Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Trung Quốc đã chuẩn bị kế hoạch đánh chiếm Biển Đông

 Báo chí Nhật Bản:
 
Quân đội Trung Quốc
REUTERSTrọng Nghĩa

Ngay từ năm 2009, quân đội Trung Quốc đã hoàn tất chiến thuật đánh chiếm các hòn đảo do nước khác nắm giữ tại vùng Biển Đông và đã huấn luyện lực lượng theo phương án đó. Cho dù trước mắt ít có khả năng chiến lược thôn tính Biển Đông được thực hiện, nhưng chủ trương này cho phép Bắc Kinh giành ưu thế trong các cuộc đàm phán.

Trên đây là tiết lộ của tờ báo Nhật Bản Asahi Shinbum trong số ra ngày hôm nay 31/12/2010.
Một nguồn tin từ quân khu Quảng Châu của Trung Quốc, đặc trách vùng Biển Đông đã cho tờ báo Nhật Bản biết là kế hoạch đánh chiếm đã được soạn thảo từ đầu năm 2009. Chiến thuật này dựa trên hai trụ cột chính : Sử dụng oanh tạc cơ dội bom ồ ạt để làm suy yếu hệ thống phòng thủ của hòn đảo được chọn làm mục tiêu tấn công, và tiếp theo đó dùng tàu đổ bộ tung quân lên đánh chiếm.
Một cách cụ thể, theo chiến thuật tạm gọi là tiền pháo hậu xung này, không quân Trung Quốc, phối hợp với các đơn vị không chiến của hải quân, sẽ bất ngờ mở những đợt không kích vào các cảng quân sự và tàu thuyền đặt căn cứ tại đảo được chọn làm mục tiêu.
Theo chiến thuật này, khả năng chiến đấu của đối phương phải bị loại trừ sau vỏn vẹn một tiếng đồng hồ, để mở đường cho quân đổ bộ lên đảo, sử dụng các loại tầu đổ bộ như chiếc Côn Luân Sơn, thuộc loại lớn nhất của hải quân Trung Quốc hiện nay. Tàu này có trọng tải 18.000 tấn và có sân đáp cho bốn máy bay trực thăng cùng một lúc. Để ngăn không cho đối phương tiếp ứng, đồng thời với chiến dịch tấn công đánh chiếm mục tiêu, các đơn vị chính thuộc hai hạm đội Bắc Hải và Đông Hải của Trung Quốc sẽ có mặt tại những vị trí ngoài khơi để chặn không cho tàu sân bay Mỹ đến gần chiến trường.
Vấn đề, theo ghi nhận của Asahi Shinbum, là sau khi kế hoạch được soạn thảo xong, Trung Quốc đã cho quân đội rèn luyện ngay hai chiến thuật này trong các cuộc tập trận của họ trên quy mô rộng lớn tại vùng Biển Đông.
Vào tháng 5 năm 2009, Không quân và các đơn vị không chiến của Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu rèn luyện kỹ thuật ném bom một cách nghiêm túc. Qua tháng 7 năm 2010, ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải của Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận chung. Đây là cuộc thao diễn hải quân lớn nhất của Trung Quốc từ trước đến nay, huy động tới một nửa số chiến hạm chủ chốt của hải quân nước này. Máy bay ném bom và tên lửa chống tàu cũng được sử dụng trong cuộc tập trận. Một nguồn tin quân sự từ quân khu Quảng Châu từng tham gia cuộc tập trận đó khẩng định : « Chúng tôi đã chứng minh được năng lực phá hủy một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ ».
Đến đầu tháng 10, một cuộc tập trận bắn đạn thật huy động 1.800 lính thủy quân lục chiến Trung Quốc lại được tiến hành trên một khu vực trải dài từ Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông cho đến tận đảo Hải Nam gần đấy.
Các bài tập huấn bao gồm việc đánh chiếm một hòn đảo ở Biển Đông đang nằm dưới quyền kiểm soát của một nước khác. Tàu đổ bộ và xe tăng đã được dùng để tung quân lên bờ, trong khi lực lượng tấn công nỗ lực phá nhiễu điện từ và tên lửa do các đơn vị đóng vai quân địch bắn ra.
Đối với tờ báo Nhật Bản, trái với thông lệ là giữ kín bí mật các cuộc tập trận, quân đội Trung Quốc lần này đã mời 273 tùy viên quân sự từ 75 nước đến quan sát cuộc diễn tập. Mục tiêu của Bắc Kinh rõ ràng là muốn gởi thông điệp đến các nước đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại vùng Biển Đông, trong số này có Việt Nam, hiện đang kiểm soát 28 hòn đảo ở vùng Trường Sa.
Một nguồn tin từ chính quyền Trung Quốc đã xác định với phóng viên báo Asahi tại Bắc Kinh rằng : « Mục đích của chúng tôi là giành ưu thế trong đàm phán lãnh thổ bằng cách gây sức ép thông qua việc chứng tỏ cho các nước khác nhau thấy rằng chúng tôi có khả năng lấy lại các hòn đảo bất kỳ lúc nào ».
Theo Asahi, hồi đầu tháng này, Bắc Kinh đã chứng minh rằng họ không quan tâm đến các cuộc đàm phán ngoại giao với các quốc gia thành viên ASEAN.
Một cuộc họp cấp tổng vụ trưởng bộ Ngoại giao đã mở ra ngày 23/12 tại Côn Minh, giữa Trung Quốc và ASEAN. Trong khi các đại diện ASEAN muốn thảo luận về các hướng dẫn áp dụng cụ thể, thì Trung Quốc chỉ nhắc lại nội dung bản Tuyên bố về cách ứng xử tại Biển Đông ký kết năm 2002, kêu gọi giải quyết hòa bình cuộc xung đột nhưng không trực tiếp giải quyết các tranh chấp lãnh thổ đang tồn tại.
Khi nêu bật mưu đồ của Trung Quốc tại vùng Biển Đông, nhật báo Asahi đã nhắc lại mối quan ngại mà Bắc Kinh gây ra nơi các thành viên ASEAN cũng như Hoa Kỳ, với tuyên bố của họ hồi đầu năm nay cho rằng Biển Đông thuộc diện "lợi ích cốt lõi", kèm theo là những động thái khác nhau để đảm bảo rằng tất cả các nước trong vùng hiểu rõ những gì Trung Quốc đòi hỏi.
Đối với tờ báo, Nhật Bản cũng có thể bị ảnh hưởng do tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông.

Không có nhận xét nào: