Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

“Khi thân mật mày mày, tao tao, lúc cãi nhau kính thưa đồng chí”

Tống văn Công

Viết tặng André Menras – Hồ Cương Quyết
1
Sáng nay (7-7-11), chưa nguôi xúc động sau khi đọc bài Một tiếng nói trong nhà của anh, tôi lại đọc một bài của ông Nguyễn Thế Sự, một người Việt có học, bôi nhọ những người Việt yêu nước đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Dù rất mỏi mệt, tôi vẫn viết ngay gửi anh những dòng này.

Khi anh trả lời Phó bí thư Thành ủy Nguyễn văn Đua: “Đồng chí không có nghĩa là cùng trong Đảng. Từ lâu tôi đứng về phía Việt Nam trong mọi cuộc chiến đấu chống lại sự bành trướng và xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Cuộc tuần hành này cũng vậy”, tôi hiểu anh là…! André Menras - Hồ Cương Quyết ơi, tôi định gọi anh là đồng chí, nhưng lại lúng túng, rồi thấy không thể, bởi vì, “Tôi xấu hổ vì anh đồng chí; Vì dùi cui anh giương”!
Có lẽ từ đồng chí đã lâm bệnh trước khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ. Nó lâm bệnh, đúng ra là đã chết khi Trung Quốc nã đại bác vào Liên Xô. Không, có lẽ trước đó nữa, khi Mao Trạch Đông giết Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài như giết chó. Cũng còn trước lâu nữa, khi Stalin cho điệp viên đuổi theo tận Mexico để hạ sát L. D. Trotsky, một nhà lãnh đạo Cách mạng tháng 10, chỉ đứng sau Lénin… Ở Việt Nam không biết tự bao giờ đã có câu thành ngữ: “Khi thân mật mày mày, tao tao, lúc cãi nhau kính thưa đồng chí”. Từ “đồng chí” ở Việt Nam cũng đã lâm bệnh mạn tính. Người ta bắt đầu sáng tạo một từ mới “đồng thuận” để tìm sự gật đầu cho những chủ trương khó nuốt. Các nhà ngôn ngữ học chưa kịp đưa “đồng thuận” vào từ điển, nhưng nghị quyết nào cũng phải có nó, mới đây Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn vừa đưa nó vào ngôn từ ngoại giao với “sự đồng thuận Việt Nam - Trung Quốc”! Từ đồng thuận đang bị thách thức nghiêm trọng khi phải đối đầu với những kiến nghị (Kiến nghị dừng khai thác bauxite Tây nguyên, Kiến nghị yêu cầu Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin liên quan đến quan hệ với Trung Quốc), tuyên cáo (Tuyên cáo lên án Trung Quốc xâm lược) và các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn xâm chiếm biển đảo, đang bị công an ráo riết ngăn chặn.
Từ “đồng đảng” có lẽ cũng ra đời cùng thời với từ “đồng chí”. Thời ấy nó cũng có nghĩa rất đẹp: “Cùng trong một đảng – Chung nhau thờ một chủ nghĩa hay tín ngưỡng một học thuyết, một tôn giáo” (Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh). Hơn nửa thế kỷ sau, cuộc sống đã làm cho nó bị tha hóa thê thảm. Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học biên soạn bởi 17 nhà ngôn ngữ học, do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên, in lần thứ hai năm 1992 định nghĩa Đồng đảng: 1-d. Người cùng bọn với kẻ bất lương. Bắt được thủ phạm và đồng đảng. 2-t. Thuộc cùng một bọn với kẻ bất lương. Đồng đảng với lũ kẻ cướp” (Trang 347). Thế mới hay, con người tha hóa chẳng những tự hủy hoại nhân cách, thanh danh của mình mà còn gây họa cả cho những từ ngữ vốn có nghĩa tốt đẹp nhất!
Trừ hai từ đồng chí và đồng đảng bị biến nghĩa, may thay chữ “đồng” còn kết hợp với những chữ khác thành những từ rất đẹp như đồng tình, đồng tâm, đồng minh, đồng ý… đều vẫn đang sống lành mạnh! Tôi muốn trao cho bạn André Menras một chữ đồng còn nguyên chất. Nguyễn Du viết nhiều câu có chữ đồng rất đẹp, không chỉ cho Kim - Kiều mà có lẽ dành cho tất cả những con người dù bị vùi giập vẫn giữ được phẩm giá: “Đã nguyền hai chữ đồng tâm”; “Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”... Xin quý mến tặng André Menras –Hồ Cương Quyết chữ ‘đồng” đẹp đẽ ấy.
2
Tôi nghĩ rằng Tổ quốc và nhân dân Việt Nam rất may mắn có được Menras - Hồ Cương Quyết. Có thể anh không đồng ý câu tôi vừa nói. Nhưng tôi nhớ Tổng thống F. Kennedy đã nói với người Mỹ: “Đừng hỏi Tổ quốc có thể làm gì cho bạn; hãy hỏi bạn có thể làm gì cho Tổ quốc”. Bởi vì mỗi công dân khi thành người đã mang nợ Tổ quốc, từ nơi chôn nhau cắt rốn, cho đến manh áo miếng cơm… Anh André Menras sang Việt Nam ở tuổi 20, vậy anh không nợ đất nước này điều gì cả. Anh gia nhập hàng ngũ những người yêu nước Việt Nam chỉ vì “giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”. Tôi nhớ nhà thơ Pháp Lamartin nói đại ý: “Tổ quốc ấy là sự kế tục liên tiếp của một giống nòi, cùng có một lãnh thổ, cùng nói một ngôn ngữ, cùng chịu một pháp luật…”.
Sau này có lẽ Stalin đã dựa theo ý Lamartin mà định nghĩa về dân tộc na ná như thế, nhưng lại cho rằng thời phong kiến chưa thể hình thành dân tộc! Vậy mà ông Hoàng Xuân Nhị, một giáo sư Việt Nam vì quá mê tín Stalin, đã khẳng định dân tộc Việt Nam chỉ mới hình thành từ năm 1930, sau khi Đảng cộng sản ra đời! Ở cái thời những người cộng sản xem lãnh tụ Quốc tế 3 là trí tuệ của toàn nhân loại thì còn có thể thông cảm với ông giáo sư họ Hoàng. Còn ngày nay, trường hợp ông giáo Nguyễn Thế Sự mới thật khó thông cảm. Năm 29 tuổi, ông đã được chứng kiến 60 vạn quân Trung Quốc nhân danh quân đội cộng sản kéo sang giày xéo quê hương, bắn giết đồng bào ông. Năm 43 tuổi ông mới sang Trung Quốc học tiếng Tàu. Vậy mà bùa mê thuốc lú nào đã biến ông trở thành một tên lính xung kích về tư tưởng cho chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh?
Nhắc chuyện Nguyễn Thế Sự chẳng qua vì tôi vừa đọc bài viết của ông ta, khiến lòng quá bức bối, nhưng tôi đã kịp thấy nhắc như vậy ở bài viết này là có phần khiếm nhã đối với André Menras - Hồ Cương Quyết, người mà tôi quý trọng vì tấm lòng trong như pha lê.
Thú thật với anh André Menras - Hồ Cương Quyết, nhờ đọc anh tôi mới biết “mộ gió” ở Lý Sơn. Nhờ anh tôi mới biết “bản đồ hành chính Việt Nam còn vắng các đảo Hữu Nhật, Quang Ánh, những địa danh mang nặng nghĩa tình, vì tại đây, tổ tiên của họ trong hải đội Hoàng Sa đã hy sinh”. Nhờ anh tôi biết những người vợ goá, trẻ mồ côi của các anh hùng vô danh bám biển, giữ chủ quyền Biển Đông cho Tổ quốc chưa được một chính sách trợ giúp nào!
Mới đây tôi vừa vui mừng và khâm phục Tiến sĩ Nguyễn Quang A của chúng tôi đã có sáng kiến đề ra việc sản xuất 20 triệu áo mũ in chữ NO-U (nói không với đường lưỡi bò). Đại học Hoa Sen tổ chức cuộc thi thiết kế logo Non-U. Nếu làm được việc này, tiền lãi từ 20 triệu chiếc áo sẽ giúp cho các gia đình ngư dân nói trên đỡ khó khăn. Tôi cứ nghĩ Đảng, Chính phủ sẽ có khen thưởng xứng đáng đối với Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Đại học Hoa Sen. Không thể ngờ công việc mới khởi động đã phải ngừng lại “do có một thay đổi vào phút chót”! Ai cũng biết áp lực nào buộc phải dừng việc làm đầy ý nghĩa ấy! Ôi đau quá!
Vậy mà từ “một tiếng nói trong nhà” (có lẽ ở đây là trong trái tim nhân hậu của anh), anh đã lẳng lặng bỏ khoản tiền hưu ít ỏi để hoàn thành bộ phim tài liệu “Hoàng Sa nỗi đau Việt Nam”, viết một quyển sách và lập một Quỹ đoàn kết để giúp những người vợ goá con côi của những ngư dân bất hạnh.
Tổ quốc và nhân dân Việt Nam đau khổ bất hạnh thật may mắn được có André Menras - Hồ Cương Quyết chẳng những xoa dịu vết thương mà quan trọng hơn là tiếp sức để tiến tới!
3
Tấm ảnh anh chụp chung với các anh Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm – những anh hùng thời chống Mỹ, và một số người trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược hôm Chủ nhật 5-6-2011 ở Sài Gòn là biểu tượng Việt Nam thế kỷ 21!
Tất cả những việc làm của anh đều rất cần thiết cho Việt Nam hôm nay. Nhưng tôi cho rằng quan trọng nhất là anh đã giúp cho những đảng viên cộng sản, những chiến sĩ cách mạng nhận ra mình ngày hôm nay có còn đứng trong nhân dân hay không. Bản thân tôi từng là bộ đội thời kháng chiến chống thực dân Pháp, sau ngày 30-4-75, càng ngày tôi càng có cảm giác hình như Đảng của mình không còn được như ngày xưa, mà mãi đến năm 2009, tôi mới đặt bút viết bài cảnh báo phải “Đổi mới Đảng để tránh nguy cơ sụp đổ”. Vậy mà một số chi uỷ viên chi bộ Đảng đọc bài này đã nghi ngờ tôi đang bị bọn phản động sai khiến!
Do đó trong tình hình Việt Nam hiện nay, tiếng nói André Menras - Hồ Cương Quyết là tiếng nói vô tư nhất có giá trị cảnh tỉnh, chỉ trừ những ai trót đã ăn phải bả của Bắc Kinh.
Những ý kiến sau đây của anh là vô cùng quý giá cho Việt Nam.
– “…Tôi không thể tin rằng một Đảng có tài sáng tạo, đặc biệt thích nghi với những hoàn cảnh khó khăn chưa từng có, một Đảng mà bản chất đã biết khơi dậy những thách đố lịch sử, biết nhẫn nhục chịu đựng, nay vì những đặc quyền đặc lợi phù du mà trở thành một bộ máy hành chánh ngày càng dễ sai khiến, độc tài, thậm chí mang tính cảnh sát, một bộ máy hành chính bị cô lập, phụ thuộc lỗi thời và khiếp sợ trước những phát triển cần thiết của nền dân chủ”. “…Tôi tha thiết mong tìm lại được một Đảng mang tính hiện thực đáng tự hào, sẽ đi trước thời đại, hòa cùng nhịp bước với dân tộc”. “…Một Đảng tôn trọng báo chí và coi tự do ngôn luận, phản biện như một nhân tố của sự phát triển xã hội. Một Đảng tôn trọng và củng cố nhà nước pháp quyền như một sự bảo đảm cho tính hợp pháp của mình”.
– “Trong khi tôi lao hết mình vào cuộc chiến đấu này, tôi được biết tin gì đây? Rằng trong thời gian đó có một đặc phái viên Chính phủ Việt Nam, ông Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, sau chuyến đi thăm Trung Quốc, tuyên bố với Thông tấn xã Việt Nam rằng “Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc”. Tôi được biết ông ta tự mình làm tiếng vọng cho đòi hỏi của Trung Quốc: “Đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận của cấp cao hai nước, không có những lời nói việc làm gây phức tạp thêm tình hình, không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ hai nước”. Mà không thêm một lời bình nào hết. Nghe thấy điều này thực sự là cơn ác mộng đối với tôi. Làm sao mà một nhà chức trách cao cấp của Việt Nam lại có thể dám nói về “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” trước những phá hoại cố ý và những sự khiêu khích hạ nhục?
– “…Ai thiếu nghiêm túc một cách nghiêm trọng và chế nhạo một cách trâng tráo đối với nhân dân Việt Nam? Tại sao ông Sơn không nói lên điều ấy? Phải chăng phép ngoại giao đồng nghĩa với nhục nhã và khuất phục?”.
Anh André Menras yêu quý,
Trước mắt chúng ta vô vàn khó khăn, không phải vì quân địch mạnh mà vì nó đã luồn vào nhà chúng ta rồi! Nhưng còn có một điều an ủi và khuyến khích chúng ta là lịch sử chưa từng có một bọn bất lương, phản bội nào đắc ý được lâu. Huyệt mộ lịch sử đang trước mặt chúng!
Ngày 7-7-2011
T.V.C.

Không có nhận xét nào: