Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

“cổ tích” Diệt kình ngư ngòai Đông Hải

11122679-song6 Muốn chém được cá kình thì biển Đông phải dậy sóng! Tòan dân thiên hạ, già trẻ gái trai đều phải đồng lòng. Mỗi người đều nhất lọat ném đá đuổi bầy cá dữ . Nhỏ thì ném một viên sỏi, lớn thì bẩy cả trái núi to xuống biển. Khi ấy, Đông Hải sẽ xuất hiện đại sóng thần. Bão táp phong ba nổi lên giận giữ sục sôi. Khi ấy, không một lòai Kình ngư nào có thể bức hiếp được nước non này-


          Ngày ấy, ngư dân miền Trung nước Việt đang sống an bình, ngày ngày ra khơi đánh cá. Tôm cá nhiều vô kể, cứ đến mùa là hàng đòan thuyền đánh cá họp nhau lại cùng ra khơi. Khắp mặt biển xanh vang câu hò câu hát. Họ cùng nhau ra biển của mình, sống chết có nhau cùng nhau hợp lực vẫy vùng với sóng to gió lớn, cùng sẻ chia những mẻ cá lớn cá nhỏ. Thuyền về cá đầy khoang, nhà nhà đều vui vẻ. Cả vạn chài sung túc no đủ vui vẻ chan hoà. Hàng năm, cứ đến mùa biển lặng, Vua lại cử cả một hải đòan ra tuần thú ngoài đảo cát xa xôi tế lễ tiền nhân ngàn đời đã mở mang trông nom đảo qúy đem về bao sản vật trời ban cho dân Việt…
          Cuộc sống đang an bình, thế rồi, mấy tay anh chị trong vạn chài tách đòan đi đánh lẻ, tự nhiên chúng vớ được những đàn cá lớn và trở nên giàu có. Chúng bỏ tiền đóng thuyền to, thuê những tay chài nghèo khó lực lưỡng lặn sâu mò san hô ngọc trai và bao sản vật qúy dưới lòng biển khơi. Quăng lưới lớn, câu dài bắt cá to. Chúng ngồi hưởng lộc trời của muôn dân mà chẳng phải làm gì. Từ đấy, vạn chài đang thanh bình bỗng trở nên lục đục. Người người ra khơi nhưng mạnh ai nấy đánh. Thấy luồng cá to thì ngấm ngầm vơ vét mà chẳng báo cho bạn chài hay, Đánh được bao cá, mò được bao ngọc chẳng ai kiểm sóat. Chúng chỉ dâng lễ cho quan trên rồi hưởng một mình mọi báu vật của thiên hạ. Kẻ thì trở nên giàu nứt đố đổ vách, người thì nghèo xác nghèo xơ. Đội thuyền tan tác. Nhiều thuyền gặp sóng cả gió to nhưng đi lẻ loi nên bị sóng dữ nhận chìm chẳng có bạn chài nào cứu vớt. Xóm chài tuy có khang trang lên chút đỉnh nhưng không còn cái không khí vui tươi chan hòa như ngày nào. Kẻ thì nhà cao cửa rộng nghênh nghênh ngang ngang, người thì túp lều che thân cũng không đủ chỗ mà chui mà rúc lại bị lũ cường quyền trong thôn trong xã thi nhau quấy nhiễu hạch sách đủ điều.
          Bỗng một hôm, đang trời yên biển lặng, tàu ra khơi xa buông câu thả lưới, chợt ầm ầm có cơn sóng lớn bất thần xuất hiện. Dân chài hỏang hốt thấy từ phương Bắc lừ lừ một lũ kình ngư cao to như những trái núi di dộng đang lao thẳng vào những con thuyền yếu ớt, nhỏ bé. Tàu bè vỡ tan, chúng nuốt chửng những khoang cá đầy ắp mà mất bao ngày cật lực mất bao công sức mới gom góp được. Từ đấy, cả vạn chài mất ăn mất ngủ. Những ngư dân sống sót trở về họp nhau lại bàn cách ứng phó. Mấy tay chài sừng sỏ nhiều kinh nghiệm bày kế “ Kình ngư to là thế nhưng không đáng sợ. Chúng tham ăn lắm . Hễ thấy , ta cứ cho nó lại gần, thủ sẵn kiếm sắc giáo nhọn, thừa cơ nó há mồm đâm tàu, anh em ta chui vào miệng nó dùng giáo mác mà đâm thủng sọ, phanh thây xé xác chúng ra liệu chúng làm gì nổi ta? To xác mà tham lam cũng không đáng sợ. Chỉ lo mình có dám quyết tâm sống mái với chúng hay không mà thôi. Nếu thuyền nào cũng đồng lòng thì Kình ngư có to, có khỏe đến mấy ta cũng diệt hết?”. Lại có kẻ hèn hạ xúi: “ Thôi nó to , nó khỏe như thế, mình đánh nó thì khác nào như trứng chọi đá. Đánh làm sao được? Gặp kình ngư thì cứ qùy xuống mà vái rồi dâng cả khoang cá cho nó. No bụng rồi xin nó tha cho mà về. Đi kiếm mẻ khác vậy. Miễn là mình còn thuyền còn, thì cá còn”…
          Nói là làm. Mấy ngư phủ dũng mãnh nhất vạn chài rút cuộc tuy có giết được một hai Kình ngư nhưng vài người dũng mãnh nhất cũng đành ngậm ngùi nằm trong bụng cá. Những tay hèn hạ dâng cả khoang thuyền đầy cá cũng chẳng được an thân. Nuốt sạch cá, lũ Kình ngư nuốt luôn cả kẻ hèn hạ đang qùy lạy vừa dâng cả thuyền cá đầy ắp cho chúng.
          Đội chiến thuyền của nhà vua có nhiệm vụ ra đảo xa tuần thú cũng vô cùng hoang mang lúng túng. Gửi sớ tâu vua ba lần bảy lượt mà chẳng được vua cho chỉ dụ đối phó. Các quan vội vã cử người về tận triều đình cấp báo.
          Đang ngồi uống rượu xem chọi gà, nghe hát với lũ cận thần và mỹ nữ, nghe tin dữ, vua đang nâng chén rượu bỗng mặt biến sắc. Tay run run, ngài hỏi đi hỏi lại có đúng là như vậy không? Vua phán: “Quái lạ! từ xửa từ xưa tiên đế ta đã cưỡi cơn sóng dữ chém sạch lũ kình ngư rồi cơ mà ? Sao lại có Kình ngư mới xuất hiện là thế nào?” Ngài vội vã triệu tập quần thần để tìm kế sách đối phó. Lũ cận thần đang say ngất nga ngất ngưởng trong men rượu nồng, máu chọi đang phừng phừng trong hiệp chọi dang dở, hốt ha hốt hoảng đóng khăn áo vào triều bàn nghị sự.
          Nhà vua thuật lại sự tình rồi hỏi lũ cận thần kế sách. Lũ cận thần gần vua nhất thì lúng ba lúng búng chẳng biết nói năng ra sao. Có vài kẻ nhìn trước nhìn sau mong cho gía ngự sớm kết thúc để vội về ôm nhanh túi vàng bao năm vơ vét được cùng vợ con đào tẩu thóat thân. Một vài trung thần thì xúm lại bàn tính và xem xét lại những kinh nghiệm mà tiên đế thủa xưa đã diệt kình ngư ra sao hầu mong gỡ được thế bí…
          Vua nhớ lại tích xưa, khi giặc nhà Ân xâm lăng bờ cõi, tiên đế đã sai sứ giả mang loa đi rao khắp thiên hạ mong tìm được người tài ra cứu nước. Rút kinh nghiệm xưa, sứ giả đi đến những nhà có trẻ con mong tìm ra được những trẻ lên ba như Thánh Gióng bỗng bật dậy biết nói xin ra cứu nước . Tìm mãi mà chẳng thấy trẻ nào? Có mấy đứa xung phong noi gương Thánh Gióng nhưng lại không biết cầm cây gậy tre chứ đừng nói gì đến cung đến kiếm bởi chẳng ai dạy. Thấy vũ khí là run bởi trẻ con bấy giờ bị cấm ngặt. Sứ giả đi đến đâu cũng rặt một tin đồn: “ Cứ tìm đến ngư ông trăm tuổi mà hỏi”. Đi khắp nơi mà chẳng tìm được ai ngòai câu trả lời “Ngư ông trăm tuổi”…
          Nhà vua ủ rũ lo lắng. Suốt bao tháng trời mà lũ Kình ngư vẫn không ngừng tác oai tác quái. Mỗi ngày chúng lại hãm hại thêm nhiều ngư dân. Không những thế, chúng còn định phá cả thuyền bè nhà cửa trong bến nữa.
          Bỗng một đêm, Hòang thượng mơ thấy ngư ông từ dưới biển Đông hiện lên trong ánh hào quang rực rỡ . Tiên ông ôn tồn hỏi “ Nhà ngươi lại có chuyện gì cần đến ta chăng?” Hòang thượng qùy xuống phủ phục dưới chân tiên ông và chợt ngộ ra mình đã có nhiều lần gặp ngư ông và nghe ngài cảnh báo nhiều điều nhưng lúc ấy vua bỏ ngòai tai. Nay trong lúc tâm trí rối bời, ngài cầu mong mong xin tiên ông tha thứ và cho kế sách chống lũ Kình ngư tàn ác đang tác oai tác quái ngòai Đông Hải và khắp nơi.
          Tiên ông dõng dạc truyền vang như tiếng sấm rền ngòai biển Đông: “Nhà ngươi quên cả rồi sao? Muốn chém được cá kình thì biển Đông phải dậy sóng! Tòan dân thiên hạ, già trẻ gái trai đều phải đồng lòng. Mỗi người đều nhất lọat ném đá đuổi bầy cá dữ . Nhỏ thì ném một viên sỏi, lớn thì bẩy cả trái núi to xuống biển. Khi ấy, Đông Hải sẽ xuất hiện đại sóng thần. Bão táp phong ba nổi lên giận giữ sục sôi. Khi ấy, không một lòai Kình ngư nào có thể bức hiếp được nước non này”. Nghe lời truyền, nhà Vua bỗng nhớ tới lời tiên đế dạy từ đời xửa đời xưa. “Đẩy thuyền cũng nhờ dân! Lật thuyền cũng do dân”.
          Hòang thượng vã mồ hôi, người lạnh tóat tỉnh cơn mê. Ngài bỗng ngộ ra một chân lí mà ai cũng biết nhưng chỉ có những người tài hiền mới làm nổi mà thôi.
VŨ THẾ LONG
3 giờ sáng 13 - 6 – 2011

Không có nhận xét nào: