Nguyễn Khắc Mai
Năm 1946 có 3 sự kiện lịch sử trọng đại. Cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc để bầu ra Quốc hội của Nhà nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp theo là Bản Hiến pháp VNDCCH 1946. Đến cuối năm là ngày Toàn quốc kháng chiến 19 - 12 – 1946. Ba sự kiện ấy đánh dấu một mốc mới trong lịch sử hiện đại của nước Việt Nam.
Cuộc Tổng tuyển cử, một sinh hoạt dân chủ của toàn dân, lần đầu tiên sau 80 năm trường bị thực dân Pháp đô hộ, cũng là một sinh hoạt dân chủ toàn dân đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu ra Quốc hội đầu tiên của Nhà nước VNDCCH, một Quốc hội do nhân dân cả nước, kể cả ở vùng Pháp tạm kiểm soát tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Đó là hình thức Nhà nước dân chủ đầu tiên ở nước ta. Quốc hội 1946 được chính thức gọi là Nghị viện nhân dân và đại biểu được gọi chính thức là Nghị sĩ. Đó là một Quốc hội nổi bật mấy tính chất sau đây. Tính chất dân tộc, nhân dân thể hiện chẳng những ở cấu trúc thành phần xã hội – 61% trí thức, 0,6% công kỹ nghệ gia, 0,5% buôn bán, 0,6% thợ thuyền, 22% nông dân, có đại biểu trẻ 18 tuổi, có vị cao niên 70 tuổi, - mà còn ở Tuyên ngôn: “Chính thể của nước Việt Nam là chính thể Dân chủ cộng hòa, có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu cầu hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân.” Chính Bản Hiến pháp 46 được thông qua ngày 9 - 11- 1946 cũng ghi rõ: “Hiến pháp phải xây dựng trên những nguyên tắc sau đây:
- Đoàn kết Toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo ;
- Bảo đảm các quyền tự do, dân chủ;
- Thực hiện chính quyền sáng suốt và mạnh mẽ của nhân dân;
.... Hiến pháp ấy còn nêu rõ: “... dưới một chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam Độc lập và Thống nhất tiếp bước trên đường vinh quang hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của Thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại.”
Tính dân chủ và tính hợp thời đại của Quốc hội và Hiến pháp 46 là rất rõ. Đó là Quốc hội là Hiến pháp của đa nguyên chính trị. Chỉ có nhân dân và luật pháp mới được ở vị trí thượng tôn. Không một lực lượng xã hội nào đủ đạo cao đức trọng như tôn giáo, dù trí tuệ siêu việt như trí thức, kể cả phong trào Việt – Minh và những chiến sĩ cách mạng công tích đầy mình đều không được ghi một điều nào có khả năng chiếm quyền Nhà nước. Đúng như tinh thần Đường Kách mệnh mà Nguyễn Ái Quốc đã dự báo: “Cách mệnh thắng lợi rồi thì quyền trao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người mà Kách mạng phải làm đi làm lại nhiều lần.” Tinh thần “hòa nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới” thể hiện cả ở tên gọi Nghị viện nhân dân, Nghị sĩ, chính là mong muốn và khẳng định con đường dân chủ nhân dân theo thể chế Đại nghị là rất rõ rệt.
Như thế, với Quốc hội và Hiến pháp 46, Dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã khẳng định sự lựa chọn, khẳng định cái định hướng Việt Nam Dân chủ cộng hòa với 3 mục tiêu lý tưởng: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc mà sáu mươi năm sau vẫn chưa đạt trọn vẹn, vẫn còn là vấn đề của “kim nhật, kim thì” của hôm nay.
Chúng ta cần thấm nhuần những tinh thần mà Quốc hội và Hiến pháp 46 đã thể hiện, để có một Quốc hội mới, Hiến pháp mới thể hiện mạnh mẽ tính dân tộc, tính nhân dân, tính dân chủ và tính “cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của Thế giới”.*
* Những trích dẫn đều từ nguồn tư liệu Quốc hội
*Ông Nguyễn Khắc Mai, 78 tuổi, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu kiêm Tổng biên tập tạp chí Dân vận của Ban Dân vận trung ương Đảng. Hiện đang nghỉ hưu tại phường Phương Liên, Quận Đống Đa, Hà Nội. Ông Nguyễn Khắc Mai hiện là GĐ Trung tâm Minh triết thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Bài viết do Ông gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân Diện-Blog. Xin chân thành cảm ơn tác giả!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét