GS. TSKH. Đặng Hùng Võ “Nếu chúng ta quảng bá tốt những dữ liệu chính xác về cương vực của lãnh thổ Việt Nam trên các ấn phẩm tốt về thông tin bản đồ thì mọi người sẽ hiểu chúng ta nhiều hơn, chấp nhận quan điểm của chúng ta dễ dàng hơn. Đó chính là sức mạnh của thông tin, là việc quan trọng chúng ta phải làm. Vấn đề còn lại là chúng ta cần phải làm ngay và làm tốt những việc cần làm đó”. GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường lên tiếng sau nhiều trường hợp bản đồ trực tuyến của nước ngoài phản ánh sai về lãnh thổ Việt Nam. Hãy tự trách mình, trước khi trách các ấn phẩm bản đồ của cộng đồng bản đồ quốc tế! Tháng 3/2010, một số phương tiện truyền thông của Việt Nam bất bình trước việc bản đồ trực tuyến Google Maps mô tả sai lệch đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Có những chỗ phần biên giới của Trung Quốc lấn sang Việt Nam, cũng có những chỗ phần biên giới của Việt Nam lấn sang Trung Quốc. Nói chung, phần thiệt thòi thuộc về Việt Nam nhiều hơn. Câu hỏi đặt ra là tại sao có những sai lệch như vậy? Trước hết, phải khẳng định với nhau rằng, Google là một doanh nghiệp kinh doanh thông tin, hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận từ cung cấp thông tin cho mọi người. Chắc chắn họ không có những ý đồ gì về chính trị. Những sai sót của họ về đường biên giới nói trên là do họ thiếu thông tin. Họ đã không được tiếp cận tới dữ liệu bản đồ chính thức đính kèm Hiệp định giữa hai Nhà nước về phân định đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trên đất liền. Có thể, họ đã phải lấy dữ liệu từ một nguồn tư liệu cũ không chính thống nào đó. Sau khi có những phản ứng chính thức và không chính thức từ phía Việt Nam, họ đã sửa lại dữ liệu bản đồ trực tuyến của mình. Việc họ không có hay không dễ dàng tiếp cận tới những nguồn thông tin chính thống về đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, trước hết cần trách chính chúng ta. Một dữ liệu chính thống mà cộng đồng quốc tế không được tiếp cận thì lỗi đó là của chúng ta, do chúng ta không quảng bá được những thông tin này trên mạng thông tin toàn cầu. Nếu cơ quan quản lý nhà nước về bản đồ nước ta (Cục Đo đạc và bản đồ Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) tích cực nhìn rộng phạm vi hoạt động, các hiệp hội nghề nghiệp về bản đồ (Hội Trắc địa, bản đồ và viễn thám Việt Nam, Hội Địa lý Việt Nam, v.v.) có kinh phí mở rộng hoạt động quốc tế về nghề nghiệp nhiều hơn, cộng đồng bản đồ Việt Nam quảng bá được thông tin bản đồ, thông tin địa lý của mình rộng rãi hơn, thì chắc hẳn thông tin bản đồ trên thế giới đã không có những sai sót đáng tiếc như vậy. Một câu chuyện tương tự, Hội Địa lý Quốc gia Mỹ (National Geographic Society - NGS) đã đưa ra nhiều bản đồ thế giới trực tuyến trên trang web của mình với những ghi chú thông tin không đúng về quần đảo Hoàng Sa, không bảo đảm quyền lợi của Việt Nam. Cụ thể, ở một số bản đồ, NGS ghi chú tại vị trí quần đảo Hoàng Sa là Xisha Qundao (Tây Sa quần đảo) theo địa danh mà Trung Quốc đặt và kèm theo chữ “China” (Trung Quốc) ngay phía dưới. Còn ở một số bản đồ khác, NGS lại ghi Paracel Is. tại vị trí quần đảo Hoàng Sa theo địa danh quốc tế công nhận nhưng cũng kèm theo chữ “China” ngay phía dưới. Tất nhiên, trước một vùng lãnh thổ đang tranh chấp, người làm bản đồ có nhiều cách ghi theo thông lệ, có thể thực sự trung lập, có thể thiên về hiện trạng chiếm đóng, có thể thiên về các minh chứng lịch sử. Cộng đồng bản đồ quốc tế ghi như thế nào cũng hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu quả hợp tác quốc tế về nghề nghiệp bản đồ thông qua trao đổi thông tin, quảng bá thông tin bản đồ của chúng ta.
NGS là một tổ chức hiệp hội, có mục tiêu là quảng bá những kiến thức địa lý cho tất cả mọi người thông qua rất nhiều phương thức khác nhau như sách, tạp chí, thông tin điện tử, truyền hình... Mục tiêu của họ là đáp ứng tốt nhất thông tin cho người sử dụng. Họ cũng căn cứ vào những dữ liệu thu thập được để thể hiện lên bản đồ. Họ không có được các dữ liệu chính xác nhất về chủ quyền lãnh thổ của chúng ta do chúng ta không chịu quảng bá thì họ đành phải sử dụng những dữ liệu cũ. Chúng ta quảng bá được rộng rãi các thông tin bản đồ chính thống của chúng ta trên các ấn phẩm tốt thì chẳng có lý do gì làm họ không sử dụng. Google hay NGS đều là những nhà cung cấp thông tin địa lý có uy tín trên thế giới, ấn phẩm của họ được hầu hết mọi người ưu chuộng và sử dụng. Hợp tác tích cực với những hãng kinh doanh thông tin lớn như vậy sẽ có ích cho việc quảng bá thông tin bản đồ đúng đắn của chúng ta, chính sức mạnh của thông tin sẽ bảo vệ quyền lợi của chúng ta. Vấn đề còn lại là chúng ta có làm những việc cần làm ngay về quảng bá thông tin bản đồ của chúng hay không và làm bằng cách nào để kịp thời và hiệu quả nhất. Trung Quốc quảng bá thông tin bản đồ trực tuyến, vì sao Việt Nam lại không? Trong vài năm gần đây, Cục Bản đồ Trung Quốc đã xây dựng trang web để quảng bá thông tin bản đồ, trên đó thể hiện rất rõ quan điểm của Nhà nước Trung Quốc về cương vực của lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm cả vùng biển Đông của chúng ta. Đây là hệ thống bản đồ được xây dựng rất chính quy, kỹ lưỡng và đạt chuẩn mực kỹ thuật cao về bản đồ trực tuyến. Một người Việt Nam bình thường cũng có thể đặt câu hỏi, tại sao chúng ta không làm như vậy? Và cũng có thể đặt câu hỏi mạnh dạn hơn là tại sao chúng ta không làm trước? Vì lãnh thổ Việt Nam nhỏ hơn, cần ít công sức hơn và cũng ít chi phí hơn. Thực ra, được báo cáo về vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng sớm nhất trang web để quảng bá thông tin bản đồ của nước ta. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao nhiệm vụ này cho Cục Đo đạc và bản đồ, cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, thực hiện sớm nhất. Như ở trên đã nói, cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ cần quan tâm nhiều hơn tới nhiệm vụ quảng bá thông tin bản đồ chính thống của quốc gia tới cộng đồng quốc tế bằng nhiều phương tiện chuyển tải thông tin khác nhau, trong đó có bản đồ trực tuyến trên mạng Internet. Muốn mọi người trên thế giới hiểu nhiều hơn về mình thì mình phải công khai thông tin chính thống về chính mình. Đây là cách "mở lòng" tốt nhất trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay. Nghề bản đồ của nước ta đã có đủ dữ liệu mới nhất, có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ công nghệ cao để trong vòng vài tháng có thể đưa ra được một hệ thống bản đồ trực tuyến đầy đủ thông tin và dễ tiếp cận. Trên thực tế, các nhà quản lý đo đạc và bản đồ nước ta vẫn còn đang luẩn quẩn với tư duy quản lý của thời kỳ bao cấp, chạy theo mấy chuyện phê duyệt dự án, phân phối kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, xét duyệt việc thể hiện biên giới lên bản đồ, nghiệm thu sản phẩm, rồi cất vào kho... Có lẽ đây là nguyên nhân chính làm cho chúng ta chưa có hệ thống bản đồ trực tuyến đầy đủ của Việt Nam, làm cho thông tin về biên giới quốc gia của ta trên đất liền cũng như trên biển cứ bị "méo mó" trên các ấn phẩm bản đồ của cộng đồng bản đồ quốc tế. Quảng bá thông tin bản đồ trên những ấn phẩm "bắt mắt" là một nhiệm vụ rất quan trọng trong kỷ nguyên thông tin hiện nay. Việc quảng bá này có thể bằng con đường ngoại giao chính thống của Nhà nước và cũng có thể bằng con đường ngoại giao nhân dân thông qua các tổ chức phi chính phủ hoặc doanh nghiệp hoặc các cơ quan khoa học, đào tạo. Cộng đồng bản đồ thế giới sẽ rất hoan nghênh và rất ủng hộ khi mỗi đất nước đều công khai thông tin bản đồ chính thống của mình. Thông tin chân thực về biên giới lãnh thổ có sức thuyết phục rất lớn, từng bước ăn sâu vào tiềm thức của mọi người. Quyền lực được xác lập bằng vũ lực đã dần trôi qua cùng lịch sử. Thế giới đang trải qua một giai đoạn quyền lực được thực hiện bằng tư bản. Trong kỷ nguyên thông tin hiện nay, quyền lực được xác lập bằng tri thức gắn với thông tin. Quảng bá thông tin bằng ngôn ngữ bản đồ là một cách thức chuyển tải thông tin rất hiệu quả, không cần đọc nhiều mà lại dễ nhớ. Ai quảng bá được nhiều thông tin hay sẽ kéo được tri thức nhân loại về phía mình. Đây chính là điều mà Việt Nam phải làm gấp vì một tầm nhìn dài hạn để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. ĐHV Nguồn: Bee.net.vn |
Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011
Ai làm "méo" thông tin về biên giới lãnh thổ Việt Nam?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét