Các làng nghề tơ tằm dệt lụa nổi tiếng xứ Quảng như Đông Yên, Thi Lai, Hà Mật, Mã Châu… tôn xưng bà Đoàn Quý Phi là Bà Chúa tằm tang. Giai thoại về bà gắn với mối tình duyên tuyệt đẹp cùng Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1601-1648), để câu hát trên triền dâu xanh ngắt nỗi niềm “thiếp thương phận thiếp…”
Hái dâu. Ảnh: ĐÌNH LẠC |
Tiếp bước người xưa, cụ Nghè Diễn (tên thật Võ Dẫn, 1897-1975, quê làng Thi Lai - Duy Xuyên) đã góp công lớn khi cải tiến khung dệt gỗ truyền thống và được tôn vinh là ông tổ của ngành dệt may xứ Quảng. Từ đó, ngành dệt phát triển theo bước Nam tiến của con dân Quảng Nam. Đặc biệt, có một “Quảng Nam giữa Sài Gòn” - làng dệt Bảy Hiền, được hình thành. Những người đầu tiên đến lập nghiệp tại vùng Bảy Hiền như Hồ Viết Thanh (Chín Viết), Hồ Non (khoảng 1956-1957), Huỳnh Đắc Thi, Lê Hoành, Võ Lẫm, Võ Đảo, Phan Thanh Quang, Hồ Trung, Hồ Thơ, Hai Trúc, Ba Ngàn... (khoảng 1958-1959), và từng có nhà hồ sợi “Quảng Nam Hưng” nổi tiếng. Những năm 60 của thế kỷ trước, làng dệt Bảy Hiền cạnh tranh mạnh với giới sản xuất và kinh doanh hàng dệt Hoa Kiều.
Ngày nay, có giai đoạn, khu vực Bảy Hiền chiếm 1/3 sản lượng hàng dệt của quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, và cơ sở dệt may của người Quảng chiếm đa số trong hơn 6 nghìn doanh nghiệp dệt may nơi đây.
BẢO TRÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét