Brittany Damora và Evan Jendruck
SINGAPORE — Những yêu sách chủ quyền hung hăng của Trung Quốc đối với nhiều phần trên biển Hoa Nam, vốn mâu thuẫn với Philippines, Malaysia, Việt Nam, Đài Loan và Brunei, đang đe dọa công cuộc hợp tác trong khu vực nhằm chống lại nạn cướp biển;và làm số vụ tấn công gia tăng – từ đầu năm đến nay là 41 vụ, sau suốt 30 năm qua. Các cuộc tập trận của hải quân với Mỹ tuần này cũng có chương trình luyện tập chống cướp biển, tuy nhiên mục đích chính đã trở thành xác lập chủ quyền.
Vùng biển không có chỗ cho tàu lớn ẩn nấp hay thả neo, cho nên bọn cướp khó hoạt động trong khu vực. Tuy nhiên, những động thái gần đây ở Đông Nam Á, từ việc cướp bóc hàng hóa đến cướp tàu, là diễn biến đáng lo ngại.
Mặc dù điều ấy chỉ cho thấy rằng bọn cướp biển đã phục hồi được các cơ sở của chúng sau trận sóng thần năm 2004, nhưng chúng đang phối hợp tấn công và đang phát triển thêm lên chứ không chỉ dừng ở các vụ cướp bóc tùy tiện.
Số vụ cướp biển ở Đông Nam Á tăng gần gấp đôi vào tháng 5 vừa qua, với 15 vụ – và tháng 6 cũng tương tự. Hiện tại, số vụ việc xảy ra ở Đông Nam Á thấp hơn là ở ngoài khơi Somalia, nhưng gần đây đã có vài vụ cướp tàu và đòi tiền chuộc.
Hồi tháng 5, 8 ngư dân bị bắt ở phía nam Philippines đã được thả sau khi trả tiền chuộc cho một băng cướp sở tại. Như tình trạng ở Somalia đã cho thấy, một khi bọn cướp biển biết là chúng có thể ra yêu sách mà không bị trừng phạt, thì số vụ cướp tàu, bắt cóc người và đòi tiền chuộc sẽ chỉ tăng lên.
49 trên tổng số 218 vụ cướp biển năm 2010 xảy ra ở xứ Somalia vô luật pháp. Con số này có thể không lặp lại ở châu Á, nơi luật pháp được thực thi tốt hơn. Tuy nhiên, các vụ việc như vụ bắt cóc tàu Philippines chắc chắn vẫn sẽ tăng.
Hiện tại, hầu hết các vụ cướp biển trong khu vực đều có vẻ mang tính chất tùy tiện, cướp được gì thì cướp, thường là chôm đồ từ các tàu neo đậu trong cảng như cảng Jakarta ở Java và cảng Samarinda ở Borneo.
Eo Singapore và eo Malacca từng là khu vực bị tấn công nhiều nhất – nằm trong số những tuyến đường biển quan trọng nhất và đông đúc nhất trên thế giới. Hơn 80.000 tàu qua đây trong năm ngoái, đi đi về về giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Hơn 30% lượng dầu hỏa chuyên chở bằng đường biển cũng được vận chuyển qua hai eo biển này để sang Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thiệt hại kinh tế tiềm tàng là cực kỳ lớn.
Singapore, Indonesia và Malaysia đã phối hợp tuần tra chống cướp biển kể từ năm 2004, năm có 38 vụ cướp biển xảy ra, so với cao điểm 75 vụ trong năm 2000. Ba nước đã giảm được số vụ cướp biển xuống còn 10 trường hợp trong năm 2005, và kể từ đó thì mỗi năm chỉ còn vài vụ – theo số liệu của Cục Hàng hải Quốc tế (International Maritime Bureau). Nhưng số vụ cướp biển đã gia tăng trên biển Hoa Nam: số liệu cho thấy năm 2009 có 13 vụ, năm 2010 có 30 vụ, và năm nay, tính đến giờ phút này, đã có 41 vụ.
11 nước trong Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đều theo Hiệp định Hợp tác Khu vực về Chống Cướp biển và Cướp có vũ trang tàu biển ở châu Á (ReCAAP). Hiệp định này được xác lập năm 2004 và được 17 quốc gia phê chuẩn. Nó khuyến khích việc trao đổi thông tin để chống lại nạn buôn lậu, cướp biển và khủng bố trên biển..
Nhưng ReCAAP lại không có giá trị ràng buộc. Nhiều nước, kể cả Trung Quốc lẫn các thành viên ASEAN, đều muốn một cách phản ứng mạnh mẽ hơn. Singapore ủng hộ các hoạt động trợ giúp trên phạm vi quốc tế để chống lại nạn cướp biển – nhưng Indonesia và Malaysia thì lại phản đối sự can thiệp của nước ngoài.
Một ASEAN đoàn kết sẽ là giải pháp thích hợp nhất cho việc đấu tranh chống cướp biển, nhưng điều này gặp phải rất nhiều vấn đề. Tranh chấp biên giới tiếp diễn giữa Thái Lan và Campuchia đã phá hoại quan hệ hai nước, do Thái Lan phản đối các nỗ lực hòa giải của Indonesia và Philippines. Giao tranh gần đây ở Myanmar giữa quân chính phủ và Quân đội Độc lập Kachin (KIA) càng làm nổi bật thêm tình trạng vi phạm nhân quyền ở Myanmar. Tham vọng hạt nhân của Myanmar, nếu có thực – như bị buộc tội, chắc chắn cũng sẽ phá hoại quan hệ giữa họ với ASEAN. Nạn cướp biển có vẻ như sẽ bị xếp lại để sau sẽ tính.
Các nỗ lực khác để giải quyết nạn cướp biển còn phức tạp hơn thế. Đó là những yêu sách chủ quyền gây tranh cãi trên biển Hoa Nam, kể cả đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Những đụng độ gần đây giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đã hạn chế đáng kể cơ hội hợp tác (mà trước kia từng rất hiệu quả) giữa các nước trên vùng biển tranh chấp, chừng nào tranh chấp chưa được giải quyết hoặc làm dịu đi.
Đến nay, Mỹ đã kêu gọi hợp tác nhiều hơn để chống cướp biển, nhưng họ rất ít có hoạt động hỗ trợ hữu hình nào. Tuy nhiên, các cuộc tập trận chung của hải quân trong tháng cũng có chương trình huấn luyện để đào tạo hải quân chống lại những nguy cơ trong khu vực, chẳng hạn nạn cướp biển. Song, chủ yếu đó là sự thể hiện tình đoàn kết để phản ứng lại các yêu sách của Trung Quốc.
Tiềm năng dầu và khí tự nhiên khổng lồ ở biển Hoa Nam đã đổ thêm dầu vào lửa tranh chấp. Khối các nước ven biển, với diện tích mặt biển 1,3 triệu hải lý vuông, sẽ tìm cách vừa liên minh với nhau, vừa với Mỹ, để làm đối trọng với sức mạnh hải quân đang lên của Trung Quốc.
Tình hình địa chính trị đầy biến động này đe dọa làm tổn hại hợp tác và tạo điều kiện cho bọn cướp biển tiến hành các hoạt động bắt cóc, cướp tàu.
Brittany Damora là chuyên gia tư vấn về rủi ro, làm việc ở Singapore và London. Evan Jendruck là nghiên cứu viên, làm việc cho công ty chứng khoán và phân tích rủi ro quốc tế AKE Group.
Người dịch: Đỗ Quyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét