tục sửa đổi bổ sung đã khiến số lượng các doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng một cách mạnh mẽ.
Thế nên, các doanh nghiệp Việt Nam, chính thức hay không chính thức, đều bị tác động rất nhiều bởi môi trường kinh doanh mà các chính sách do nhà nước tạo ra.
Nhà báo Lan Hương: Vậy thì theo bà vai trò của giới trí thức đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam như thế nào?
GS Regina Abrami: Điều này phụ thuộc vào các hình thức kinh doanh. Lại lấy ví dụ về việc các chính sách có thể tạo ra môi trường kinh doanh như thế nào, hãy nói về việc bảo vệ tài sản trí tuệ. Người ta sẽ phát minh, sẽ thử nghiệm, sẽ lập ra các phòng thí nghiệm và mang các sáng tạo của họ đến cho xã hội nếu như họ biết các tài sản trí tuệ đó của mình được bảo vệ.
Điều quan trọng là có những luật, quy định và một hệ thống bảo đảm sự phát triển như thế. Thực tế ở Việt Nam, có rất nhiều công ty là do những người thuộc giới trí thức đứng đầu, thành lập hoặc vận hành.
Một điều đáng nói nữa là nhà nước có đang có những chính sách đầu tư vào những ngành công nghệ cao chứa đựng nhiều hàm lượng tri thức như sinh học, y tế, dược phẩm, năng lược sạch và năng lượng tái tạo hay chưa. Những lĩnh vực như vậy rất cần sự hỗ trợ từ hành lang pháp lý.
Ví dụ như ở Trung Quốc, nước này tập trung không ít cho những ngành công nghệ cao, nhưng các nhà đầu tư nước ngoại vẫn rất e ngại đem các công nghệ hiện đại nhất của họ đến Trung Quốc vì sợ có thể bị ăn cắp bản quyền.
Nhà báo Lan Hương: Một câu hỏi hơi riêng tư một chút, bà đã đến Việt Nam 18 năm rồi đúng không ạ? Và bà có mối quan hệ gắn bó rất mật thiết với Việt Nam. Vậy thì bà có thể chia sẻ cảm nhận của bà về sự thay đổi của Việt Nam sau 18 năm cũng như tại sao bà lại có mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam không?
GS Regina Abrami: Điều thay đổi lớn nhất của đất nước Việt Nam mà tôi nhận thấy nằm ở chính những người trẻ tuổi. Sinh viên Việt Nam giờ đang có mặt ở khắp thế giới. Đó là điều hay nhất tôi chứng kiến ở sự phát triển của Việt Nam. Điều đó có nghĩa là thế hệ trẻ của Việt Nam đang ngày càng có nhiều cơ hội học tập và phát triển hơn những thế hệ cha ông của họ.
Tôi xin dành lời khen cho chính phủ Việt Nam vì đã đầu tư đúng đắn cho tương lai. Họ đã mở cửa các chính sách, mở cửa nền kinh tế, mở cửa xã hội để thanh niên Việt Nam ngày nay có thể dám mơ ước và có điều kiện để thực hiện ước mơ của mình.
Còn mối tình của bản thân tôi với Việt Nam đã bắt đầu từ lần đầu tiên tôi đến Việt Nam khi còn rất trẻ. Khi ấy tôi không nói được nhiều tiếng Việt, nhưng tôi đã được chào đón bởi những người Việt Nam tốt bụng. Điều đó tôi không bao giờ quên, là điều luôn khiến tôi muốn quay trở lại đất nước này và muốn được nhìn thấy nhiều hơn nữa những cơ hội cho giới trẻ Việt Nam trong tương lai.
Lần đầu tiên tôi đến đây, ở Việt Nam chưa có nhiều người Mỹ lắm nên mọi người nhầm tôi là người Nga. Nhưng không sao cả, là người Mỹ hay người Nga thì tôi cũng vẫn được chào đón, và tôi luôn ghi nhớ điều đó.
Nhà báo Lan Hương: Tôi cũng được biết rằng, bà có thể nói được tiếng Việt? Vậy hôm nay bà có thể gửi lời chào đến độc giả của Diễn đàn kinh tế Việt Nam bằng tiếng Việt được không ạ?
GS Regina Abrami: Tôi rất hân hạnh lúc này được nói chuyện với chị, cũng để gặp những người nghe VietNamNet và VEF, được giới thiệu một chút về cuộc sống của tôi và cũng có ý kiến về phát triển Việt Nam và tương lai của Việt Nam.
Nhà báo Lan Hương: Thời gian trôi qua rất nhanh. Mặc dù còn rất nhiều câu hỏi của độc giả nhưng chúng tôi xin khép lại buổi giao lưu trực tuyến với GS. Regina Abrami tại đây. Xin chúc GS một năm mới nhiều niềm vui và hạnh phúc. Chúc quý vị độc giả một năm an khang, thịnh vượng và thắng lợi trên cả thương trường lẫn cuộc sống.
Nguồn: VEF
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét