Có người nói việc Trương Duy Nhất trả thẻ nhà báo là không khôn ngoan nhưng blogger “Một góc nhìn khác” thẳng thắn “tôi không chọn cách khôn ngoan”. Anh bày tỏ quan điểm: Báo chí nếu biết bắt tay với blog sẽ tăng thêm sức mạnh cho chính báo chí. Bởi trong xã hội hiện đại, sự phát triển của Internet, blog, mạng xã hội là xu thế tất yếu, không thể cưỡng lại được- Bài phỏng vấn Trương Duy Nhất của VTC.
- Sau một thời gian chia tay với Báo chí, anh cảm thấy thế nào?
- Đôi lúc cũng nhơ nhớ, nhưng không tiếc. Blog cho tôi cảm xúc và niềm hứng khởi mới thú vị hơn.
- Với trang weblog của mình, mỗi ngày anh viết lách như thế nào?
- Tôi viết tùy sự kiện, tùy thông tin, chứ không phải cái gì cũng viết. Mình có giỏi giang chi mà ham hố cho lắm và cái chi cũng nhảy vào. Có ngày hứng tôi post liền mấy bài. Lại có khi cả tuần bạn đọc nhắn hỏi tới tấp nhưng tôi không post bài nào. Sự thể nào tôi thấy nhìn theo... cách khác được thì viết, chứ không chạy theo số lượng. Tất nhiên, nếu sau này có tiền tuyển được “phóng viên” thì tôi sẽ cập nhật bài vở mỗi ngày kiểu như nhật báo.
- “Tôi không coi trang blog của mình là một chiếu rượu hay giản đơn là một cuộc chơi bông lơn. Tôi lập và viết blog với ý thức trách nhiệm hơn cả… viết báo! Tôi chăm chút đêm ngày từng câu chữ, từng dấu phẩy, từng vết vệt xước, cẩn trọng, nâng niu, và cũng đã từng… khóc khi nhìn nó biến mất trên màn hình sau mấy vụ tin tặc cướp đoạt mật khẩu và xóa sạch cách đây vài tháng”. Điều gì khiến anh yêu blog của mình đến vậy?
- Đơn giản thôi, vì tôi nghỉ làm báo rồi, giờ chỉ còn... blog thôi. Blog là tài sản của tôi và tôi coi trang blog là tờ báo của mình.
- Lại nói về chuyện trả thẻ. Anh nói quyết định trả thẻ nhà báo có từ mấy năm trước, nó đến khá nhẹ nhàng, nhưng tôi nghĩ có lẽ anh đã trải qua nhiều suy nghĩ, đắn đo thậm chí dằn vặt?
- Vâng, đắn đo dằn vặt là tất nhiên. Nhưng quan trọng là biết chọn cái gì và bỏ cái gì.
- Anh không rời bỏ nghiệp này sớm hơn khi còn trẻ mà chọn ở tuổi này phải chăng cũng là một sự lựa chọn có sự tính toán cẩn thận?
- Đơn giản thôi. Bởi bây giờ có blog. Mà trang blog của tôi có khác và thua gì một trang báo điện tử đâu? Thậm chí còn thu hút được sự quan tâm của một lượng bạn đọc lớn hơn rất nhiều trang báo điện tử.
- Giá thử không có blog, mạng xã hội. Anh có tiếp tục làm báo và viết những điều có thể muốn hoặc không muốn viết không?
- Internet, mạng xã hội và blog là sự phát triển tất yếu, không thể... giá như hay giả thử được!
- Chính báo chí đã làm nên tên tuổi của anh. Giờ đây anh quay lại kêu gọi “hỡi bạn đọc, đừng đọc báo, hãy đọc blog. Mỗi sáng thức dậy thay vì mất tiền mua báo để rồi đọc xong mất công... văng tục, hãy tập cho mình thói quen mở máy đọc blog. Vừa không mất tiền, ngồn ngộn thông tin, lại cho bạn niềm tin và sự hứng khởi”. Tại sao vậy?
- Là cách nói thôi. Thật ra, chẳng ai kêu gọi được ngoài việc chính báo chí đang tự quay lưng với bạn đọc. Nếu báo chí cứ theo lối “cung đình”, không chịu tự làm mới mình, họ sẽ mất dần bạn đọc. Mỗi sáng, ra đứng trước các sạp báo sẽ nghe bạn đọc họ than vấn thế nào về báo chí. Đà này, cứ tờ nào cũng na ná như nhau thì bạn đọc không quay lưng mới là chuyện lạ.
- Với anh, Báo chí có giống một cuộc hôn nhân vừa đổ vỡ, còn blog là một người tình không hôn thú? Liệu với blog có bắt đầu say mê như đã từng với báo chí và kết thúc bằng một cuộc chia tay đầy chỉ trích hay không?
- Không thể nói trước điều gì được. Nhưng báo chí cứ nhàn nhạt như thế này thì quyết định ly dị như tôi đã làm là điều không thể tránh khỏi. Tôi không thích cột trói mãi vào điều mình đã chán. Thế giới mạng có nhiều cách truyền tải thông tin mà tôi tin rằng nếu ai có tài, có tâm huyết, trách nhiệm và sự đam mê thì không nhất thiết phải vào biên chế vẫn có thể làm báo được theo cách của mình.
Nhiều người cứ hay gọi chính thống, ngoài luồng. Tôi không thích phân biệt vậy. Mà có muốn cũng không thể phân xếp được trong xu thế mạng ào ào, ngồn ngộn như hiện nay. Có thể không phải là chính thống. Có thể chỉ là một trang weblog cá nhân, nhưng cứ thử nhấn chuột vào xem, có khi nó còn đẹp, hay, hấp dẫn và hữu ích hơn rất nhiều những trang báo điện tử luôn vỗ ngực khoe là... chính thống! Qua nhiều sự thể vừa rồi, điều dễ thấy là hiệu ứng xã hội từ blog đem lại và tạo ra nhiều khi đã lớn hơn và bỏ xa báo chí.
Tôi có cảm giác báo chí ta hài lòng với sự cột nhốt mình, trong khi báo chí hiện đại thế giới lại đang hướng tới xu thế bung ra để hợp tác với blog. Blog, đặc biệt là các trang có thương hiệu và lượng truy cập lớn đang trở thành mục tiêu hợp tác, thậm chí mua nhượng hấp dẫn trong mắt những tập đoàn truyền thông. Không ít các tờ báo và tập đoàn truyền thông lớn đang tìm cách hợp tác với các blogger để chia sẻ lượng độc giả, và thậm chí cả lợi nhuận. Các trang blog đã trở thành một bộ phận không thể thiếu, gắn kết với trang báo chủ làm tăng lượng thông tin, tính đa chiều và hút một lượng độc giả lớn hơn.
Tôi nhớ lâu rồi, trong một bài trả lời phỏng vấn đăng trên TuanVietnamnet ngày 31/10/2007, bà Robin Sproul, Phó Chủ tịch hãng truyền hình ABC News, Giám đốc chi nhánh ABC News tại Washington DC đã chia sẻ: “Ở Mỹ, blog là một nhánh của truyền thông. Hãng truyền hình ABC News đã thử nghiệm điều này. Các nhà báo theo dõi một sự kiện lớn vừa diễn ra, xử lý và biến chúng thành những đoạn tin thời sự có thể được phát sóng trên TV, radio, và cả trên ABC News. Nhưng rồi, họ có blog riêng. Và họ biến blog của mình thành một nơi để đưa ra một góc nhìn khác về chính sự kiện mà họ và các đồng nghiệp của mình vừa đưa tin.
Điều này giống như khi họ giả định: “Tôi đã đưa tin theo cách này, nhưng câu chuyện này có thể được nhìn theo một góc khác, như sau…”. Và thế là, lại thêm một lần nữa, họ tác nghiệp, ở một góc nhìn khác, ở những chi tiết “bên lề” mà họ lượm lặt được. Câu chuyện trở nên đa chiều, hấp dẫn và đầy đủ hơn.
Không phải tất cả, nhưng hầu hết các nhà báo đều có blog. Kết quả là bạn đọc được lợi. Độc giả và người xem còn có thể hiểu hơn về các nhà báo. Để biết “Các nhà báo nghĩ gì về tin này?” – Hãy đọc blog của họ.
Không phải ai cũng có một tờ báo riêng. Nhưng với blog, ít nhất họ cũng có thể “xuất bản” ý kiến cá nhân. Trong tương lai, không thể chỉ có một cơ quan truyền thông chính thống. Thế giới truyền thông chắc chắn sẽ rất đa dạng. Trong đó có blog".
Cơ hội hợp tác này, nếu biết cách làm và làm được, báo chí sẽ mạnh hơn nhờ... blog!
- Có người nói việc anh trả thẻ nhà báo là không khôn ngoan, anh có thể vừa làm báo vừa viết blog kia mà. Anh nghĩ sao?
- Tôi không chọn cách “khôn ngoan”, không thích làm báo theo kiểu “đu dây giữ thăng bằng”.
- Có lần anh đã khẳng định “Tôi chọn phương cách nghỉ làm báo để viết được những điều mình cần viết, không có nghĩa là chiều theo những đoán suy tiêu cực, phản động, chống phá chế độ. Trương Duy Nhất không phải là trang lề trái, càng không phải là trang phản động hay kích động sự thù hằn, chống phá chế độ. Trương Duy Nhất là trang lề phải và viết theo lẽ phải!” và nói “Nếu không có quyền nói (viết) tất cả những điều mình muốn, thì… nghỉ làm báo để viết được những điều mình cần viết!” Nhưng những điều anh “cần viết” liệu có khi nào vô tình mấp mé giữa lề trái và lề phải hay không, bởi đôi khi ranh giới mong manh lắm vả lại có lúc nào điều anh muốn viết, cần viết cũng không thể viết ngay cả trên blog?
- Trái phải là tùy ở cách nhìn. Cũng có người nói: làm báo như đi trên dây thăng bằng, nó cho phép tròng trành nhưng không được ngã. Mà chỉ người nào giỏi thì mới không ngã. Tôi không nghĩ thế, ngược lại tôi cho đó là quan điểm và cách nhìn cơ hội. Tại sao lại phải nghiêng bên này lúc ngã bên kia mà không nhảy xuống đường đi cho vững. Tôi thích cách làm báo không phải “giữ thăng bằng” kiểu đó. Và tôi chọn cách nhảy xuống đường, thẳng lưng mà bước.
- Cảm ơn anh đã chia sẻ!
HÀ TRANG thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét