Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Lễ hội kỳ yên làng Quảng Đại

Cứ đến trung tuần tháng 6 âm lịch hằng năm, nhân dân làng Quảng Đại, xã Đại Cường (Đại Lộc) lại tổ chức lễ kỳ yên, tưởng nhớ các bậc tiền hiền “khai cơ kiến bộ” lập xóm lập làng, những người  có công với làng xã và cầu quốc thái dân an, xóm làng thịnh vượng...
alt
Đình làng Quảng Đại.Đình làng Quảng Đại.




Một sáng trung tuần tháng 6 âm lịch, trong tiếng chiêng trống và nhạc ngũ âm trầm bổng, trong bảng lảng khói hương, con cháu làng Quảng Đại tập trung về khu đình làng để dự lễ kỳ yên. Tại sân đình, các bậc cao niên, đại diện chính quyền địa phương và ban chủ sự đình làng lo sắm sửa vật phẩm, chuẩn bị chu đáo các nghi thức tế lễ. Trong bài văn tế, người dân làng Quảng Đại ngưỡng vọng sâu sắc công đức của các bậc thành hoàng, tiền hiền, hậu hiền... đã có công khai khẩn, lập xóm, lập làng. Trong lễ tế, người dân làng Quảng Đại cũng thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với cnhững người đã không tiếc máu xương để bảo vệ xóm làng, quê hương bản quán.
Ông Lê Văn Xuân, thành viên Ban chủ sự đình làng Quảng Đại, cho biết: “Kỳ yên là lễ hội truyền thống của làng Quảng Đại đã có từ hơn 500 năm trước. Mười năm trở lại đây, cùng với việc phục dựng và tôn tạo khu đình làng khang trang, xây dựng làng văn hóa, hằng năm nhân dân làng Quảng Đại tổ chức lễ hội kỳ yên nhằm giáo dục thế hệ con cháu về truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc”. Lễ hội kỳ yên của làng Quảng Đại lần này diễn ra trong không khí kỷ niệm những ngày lễ lớn và hướng đến 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nên càng thêm trang trọng.
Trải qua chiến tranh và thời gian, đình làng xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1999, dân làng Quảng Đại và những người con xa quê đóng góp công sức, chung tay xây dựng lại khu đình làng, gồm nhà đình (thờ thành hoàng và các bậc tiền hiền, hậu hiền), tượng đài Bác Hồ, đền tưởng niệm liệt sĩ, lăng Bà, phòng đọc sách, trường mẫu giáo, trụ biểu, cổng tam quan, khuôn viên cây xanh... với tổng kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng. Cùng với việc xây dựng các thiết chế văn hóa khang trang, nhân dân Quảng Đại cũng đã xây dựng thành công và được công nhận là làng văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh.
Ngoài phần tế lễ tại đình, chính quyền địa phương và nhân dân làng Quảng Đại tổ chức lễ dâng hương  tưởng niệm những dân làng đã khuất, sau đó là lễ cúng tại lăng Bà Chúa Ngọc. Ngoài ra, lễ hội còn có nhiều hoạt động hấp dẫn như tổ chức thi đấu bóng chuyền, kéo co, nhảy bao bố, biểu diễn văn nghệ... Dịp này, chính quyền địa phương và Ban chủ sự đình làng Quảng Đại còn tổ chức lễ mừng thọ các bậc cao tuổi trong làng và tuyên dương khen thưởng 122 học sinh đạt thành tích cao năm học 2009  -  2010.
Năm nào cũng vậy, cứ đến cận ngày làng tổ chức lễ hội kỳ yên là ông Lương Hạnh (sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh) thu xếp công việc về quê tham dự. Ông Hạnh rời khỏi làng từ lúc thiếu thời, bây giờ tóc đã bạc trắng nhưng chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương nguồn cội. Với tấm lòng của người con xa quê, ông có nhiều đóng góp vật chất để xây dựng thiết chế văn hóa của làng và đình làng Quảng Đại. “Mỗi năm về quê, thấy quê hương ngày càng thay da đổi thịt, cuộc sống bà con khấm khá lên, tôi mừng lắm. Là người con quê hương Quảng Đại, tôi cũng như các thế hệ con cháu xa quê luôn hướng về cội nguồn, nghĩ mình cũng phải có trách nhiệm góp sức cùng với chính quyền và bà con xây dựng làng Quảng Đại ngày càng phát triển” - ông Hạnh tâm sự.
alt
Dâng hương tưởng niệm tại đền thờ liệt sĩ làng Quảng Đại.
Ông Lê Xuân Việt, Trưởng ban Quản lý khu đình làng Quảng Đại, cho biết: Đình làng được xây dựng từ 500 năm trước, khi các bậc thủy tổ, tiền hiền của làng đến đây khai hoang, lập làng trên mũi đất bên dòng Vu Gia và Thu Bồn. Đình làng trước kia xây dựng rất quy mô về kiến trúc, chạm trổ tinh vi, có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi che mát quanh năm. Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của quê hương Đại Lộc nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung. Năm 1908, đình làng là nơi tập trung và khởi phát phong trào chống sưu thuế của chế độ thực dân phong kiến và bù nhìn tay sai, rồi nhanh chóng lan rộng khắp Quảng Nam và các tỉnh miền Trung.
Người dân làng Quảng Đại hôm nay luôn tưởng nhớ công ơn ông cha và tự hào về truyền thống anh hùng bất khuất của các thế hệ cha anh đi trước.
Hiện làng Quảng Đại có 600 hộ với hơn 2.600 nhân khẩu cùng chung sống trên mảnh đất tiếp giáp với 2 dòng sông Thu Bồn và Vu Gia, vùng đất đang từng ngày vươn lên hòa cùng sự phát triển trong vận hội mới của đất nước quê hương. Gắn với mảnh này còn có câu ca: “Gió đưa trái mít cù queo/ Có chồng Quảng Đại có nghèo cũng vui!”.
LÊ PHƯỚC LAN NHI

3 nhận xét:

Unknown nói...

Đình làng là một nơi đúng ra thì phải không mang tích chất chính trị thì tại sao la,i co chuyện đảng, bác Hồ ở đây? Chẳng lẽ đình làn Quảng Đợi chỉ danh cho người Cọng Sản thôi sao? Những ngưòi họ Lê Phước Quảng Đợi như tôi không theo Cọng Sản, khác biệt chính liến thì sao?

Đình làng thì phải đứng ngoài các chính kiến thì mới hội tụ được mọi người, mọt chính kiến chứ. Tiếc thay một ngôi đình làng nguy nag so với một làn nhỏ như Quảng Đợi mà cũng có chuyện chính trị ở đây!

tiếc lắm thay

Nguyễn Quí nói...

Bạn Châu Mậu thân mến, không phải chỉ có đình làng Quảng Đại mà tất cả các đình làng, các nhà thờ miền nam truớc 75 treo cờ vàng ba sọc đỏ và ảnh Ngô Tổng thống hay Nguyễn Tổng thống. Sáng thứ hai hàng tuần chúng mình đều phải nghiêm trang suy tôn "Ngô Tổng thống, Ngô Tổng thống muôn năm. Tòan dân Việt Nam biết ơn..." Thời nào của nấy thôi. Lịch sử mà. Còn đình làng là của nhân dân mãi mãi chứ đâu phải của riêng cộng sản hay quốc gia.

Lộc Phuớc nói...
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.