Đông A Vụ rắc rối của ông Cù Huy Hà Vũ vẫn chưa biết như thế nào. Cho đến thời điểm này cả đài VOA lẫn RFA đều chưa có câu trả lời sẽ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hay không. Hiện nay cũng vẫn chưa hết thời hạn 60 ngày phải trả lời đơn thư khiếu nại, tố cáo (1 tuần làm việc chỉ có 5 ngày). Trong khi chờ đợi tôi thử xem xét trường hợp của ông Cù Huy Hà Vũ từ trường hợp của Lưu Hiểu Ba. Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng về luật pháp và tập quán pháp luật. Do vậy phán quyết của tòa án Trung Quốc trong trường hợp Lưu Hiểu Ba có thể là những điểm nhìn tham chiếu cho vụ án về ông Cù Huy Hà Vũ. Đọc phán quyết của tòa án Trung Quốc về Lưu Hiểu Ba có thể nhận thấy phán quyết viết khá chặt, thể hiện các chứng cứ chứng minh rằng ông Lưu Hiểu Ba đã làm ra, công bố các bài viết mà nội dung của chúng thể hiện chuyện kích động lật đổ chính quyền. Trong trường hợp của ông Lưu Hiểu Ba này không có tranh cãi về chuyện làm ra, công bố các bài viết. Tranh cãi chỉ xoay quay vấn đề nội dung các bài viết thể hiện quyền tự do thể hiện quan điểm cá nhân, không gây tổn thất, không gây hại cho ai, hay thể hiện chuyện kích động lật đổ chính quyền. Tôi không bình luận về nội dung này. Phán quyết của tòa án Trung Quốc không viết đích danh tên các trang báo ở hải ngoại đã đăng các bài viết của ông Lưu Hiểu Ba. Phán quyết của tòa án Trung Quốc chỉ viết địa chỉ các website đã đăng các bài viết của ông Lưu Hiểu Ba và cho biết các máy chủ này ở hải ngoại. Với cách viết như vậy, tòa án Trung Quốc đã tránh được chuyện người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, bởi vì phán quyết của tòa án chỉ cần chứng minh các bài viết do chính ông Lưu Hiểu Ba làm ra và công bố, và nội dung các bài viết nhằm kích động lật đổ chính quyền. Với cách viết như vậy, tòa án Trung Quốc đồng thời cũng thể hiện không công nhận các trang báo hải ngoại như các cơ sở truyền thông thật thụ. Tôi không được đọc cáo trạng của Viện Kiểm sát về ông Cù Huy Hà Vũ nên không rõ như thế nào. Nhưng căn cứ vào thư mời đài VOA hay RFA tham gia tố tụng tôi có thể hình dung được một phần nào đó về bản cáo trạng. Với những hiểu biết nhất định của tôi về pháp luật, tôi cảm thấy có một số điểm không được hay lắm. Đó là các bài phỏng vấn. Không thể nói rằng ông Cù Huy Hà Vũ đã làm ra và công bố các bài phỏng vấn. Chủ thể làm ra và công bố các bài phỏng vấn chính là cơ quan phỏng vấn như đài VOA hay RFA. Do vậy cũng không thể nói rằng ông Cù Huy Hà Vũ đã thực hiện hành vi tuyên truyền thông qua bài phỏng vấn. Chủ thể của hành vi tuyên truyền ở đây chính là cơ quan phỏng vấn như đài VOA hay RFA, bởi vì nếu các cơ quan phỏng vấn không phỏng vấn (không hỏi câu hỏi dẫn tới câu trả lời bị coi là tuyên truyền chống lại nhà nước) hay không công bố phỏng vấn thì hiển nhiên hành vi tuyên truyền không thể xảy ra được (hành vi tuyên truyền là hành vi làm ra, công bố hay phát tán). Sử dụng các bài phỏng vấn làm chứng cứ cho hành vi tuyên truyền là không được chặt. Tôi nghĩ chính vì vậy mà tòa án Trung Quốc không hề sử dụng bất kỳ bài phỏng vấn nào làm chứng cứ trong vụ án của ông Lưu Hiểu Ba. Các bài phỏng vấn có thể sử dụng làm chứng cứ cho nội dung vu khống hay kêu gọi chiến tranh, thù hằn dân tộc, lật đổ chính quyền. Trong những trường hợp này cơ quan phỏng vấn rõ ràng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Vụ án của ông Cù Huy Hà Vũ xem ra cũng rất đáng xem. Đ. A |
Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011
Từ Lưu Hiểu Ba đến Cù Huy Hà Vũ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét