Chỉ huy trưởng Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ nói đang thảo luận với phía Việt Nam về các cuộc viếng thăm và hoạt động chung trong năm nay cho dù quân đội Việt Nam nói chưa chủ trương tập trận quốc tế.
Ông Van Buskirk cho BBC hay bên lề buổi nói chuyện về an ninh khu vực Thái Bình Dương ở Hong Kong hôm 21/02: "Trong khuôn khổ CARAT, chúng tôi làm việc với nhiều quốc gia để khuyến khích tập trận chung và chúng tôi sẽ tiếp tục công việc này".
"Một số nhân viên của chúng tôi vừa thăm Việt Nam để thảo luận việc diễn tập chung cũng như các chuyến thăm viếng của tàu chiến Mỹ trong tương lai."
Người đứng đầu hạm đội chủ lực của Hải quân Hoa Kỳ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói thêm: "Hiện các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra nhằm bảo đảm rằng việc hợp tác sẽ được tiếp tục và tôi trông đợi tàu chiến của chúng tôi sẽ có các cuộc viếng thăm hải cảng của Việt Nam trong năm nay và cùng hoạt động chung".
Hồi tháng Tám năm ngoái, Hạm đội 7 đã có nhiều hoạt động cùng hải quân Việt Nam trong chương trình kéo dài một tuần.
Lúc đó, Việt Nam giải thích đây là chương trình đặc biệt "kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao" giữa hai bên.
Thế nhưng, theo lời Phó Đô đốc Van Buskirk nói ở trên, dường như Hoa Kỳ tiếp tục theo đuổi một kế hoạch hợp tác chặt chẽ và sâu rộng hơn với quốc gia cựu thù.
Thái độ dè dặt
Ngược lại, Việt Nam tỏ một thái độ khá dè dặt trước lời mời nhiệt tình của phía Hoa Kỳ, ít nhất là trong các phát biểu công khai trên báo chí.Tuần trước, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh nói trên báo Quân đội Nhân dân rằng Việt Nam "chưa nhận được lời mời tham gia tập trận CARAT của Hoa Kỳ tại khu vực một cách chính thức".
Trung tướng Vịnh cũng khẳng định nhiều lần rằng "cho đến thời điểm này, Việt Nam không tham gia các cuộc diễn tập quân sự".
Một bình luận gia tình hình khu vực tại Hong Kong, đề nghị giấu tên, nhận xét rằng thái độ này có lẽ bắt nguồn từ việc Hà Nội không muốn rắc rối với Bắc Kinh.
"Chính phủ Việt Nam dường như cảm thấy đã đến giới hạn của sự cân bằng giữa việc thúc đẩy hợp tác với Hoa Kỳ và quan hệ với Trung Quốc."
Bình luận gia này nói thêm rằng điều đó không có nghĩa các cuộc thảo luận không được tiến hành trong phòng họp kín.
Phát biểu trước cử tọa của Hội Á châu (Asia Society), ông nhấn mạnh về sự tăng cường năng lực của Hạm đội 7.
Với 70 chiến hạm, trong có hàng không mẫu hạm tối tân sử dụng năng lượng hạt nhân USS George Washington, và 300 chiến đấu cơ, ông Van Buskirk nói chính phủ Mỹ không tiếc tài chính cho việc đầu tư vào hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương.
Ông phó đô đốc liệt kê các hoạt động nâng cấp hạm đội về cả số lượng và công nghệ, nhất là năng lực tàu ngầm.
Thông điệp cho Bắc Kinh?
Bài phát biểu của ông Van Buskirk chứa đựng nhiều chi tiết mà một nhân vật trong cử tọa nhận xét giống như lời cảnh báo với một nước lớn khác trong khu vực.Ông phó đô đốc nói: "Năm ngoái chúng tôi đã mang vào sử dụng lần đầu tiên tàu ngầm hạng Virginia, USS Hawaii, loại tàu ngầm được chế tạo đặc biệt để hoạt động trong các vùng biển nông, có khả năng tấn công trên bộ, thu thập thông tin tình báo và được trang bị hệ thống dò âm cao tần có thể truy tìm tàu ngầm loại yên lặng nhất của đối phương."
"Nay chúng tôi đưa thêm vào tàu ngầm SSGN hạng Ohio, và bất cứ lúc nào tại khu vực này cũng có hiện diện của ít nhất là một chiếc loại cực kỳ hiện đại này."
"Tàu ngầm SSGN có thể mang theo tới 154 hỏa tiễn tấn công mặt đất Tomahawk và 66 đặc nhiệm Navy SEALs để hỗ trợ các hoạt động bí mật trên bờ."
Tuy nhiên sau đó, Phó Đô đốc Scott Van Buskirk tuyên bố: "Chúng tôi không cho Trung Quốc là đe dọa trực tiếp".
Chỉ huy hải quân Mỹ dù vậy bày tỏ hy vọng, rằng Trung Quốc sẽ phát triển hải quân của mình một cách hòa bình và "xây dựng".
"Chúng tôi hy vọng một cách chân thành rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển hải quân, mà sắp tới có thể có cả hàng không mẫu hạm, một cách có trách nhiệm và có tính xây dựng."
Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương là tối quan trọng để kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét