Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Việt Nam Khóa XII, vừa kết thúc hôm 26/11 sau 31 ngày họp.
Kỳ họp Quốc hội lần này thu hút sự theo dõi của đông đảo dư luận quan tâm tới tình hình chính trị-xã hội trong nước, một phần vì các phiên thảo luận và chất vấn sôi nổi, thậm chí gay gắt.Lần đầu tiên tại đây, người ta cũng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm người đứng đầu Chính phủ vì các yếu kém trong điều hành kinh tế.
Đài BBC nói chuyện với hai nhà nghiên cứu ở trong nước: Giáo sư Vũ Khiêu và Luật sư Trần Lâm, để tìm hiểu nhận định của hai ông về kỳ họp vừa diễn ra.
GS Vũ Khiêu: Quốc hội vừa rồi có nhiều ý kiến phát biểu rất sôi nổi, các phiên tranh luận đã đánh dấu một bước tiến dân chủ trong Quốc hội và trong xã hội.
Nhiều vấn đề đã được nêu ra, để rồi Quốc hội lần sau, Chính phủ lần sau, sẽ rút kinh nghiệm. Hy vọng là rồi sẽ có các nhân vật xứng đáng được lựa chọn vào Chính phủ.
Tôi cho rằng không khí dân chủ tại Quốc hội như thế là rất tốt.
BBC: Thưa giáo sư, vừa rồi có việc đại biểu Quốc hội đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm, mà thực chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm, ông Thủ tướng. Ông nhận định sao về đề xuất này?
GS Vũ Khiêu: Đây là một tiếng nói dân chủ. Nhưng sau đó, chính Quốc hội đã thấy chưa đến mức, chưa cần thiết phải làm như vậy nên quyết định không làm.
Phát biểu như vậy là biểu hiện của dân chủ và xu hướng này sẽ một ngày một phát triển, dần dần theo bước tiến của Việt Nam, không có gì là lạ cả. Từ trước chúng ta đã có dân chủ, nhưng ngày càng dân chủ hơn.
BBC: Thưa ông có thể cho biết một số nhận định về nhiệm kỳ hoạt động vừa rồi của Thủ tướng?
GS Vũ Khiêu: Tôi không thể có đánh giá hết, toàn diện, về con người của ông Thủ tướng.
Tôi chỉ muốn nói là trong thời kỳ vừa rồi, Việt Nam đã nổi bật trên trường quốc tế, chủ trì bao nhiêu hội nghị hội thảo có tiếng vang, thành tích đó có công của ông Thủ tướng.
Về quản lý kinh tế, thì cố nhiên trong quá trình chúng ta xây dựng kinh tế, có mặt được và có mặt chưa được, đó là điều bình thường.
Cái gì chưa được thì chúng ta phải khắc phục, còn những gì tốt rồi thì phải phát triển lên.
Đó là công việc của tập thể. Không nên quy trách nhiệm cho một mình Thủ tướng.
Thành công của Thủ tướng cũng là thành công của tập thể lãnh đạo, mà trách nhiệm của Thủ tướng thì cũng là trách nhiệm chung của ban lãnh đạo, chứ không chỉ của một mình Thủ tướng.
'Còn nói chưa tới nhiều vấn đề'
Trong khi đó, Luật sư Trần Lâm nói ông tiếc là kỳ họp Quốc hội vừa qua còn chưa đề cập nhiều vấn đề sống còn của đất nước.LS Trần Lâm: Quốc hội vừa rồi đã quan tâm được tới một số vấn đề lớn và chất vấn để làm cho sáng tỏ, điều mà trước kia Quốc hội thực ra chưa làm được.
Thí dụ vấn đề quan hệ với Trung Quốc, còn nhiều điều nhân dân thắc mắc. Thế nhưng, Quốc hội lại chưa có đề cập.
Những gì đã đề cập tới, chúng tôi hoan nghênh, nhưng những gì chưa đề cập, thì phải đề cập cho cân bằng. Vì không đề cập lại gây ra dư luận không có lợi cho Quốc hội. Mà đề cập thế nào, mức độ nào, cũng cần cân nhắc về dư luận.
Tôi đơn cử vụ Vinashin: làm găng quá thì lấy lại tiền thế nào đây? Cái việc đó, lỗi tại thể chế của chúng ta, chế độ kinh tế của chúng ta nó đẻ ra như thế, Đảng chúng ta không chống được tham nhũng, kỷ luật không nghiêm, luật pháp không rõ ràng, kiểm tra không chặt chẽ ...
Làm gay gắt quá sẽ tạo ra dư luận, là vì trong nước sắp Đại hội, nên những vấn đề sống còn, sinh tử như Cương lĩnh Đại hội Đảng, như quan hệ với Trung Quốc... lại không được đưa ra vì một động cơ nào đó, sự thúc ép nào đó, người nào đó khống chế nên không làm, mà làm những chuyện này.
BBC: Nói đến dư luận, thì cũng đang có đồn đoán về động cơ trong việc vừa rồi có khá nhiều chỉ trích vào ông Thủ tướng trong dư luận, và ngay cả tại Quốc hội.
LS Trần Lâm: Đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm, theo tôi, là ta phải hoan nghênh vì làm được điều đó ở Quốc hội Việt Nam là "ghê" lắm rồi. Tất nhiên cũng có đồn đoán phe cánh này nọ, ông này tấn công ông kia... nhưng tôi cho là không có căn cứ.
Liệu có thế hay không, chúng ta phải chờ và thời gian sẽ trả lời.
Giáo sư Đặng Vũ Khiêu (sinh năm 1916) nguyên là Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, Phó Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Luật sư Trần Lâm (sinh năm 1925) là nhà hoạt động chính trị-xã hội, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét