Báo Việt Nam vừa đăng bài ca ngợi vẻ đẹp của thác Bản Giốc, nhưng nói đây là "cảnh quan thiên nhiên" của Trung Quốc.
Bài giới thiệu thác Detian (Đức Thiên) mang tựa đề 'Thác nước Detian - thiên đường chốn hạ giới', dịch từ trang mạng Sina, được đăng trên báo Lao Động điện tử và tới sáng thứ Tư 23/02 vẫn còn hiển thị trên mạng.
Cũng giống như bản gốc tiếng Trung, bài báo tiếng Việt ca ngợi dòng thác là một trong những "cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời nhất đất nước Trung Hoa", nằm ở "thị trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc".
Bài này nay đã được ban biên tập Lao Động gỡ xuống nhưng cũng đã gây ra phản ứng bất bình trong một số độc giả, những người cho rằng đây là sơ xuất của biên dịch và biên tập tờ báo.
Không chỉ Lao Động, mà trước đó một số báo khác trong nước cũng đăng thông tin về 'thác Detian' mà không biết đây chính là thác Bản Giốc.
Điều này cho thấy sự bất cẩn của một số báo trong khi viết về những chủ đề nhạy cảm như biên giới lãnh thổ.
Hồi tháng 9/2009 báo điện tử Đảng Cộng Sản VN đăng tin Hải quân Trung Quốc diễn tập tại Biển Đông lấy nguồn báo Hoàn Cầu, Phượng Hoàng của Trung Quốc, với nội dung trái với lập trường của Việt Nam về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau vụ này, Tổng Biên tập báo Đào Duy Quát đã bị khiển trách.
Ngọn thác Bản Giốc từng là một trong các điểm tranh cãi trong quá trình phân định biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, trước khi hai bên hoàn tất quá trình phân giới cắm mốc vào phút chót năm 2008.
Thác đẹp của Việt Nam
Thác Bản Giốc là một trong những thác đẹp nhất Việt Nam, nằm tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.Thác là một phần của sông Quây Sơn được chia làm 2 phần, thác chính và thác phụ.
Theo thỏa thuận biên giới đất liền giữa hai nước, thác phụ nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam còn thác chính được hai nước Việt Nam và Trung Quốc cùng khai thác.
Tranh chấp với Trung Quốc về thác Bản Giốc bắt đầu từ những năm 1974-1975 nhưng lên cao vào năm xảy ra cuộc chiến biên giới 1979.
Cơ sở để chia đôi phần thác chính là việc tính mốc bắt đầu từ cột mốc 53 cũ được dựng lên từ cuối thế kỷ 19 sau khi người Pháp và Nhà Thanh ký kết hiệp định phân chia biên giới.
Sự chia sẻ thác Bản Giốc được thống nhất như một phần của "gói thương lượng" gồm thác này và bãi Tục Lãm trên tinh thần mà chính phủ Việt Nam nói là "hiệp thương hữu nghị thẳng thắn".
Tuy nhiên một bộ phận người Việt vẫn tỏ ra bất bình trước việc thác Bản Giốc nay có phần thuộc về Trung Quốc.
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét