Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

Bảo vệ chủ quyền bằng tự vệ chủ động

Trần Vinh Dự


clip_image001

Hình: REUTERS

Vào cuối năm 2007, Trung Quốc thành lập một đơn vị hành chính là huyện Tam Sa để quản lý Trường Sa. Vụ việc này đã dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Việt Nam.


Trong bối cảnh đó, tôi đã viết một bài nghiên cứu dài dưới tựa đề “Xung đột Trường Sa và trạng thái hòa bình mong manh trên biển” (nghiên cứu không phổ biến). Vì các nội dung này về cơ bản vẫn có tính thời sự, xin giới thiệu lại với các bạn đọc một số phần quan trọng nhất của tài liệu này.

Đó là:
- Mối đe dọa mang tên Trung Quốc
- Được và mất của Trung Quốc khi chiếm Trường Sa của Việt Nam
- Bảo vệ chủ quyền bằng tự vệ chủ động

(Một số nội dung trong các phần giới thiệu trong lần này đã được cập nhật so với bản năm 2007)
Bảo vệ chủ quyền bằng tự vệ chủ động

Để ngăn chặn Trung Quốc không tiếp tục đi quá xa trong vấn đề Biển Đông và phải tính đi tính lại mỗi khi họ có những động thái gây hấn thì không gì tốt hơn là thi hành chiến lược tự vệ chủ động. Nội dung chính của nó là chủ động làm cho người Trung Quốc thấy trước được các phí tổn mà họ sẽ phải đương đầu khi thực hiện một quyết định khiêu khích. Vế khác của chiến lược này là tự vệ - tức là không khiêu khích họ trước. Nhưng để thực thi chiến lược tự vệ chủ động thì cần làm những gì?

A. Thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ nguyên trạng và quan điểm giải quyết tranh chấp bằng luật quốc tế: Làm cho người Trung Quốc nhận thấy mức độ phản ứng của Việt Nam nếu họ thực thi các chiến lược khiêu khích. Việc này trên thực tế có thể triển khai ở cả hai cấp độ:

(1) Chính phủ Việt Nam phản ứng cứng rắn hơn trước bất kỳ hành vi khiêu khích nào của Trung Quốc. Nguyễn An Nguyên gợi ý thêm rằng việc này có thể thực hiện thông qua các động thái như Quốc hội Việt Nam thông qua luật khẳng định phản ứng của chính quyền mỗi khi lãnh thổ bị xâm hại. Thí dụ luật có thể quy định rằng mỗi khi lãnh thổ bị xâm hại thì chính quyền sẽ ngăn cấm mọi hoạt động giao thương với nước xâm lăng.

(2) Công chúng Việt Nam tỏ rõ thái độ của họ trước các động thái của Trung Quốc. Thí dụ tổ chức các cuộc tuần hành hòa bình cả ở trong nước và nước ngoài. Các cuộc tuần hành càng thu hút được đông đảo quần chúng thì càng chuyển tải được tinh thần sẵn sàng hi sinh để bảo vệ lãnh thổ của người Việt và vì thế Trung Quốc sẽ càng phải tin về một phản ứng cứng rắn của Việt Nam nếu họ xâm lược Trường Sa.

Trong trường hợp chính phủ Việt Nam ngăn cấm người dân bày tỏ ý kiến thì hậu quả là lòng yêu nước không được bày tỏ sẽ trở thành lòng oán hận nhà nước. Điều này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng rất tiêu cực đối với uy tín của chính quyền và sẽ dễ bị những thế lực chống đối khai thác để thổi bùng lên ngọn lửa chống đối nhà nước. Một giải pháp thích hợp là cho phép tuần hành nhưng có kiểm soát và không để bùng nổ thành các vụ bạo động chống người Tàu ở Việt Nam.

B. Làm xói mòn tính chính đáng của Trung Quốc về tranh chấp trên Biển Đông trong con mắt quốc tế: Khẳng định chủ quyền của Trung Quốc không hề được đặt trên cơ sở nào vững chắc hơn so với Việt Nam. Họ cũng là bên thường xuyên sử dụng vũ lực, giết người và gây hấn trên Biển Đông. Không có lý do gì lập trường của Trung Quốc lại chính đáng hơn Việt Nam hay Philippines trong vấn đề Biển Đông, nếu không nói là kém thuyết phục hơn.

Trong thập kỷ trước, Việt Nam không thành công lắm trong việc phổ biến những sự thực này ra toàn cầu. Trên thực tế, rất nhiều tổ chức quốc tế nghiễm nhiên coi Biển Đông và các đảo trên Biển Đông là của Trung Quốc. Thậm chí tệ hại như chính bản đồ Việt Nam do Việt Nam in cũng một thời gian dài không hề có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Vài năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2011, Việt Nam đã đi đúng hướng khi đưa vấn đề Biển Đông ra quốc tế và ít nhiều thu hút được sự quan tâm lên tiếng của dư luận cũng như chính giới nước ngoài.

Để thực hiện chủ trương này, Việt Nam có thể làm làm những việc sau đây: (1) Nghiên cứu và xuất bản các bài viết về Trường Sa – Hoàng Sa trên các tạp chí nghiên cứu quốc tế. Việc này có lợi về lâu dài. Một điều đáng tiếc là các nghiên cứu của người Việt rất ít ỏi trong khi các tác giả người Trung đã có nhiều các nghiên cứu về chủ đề này. (2) Tuyên truyền qua phim ảnh, ấn phẩm văn học nghệ thuật, sản phẩm thương mại để hướng tới người nước ngoài. Hiện nay mỗi năm có tới hàng triệu khách du lịch quốc tế tới thăm, không có lý do gì không thực hiện được việc tuyên truyền này. (3) Vũ Quang Việt (2007) có gợi ý mang ra Tòa án quốc tế nhờ phân xử. Khả năng là Trung Quốc sẽ không chấp nhận để Tòa án quốc tế giải quyết, và như vậy họ sẽ tự bộc lộ trong con mắt quốc tế về thái độ không hợp tác, và ở một chừng mực nào đấy, sự thiếu tự tin về tính chính nghĩa của họ trong tranh chấp ở Biển Đông.

C. Hợp tác với các nước ASEAN có tranh chấp và cô lập Trung Quốc: Về mặt này, Việt Nam đã có những thất bại đau đớn trong những năm đầu của thập kỷ trước. Cần nhớ rằng Trung Quốc mới có mặt ở Trường Sa từ năm 1988 sau khi chiếm được một số đảo của Việt Nam (trước đó Đài Loan vẫn chiếm Đảo Ba Bình). Tuy nhiên, từ năm 2004, Philippines đã bị mua chuộc và ký kết hiệp định cùng thăm dò dầu khí với Trung Quốc ở Trường Sa, một động thái thừa nhận chính thức vị trí của Trung Quốc trong vùng quần đảo này. Việt Nam phản đối yếu ớt và cuối cùng đành phải tham gia vào tháng Ba năm 2005!

Vài năm gần đây,cùng với việc cứng rắn lên rõ ràng của Philippines thì sự hợp tác (cả chính thức và không chính thức) giữa Việt Nam, Philippines, và Malaysia là một tín hiệu rất đáng mừng.

Một điều khá tệ hại là trong trường hợp các mỏ dầu được tìm thấy ngày một nhiều và với trữ lượng lớn thì động cơ thôn tính của Trung Quốc sẽ ngày càng lớn vì vế lợi ích của phương trình tăng lên trong khi vế chi phí thì vẫn vậy. Trong trường hợp giá dầu thô thế giới ngày một tăng cao và Trung Quốc thì luôn trong tình trạng thiếu nhiên liệu để phục vụ tăng trưởng, việc tìm ra trữ lượng dầu lớn trên Trường Sa chắc chắn sẽ đẩy mạn tham vọng chiếm đóng và đơn phương kiểm soát khu vực này. Vì thế, hoạt động tìm kiếm, khai thác chung trước mắt thì có vẻ như là một việc có lợi cho các bên, về lâu dài thì nó có thể ảnh hưởng rất tiêu cực tới các nước nhỏ tham gia.

T.V.D.

Không có nhận xét nào: