Người đứng đầu chính phủ Việt Nam vừa có cuộc họp chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô với một số chuyên gia kinh tế tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Tấn Dũng và thường trực chính phủ đã "làm việc với các nhà khoa học, các chuyên gia" nhằm tìm giải pháp cho các bất ổn của kinh tế vĩ mô, báo trong nước đưa tin.
Trong quý 1/2011, chính phủ dự định sẽ công bố một nghị quyết ứng phó tình hình, kèm theo là đề án tổng thể về cách giải quyết các vấn đề nổi cộm như tỷ giá, nhập siêu và lạm phát.
Về giải pháp giảm bớt sức ép với tỷ giá, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN cho hay chính phủ đặt mục tiêu giảm cung tiền 100.000 tỷ đồng trong năm nay.
Điều này tương đương với giảm nhập siêu từ 3 đến 4 tỷ USD để bớt áp lực lên tỷ giá, ông Nguyễn Văn Giàu cho báo Sài Gòn Giải Phóng hay.
Giải pháp
Cũng theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chính phủ đã đồng ý 4 giải pháp liên quan đến tài khóa để giảm tổng cầu trong xã hội.
Nói một cách dễ hiểu hơn là giảm lượng tiền trong lưu thông.
Đó là giữ cho bội chi ngân sách không quá 5 phần trăm, con số này được cho là "thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đưa ra".
Sau đó là giảm lượng tiền đổ vào các dự án công, chuyển bớt một số dự án của 2011 sang năm sau.
"Công trình nào hiệu quả không cao sẽ dừng lại," ông Giàu được trích lời nói.
Kế đến là tiết kiệm ngân sách, giảm các khoản chi thường xuyên khoảng 10 phần trăm.
Tăng tín dụng trong năm 2011 sẽ ở mức dưới 20 phần trăm, thay vì 23 phần trăm đã được đồng ý trước đó.
"Nếu giảm tổng cầu khoảng 100.000 tỷ, trong đó khoảng 30% - 40% là nhập khẩu thì tự khắc sẽ giảm nhập siêu 3 - 4 tỷ USD, tạo được tác động tốt cho thị trường ngoại hối và chính sách tỷ giá”, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu được báo Việt Nam trích lời nói.
Ý kiến
Một số độc giả của Thời báo Kinh tế Việt Nam tỏ ý ngờ vực các biện pháp 'hạ nhiệt' tỷ giá của chính phủ.
Cây viết Hoàng Phương Bình cho rằng nguyên nhân hàng đầu khiến vật giá gia tăng tại Việt Nam là do chính sách tiền tệ và tỷ giá.
Giải quyết được hai vấn đề này hợp lý sẽ kiềm chế được lạm phát.
Giảm cung tiền là điều cần thiết, và nên giảm ở những lĩnh vực không hiệu quả, như đầu tư công chẳng hạn.
"Không nên giảm cung tiền tại những lĩnh vực đang đầu tư có hiệu quả, vì như thế sẽ gây ra lạm pháp kép," độc giả viết
Cạnh đó Việt Nam cần có những biện pháp điều hành tỷ giá linh hoạt theo qui luật thị trường,
"Không nên có những biện pháp quá hành chính tạo tâm lý nhà nước đang neo giá USD,
"Vì neo giá thì đến một lúc nào đó cũng sẽ bung và như thế gây ra tâm lý đầu cơ," độc giả Bình nhận định.
Mối liên hệ giữa đầu tư công, với nhiều dự án không hiệu quả và lạm phát gia tăng đã được nhiều người mổ xẻ. Có người nói đến khủng hoảng niềm tin của người dân vào đồng tiền của Việt Nam.
"Việc VND mất giá lúc này như lửa cháy, việc cắt giảm chi tiêu công và giảm tăng trưởng tín dụng như giải pháp chữa cháy, vừa cố gắng dập lửa và điều quan trọng là giải pháp để lấy lại niềm tin," tác giả Trần Trung nhận định.
Giải pháp để chữa cháy tận gốc, đó là nâng cao tính hiệu quả của đồng vốn bỏ vào các tập đoàn nhà nước. Ví dụ, độc giả muốn biết Tập đoàn Điện lực (EVN) nhận bao nhiêu tiền của nhà nước, mang đi kinh doanh trong những lĩnh vực nào, trong khi vẫn đòi tăng giá điện.
"Đầu tư cho ngành điện là vô cùng lớn, chúng ta tăng giá điện để lấy nguồn thu từ dân để đầu tư nhưng hoạt động đầu tư đấy có lãng phí không, có hiệu quả không thì không thấy công khai gì cả," ông Trần Trung tỏ ý quan ngại.
Độc giả cho rằng khoản đầu tư của nhà nước và hoạt động của các tập đoàn (như EVN, Vinalines, VN Airlines) không thuộc diện cần giữ bí mật.
"Chúng nên được công khai trong các kỳ họp của Quốc hội một cách sớm nhất."
Trước tin EVN tăng giá điện, cây viết Hoàng Phương Bình muốn thấy chính phủ tạo môi trường cạnh tranh trong những ngành độc quyền, nâng cao hiệu quả của tâp đoàn, giảm bớt gánh nặng cho nhà nước trong lúc khó khăn về giá.
"Chứ không phải cứ té nước theo mưa trong hoàn cảnh thế này."
bbc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét